Thực trạng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ có những tác động to lớn đến sinh kế, văn hóa, xã hội của các cư dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để thích nghi với những biến đổi của khí hậu, đòi hỏi cư dân phải có những thay đổi trong phương thức sinh kế. Bài viết nêu lên những đặc trưng trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer ở ĐBSCL trong truyền thống và những thay đổi trong văn hóa sinh kế sinh kế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL là vùng đất được bồi đắp phù sa từ hạ lưu sông Mê Kông, có những cánh đồng lúa bạt ngàn, đất đai màu mỡ. Tuy nhiên, trong lịch sử, vùng đất này cũng đã từng trải qua những đợt thiên tai như hạn hán, ngập lụt, đất và nước nhiễm mặn, nhiễm phèn, làm ảnh hưởng nặng nề đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của con người. Hơn nữa, những thiên tai khắc nghiệt đó hiện nay đang có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trước những thay đổi của môi trường, người dân ở ĐBSCL nói chung, người Khmer nói riêng đã và đang có những thay đổi về phương thức sinh kế, chuyển từ sinh kế nước ngọt sang nước mặn, chủ động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Nếu như trước đây, họ trồng lúa và xen canh hoa màu thì giờ đây, họ chuyển sang nuôi tôm sú, tôm thẻ để thích ứng với những thay đổi của môi trường nước, môi trường đất.
Nhận diện về BĐKH của vùng ĐBSCL
Môi trường tự nhiên ở khu vực ĐBSCL phong phú, đa dạng, có đồng bằng, núi, rừng, biển, đảo, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo nên nguồn lực dồi dào về lương thực. Song, hiện nay, vùng ĐBSCL đang chịu sự tác động lớn của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản lượng nông nghiệp, an ninh lương thực và nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, vùng đất này đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Như vậy, có thể nói, ĐBSCL là cái nôi về xuất khẩu nông sản, thủy sản, đóng góp một phần khá lớn cho tỷ trọng GDP cả nước.
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2012, đến cuối TK XXI, mực nước biển có thể dâng cao thêm từ 75-100cm, có khoảng 40% diện tích trồng trọt, 70% diện tích đất trồng lúa của vùng bị ngập mặn. Các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và có thể sẽ bị ngập chìm trong nước biển như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng… Có thể nói, ĐBSCL đã, đang và sẽ là nơi chịu những tổn thất nặng nề do sự tác động của biến đổi khí hậu mang lại (1). Những biểu hiện cụ thể sẽ diễn ra như sau: nhiệt độ thay đổi thất thường hơn, có xu hướng khắc nghiệt hơn như mùa khô diễn ra dài hơn, mùa mưa thường đến trễ hơn và lượng nước lũ ngày càng cạn kiệt, nước biển dâng cao thường kèm theo sự xâm nhập mặn kéo dài.
Đứng trước những thách thức lớn do tình hình biến đổi khí hậu, các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương luôn có những chủ trương phòng chống, thích ứng với những diễn biến của khí hậu, đồng thời luôn tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị được ban hành như: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách về ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL… đã xác định, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội.
Giao thông trên chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Thanh Hà
Như vậy, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính cấp bách của vùng ĐBSCL. Vấn đề này đã có sự quan tâm sát sao, đúng mức và có những chỉ đạo kịp thời mang tính quyết liệt từ Trung ương đến địa phương hướng đến sự phát triển bền vững của vùng.
Những biến đổi về ứng xử với tự nhiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu của người Khmer ở ĐBSCL
Trong truyền thống, người Khmer đã có hệ thống tri thức dân gian trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên. Tri thức dân gian có thể thay đổi do các yếu tố bên ngoài tác động như sự xuất hiện, tham gia của khoa học kỹ thuật, sự giao lưu văn hóa của các tộc người với nhau.
Hiện nay, tác động của sự biến thiên về môi trường hay những biến đổi về mặt xã hội đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi sinh nguyên thủy của người Khmer. Trước những biến đổi đó, nếu chỉ vận dụng tri thức dân gian người Khmer khó có thể thích ứng với môi trường tự nhiên. Vì thế, để ứng xử phù hợp với môi trường đất, nước, thời tiết, động thực vật, họ nhất định phải kết hợp kiến thức dân gian với kỹ thuật hiện đại để đạt hiệu quả trong cư trú và sinh kế. Biện pháp truyền thống đó không hề biến mất mà cùng hòa quyện, đan xen với những tri thức mới trong văn hóa ứng xử của người Khmer.
Vùng ĐBSCL đang có những vấn đề mang tính cấp bách về môi trường, đó là tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Bằng những quan sát thông thường, chúng ta cũng có thể biết được các biểu hiện của biến đổi khí hậu như: hạn hán nhiều hơn vào mùa khô, ngập lụt nhiều hơn vào mùa mưa, năng suất cây trồng giảm mạnh, nhiều loại dịch bệnh sâu rầy tấn công và miễn nhiễm với các loại thuốc. Biến đổi khí hậu diễn ra còn làm cho môi trường có sự chuyển biến mạnh như nạn khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng và sạt lở bờ biển, bờ sông… Để thích ứng và đối phó với những diễn biến của thời tiết, môi trường, đòi hỏi những cư dân ĐBSCL nói chung và cư dân Khmer nói riêng, phải có kiến thức nhất định để có những ứng xử phù hợp. Những kiến thức này có thể là kinh nghiệm dân gian được kết hợp với kiến thức khoa học hiện đại.
