Tĩnh Lự thiền tự - Ngôi chùa cổ trên đất Kinh Bắc

Tĩnh Lự thiền tự thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, là một ngôi chùa cổ nằm trên núi Yên Sơn của dãy Thiên Thai. Dãy núi Thiên Thai hay còn gọi là núi Đông Cứu/ Đông Cao, gồm 9 quả núi liền kề nhau, tạo hình uốn lượn như hình con rồng, “cũng là một thắng cảnh nổi tiếng” (1), “trèo lên đỉnh núi mà ngắm nhìn quả thấy là một bầu trời tươi đẹp” (2). Ngoài ra, ngọn núi này cũng được đề cập trong nhiều tư liệu lịch sử như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt địa dư toàn biên, Thoái thực kỳ văn…

Chùa Tĩnh Lự hiện nay - Ảnh tác giả cung cấp

Tĩnh Lự thiền tự - ngôi quốc tự dưới thời Lý - Trần

Phật giáo ảnh hưởng bao trùm, sâu rộng trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của nước Đại Việt thời Lý (1009-1225). Số lượng tăng đoàn và phật tử đông đảo ở mọi giai tầng xã hội từ vua quan đến nhân dân, từ hoàng cung đến nơi thôn dã đều tin theo đạo Phật. Nhiều tăng sĩ có học vấn uyên bác được các vua nhà Lý trọng dụng. Các vị thiền sư này tham vấn trực tiếp cho nhà vua trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, tiêu biểu như thiền sư Vạn Hạnh (938-1018), Viên Chiếu (999-1090), Thông Biện (?-1134), Viên Thông (1080-1151). Đồng thời, nhiều công trình Phật giáo cũng được triều đình quan tâm đầu tư xây dựng. Những ngôi chùa này được xây dựng với quy mô lớn, không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là hành cung của nhà vua, là biểu tượng thể hiện quyền uy vương triều.

Trong cuốn Việt sử lược, cuốn sử biên niên sớm nhất của Việt Nam có ghi chép về Tĩnh Lự thiền tự, năm 1055, dưới triều vua Lý Thánh Tông “xây chùa Đông Lâm và chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu” (3). Vua Lý Thánh Tông được biết tới là người tín tâm Phật giáo, đã bảo trợ cho xây dựng nhiều công trình Phật giáo, trong đó chùa Tĩnh Lự được xây dựng sớm nhất.

Đóng vai trò là quốc tự nên ngôi chùa cũng được nhiều vị thiền sư trụ trì, tu hành và truyền giảng Phật pháp, trong đó có thiền sư Thảo Nhất và thiền sư Chân Không (1045-1100). Thiền sư Thảo Nhất là Tổ thế hệ 15 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Chúng ta chưa rõ năm sinh, năm mất của thiền sư, chỉ biết rằng, Tổ đã truyền y bát cho đệ tử là Tổ Chân Không - thế hệ thứ 16 của dòng thiền này.

Thiền sư Chân Không, thế danh là Vương Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay là làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội). Sau một lần dự pháp hội tại chùa Tĩnh Lự do thiền sư Thảo Nhất chủ giảng kinh Pháp Hoa, thoạt nhiên tỉnh ngộ, theo học tu hành. Thiền sư Chân Không ở lại trên núi nhập thất 6 năm, sự tham vấn càng ngày càng sâu, nhân đó được truyền tâm ấn. Thiền sư ở lại chùa Tĩnh Lự, không rời khỏi núi, trải qua 20 năm tiếng khen đồn khắp. Vua Lý Nhân Tông nghe được, xuống chiếu mời sư vào Đại Nội để giảng kinh Pháp Hoa, thính giả tìm đến tấp nập. Bấy giờ, thái úy Nguyễn Thường Kiệt, thứ sử Lạng Châu là tướng quốc Thân Công càng thêm kính trọng, thường bỏ của riêng ra cúng dường sư. Sư được những gì đều đem sửa chùa xây tháp và đúc hồng chung để lưu lại ở trấn (4). Là nơi trụ trì của các thiền sư được vua Lý Nhân Tông trọng vọng nên nhà vua tiếp tục đầu tư làm mới chùa Tĩnh Lự với quy mô lớn, kiến trúc nguy nga. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, năm Kỷ Hợi (1119) “Tháng 5, mở hội khánh thành chùa Tĩnh Lự” (5). Nhìn chung, dưới thời Lý, Tĩnh Lự là một ngôi quốc tự được nhà vua bảo trợ, là nơi trụ trì của các vị thiền sư; ngôi chùa này được lưu danh hai lần trong chính sử đã cho thấy tầm quan trọng của di tích này trong lịch sử Phật giáo nước ta dưới thời Lý.

