Đại đoàn kết - Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay

Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Và, đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết đó càng được phát huy cao độ qua hai cuộc kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc. Đoàn kết dân tộc đã hình thành và củng cố, tạo thành một truyền thống bền vững, theo thời gian đã trở thành lẽ sống của mỗi con người Việt Nam, vận mệnh mỗi cá nhân gắn chặt với vận mệnh của cộng đồng, cùng sự sống còn và phát triển của dân tộc. Đây là cơ sở của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần dũng cảm hy sinh vì dân, vì nước của mỗi con người Việt Nam, đồng thời giá trị tinh thần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và của mỗi cá nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước, làm nên truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc.

Đề cập đến chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước” (1).

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Hồ Chí Minh cho rằng “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc” (2). Bởi, đại đoàn kết dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.

Để thức tỉnh mọi người, tự nguyện tự giác tham gia đoàn kết thành một khối, theo Hồ Chí Minh, điều quan trọng hàng đầu là phải tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục. Qua đó, nội dung tuyên truyền phải đáp ứng được hai yêu cầu: Thực tiễn cách mạng đặt ra và nguyện vọng, quyền lợi cơ bản của quần chúng. Hình thức phải phong phú, đa dạng, phù hợp từng đối tượng và thực tiễn cách mạng đặt ra. Đồng thời, nội dung tuyên truyền, vận động sát hợp với từng đối tượng, từng cộng đồng xã hội. Muốn quần chúng tin theo, người cán bộ tuyên truyền phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, là tấm gương, mẫu mực từ lời nói đến việc làm, có sức lôi cuốn, thu phục quần chúng.

Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta đang ra sức đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đại đoàn kết lại càng được phát huy, rõ nét gần đây là sự chung tay, chung sức của cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19.

Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn dân chung sức chống dịch COVID-19: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”. Một lần nữa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc được người đứng đầu Đảng và Nhà nước khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các cấp, các ngành và người dân đã tăng cường phòng, chống dịch, không để dịch lan rộng. Nhiều khẩu hiệu tuyên truyền dễ nhớ, dễ thuộc, đã được người dân truyền nhau: “Ở nhà là yêu nước - yêu nước thì phải ở nhà”, “Hãy ở nhà khi Tổ quốc cần”, “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào - ai ở chỗ nào thì ngồi yên chỗ ấy”, hay “ngày xưa chống giặc thì xông pha - ngày nay chống dịch ở nhà nhớ chưa”. Trong bối cảnh đó, các cơ quan thông tấn báo chí đã đóng vai trò quan trọng, thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống COVID-19 trên mọi kênh thông tin đại chúng. Việc cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, đã giúp cho người dân nắm rõ hơn, chủ động ứng phó với dịch bệnh. Nhờ đó, đã hạn chế được những tin giả, thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, báo chí còn tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt nhằm cổ vũ, động viên công tác chống dịch.

Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí tại điểm phát gạo

phường Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội

Ảnh: Văn Chính

Trong thời gian qua, ngành Y tế đã chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát. Ngành Y tế đã huy động toàn bộ lực lượng trong ngành, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với khẩu hiệu: Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh. Cùng với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu, các chiến sĩ quân đội, công an đã và đang ngày đêm chiến đấu không biết mệt mỏi với “kẻ thù vô hình”, mang lại sự bình yên cho nhân dân cả nước. Các cán bộ cơ sở đã kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, tuyên truyền các hộ dân về công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều địa phương, các cán bộ y tế đã đến từng nhà, từng hộ gia đình để thăm khám cho những người già, người mắc bệnh mãn tính. Do đó đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, sự đồng tình cả về nhận thức và hành động của nhân dân cả nước. Mọi tầng lớp nhân dân, mỗi cá nhân, đều tự nguyện nhất trí, tự giác, gắn kết các thành viên xã hội, đưa mọi người lại gần với nhau hơn, cùng chung một chí hướng, chung tay chống dịch theo như lời dạy của Bác:

Dân ta nhớ một chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

Tất cả mọi người Việt Nam dù sống ở trong nước hay ở nước ngoài, trong tâm thức của họ đều luôn tiềm ẩn tinh thần, ý thức tự tôn dân tộc. Trong đại dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, những nghĩa cử cao đẹp đã được thể hiện mạnh mẽ, rộng khắp trên cả nước và cả những kiều bào ta ở nước ngoài.

Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người mất việc làm, không có thu nhập, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan tổ chức, các cá nhân, doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài đã có nhiều hình thức, sáng kiến cao đẹp, góp sức người, sức của, cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, từ những chiếc khẩu trang phát miễn phí, những phần quà là gói mì tôm, quả trứng, đến cây ATM gạo… Từ những việc làm thiết thực như may khẩu trang, làm mặt nạ chống dịch đến những tin nhắn ủng hộ chung tay chống dịch đã làm ấm lòng những người nghèo khó trong cơn hoạn nạn. Những việc làm đó đã mang lại hiệu ứng tích cực, có ý nghĩa to lớn cố kết cộng đồng, xóa bỏ mọi khoảng cách xã hội, đưa mọi người gần lại với nhau hơn, gắn bó nhau hơn, có trách nhiệm với xã hội hơn. Như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trong đại đoàn kết dân tộc không chỉ gói gọn trong đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà phải gắn liền với đoàn kết quốc tế. Theo lời Bác dạy: “Giúp bạn tức là tự giúp mình”. Sự đoàn kết đó được Đảng, Nhà nước ta thể hiện thông qua những chuyến hàng viện trợ vật tư y tế, lương thực thực phẩm cho nhiều nước trên thế giới và được các nước bạn đánh giá cao trong vai trò đoàn kết quốc tế chung tay chống dịch COVID-19. Thế giới nhìn nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có sách lược ứng phó đúng đắn với dịch COVID-19. Theo như Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai: “Việt Nam cho thấy sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực thi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh” (3).

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và bước sang giai đoạn mới của công tác phòng chống dịch bệnh. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Y tế” (4).

Dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và nhất là sự chung tay đoàn kết chống dịch của toàn thể nhân dân cả nước, tinh thần đoàn kết đó đã ngày càng được khẳng định, đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

3. Trang tin của Bộ Y tế về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, WHO: Việt Nam có sự lãnh đạo hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, ncov.moh.gov.vn.

4. tienphong.vn.

Tác giả: Văn Chính

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;