Nghiên cứu tập trung vào việc nhận diện, đánh giá nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng để phát triển du lịch thông qua việc sử dụng phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD). Kết quả cho thấy, việc khai thác và phát triển du lịch dựa vào nội lực cộng đồng ở Đức Phổ đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng làm rõ tiềm năng và hiệu quả của phương pháp ABCD trong ngành Du lịch, đồng thời đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch một cách bền vững và hòa nhập với cộng đồng địa phương.
Khách du lịch tham quan đầm An Khê (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) - Ảnh: baoquangngai.vn
1. Cơ sở lý luận về ABCD
Nguồn gốc của khái niệm ABCD có thể được tìm thấy trong công trình tiên phong của Kretzmann và McKnight (1993). Nghiên cứu của họ ban đầu giới thiệu và hình thành ý tưởng ABCD, nhằm cung cấp sức mạnh cho các cộng đồng nghèo đói tại các khu đô thị tại Hoa Kỳ, trong bối cảnh đối mặt với những thách thức xã hội và kinh tế từ sự biến đổi xã hội của Mỹ trong những năm 1970 và 1980. Trong nghiên cứu này, Kretzmann và McKnight đã chuyển hướng khỏi phương pháp truyền thống tập trung vào nhu cầu, nhấn mạnh vào các vấn đề của cộng đồng và gây ra hình ảnh quá tiêu cực. Mặc dù phương pháp dựa vào nhu cầu cũng có những lợi ích, như được nhấn mạnh bởi Green và Haines (2012) đã giúp xác định các vấn đề cụ thể của cộng đồng, nhưng Kretzmann và McKnight lập luận rằng, tập trung vào nhu cầu thường khiến cư dân trở nên thụ động và chỉ là người nhận trợ giúp từ bên ngoài, thúc đẩy sự phụ thuộc. Thay vào đó, Kretzmann và McKnight đề xuất một quan điểm mới, trong đó sự phát triển nên dựa vào khả năng và tài nguyên đã tồn tại trong cộng đồng, đặc biệt là trong con người, các tổ chức và hiệp hội trong cộng đồng.
Tiếp cận ABCD là cách tiếp cận phát triển từ dưới lên (bottom-up), để thúc đẩy cộng đồng sử dụng sức mạnh và tài nguyên bản thân tiến tới sự phát triển bền vững.
Mathie và Cunningham (2003) xác định một số chủ đề nghiên cứu đóng góp cho bốn yếu tố chính của phương pháp này, bao gồm thực hành điều tra đánh giá tích cực, tài liệu về vốn xã hội, lý thuyết phát triển kinh tế cộng đồng, cuối cùng, kết nối quyền công dân, xã hội dân sự và các phương pháp tham gia vào phát triển.
Biểu đồ 1. Phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực - Nguồn: Mathie và Cunningham (2003)
Phương pháp ABCD được coi như một khung tầm nhìn đánh giá tiềm năng của sự đa dạng và giúp cho các cộng đồng bị xem nhẹ có thể xác định và phát triển những tài nguyên bẩm sinh trong họ. Theo Hipwell (2009), nó cũng thúc đẩy việc sở hữu địa phương về tài nguyên văn hóa của cộng đồng.
Phương pháp ABCD chưa xuất hiện trong bối cảnh du lịch và những nỗ lực áp dụng phương pháp này vào lĩnh vực du lịch, cả về mặt lý thuyết lẫn thực nghiệm, cho đến nay vẫn còn rất ít. Do đó, nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên để áp dụng ABCD trong bối cảnh du lịch và cụ thể hơn là ở Việt Nam. Tính chất cơ bản của phương pháp tiếp cận tài nguyên là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương, mặc dù các hoạt động từ bên ngoài không hoàn toàn bị loại bỏ.
Phương pháp ABCD được nhấn mạnh trong công trình nghiên cứu của Mathie và Cunningham (2005), đặc biệt là về tiềm năng biến đổi của nó so với các cách tiếp cận truyền thống. Nghiên cứu này tập trung vào việc huy động và duy trì phát triển kinh tế ở cấp độ cộng đồng, đồng thời thách thức những hạn chế của các mô hình phát triển dựa trên nhu cầu bằng cách ủng hộ việc chuyển đổi sang mô hình ABCD, trong đó cộng đồng đóng vai trò trung tâm và chủ động.
