Chiều 23-7-2025, buổi giới thiệu phim điện ảnh “Mưa đỏ” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất đã diễn ra với sự tham gia và ủng hộ đông đảo của những khách mời đặc biệt tại Điện ảnh Quân đội nhân dân (17 Lý Nam Đế, Hà Nội).
Các diễn viên và khách mời chia sẻ cảm xúc tại sự kiện
Đây là dịp để đoàn làm phim và các diễn viên chia sẻ hành trình thực hiện dự án, những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình ghi hình tại Quảng Trị. Sự kiện cũng là cơ hội để khán giả có cái nhìn cận cảnh hơn về dàn diễn viên trẻ trung, đầy nhiệt huyết đã góp phần thổi hồn vào những nhân vật mang đậm chất sử thi giữa khói lửa chiến trường.
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã biểu dương những nỗ lực của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong việc xây dựng đề án và tổ chức sản xuất phim ba năm vừa qua; đánh giá cao chất lượng phim và thể hiện niềm tin rằng, bộ phim sẽ được nhân dân đón nhận nồng nhiệt, sẽ là một điểm sáng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và 80 năm Quốc khánh 2-9.
“Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như một bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung, là mốc son chói lọi, biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, khát vọng sống, khát vọng hiến dâng vì Tổ quốc và cả dân tộc. Ngày hôm nay Điện ảnh Quân đội tiếp tục là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai để những khúc tráng ca ấy sống dậy trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau. Mưa đỏ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một nén tâm nhang, lời tri ân sâu sắc của những người làm nghệ thuật đối với lịch sử với những người lính đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc trong 81 ngày đêm đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị”.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng bộ phim sẽ không chỉ là dấu mốc trong dòng phim chiến tranh cách mạng mà còn khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc, lý tưởng sống, tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến cho thế hệ hôm nay trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, sự quan tâm đối với lịch sử, những giá trị cội nguồn.
Tại sự kiện, ban tổ chức đã giới thiệu đến các khách mời về mô hình Sa bàn Mưa đỏ - nơi tái hiện không gian chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972 với tỉ lệ 1:72. Thông qua sa bàn, khán giả có thể hình dung rõ nét về địa hình, vị trí chiến lược, cảm nhận phần nào sự khốc liệt, khẩn trương và tính chất sống còn của mỗi trận đánh trong suốt 81 ngày đêm.
Các cựu chiến binh chia sẻ tại sự kiện
Đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ ý nghĩa và thông điệp của bộ phim và về lý do bộ phim ra đời, quá trình ghi hình khắc nghiệt nhưng đáng nhớ trong những ngày mưa gió miền Trung: “Tôi được tiếp cận với kịch bản của nhà văn Chu Lai vào khoảng thời gian 2012-2013 và tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó, tôi đã đọc một mạch không dừng lại và nước mắt không thể ngừng rơi. Một chi tiết mà tôi không cầm được nước mắt kể cả khi phim đang trong quá trình ghi hình là lúc các chiến sĩ vượt sông dưới làn pháo kích của địch, khi chới với giữa dòng, những người chiến sĩ chỉ có thể gọi “mẹ ơi, chị ơi”. Nói về bộ phim lúc này vẫn còn quá sớm nhưng ê-kíp làm phim đã không chỉ coi đây là một bộ phim mà là nén tâm nhang để tri ân những anh hùng đã ngã xuống. Khi thực hiện quay phim ở Quảng Trị, thời tiết khắc nghiệt và mưa triền miên nhưng toàn bộ ê-kíp và các cơ quan binh chủng phối hợp không hề nản chí, tất cả đều quyết tâm thực hiện bộ phim dù khó khăn gian khổ tới mấy. Hơn cả một kỷ niệm, đó là cảm xúc sẽ theo chúng tôi đi đến hết cuộc đời”.
Chia sẻ thêm về công tác sản xuất, Đại tá Kiều Thanh Thúy - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân - Giám đốc Sản xuất phim cho hay: “Bên cạnh việc phải tôn trọng kịch bản gốc vốn đã được Tổng cục Chính trị thông qua, chúng tôi còn phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử. Dù là áp lực đối với ê-kíp và nhà sản xuất, nhưng nếu cân bằng được các yếu tố đó thì bộ phim Mưa đỏ sẽ đảm bảo được tính chính luận, chạm đến trái tim khán giả. May mắn rằng, trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn nhận được sự chia sẻ, đồng hành của nhà văn Chu Lai và các bác cựu chiến binh từng tham gia trực tiếp tại trận Thành cổ Quảng Trị, luôn góp ý bổ sung cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý báu, chi tiết chân thực”.
