Hòa Bình đẩy mạnh sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, trang trọng và hiệu quả - Ảnh: Đoàn Cần.

 

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 9/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ngày một nâng lên; quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan chức năng ngày càng chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng; nội dung và hình thức có sự đổi mới, phong phú hơn trước. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa được phát động rộng rãi, tác động vào ý thức tự giác, nêu cao vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng, thực hiện các tiêu chuẩn về Nếp sống văn minh, Gia đình văn hóa. Các nghi thức trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã đi vào nền nếp, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, theo quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, đảm bảo thực hành, tiết kiệm. Công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thường xuyên; kịp thời phát hiện, biểu dương những mô hình, điển hình tiên tiến; đồng thời phê phán, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước cải thiện, các hủ tục, mê tín dị đoan cơ bản được loại bỏ; bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được phát huy, góp phần xây dựng con người thời kỳ mới tiến bộ, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các đám cưới trên địa bàn tỉnh về cơ bản được tổ chức đúng quy định, đảm bảo theo Luật Hôn nhân và Gia đình; phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa. Việc tổ chức lễ cưới được quy định trong hương ước, quy ước của khu dân cư, tổ dân phố, nhân dân đồng thuận thực hiện nên có sự chuyển biến tích cực theo hướng đơn giản, tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, văn minh. Các thủ tục trong cưới hỏi đều gọn, nhẹ, giảm thiểu những lễ nghi rườm rà. Các khâu dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu,… tổ chức theo phong tục, đặc trưng riêng của từng dân tộc; không phô trương, hình thức, phù hợp với điều kiện kinh tế, có sự bàn bạc, thống nhất của hai bên gia đình; quà biếu ông bà, cô bác (chăn, khăn, gối,...) ngày một giản lược, gọn nhẹ, không cầu kỳ như trước. Nhiều nơi ngày ăn hỏi cũng là ngày cưới của gia đình nhà gái. Tại một số địa phương, hầu hết các đám cưới đã rút ngắn thời gian từ 2 ngày xuống còn 1 ngày; có sự phối hợp giữa tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ với gia đình trong việc tổ chức nghi lễ cưới theo nếp sống mới; không sử dụng thuốc lá; nhiều gia đình sử dụng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới; nhiều đám cưới được tổ chức vào các ngày nghỉ (thứ 7, Chủ nhật) hoặc việc dự tiệc cưới được mời sau giờ hành chính, tránh tình trạng sử dụng giờ hành chính để đi dự đám cưới của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc quy định không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ. Đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cô dâu, chú rể đã chú trọng đến trang phục truyền thống, thể hiện niềm tự hào, tôn vinh vẻ đẹp trang phục của dân tộc mình.

Lễ hội Carnival Hòa Bình năm 2022 - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

 

Không phải ngẫu nhiên mà nếp sống văn minh trong việc tang ở Hòa Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Các nội dung trong quy định như: thời gian tổ chức đám tang, thủ tục, nghi lễ tổ chức tang lễ,… đảm bảo thực hiện trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, tương trợ, đoàn kết cộng đồng, phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc, hoàn cảnh của gia đình và hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư. 100% các đám tang thực hiện quàn ướp, khâm liệm thi hài đảm bảo theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT, ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng. Số đám tang thực hiện hoả táng ngày càng tăng. Các tuần tiết trong và sau tang lễ (3 ngày, 10 ngày, 49 ngày, 100 ngày,…) được tổ chức trong nội bộ gia đình, không phô trương, lãng phí; nhiều nơi bỏ thời gian để tang kéo dài 3 năm, tạo điều kiện cho gia đình có người thân qua đời có thể sớm được tham gia các hoạt động tín ngưỡng, cưới hỏi,… Các thủ tục lạc hậu, rườm rà, mê tín dị đoan cơ bản bị xóa bỏ. Các đám tang đều thành lập ban tang lễ để điều hành, tổ chức; nhiều thôn, bản, khu dân cư đề ra quy định khi có người chết, các gia đình trong thôn, xóm quyên góp tiền, gạo để giúp đỡ gia chủ, thể hiện tình làng, nghĩa xóm. Trong đám tang của người Mường, người Thái, thầy Mo với lòng thành kính, thay mặt tang chủ nói lên hiếu nghĩa đối với người đã khuất, văn tế ngắn gọn, súc tích, tạo không khí trang trọng nơi tang lễ. Việc xây dựng nghĩa trang được các xã, phường, thị trấn quy hoạch đảm bảo theo quy định trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Các nghĩa trang đều thành lập Ban Quản lý hướng dẫn xây cất phần mộ đúng theo quy định của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, việc tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định tại quy chế tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước khi từ trần.

Hòa Bình còn là vùng đất nổi tiếng với nhiều lễ hội dân gian giàu bản sắc dân tộc, gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 80 lễ hội được tổ chức hằng năm với quy mô khác nhau, tập trung vào dịp đầu xuân, trong đó có nhiều lễ hội lớn đang được bảo tồn và tổ chức thường niên như: lễ hội Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy), lễ hội Khai hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc), lễ hội Xên bản, Xên mường (huyện Mai Châu), lễ hội Đền Chúa Thác Bờ (huyện Đà Bắc và huyện Cao Phong), lễ hội Mường Động (huyện Kim Bôi), lễ hội Mường Thàng (huyện Cao Phong), lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Các lễ hội được tổ chức từ cấp tỉnh, huyện, đến cấp xã đều chấp hành nghiêm túc quy chế tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; bảo đảm tính trang nghiêm, phù hợp với quy mô, giữa phần lễ và phần hội; an ninh, an toàn cho người dân và du khách tham gia lễ hội được đảm bảo. Việc tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp và theo hướng xã hội hóa ngày càng cao.

 

ĐOÀN CẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

;