Mao-Ying Wu và Philip L. Pearce (2014) đã áp dụng mô hình ABCD vào lĩnh vực du lịch ở Lhasa, Tây Tạng, nghiên cứu tiềm năng giảm nghèo và thúc đẩy du lịch bền vững thông qua việc khai thác tài nguyên địa phương. Công trình này không chỉ cung cấp bằng chứng cho khả năng thực tiễn của ABCD trong du lịch mà còn đề xuất các biện pháp cụ thể để tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc phát triển du lịch, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo tồn văn hóa địa phương.
Cùng với đó, Prakash Chandra Rout và Professor S.K. Gupta (2017) đã khảo sát việc áp dụng ABCD ở vùng Jaunsar-Bawar, Uttarakhand, Ấn Độ, nhấn mạnh vào cơ hội phát triển du lịch dựa vào cộng đồng từ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng của vùng núi.
2. Kết quả nghiên cứu
Để đánh giá nội lực của cộng đồng trong phát triển du lịch tại thị xã Đức Phổ, tác giả đã tiến hành khảo sát 150 người, thu về 140 phiếu, trong đó có 100 phiếu đáp ứng đúng yêu cầu. Trong tổng số 100 phiếu, có 48 nữ giới và 52 nam giới.
Nhận diện các nguồn nội lực của cộng đồng
Từ góc phát triển bền vững, việc tìm hiểu vai trò của nguồn lực cộng đồng đóng vai trò cốt lõi trong phát triển du lịch cộng đồng. Những nguồn lực này không chỉ bao gồm tài nguyên thiên nhiên mà còn bao gồm nguồn lực xã hội, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người. Xác định và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này sẽ giúp tạo ra sự phát triển bằng cách cải thiện cuộc sống của người dân địa phương và bảo vệ các giá trị văn hóa địa phương.
Nguồn lực cá nhân
Dân cư tại thị xã Đức Phổ chủ yếu là nông dân, ngư dân và diêm dân tạo nên một cơ sở vững chắc cho sự phát triển nguồn lực và kỹ năng trong lĩnh vực du lịch. Người dân có một số kỹ năng độc đáo như: nấu ăn, làm các loại bánh truyền thống, làm muối, làm lưới đánh cá, làm mộc, đàn hát, kể chuyện, nhảy múa. Thêm vào đó, người dân ở đây còn có khả năng làm ruộng, trồng mía, lúa, củ mì, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ốc hương, tôm… tạo nên một nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Tất cả tạo ra một nguồn lực đa dạng, phong phú mà cộng đồng có thể chia sẻ và phát triển để tận dụng trong lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt, người dân nơi đây rất cởi mở, đoàn kết, sẻ chia, thân thiện và hiếu khách. Ẩm thực Đức Phổ cũng đóng vai trò quan trọng để cộng đồng địa phương tự hào và xem đây là một tài nguyên quan trọng.
Nguồn lực hiệp hội và thể chế
Hệ thống tổ chức hiện nay tại Đức Phổ không chỉ đa dạng về cơ quan chính phủ, mà còn liên kết chặt chẽ với các tổ chức xã hội và cộng đồng. Từ UBND thị xã Đức Phổ, UBND các xã và phường, đến các trường học từ mẫu giáo đến cấp 3 và các tổ chức như Chi cục thi hành án dân sự, Hội nhân dân và Liên đoàn lao động… tất cả đều tham gia tích cực vào quá trình quản lý và phát triển đồng đều của địa phương. Sự hợp tác chặt chẽ này giúp tạo nên một hệ thống mạnh mẽ, đóng góp vào việc hình thành một cộng đồng phồn thịnh và đầy năng lượng.
Nguồn lực kinh tế
Nguồn lực kinh tế còn được biết đến là giao dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng tại Đức Phổ. Sự tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông ngư nghiệp đang làm nổi bật sự đa dạng và phong phú của nền kinh tế địa phương. Sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp không chỉ là theo kịp xu hướng trong môi trường kinh tế, mà còn là những cột mốc quan trọng đánh dấu sự tiến bộ của cộng đồng này.
Nguồn lực vật chất
Đức Phổ có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa hình thức đầu tư và huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại và phù hợp. Sự phát triển các khách sạn, nhà nghỉ, homestay, chợ và nhà hàng... cho thấy sự phát triển từng bước của cơ sở hạ tầng để phục vụ cư dân địa phương và du khách. Sự tiếp cận giao thông thông qua dịch vụ xe buýt thuận tiện cũng giúp khách du lịch dễ dàng tham quan các chùa, đình dọc quốc lộ.
Nguồn lực tự nhiên
Đức Phổ có vẻ đẹp núi rừng và biển cả hoang sơ, độc đáo với nhiều địa điểm tự nhiên do thiên nhiên tạo ra như bãi biển Sa Huỳnh, bãi tắm Châu Me, Nam Phước, cửa biển Mỹ Á, suối Đá Giăng, hồ Chuối, hồ Liệt Sơn, núi Khỉ, hang Én… cũng là những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu. Di sản văn hóa tại Đức Phổ được coi như một kho báu quý giá đánh dấu bằng những di tích lịch sử, nghệ thuật truyền thống và lễ hội văn hóa như: khu di tích Đặng Thùy Trâm, văn hóa Sa Huỳnh, chợ chiều Giêng Thí, Căn cứ Tỉnh ủy tại núi Sâu Đâu, Trường Cháy… mang lại cái nhìn độc đáo về lịch sử của khu vực; lễ hội cầu ngư, lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm... là những dấu ấn lịch sử quan trọng, tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho cộng đồng.
Thực trạng tiếp cận nội lực cộng đồng để phát triển du lịch ở thị xã Đức Phổ
Khai thác nguồn lực con người
Nguồn lực con người được coi là quyết định nhất, giữ vị trí quan trọng và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển bền vững của cộng đồng. So với những nguồn lực khác, nguồn lực con người không chỉ mang tính quyết định mà còn có khả năng tự tái tạo và đóng góp liên tục nếu được quản lý và phát triển đúng cách.
Người dân thị xã Đức Phổ với những kỹ năng truyền thống không chỉ là nghệ thuật mà còn là chìa khóa mở cửa trái tim của khách du lịch. Nấu ăn, làm bánh, làm muối không chỉ là nghệ thuật ẩm thực mà còn là cách mở cánh cửa đến thế giới ẩm thực độc đáo, biến mỗi bữa ăn thành hành trình kết hợp tinh tế hương vị và đam mê truyền thống. Đàn hát, kể chuyện, nhảy múa không chỉ là cách thức thể hiện niềm vui, nỗi buồn, mà còn là những tác phẩm sống động về văn hóa độc đáo mà du khách có thể tham gia và hiểu rõ hơn về bản chất địa phương. Khả năng làm ruộng, trồng mía, lúa, củ mì, nuôi gia súc, gia cầm, ốc hương… không chỉ duy trì cuộc sống, mà còn mở ra cơ hội cho khách du lịch tham gia vào cuộc sống nông nghiệp, trở thành một phần của những trải nghiệm đầy vất vả và niềm vui.
Đặc biệt, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ và lắng nghe của cộng đồng là điểm độc đáo, tạo nên ý nghĩa cho hành trình du lịch. Khách du lịch không chỉ là những người tham gia chuyến đi mà còn là những người bạn đồng hành, chia sẻ niềm vui và đối mặt với khó khăn cùng cộng đồng. Mỗi chuyến đi trở thành một câu chuyện đậm chất con người, để lại những dấu ấn không thể phai nhòa trong trái tim mỗi người.
Khai thác nguồn lực thiên nhiên
Với diện tích tự nhiên khoảng 372,76 km2 và bờ biển dài hơn 50km, thị xã Đức Phổ không chỉ đẹp về địa chất và địa hình mà còn hội tụ một nguồn tài nguyên đặc biệt đa dạng. Thị xã này còn có nhiều hệ sinh thái rừng, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong thế giới động vật và thực vật. Với những tiềm năng hiện tại, thị xã Đức Phổ có đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch.
Khai thác nguồn lực văn hóa
Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và xây dựng tâm hồn của thị xã Đức Phổ, trở thành nguồn lực động viên cho việc phát triển du lịch với hướng đi bền vững. Những năm qua, thị xã đã chú trọng bảo tồn và thúc đẩy các giá trị văn hóa và nghệ thuật truyền thống, làm nổi bật tình cảm và tính nhân văn của cộng đồng.
