Đời sống văn hóa của cư dân tại khu đô thị mới

Trước những tác động của tiến trình toàn cầu hóa, các khu đô thị mới (KĐTM) đang phát triển rất nhanh và sôi động. Đời sống văn hóa (ĐSVH) của cư dân nơi đây cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mà các nhà hoạch định chính sách và quản lý văn hóa, đặc biệt là quản lý ĐSVH đô thị phải quan tâm chú ý và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả, bền vững.

1. Thực trạng ĐSVH của cư dân tại KĐTM

ĐSVH có thể hiểu là tất cả hoạt động của con người tác động vào đời sống vật chất, tinh thần, xã hội, nhằm hướng con người vươn lên theo quy luật của cái đúng, cái tốt, cái đẹp, của chuẩn mực giá trị chân, thiện, mỹ, đào thải những biểu hiện tiêu cực. ĐSVH bao giờ cũng có tính kế thừa và tính đổi mới. Kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước, tạo ra sự ổn định và tiền đề để khẳng định những giá trị mới.

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở các KĐTM này có tiến bộ hơn trước kia, nhưng vẫn còn thiếu nhiều tiện ích cơ bản. Một số dịch vụ có chi phí quá cao hoặc thiếu thường xuyên, không đồng bộ, dẫn đến cuộc sống vẫn còn nhàm chán, buồn tẻ. Đặc biệt, nhiều KĐTM hiện nay thiếu sự quan tâm sâu sát của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt về ĐSVH. Hiện tượng khoán trắng cho chủ đầu tư chức năng quản lý xã hội và quản lý ĐSVH ở KĐTM là phổ biến. Chủ đầu tư chi phối và quyết định mọi mặt ở các KĐTM, coi đây là “lãnh địa” của họ, vì vậy, họ tự cho mình quyền lấn chiếm đất công, thay đổi đơn phương và tự ý thực hiện các hợp đồng cam kết với người dân... Một số nơi tự xây dựng nên ban quản lý tòa nhà hoặc thành lập tổ dân phố, nhưng chỉ mang tính hình thức và hiệu quả hoạt động không cao.

Ngày mới ở khu đô thị Hoàng Huy - Hải Phòng 

Ảnh: Hồng Tứ

KĐTM đã và đang hình thành ngày càng nhiều và trở thành một phần không thể thiếu ở các thành phố. Các KĐTM được xây dựng trên địa bàn nhất định nhưng tồn tại biệt lập, thiếu sự quản lý chặt chẽ và thường xuyên của các chủ thể quản lý nhà nước về ĐSVH xã hội. Trong xu thế hiện nay, việc xây dựng các KĐTM đều hướng tới môi trường có chất lượng sống tốt nhất với đầy đủ các tiện ích như: nhà ở, trường học, bệnh viện, câu lạc bộ, bể bơi, phòng tập thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi cho trẻ em, trung tâm thương mại, môi trường sinh thái xanh mát, trong lành, tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Như vậy, trong chừng mực nào đó, cư dân tự cô lập mình trong thế giới riêng, tách mình khỏi môi trường văn hóa chung. Nếu thiếu sự giám sát của công tác quản lý ĐSVH tại các KĐTM, thì Nhà nước, phường sở tại cũng khó quan tâm sâu sát tới cộng đồng cư dân ở đây.

2. Giải pháp quản lý ĐSVH trong các KĐTM

Xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa

Trước tiên, phía chủ đầu tư nên dành cho mỗi khu một phòng chức năng để cư dân sinh hoạt văn hóa, tổ chức câu lạc bộ hoặc tập thể dục thể thao. Các hoạt động này được quản lý, giám sát bởi những người có chuyên môn để hoạt động văn hóa luôn theo đúng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, không mang tính tự phát.

Quy định lại bãi đỗ xe, giải phóng diện tích sân và khoảng trống trước mỗi tòa nhà để cư dân có thể đi lại thoải mái, trẻ em có chỗ vui chơi. Xây dựng các khu vui chơi giải trí, khu mua sắm có quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho cư dân. Bên cạnh đó, cần quy hoạch điều chỉnh, dẹp bỏ các cửa hàng, chợ tự phát; tuyên truyền cho người dân; kết hợp với chính quyền địa phương xử lý, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm nhằm thiết lập trật tự cũng như xây dựng cảnh quan sạch đẹp.

Bên cạnh đó, cần làm rõ các phân khu chức năng, tiện ích, dịch vụ dành cho hoạt động cộng đồng. Trong quy hoạch tổng thể xây dựng KĐTM, cần chú ý đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa với mô hình: rạp chiếu phim, hồ bơi, câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật, khu vườn sinh thái, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cư dân.

Bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý ĐSVH cư dân tại KĐTM

Đó là các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; quản lý các hoạt động giữ gìn, phát huy, phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên; quản lý dịch vụ văn hóa của các thành phần kinh tế; quản lý các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, mô hình văn hóa (gia đình, cộng đồng dân cư, đơn vị văn hóa). Phòng Văn hóa Thông tin cấp quận, phường, phòng quản lý đô thị tại những địa bàn có KĐTM cần triển khai ngay hệ thống văn bản trên để góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý văn hóa. Bên cạnh đó, các KĐTM trên địa bàn thành phố cũng cần soạn thảo văn bản liên quan đến nội quy, quy chế hoạt động chung của mỗi tòa nhà. Cần chú trọng các biện pháp phối hợp giữa văn hóa với các ngành, đoàn thể có liên quan. Sự phối hợp liên ngành cần phải được thể chế hóa bằng những quy định của UBND thành phố. Đặc biệt, cần xác định nhiệm vụ, chủ thể quản lý văn hóa tại các KĐTM. Đồng thời đề xuất về việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các thiết chế văn hóa để công tác quản lý văn hóa hiệu quả, bền vững.

Phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý ĐSVH của cư dân ở khu đô thị

Có nhiều chủ thể quản lý văn hóa ở các KĐTM, nhưng sự phân công, phối hợp giữa các lực lượng còn chưa khoa học và thiếu tính đồng bộ. Về nguyên tắc, chức năng quản lý nhà nước về văn hóa ở địa bàn cơ sở thuộc về UBND các phường sở tại, nhưng có nhiều chung cư ở KĐTM lại không bàn giao cho phường mà vẫn thuộc quản lý của đơn vị chủ quản, chủ đầu tư (các bộ, ngành hoặc tổng công ty xây dựng...). Hơn nữa, người dân lại bầu ra một ban đại diện để quản lý và điều hành mọi hoạt động văn hóa trong khuôn viên tòa nhà hoặc liên tòa nhà. Chính vì có nhiều cấp quản lý, đơn vị quản lý, nhưng thiếu cơ sở pháp lý và thiếu sự bàn bạc, phối hợp thường xuyên của các đơn vị, cá nhân có quyền quản lý với nhau, nên nhiều việc khiếu kiện do bất đồng quyền lợi; bất hòa trong sinh hoạt…

Cần thực hành dân chủ, phối hợp quản lý để người dân phát huy hết khả năng, kịp thời phản hồi nguyện vọng đến nhà quản lý nhằm nâng cao ĐSVH và thực hiện sự ổn định, phát triển bền vững ở các KĐTM hiện nay.

Phát triển đô thị phải coi trọng bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc và danh lam thắng cảnh, phát triển đô thị theo kiến trúc hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện và nâng cao sức khỏe con người.

Bên cạnh sự quản lý của ban quản lý tòa nhà (hay phòng quản lý Công sản), cần có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về quản lý văn hóa, để các hoạt động văn hóa, tiêu chí, định hướng về văn hóa của Đảng, Nhà nước phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng các KĐTM.

Có thể nói, xu hướng biến đổi văn hóa và biến đổi lối sống văn hóa trong các KĐTM hiện nay được diễn biến theo những chiều hướng và góc độ khác nhau, có sự đan xen giữa cái tốt và cái xấu, văn minh với lạc hậu. Những cái tốt đẹp, tiến bộ được thể hiện ở không gian sống của người dân, bước đầu có quy hoạch theo hướng tôn trọng cuộc sống cá nhân, đáp ứng những nhu cầu hưởng thụ của con người sau thời gian làm việc. Không gian sinh hoạt của cá nhân, gia đình được đề cao hơn không gian văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, xu hướng đề cao cái tôi, đề cao cá nhân thái quá sẽ tạo ra thái độ vô cảm trước những vấn đề trong xã hội của một bộ phận không nhỏ người dân. Muốn có đời sống cao, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống cần phải nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về văn hóa, nhằm tác động, duy trì, định hướng cho ĐSVH ở KĐTM phát triển cân đối, hài hòa.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Dân, Con người và văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.

2. Nguyễn Hồng Hà, Nếp sống gia đình ở khu đô thị mới (Nghiên cứu trường hợp khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012.

3. Lê Thị Hương Huệ, Quản lý đời sống văn hóa các khu đô thị mới ở Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 348, 2013, tr.44 - 47.

4. Phan Đăng Long, Văn hóa lối sống đô thị Hà Nội (từ năm 1986 đến nay), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

5. Phạm Ngọc Trung, Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở khu đô thị mới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 327, 2011, tr.8-11.

6. Đinh Đức Thiện, Công tác quản lý văn hóa trong các khu đô thị ở Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 386, 2016, tr.132-134.

Tác giả: Vũ Thị Hồng Tứ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;