Khoảnh khắc xúc động khi các diễn viên trẻ chia sẻ cảm nhận và cùng hát trên sân khấu
Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn cho rằng, Mưa đỏ không chỉ là dự án phim điện ảnh lớn nhất của Điện ảnh Quân đội trong 20 năm trở lại đây, mà còn là tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng được đầu tư quy mô, chỉn chu của của điện ảnh Việt Nam.
“Chúng tôi mang áp lực lớn khi phải đảm bảo phim được ra mắt vào dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, đó là khó khăn lớn nhất của tổ sản xuất. Phim bình thường hậu kỳ mất 6 tháng nhưng phim chiến tranh cần đến 1 năm, đồng thời việc xây dựng bối cảnh Thành cổ - bối cảnh lớn nhất của phim Việt Nam đến hiện tại cũng được thực hiện gấp rút trong 10 tuần, tất cả khâu sản xuất đều phải rút ngắn thời gian và tập trung để hoàn thành nhanh nhất. Vì thế chúng tôi phải sắp xếp vừa quay, vừa dựng tại hiện trường. Và vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ê-kíp và đạo diễn phải họp mỗi ngày để tìm ra phương án giải quyết. Để bộ phim hoàn thành đúng tiến độ, có lẽ các liệt sĩ Thành cổ cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Trong suốt quá trình quay phim đã có nhiều trang thiết bị, vũ khí tấn công, được huy động và sử dụng nhờ vào sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng để tăng tính chân thực cho bộ phim và tái hiện tinh thần lịch sử trọn vẹn nhất”.
Nhìn thấy Mưa đỏ từ những trang kịch bản nay đã bước lên màn ảnh rộng và sắp đến gần với khán giả đại chúng, nhà văn Chu Lai lần đầu nói về những cảm xúc đặc biệt này và lý do ông đã sáng tác tác phẩm. Các diễn viên trẻ trong phim như Đỗ Nhật Hoàng trong vai Cường. Hạ Anh trong vai cô gái lái đò tên Hồng, Steven Nguyễn - vai Quang cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của các cựu chiến binh - những nhân chứng sống từng tham dự trận chiến tại thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972: Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can; ông Nguyễn Văn Hợi - Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo; Đại tá Đào Văn Phê - Phó trưởng ban. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi đã không cầm được được mắt, xúc động kể rằng, lời thề “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn” là của Tiểu đoàn trưởng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đỗ Văn Mến đã hứa trước Đại tướng Lê Trọng Tấn tức Tư lệnh Quân đội lúc bấy giờ vào rạng sáng ngày mùng 9-7-1972 tại Quảng Trị. Xem phim, ông cảm thấy vô cùng xúc động vì sự chân thực của trận chiến được tái hiện trên phim, cảm giác như được gặp lại những đồng đội năm xưa.
Toàn cảnh sự kiện
Gửi lời nhắn nhủ đến các diễn viên trẻ, những người đã hóa thân, nhập tâm và sống trong hình ảnh người lính của chiến trường Thành cổ Quảng Trị, Đại tá Đào Văn Phê bày tỏ: “Chúng tôi may mắn được là người sống sót trở về từ chiến trường Quảng Trị nhưng đồng đội chúng tôi rất nhiều người đã ngã xuống. Là một người lính bước ra từ trận địa khốc liệt ấy, tôi muốn gửi lời khen đến ê-kíp và các diễn viên vì đã tái hiện lại khá chân thực về trận chiến năm xưa. Bộ phim đã tái hiện lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính giải phóng. Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng, đất nước có được ngày hôm nay là nhờ hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi, thậm chí còn chưa biết yêu là gì. Họ không được sống trong không khí của ngày giải phóng, không được gặp lại cha mẹ và người thân. Cảm ơn bộ phim vì đã góp phần vào việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước bằng hình ảnh sống động và chân thật”.
Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can chia sẻ: “Bộ phim đã gợi lại cho chúng tôi những kỷ niệm rất sâu sắc của đời bộ đội, bởi hình ảnh rất chân thực. Ê-kíp đã chuẩn bị bộ phim này rất công phu, cũng như lắng nghe những ý kiến đóng góp của chúng tôi dù là rất nhỏ về cuộc đời người chiến sĩ trong Thành cổ, ví dụ như về quân trang. Tôi tin rằng những câu chuyện về chiến tranh như thế này sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng thế hệ trẻ!”.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN