Hà Nam: Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch nhanh và bền vững

Hà Nam hiện có 1 khu du lịch, 12 điểm du lịch đã được công nhận; 179 cơ sở lưu trú, trong đó có 28 khách sạn (2 khách sạn 5 sao, 8 khách sạn 3 sao) và 151 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện kinh doanh du lịch; hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.

Khu du lịch Tam Chúc trở thành điểm sáng về du lịch của Hà Nam
 

Từ năm 2009, Hà Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, duy trì hoạt động ngày càng hiệu quả trang website: dulichhanam.vn. Năm 2020, Văn phòng Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tỉnh Hà Nam được thành lập nhằm cung cấp cho khách những thông tin cần thiết về địa điểm, chương trình, sản phẩm du lịch của tỉnh, ghi nhận phản ánh của khách về tình hình phục vụ, chất lượng dịch vụ, giá cả… Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch khởi động trở lại, việc kết hợp truyền thông giữa trang thông tin điện tử và các nền tảng số, mạng xã hội ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực.

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025"; Quyết định số 172/QĐ-BVHTTDL ngày 25/1/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025; Quyết định 1516/QĐ-UBND ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2033... Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-SVHTTDL ngày 18/10/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định  hướng đến năm 2030. Trong năm 2023, Sở VHTTDL đăng ký thực hiện dự án: Phát triển thông tin quảng bá du lịch tỉnh và nâng cấp hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cũng như trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước, trong khi thực hiện chuyến đi, giúp tối ưu hóa quản lý và phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số du lịch.

Với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, Hà Nam đã và đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Hà Nam đạt 2.655.000 lượt (trong đó khách nội địa: 2.606.800 lượt, khách quốc tế: 48.200 lượt), tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch, dịch vụ ước đạt trên 2.110 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; đạt gần 70% kế hoạch năm.

Ông Mai Thành Chung - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển du lịch là yêu cầu tất yếu nhằm mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho du khách như: tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng nhu cầu tiếp cận điểm đến, phản ánh chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý… Đây là một trong những nội dung nằm trong chiến lược quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Hà Nam chất lượng, an toàn, mến khách, góp phần nâng cao mức độ trải nghiệm, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch. Thời gian qua, Hà Nam đã tăng cường triển khai các hoạt động liên kết vùng, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch trên các nền tảng truyền thông xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…), cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến khác; triển khai nâng cấp hệ thống website, trang mạng xã hội quảng bá du lịch phù hợp với xu hướng mới của thị trường; triển khai dịch vụ wifi công cộng miễn phí tại một số khu, điểm du lịch chính của tỉnh; chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước; kiểm tra giám sát hoạt động du lịch, hướng đến các thị trường mục tiêu, tiềm năng; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, quảng cáo trên ấn phẩm quảng bá du lịch Hà Nam và các trang website của ngành; thường xuyên ghi hình, chụp ảnh các hoạt động du lịch làm tư liệu phục vụ công tác quảng bá xúc tiến du lịch và thực hiện xây dựng kho thuyết minh các khu, điểm du lịch. Sắp tới, Sở VHTTDL sẽ đẩy mạnh hợp tác với các bên liên quan để thu thập và chia sẻ dữ liệu thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng thông tin tên đường, biển báo, di tích văn hóa lịch sử; đưa vào hoạt động hệ thống thông tin số, hệ thống camera giám sát, kiốt thông minh ở các khu vực đón tiếp nhằm quản lý vé, lượng khách ra vào, giúp cho ngành quản lý, khai thác tài nguyên dài hơn và chuyên nghiệp hơn”.

Hiện nay, Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) đã ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh là kênh thông tin quan trọng, tăng tính tương tác, hiệu quả tối đa để truyền thông, quảng bá, giúp du khách tìm hiểu thông tin, có thể mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện ứng dụng quản lý, đảm bảo an ninh trật tự khu du lịch bằng máy đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, giúp cho việc xác minh và cập nhật thông tin cá nhân nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian khi xử lý các hồ sơ liên quan đến công dân. Nhiều du khách phấn khởi, đánh giá cao sự tiện lợi qua việc thực hiện quét mã QR bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VneID (phần mềm tích hợp tất cả những giấy tờ cá nhân của người dân trên nền tảng kỹ thuật số, giúp hạn chế các loại giấy tờ cần mang theo, để tránh bị mất mát) khi tới chiêm bái lễ Phật, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.

Số hóa thông tin di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Cát Tường

 

Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Khu lưu niệm Cát Tường (thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục) cũng đã có điểm quét mã QR, từng bước tích hợp và ứng dụng số hóa vào quảng bá di tích. Bằng công nghệ không gian ảo VR360 trên nền tảng số hóa kết hợp các video clip, âm thanh và hình ảnh 2D, chỉ cần thao tác “Quét mã QR” đơn giản, du khách sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang thăm quan một cách thực tế và hấp dẫn mà không cần sự có mặt của thuyết minh viên.

Tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh, Đền thờ 10 cô gái Lam Hạ (phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý), di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên), di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Vĩnh Trụ (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân), di tích lịch sử văn hoá đình Thịnh Châu Hạ (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý)..., du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về di tích.

Mặc dù không ngừng nỗ lực phát triển du lịch trên nền tảng ứng dụng công nghệ song cũng phải nhìn nhận công bằng là sự tiếp cận của doanh nghiệp du lịch với nền tảng số còn yếu, do doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chủ yếu  nhỏ và vừa, vốn ít, trong khi chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới, chi phí đầu tư bước đầu cho hạ tầng công nghệ khá lớn. Hơn nữa, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách nội địa, nhu cầu khách sử dụng các dịch vụ thông minh, trực tuyến không lớn; nguồn nhân lực du lịch trong công tác chuyển đổi số chưa được đồng đều về trình độ, vẫn bị ảnh hưởng thói quen làm việc cũ, thiếu các kỹ năng mềm về ứng dụng công nghệ, xử lý tình huống. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện chuyển đổi số đôi khi còn thiếu sự gắn kết.

Để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, thời gian tới, Hà Nam xác định cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn bản như: xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cho ngành Du lịch: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh vào công tác quản lý và phát triển điểm đến, công tác thống kê, bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh; gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử.

 

HOÀNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;