Hai mảng chạm khắc trên bia chùa Tĩnh Lự

Thời Trần cũng tín tâm Phật giáo, lấy tư tưởng khoan dung độ lượng làm nền tảng trị quốc nên Tĩnh Lự thiền tự vẫn phát triển ổn định. Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh cho biết, một vị thiền sư tên là Kế Châu từng tu tại núi Đông Cứu, ngài là một trong những danh tăng của thiền phái Trúc Lâm (6).

Trùng tu “chùa xưa tích cũ” thời Lê Trung Hưng

Đến thời Lê Sơ, xã hội Đại Việt có nhiều thay đổi và biến cố, ảnh hưởng của Phật giáo không còn lớn mạnh như thời Lý - Trần, các ngôi chùa ít được triều đình quan tâm tu sửa, nên chùa Tĩnh Lự cũng bị xuống cấp, hoang tàn. Đến năm 1645, trong một chuyến kinh lược vùng Đông Bắc, cảm kích trước cảnh đìu hiu của ngôi chùa cổ danh tiếng, chúa Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng (1577-1657) khởi xướng việc kiến thiết lại chùa Tĩnh Lự. Được sự đầu tư của triều đình và sự hưởng ứng, quyên cúng của quần thần và nhân dân, công trình chùa Tĩnh Lự hoàn thành năm 1648, sau 3 năm xây dựng (7). Chúa Trịnh Tráng đã lấy chùa Tĩnh Lự là một trong những hành cung dừng chân trai giới lễ Phật, an trí tuổi già. Lúc này, chùa Tĩnh Lự có thêm một tên gọi khác là chùa Phúc Long. Đến thời chúa Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn (1633-1709), Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương (1686-1729), cung Phúc Long tiếp tục được tu sửa “Cung cũ Phúc Long: ở trên núi Thiên Thai, huyện Gia Bình, sửa lại đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719), nay vẫn còn nền cũ” (8). Sau khi sửa chữa, ngôi chùa trở thành một đại danh thắng, là nơi viếng thăm của vua chúa, quan lại “Dụ tổ [Trịnh Giang] thường đến chơi ở đấy”, Quế Đường [Lê Quý Đôn] có vịnh thơ ca ngợi [di tích này] (9).