Một số hoạt động văn hóa được tổ chức và duy trì như lễ hội ra quân nghề cá vào ngày mùng 3 Tết âm lịch hằng năm tại cửa biển Sa Huỳnh. Thành lập Hội bài chòi, hát hố Gò Cỏ tại Tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, là nơi giới thiệu và giữ gìn nghệ thuật truyền thống cho khách du lịch đến thăm Gò Cỏ. Tổ chức và tham gia các hội thi và hội diễn nghệ thuật hát sắc bùa, tạo nên không khí sôi động và làm mới mẻ thêm trải nghiệm văn hóa cho du khách… Thị xã Đức Phổ nổi tiếng với những món ăn đậm chất dân dã gắn liền với cuộc sống người dân như: bánh xèo, ốc hương, nhum, bánh tráng kẹp, bò hít, nước thạch bích, ram bắp, ram chả cá, gỏi cá trích, gỏi rong mứt, gỏi mít… Và một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP mà khách du lịch chọn làm quà như: muối hầm và muối tre SAHU, mắm nhum, nước mắm cá cơm Bốn Huệ, dầu phụng Phổ Nhơn, hủ tiếu Thiên Bảo, dưa lưới Phổ Nhơn…
Tri thức dân gian của người dân thị xã Đức Phổ được thể hiện qua những phong tục, câu thành ngữ và các kinh nghiệm mà ông cha đã đúc kết truyền lại cho các thế hệ sau. Ngư dân không chỉ sử dụng tri thức này để dự báo thời tiết mà còn để lựa chọn nguồn nguyên liệu tươi ngon, chất lượng để có thể chế biến ra các món ăn dân dã tươi mới phục vụ khách du lịch, giúp họ có những trải nghiệm ấn tượng và khó quên.
Nhìn chung, hiện nay, thị xã Đức Phổ chưa khai thác triệt để các nguồn lực cho phát triển du lịch. Riêng về du lịch cộng đồng, mặc dù tài nguyên của địa phương rất phong phú và đa dạng, nhưng chưa được chú trọng đến hoặc chưa được nhận diện để khai thác hiệu quả. Trong quá trình nghiên cứu thực địa, tác giả nhận thấy vai trò cộng đồng và góc nhìn của họ trong việc phát triển du lịch rất đa dạng và phức tạp.
Sự tham gia của người dân địa phương vào phát triển du lịch dựa vào nội lực ở thị xã Đức Phổ
Cuộc khảo sát tại thị xã Đức Phổ đã chỉ ra, người dân ở đây không chỉ tham gia vào các hoạt động du lịch như homestay, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng lưu niệm, tạp hóa… mà họ còn hưởng lợi từ việc tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch. Người dân không chỉ là những người cung cấp dịch vụ du lịch, mà họ còn tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác, có quyền lợi và tiếng nói trong quá trình đưa ra ý kiến và đề xuất sáng kiến để phát triển du lịch. Điều này đặt nền tảng cho một môi trường hợp tác và thúc đẩy nỗ lực cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Với điều kiện giao thông thuận lợi, sự tăng lên đột ngột của lượng khách du lịch đến thị xã Đức Phổ là minh chứng cho những thay đổi tích cực đã xảy ra. Các ngư dân ngày trước phụ thuộc chủ yếu vào nghề đánh cá và nuôi trồng thủy sản, giờ đây đã chuyển hướng sang hoạt động du lịch. Việc cung cấp hải sản không chỉ đáp ứng nhu cầu trong cộng đồng, mà còn là nguồn cung cấp cho nhà hàng, quán ăn và du khách. Nhiều gia đình có thuyền ghe cho thuê hoặc vận chuyển du khách tham quan, thực hiện các hoạt động lặn và ngắm san hô, cũng như trải nghiệm đánh cá, mực, tôm. Bên cạnh đó, ở xã Phổ Khánh có hơn 40 phụ nữ gắn bó với nghề chèo ghe đánh lưới, thì hiện nay đã tham gia làm lái đò hướng dẫn cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm ở khu vực đầm An Khê.
Đặc biệt, hoạt động kinh doanh tại gia và sự tham gia của cộng đồng chủ yếu tập trung ở làng Gò Cỏ, với 32/70 hộ dân tham gia vào hợp tác xã. Các hoạt động khác như kinh doanh du lịch, hướng dẫn du lịch và sản xuất thủ công có số lượng tham gia ít, nhưng đó là những bước đi quan trọng trong hành trình chung của cộng đồng để định hình một tương lai du lịch đầy hứa hẹn.
Thái độ của cộng đồng đối với phát triển du lịch
Mặc dù nhiều người dân đã nhận ra lợi ích kinh tế và cơ hội mới mà ngành Du lịch mang lại, đặc biệt là trong việc tạo ra nguồn thu nhập và cơ hội việc làm, nhưng vẫn có những lo ngại rõ ràng về tác động tiêu cực lên môi trường. Tuy có ý kiến trái chiều về việc phát triển du lịch, nhưng đa số cộng đồng ở thị xã Đức Phổ vẫn nhìn nhận tích cực về tiềm năng du lịch ở địa phương. Sự chuẩn bị và quản lý bài bản trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường có thể giúp du lịch phát triển một cách bền vững.
