Tìm hướng gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp karaoke

Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những khó khăn, vướng mắc đối với công tác đảm bảo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại cơ sở kinh doanh karaoke. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh đặc biệt nhạy cảm này.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Văn hóa cơ sở 

 

Hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động karaoke, vũ trường

Ngay sau khi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Công tác tuyên truyền đã được các địa phương triển khai qua nhiều hình thức như: tập huấn, đăng tin, bài trên bản tin in, bản tin điện tử. Thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke được thực hiện và quản lý rõ ràng, cải cách đơn giản, thuận tiện, đúng quy trình, đúng thời hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh.

Thủ tục hành chính (TTHC) được công khai tại bộ phận một cửa của UBND các huyện, thành phố, Trung tâm hành chính công và trên Cổng thông tin dịch vụ công của các tỉnh. Quy trình giải quyết TTHC được thực hiện theo mức độ 4 ở cấp tỉnh và huyện.

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, hầu hết các địa phương đã tham mưu UBND các tỉnh, thành phố thành lập, củng cố, kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành, đặc biệt tại một số địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và quy chế hoạt động karaoke, vũ trường và các hoạt động văn hóa công cộng.

Trong các năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các địa phương đều dừng hoạt động đối với loại hình dịch vụ này. Bước sang năm 2022, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết các địa phương đã xây dựng phương án cho phép dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn tại một số địa phương đã xảy ra các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 319/TB-VPCP ngày 5/10/2022 của Văn phòng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, tạm đình chỉ, dừng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC và an ninh trật tự, một số địa phương 100% cơ sở kinh doanh karaoke phải tạm dừng hoạt động do không đảm an toàn về an toàn PCCC.

Vi phạm chủ yếu về đảm bảo an toàn PCCC

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy định PCCC. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 12.482 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (trong đó có 12.453 cơ sở karaoke, 29 cơ sở kinh doanh vũ trường). Theo tổng hợp thông tin từ Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ trên phạm vi toàn quốc tại 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường: đã đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động 10.482 cơ sở, số cơ sở đang hoạt động chủ yếu có quy mô 1 tầng có từ 1 đến 5 phòng hát. Về an ninh trật tự, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke xảy ra 17.101 vụ vi phạm; dịch vụ vũ trường xảy ra 51 vụ vi phạm. Đã thu hồi 2.775 Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, kết quả tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên toàn quốc cho thấy thực tế việc chấp hành các quy định về PCCC tại các cơ sở vẫn còn hạn chế, tồn tại nhiều vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn cho người sử dụng dịch vụ. Cụ thể: đã phát hiện 6.223 lỗi vi phạm về PCCC và CNCH, có 1.360 cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động, 1.310 cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động; 9.095 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm. Đến nay, còn 8.268 cơ sở còn tồn tại về PCCC khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC (chủ yếu tồn tại về giao thông dành cho chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, không đủ lối thoát nạn…

Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an nhận định: Nguyên nhân của tồn tại, vi phạm về PCCC xuất phát từ khách quan, chủ quan, cụ thể: Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến loại hình cơ sở kinh doanh karaoke (xây dựng, PCCC, điện, cấp giấy phép ANTT) có sự chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc khắc phục, đảm bảo an toàn về PCCC. Đa số các cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình, dẫn đến không đáp ứng đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC như: không đủ lối thoát nạn hoặc không bảo đảm theo quy định; sử dụng vật liệu trang trí nội thất trên đường thoát nạn, phòng hát không bảo đảm yêu cầu về khả năng chịu lửa theo quy định... Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh, người dân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; có tâm lý làm đối phó, buông lỏng trong quản lý, dẫn đến vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng.

Ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Công trình có chức năng cung cấp dịch vụ karaoke không có phân loại riêng nhưng tùy theo việc kết hợp với các chức năng khác của tòa nhà hoặc chức năng riêng, việc phân loại công trình này được xác định là công trình dân dụng (thuộc nhóm công trình thương mại; dịch vụ; tòa nhà sử dụng đa năng hoặc hỗn hợp;…). Đối với các công trình phải thực hiện cấp giấy phép xây dựng thì điều kiện để cấp giấy phép xây dựng phải “Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật… (quy định tại khoản 3, khoản 4 - Điều 91 Luật Xây dựng năm 2014). Theo đó, một trong những thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phải có là giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và các hồ sơ có liên quan khác.

Cần sớm có giải pháp tháo gỡ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, ngành VHTTDL với vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp các Bộ, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định trong triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP. Trơng thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường ở các địa phương dần đi vào nền nếp. Việc phối hợp liên ngành đã có bước tiến quan trọng, trách nhiệm và hiệu quả, có cơ chế phân cấp, phân quyền để triển khai thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trong thời gian tới cần tiếp tục có sự vào cuộc, giải pháp triển khai thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước. Cần nhận thức đầy đủ hơn về phạm vi, trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành Văn hóa đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, cũng là các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ tiếp cận, tham gia các hoạt động này. Quá trình áp dụng quy định pháp luật còn nhiều bất cập nên Cục Văn hóa cơ sở và các đơn vị trực thuộc Bộ cần có thêm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị định, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này trong thời gian tới.

 

MAI TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

;