Theo thời gian, đặc biệt là những năm tháng kháng chiến chống Pháp, từng là bốt đóng quân của lính Pháp, chùa Tĩnh Lự không còn giữ được không gian kiến trúc bề thế xưa kia, ngôi chùa nay chỉ còn tàn tích. Trong quá trình phục dựng lại “chùa xưa tích cũ”, tỳ kheo Thích Minh Đạt (10) đã phát hiện nhiều di vật chứng minh sự tồn tại của một di tích có lịch sử cách ngày nay gần một nghìn năm. Trong đó, hiện hữu ở sân chùa ngày nay là một nhà bia độc đáo “Tĩnh Lự thiền tự bi” (11), duy nhất còn thấy ở Việt Nam (12). Toàn bộ nhà bia đều làm bằng đá; mái dài 1,90m, rộng 1,18m; chân dài 1,55m, rộng 0,71m; được làm trong “Phúc Thái vạn vạn niên chi lục trọng thu tiết cốc nhật” (tức năm 1648), là nguồn tư liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử. Bài văn bia do TS Nguyễn Duy Thì (1572-1652) soạn, viết về việc trùng tu chùa. “Chùa làm theo hướng cũ, rộng và dài, to nhiều so với trước. Tiền đường có bốn cửa cao rộng, tả hữu có dãy hành lang, thềm ngoài có cột bao quanh bằng đá, giữa chùa có lồi lên kè đá. Ngoài chùa có bia đá lớn đặt trong nhà đá bốn chân cột, mái che chồng diêm tám mái, cũng bằng đá. Nội tự có tòa sen óng ánh, trong tam bảo có bức hoa sen chín tầng rực rỡ, chạm khắc tượng Đức Phật giáng lâm và 3.000 tòa đặt tượng La Hán lung linh”. Danh tiếng của chùa Tĩnh Lự lan truyền trong cả nước, quy mô tráng lệ, dáng độ uy nghiêm, dài rộng trăm gian của chùa.

Trên văn bia có ghi chép, tại đây có nhiều thắng cảnh, sau khi khánh thành thì Tĩnh Lự là một trong những đại danh thắng của vùng Đông Bắc nước Đại Việt lúc bấy giờ. Những họa tiết trên văn bia cũng mang đậm giá trị nghệ thuật, phần trang trí, chạm khắc ở trán bia đã khiến văn bia trở thành một tác phẩm điêu khắc đá tuyệt mỹ với nét chạm nổi hình mặt trời tỏa sáng hai bên, có những đám mây bay lơ lửng xung quanh - nét kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Hai bên đầu đốc của bia đá đều được trang trí đề tài theo điển tích, nét chạm to khỏe, phóng khoáng, song cũng hết sức nhẹ nhàng bay bổng.

Bức chạm đầu đốc phía Bắc là hình ảnh hai con rồng, một lớn một nhỏ, đang trong tư thế bay lượn quấn quýt nhau trong những đám mây cuồn cuộn bay. Theo chúng tôi, hình ảnh này mô tả tích “Lão Long hướng tử” (Rồng già dạy con). Phía dưới là hình ảnh một ông lão tóc dài có búi tóc, ngồi tựa cây tùng, trước ông già là ba viên quan, trong đó có một người ở tư thế quỳ, phía sau có hai người đứng chầu. Bức chạm đầu đốc phía Nam có dòng chữ “Văn Vương cầu hiền” (13), cũng miêu tả tư thế chạm rồng và một cụ già ngồi tựa cây tùng với phong thái ung dung nhàn hạ, phía trước cụ là một viên quan mặc bố tử đang trong tư thế quỳ, còn phía sau có một viên quan hầu bê một khay nước.

Bức chạm ở hồi bên phải cũng mô tả tích “Lão Long hướng tử”. Phần dưới là hình ảnh một lão ông phương phi, béo tốt, cũng ngồi tựa dưới gốc cây tùng, mình cởi trần, mặc quần dài, tóc chải mượt búi đằng sau, râu ba chỏm dài, chân đi hài, ngồi xếp chân chữ ngũ, tay phải để trước ngực, tay trái để trên đùi, phong thái ung dung nhàn hạ. Bên cạnh trái có một phụ nữ cầm quạt ngồi hầu. Bên cạnh phải có một viên quan hầu bê một khay nước. Phía trước mặt cụ già là một viên quan mặc áo bố tử, đội mũ cánh chuồn, đang trong tư thế quỳ lạy, hai tay chắp lại lồng trong ống tay áo thụng, dáng vẻ kính cẩn. Phía ngoài là một người lính đứng giữ ngựa mặt nghiêm trang, tay trái để trần và kẹp kiếm ở nách, tay phải giơ lọng. Dưới chân ngựa là những lớp đất gập ghềnh và phía sau là những lớp sóng của sông nước. Tác giả Nguyễn Hữu Thức (14) cho rằng, hai bức chạm khắc ở hai đầu đốc nhà bia liên quan đến cảnh sinh hoạt của nhà chúa Trịnh. Hình tượng lão ông là chúa Trịnh Tráng (khi hoàn thành trùng tu chùa năm 1648, chúa Trịnh Tráng 73 tuổi), xung quanh là các quan văn võ và người hầu cận.

Mặt sau của bia có ghi “Công đức tín thí”, niên đại “Tuế thứ Mậu Tý niên bát nguyệt nhị thập bát nhật”, tức ngày 28 tháng 8 năm Mậu Tý (1648), ghi lại việc những công khanh, đại thần và thiện nam, tín nữ đã có lòng góp tiền công đức cho việc trùng tu, xây sửa lại chùa. Theo nội dung văn bia, những người hưng công chùa là những quý tộc cao cấp nhất, trong đó, có Thanh Vương Trịnh Tráng, Thái Thượng Hoàng Lê Duy Kỳ, Tây Quốc Công Trịnh Tạc… có cả bà Trịnh Thị Ngọc Trúc từng gắn bó nhiều với chùa Bút Tháp, cũng được xây dựng, trùng tu lớn vào lúc này (15).

Pho tượng có ghi thụy hiệu Khai thiên thống vận Hoàng đế

Có thể thấy, tấm bia tại chùa Tĩnh Lự không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn là một tư liệu quý giá, phản ánh cảnh sinh hoạt, lối trang phục của xã hội phong kiến thời Lê - Trịnh TK XVII, vốn còn lại rất ít ỏi trong kho tàng văn hóa nước ta.

Ngoài ra, với nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm các cổ vật trong khuôn viên chùa, chúng tôi nhận thấy, trong lòng đất còn rất nhiều những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Các vật liệu xây dựng (gạch, ngói), các vật trang trí mái kiến trúc, đồ thờ tự và những đồ dùng bằng gốm sứ thuộc nhiều dòng men khác nhau từ thời Lý, Trần đến thời Lê Trung Hưng cũng được tìm thấy, xác nhận một lịch sử tồn tại lâu dài của ngôi cổ tự này. Đặc biệt, trong quá trình tái tạo chùa vào năm 2019, chúng tôi đã phát hiện một bức tượng bằng đất nung có ghi thụy hiệu của vua Lý Thái Tông (1000-1054): “Khai thiên Thống vận Hoàng đế”. Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, sự xuất hiện của pho tượng này gợi ra một giả thuyết rằng, chùa Tĩnh Lự được vua Lý Thánh Tông khởi dựng năm 1055 để tôn thờ thân phụ là vua Lý Thái Tông mất năm 1054 (16).

Thay lời kết

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chùa Tĩnh Lự trở thành “chứng nhân” phản ánh những biến cố, sự kiện theo dòng lịch sử và các nhân vật qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc. Những ghi chép của sử sách về ngôi chùa và những phát hiện khảo cổ đã minh chứng cho sự tồn tại dài lâu của ngôi chùa này. Đồng thời, chùa Tĩnh Lự đóng vai trò như một ngôi quốc tự, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh, là một trong những trung tâm Phật học có ảnh hưởng của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Từ các tư liệu thư tịch và khảo cổ học, có thể xác định niên đại khởi dựng chùa năm 1055 hoàn toàn tương ứng với dòng ghi chép trong Việt sử lược. Đến năm 1648, khi chúa Trịnh Tráng cho khắc bia trùng tu chùa, tên Tĩnh Lự thiền tự vẫn còn tồn tại. Điều này chứng minh rằng, từ thời Lý trải qua thời Trần, Lê Sơ, Mạc đến thời Lê Trung Hưng, hoạt động tu tập tại chùa vẫn luôn luôn kế nối nhau không dứt.