3. Giải pháp phát triển du lịch dựa vào nội lực cộng đồng tại thị xã Đức Phổ
Nâng cao nhận thức của con người về du lịch dựa vào nội lực cộng đồng
Cần phải có hành động tích cực từ cả cộng đồng và khách du lịch. Công tác tuyên truyền, vận động chính sách là chìa khóa quan trọng để người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình với môi trường xung quanh và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn.
Đối với người dân, cần triển khai các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông địa phương, tập trung vào việc kể những câu chuyện về các trải nghiệm du lịch và lợi ích của việc tham gia vào du lịch dựa vào nội lực cộng đồng. Từ đó, tạo ra phấn khởi trong ý thức cộng đồng về giá trị của việc phát triển du lịch dựa vào nội lực cộng đồng.
Thúc đẩy việc tham gia của các doanh nghiệp tại địa phương và người dân trong quảng bá và tuyên truyền, giúp họ hiểu rõ hơn về cơ hội kinh doanh và lợi ích kinh tế, thu nhập cao mà du lịch dựa vào nội lực cộng đồng có thể mang lại.
Nâng cao nguồn lực vật chất trong du lịch dựa vào nội lực cộng đồng
Cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, cửa hàng mua sắm, khu vui chơi giải trí phục vụ cho khách du lịch.
Đảm bảo khoản đầu tư tập trung và thực hiện dưới hình thức hợp lý, tránh việc phân tán các nguồn lực. Ưu tiên phát triển các dự án khác biệt chính là chìa khóa tạo nên sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Bằng cách này, nó không chỉ tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn, mà còn tạo ra cơ hội mở rộng sang các dịch vụ du lịch khác. Việc tạo ra những điểm nhấn đặc biệt này là hình ảnh tích cực của điểm đến, nâng cao giá trị của điểm đến trong tâm trí khách du lịch và khuyến khích họ trải nghiệm nhiều hoạt động ở địa phương hơn.
Bảo vệ nội lực cộng đồng
Đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý về bảo vệ môi trường được ưu tiên. Cần tập trung hướng dẫn khắc phục các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng và giải quyết các điểm bùng phát ô nhiễm môi trường. Xây dựng hệ thống xử lý rác thải tại các điểm du lịch cộng đồng là bước đột phá. Đồng thời, các hoạt động giữ gìn vệ sinh như dọn dẹp nhà cửa và khu vực xung quanh, trồng cây xanh, hoa kiểng sẽ tạo ra không gian xanh, sạch, trong lành cho du lịch cộng đồng. Ngoài ra, cần ngăn chặn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở quy mô nhỏ, dàn trải. Tập trung quy hoạch, xây dựng các khu dân cư trình diễn, tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất, nâng cao hiệu quả phát triển nguồn lực.
Quy hoạch phát triển du lịch dựa vào nội lực cộng đồng
Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các công ty du lịch, lữ hành để đảm bảo các kế hoạch phát triển du lịch dựa vào nội lực cộng đồng được tích hợp vào kế hoạch phát triển toàn diện của thị xã. Cần chú trọng vào việc phát triển những điểm du lịch dựa vào nội lực cộng đồng để thu hút du khách. Có thể phát triển các tour du lịch trải nghiệm, du lịch biển, hoặc các trải nghiệm du lịch độc đáo mà chỉ thị xã Đức Phổ mới có. Quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo chúng được thực hiện một cách hiệu quả và đạt được kết quả mong đợi.
4. Kết luận
Có thể nói, việc áp dụng phương pháp ABCD nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Qua việc đánh giá và tận dụng tiềm năng nội lực của cộng đồng, tác giả đã đề xuất cách tiếp cận để hỗ trợ trong việc thu thập dữ liệu về các nguồn lực sẵn có tại thị xã Đức Phổ. Phương pháp ABCD đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả, nhấn mạnh vào giá trị và đóng góp của cư dân trong cộng đồng, nổi bật khả năng cải thiện của phương pháp ABCD đối với việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Bằng cách tạo điều kiện cho cư dân trong cộng đồng tham gia tích cực, tác giả đã chứng minh rằng phương pháp này có thể làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của du lịch. Một phần quan trọng của nghiên cứu là việc thực hiện một cuộc khảo sát để lập bản đồ nội lực, từ đó giúp tác giả hiểu rõ hơn về quan điểm và ý kiến của cộng đồng địa phương. Phương pháp này đã phản ánh sự đa dạng và tính phổ quát của quan điểm trong cộng đồng, làm rõ khả năng tích cực của phương pháp ABCD trong thực tế. Kết quả của nghiên cứu đồng thời cũng làm rõ tiềm năng và hiệu quả của việc áp dụng phương pháp ABCD trong ngành Du lịch. Việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng không chỉ tạo ra một trải nghiệm du lịch đa dạng và phong phú cho du khách, mà còn đảm bảo sự phát triển du lịch là một quá trình có sự hòa nhập toàn diện với cộng đồng địa phương. Cuối cùng, nghiên cứu cũng góp phần vào việc mở ra hướng đi mới cho phát triển du lịch bền vững và toàn diện.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Burns, P. M., Tourism planning: A third way? (Quy hoạch du lịch: Con đường thứ ba?), Annals of Tourism Research, 2004, tr.24-43.