Trong phương thức canh tác nông nghiệp, người Khmer cũng có nhiều sự thay đổi lớn. Nếu xưa kia, thường chỉ dùng phân hữu cơ thì hiện nay, họ buộc phải sử dụng phân bón hóa học để tăng năng xuất cho cây trồng. Khi phỏng vấn những hộ dân trồng rẫy ở ấp Bà Tây B, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, Trà Vinh, chúng tôi nhận thấy, họ đều sử dụng phân bón giúp cây tăng trưởng tốt và sử dụng nhiều nhất là NPK. Ngoài ra, ông Thạch Phên cho biết, ông phải kết hợp phun thuốc trừ sâu cho cây. Tuy có sự tác động mạnh từ sự thích ứng với biến đổi môi trường nhưng gia đình ông Phên vẫn vận dụng kết hợp giữa kinh nghiệm dân gian với kiến thức mới. Như vậy, vận dụng kinh nghiệm truyền thống với máy móc, kiến thức hiện đại là thật sự cần thiết.
Người Khmer ở ĐBSCL có phương thức sinh kế chính là trồng lúa nước và hoa màu. Vì vậy, cuộc sống canh tác nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào lượng nước từ tự nhiên như nước mưa và nước sông. Tuy nhiên, nguồn đất, nước ở khu vực này lại thường xuyên nhiễm mặn do sự xâm thực của nước biển. Hơn nữa, chất lượng đất vùng Nam Bộ còn bị nhiễm chua do phèn. Để đối phó với việc nhiễm phèn, nhiễm mặn, người nông dân thường đắp đập ngăn mặn để giữ hệ sinh thái nước ngọt và có thể trồng lúa quanh năm.
Có thể thấy, quá trình biến đổi khí hậu có những chuyển biến phức tạp khiến cho người dân nơi đây phải đứng trước những thách thức lớn như mùa khô diễn ra dài hơn, nắng gắt hơn; mùa mưa đến chậm hơn, lượng nước mưa ít hơn. Quan trọng hơn nhất là đặc sản của vùng đồng bằng châu thổ là nước nổi ở đây hầu như đang ngày cạn cạn kiệt. Nếu như xưa kia, bà con nơi đây chờ lũ về thau chua, rửa phèn và tích trữ phù sa đồng ruộng, tôm, cá cho mùa sau thì giờ đây, mùa lũ đến rất trễ và lượng nước rất cạn kiệt. Thậm chí người dân chờ lũ và khát khao lũ.
Những thách thức của biến đổi môi trường đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer vùng ĐBSCL. Cần tìm ra biện pháp để đảm bảo môi trường sống bền vững cho cộng đồng, trong đó, chuyển đổi phương thức sinh kế được xem như là phương cách thích nghi với sự chuyển biến của môi trường, khí hậu của địa phương. Từ phương thức canh tác lúa truyền thống người Khmer chuyển sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, chuyển từ phụ thuộc hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái nước mặn như một cách thích nghi với biến đổi môi trường sinh thái ở ĐBSCL.
Sự chuyển đổi từ hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái nước mặn, việc làm của người dân có sự chuyển đổi rõ rệt. Theo phương thức sống truyền thống, người Khmer có thể tự sản xuất lúa, trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi gia súc, gia cầm để tự túc tiêu thụ và buôn bán nhỏ quanh năm. Ngoài ra, họ còn nhờ vào hệ sinh thái nước ngọt để đánh bắt nội đồng với số lượng tương đối lớn. Ngày nay, khi chuyển đổi sinh kế, người Khmer ít phụ thuộc vào kinh tế tự cấp tự túc thay vào đó là hướng đến kinh tế thị trường. Họ thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để vừa thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo giá trị đầu ra của nông sản. Nếu như trước đây với diện tích đất trồng lúa từ 2-3 vụ/năm, giờ đây, họ trồng xen canh một vụ lúa, một vụ màu (người Khmer ở Trà Vinh) hay trồng một vụ lúa xen canh với một vụ hành (người Khmer ở Sóc Trăng). Việc trồng xen canh này phần nào giúp cho đất được cải tạo, đồng thời cũng là cách thích nghi với những tháng đất bị nhiễm mặn, cây lúa khó có thể cho năng suất tốt.
Sự chuyển đổi phương thức sinh kế này cũng đã làm cho phương cách sống của cư dân Khmer có sự thay đổi. Nước mặn không còn được coi là hiểm họa mà còn được người Khmer tận dụng trong việc nuôi tôm. Họ trữ nước mặn vào các vuông tôm để nuôi vào mùa mưa. Người Khmer đã dần quen với việc thích nghi với hệ sinh thái nước mặn. Họ mạnh dạn chuyển đổi phương thức từ trồng lúa 3 vụ/năm sang xen canh vụ lúa, vụ màu và chuyển đổi từ hệ sinh thái nước ngọt sang thích nghi với hệ sinh thái nước mặn. Họ không ngừng tìm hiểu, nâng cao kiến thức để thích nghi với những chuyển biến của môi trường.
Như vậy, việc kết hợp giữa tri thức dân gian với tri thức hiện đại hay chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng là một trong những cách thích ứng với biến đổi khí hậu của một bộ phận người Khmer ở ĐBSCL. Nếu như xưa kia, họ chỉ dựa vào những kinh nghiệm, tri thức dân gian để chăm sóc cây lúa, ngọn rau thì giờ đây, họ biết cập nhật các phương pháp chăm sóc cây trồng hiện đại. Họ mạnh dạng chuyển đổi thói quen trong canh tác nông nghiệp, không còn giữ thói quen chỉ canh tác một loại cây trồng mà có những thích nghi trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Đây là một trong những chuyển biến tích cực trong ứng xử với môi trường tự nhiên nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng cư dân ĐBSCL nói chung và của người Khmer nói riêng.
_______________
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, 24-02- 2011.
Tác giả: Lê Thúy An
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020