Nằm trên một không gian thoáng đãng, giao thoa giữa mây trời, núi non, chùa Tĩnh Lự trải qua ngàn năm tuổi, dù hiện nay chỉ còn là tàn tích, nhưng những dấu tích còn lại như nền cũ, di vật, cổ vật được phát lộ cùng nhiều di vật trong lòng đất cũng phần nào cho thấy giá trị kiến trúc nghệ thuật của chùa. Cuộc khai quật năm 2022 đã thu được nhiều di vật có khung niên đại trải dài từ thời Lý - Trần đến Nguyễn, bao gồm vật liệu và trang trí kiến trúc, đồ gốm, sành, sứ và đồ thờ tự… chứng tỏ chùa được sử dụng liên tục trong gần 800 năm từ khi xây dựng năm 1055 đến TK XIX (17).

Từ năm 2012, tỳ kheo Thích Minh Đạt lấy ngày mùng 1-11 (âm lịch) là ngày viên tịch của thiền sư Chân Không làm ngày giỗ Tổ. Từ đó, hằng năm, cứ vào ngày này, nhà chùa và phật tử lại tổ chức lễ giỗ Tổ để tưởng nhớ lịch triều Tổ đức, cùng chư tiền bối đã có công khai sơn tạo tự. Mỗi dịp lễ giỗ Tổ, thu hút đông đảo dân chúng và phật tử quanh vùng về dự, thắp hương bái phật, cũng là dịp để ôn lại tích xưa, để tưởng nhớ về cội nguồn. Đến với di tích chùa Tĩnh Lự, khách hành hương không chỉ được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa cổ xưa trải dài theo lịch sử nghìn năm, mà còn được đắm mình trong không gian tôn giáo của một ngôi chùa cổ linh thiêng, là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tâm linh tự bao đời.

_________________________

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Lao động, 2012, tr.1354.

2. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Đồng Khánh Địa dư chí, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003, tr.510.

16, 17. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Tĩnh Lự Thiền Tự (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) năm 2022, Tư liệu Tủ sách Nishimura, Hà Nội, 2022.

3. Chùa Đông Lâm (còn gọi là chùa Thiên Thai, nay thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình) nằm ở trên núi Thiên Thai, nơi được coi như đầu rồng. Chùa Tĩnh Lự được xây dựng trên đỉnh núi Yên Sơn có hình tựa trái oản, nơi khúc uốn cong của dãy núi Thiên Thai, tục gọi là bụng rồng; Trần Quốc Vượng, Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, Thừa Thiên - Huế, 2005, tr.90.

4. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb TP.HCM, 1999, tr.168; Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2021, tr.270-272.

5. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.289.

6. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2021, tr.91-92.

7, 14. Nguyễn Hữu Thức, Về chùa Tĩnh Lự trên dãy núi Thiên Thai, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (40), 2012, tr.94, 95.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, 2006, tr.135-136.

9. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, 2007, tr.127-129.

10. Đại đức Thích Minh Đạt là pháp danh của tác giả bài viết.

11. Tấm bia Tĩnh Lự thiền tự bi có ký hiệu số 04484/04485 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

12, 15. Chu Quang Trứ, Một nhà bia độc đáo ở nền chùa Tĩnh Lự (Bắc Ninh), in trong Sáng giá chùa xưa: Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2001, tr.430, 433.

13. Có một điểm đáng lưu tâm là những nét chữ khắc trên bia có nhiều chỗ không đồng nhất. Những chữ “Y Doãn canh nội sân”, “Sứ thần phó quân” bên phía trái và “Văn vương cầu hiền” bên phải của bia có lẽ là chữ khắc thêm vào giai đoạn sau năm 1648, tức là sau khi bia đã được dựng. Vì nét chữ khắc không đồng đều, có phần nguệch ngoạc do sử dụng vật sắc nhọn viết vào, chứ không phải chữ khắc đục, nét chữ không có hồn, kiểu như người mới tập viết chữ, khác với đa số các chữ có trên bia. Chúng tôi cho rằng những nét chữ này là do ai đó về sau tự ý thêm vào nhằm “cấp nghĩa” thêm cho bức chạm.

Ths NGUYỄN VIẾT HƯNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;