2. Dixey, L., Inventory and analysis of community based tourism in Zambia (Kiểm tra số liệu và phân tích du lịch dựa vào cộng đồng ở Zambia), Lusaka: Production Finance and Technology (PROFIT), Private Sector Development Programme, USAID, 2005.
3. Esteban, R.-B., Social-ecological resilience and community-based tourism: An approach from Agua Blanca, Ecuador (Khả năng phục hồi thái độ xã hội và du lịch dựa vào cộng đồng: Cách tiếp cận từ Agua Blanca, Ecuador), Tourism Management, 2011, tr.655-666.
4. Green, GP & Haines, A., Asset building and community development (Xây dựng nội lực và phát triển cộng đồng), SAGE Publications, 2012.
5. Hipwell, W. T., An asset based approach to indigenous development in Taiwan (Một cách tiếp cận dựa vào nội lực để phát triển bản địa ở Đài Loan), Asia Pacific Viewpoint, 2009, tr.289-306.
6. Kretzmann và McKnight, Building communities from the inside out (Xây dựng cộng đồng từ bên trong ra bên ngoài), Chicago ACTA Publications, 1993.
7. Mathie và Cunningham, From clients to citizens: Asset-based community development as a strategy for community-driven development (Từ khách hàng đến người dân: Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực như một chiến lược phát triển do cộng đồng thúc đẩy), Development in Practice, 2003, tr.474-486.
8. Mathie và Cunningham, Who is driving development? Reflections on the transformative potential of asset-based community development (Ai đang thúc đẩy sự phát triển? Suy ngẫm về tiềm năng biến đổi của phát triển cộng đồng dựa vào nội lực), Canadian Journal of Development Studies/Revue canadienne d’études du développement, 2005, tr.175-186.
9. Mayaka, M, Croy, WG & Cox, JW., A dimensional approach to community-based tourism: Recognising and differentiating form and context (Một cách tiếp cận đa chiều đối với du lịch dựa vào cộng đồng: Nhận biết và phân tích hình thức và bối cảnh), Annals of Tourism Research, 2019, tr.177-90.
10. Mitchell, R. E., & Reid, D. G., Community integration: Island tourism in Peru (Hội nhập cộng đồng: Du lịch đảo ở Peru), Annals of Tourism Research, 2001, tr.113-139.
11. Rout, P. C., & Gupta, S. K., Asset based community development in mountain environs: a strategic application for sustainable community based tourism development in the Jaunsar-Bawar region of Uttarakhand, India (Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực trong môi trường núi: Ứng dụng chiến lược cho phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng ở khu vực Jaunsar-Bawar của Uttarakhand, Ấn Độ), 2017, tr.1-11.
12. Salazar, N. B., Community-based cultural tourism: Issues, threats and opportunities (Du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng: Vấn đề, mối đe hội và cơ hội), Journal of sustainable tourism, 2012.
13. Simpson, M. C., Community Benefit Tourism Initiatives - A conceptual oxymoron? (Sáng kiến du lịch vì lợi ích cộng đồng - Một khái niệm về oxymoron?), Tourism Management, 2008, tr.1-18.
14. Tosun, C., Host pereceptions of impacts: A comparative Tourism Study (Nhận thức của nhóm người về các tác động: một nghiên cứu so sánh về du lịch), Annals of Tourism Research, 2000, tr.231-253.
15. Wu, M. Y., & Pearce, P. L., Asset-based community development as applied to tourism in Tibet (Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực áp dụng cho du lịch ở Tây Tạng), Tourism Geographies, 2014, tr.438-456.
TS QUẢNG ĐẠI TUYÊN - Ths BÙI KHÁNH TIÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024