Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Tày, xã Thượng Lâm (Tuyên Quang) trong phát triển du lịch cộng đồng

Sôi nổi Lễ hội lồng tông, Ngày hội văn hoá các dân tộc xã Thượng Lâm năm 2024 (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) - Ảnh: lambinh.tuyenquang.gov.vn

1. Mở đầu

Xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, có 98% là dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Tày chiếm 75% dân số toàn xã. Dân tộc Tày ở xã Thượng Lâm mang những nét đặc trưng chung của người Tày Tuyên Quang nói riêng cũng như của người Tày Việt Nam nói chung. Với những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo chứa đựng tính nhân văn cao cả hấp dẫn du khách đến khám phá và tìm hiểu văn hóa nơi đây. Tuy nhiên, một bộ phận lớp trẻ là người Tày đã dần mất đi tiếng nói mẹ đẻ, ngại mặc trang phục truyền thống, không còn thích hát những bài hát, điệu nhảy, điệu múa, âm nhạc truyền thống của dân tộc mình, do sự tiếp thu văn hóa mới, nhưng thiếu chọn lọc nên dẫn đến ảnh hưởng không tốt tới văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cũng làm mất dần các nếp nhà sàn truyền thống thay vào đó là các ngôi nhà bê tông hóa... Chính vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày để đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là hết sức cần thiết.

2. Thực trạng văn hóa truyền thống của dân tộc Tày tại xã Thượng Lâm

Văn hóa phi vật thể

Dân tộc Tày ở xã Thượng Lâm có tín ngưỡng tương tự như người Tày ở các địa phương khác. Họ thờ cúng tổ tiên, có tín ngưỡng đa thần và chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Trong một năm, người Tày xã Thượng Lâm có khá nhiều ngày Tết. Ngoài những lễ Tết chung của nhiều dân tộc khác như Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Tết Đoan ngọ thì người Tày ở xã Thượng Lâm còn có thêm Tết Đắp nọi (tháng thiếu), Tết Thanh minh (mồng 3 tháng 3) tảo mộ và Tết Rằm tháng Bảy. Phong tục tập quán của dân tộc Tày xã Thượng Lâm đã có chút thay đổi theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi các dân tộc sinh sống lân cận.

Ngoài hoạt động lao động sản xuất, đồng bào Tày còn tổ chức hoạt động văn hóa tinh thần như các lễ hội, hoạt động nghệ thuật hay các trò chơi dân gian. Trong đó, lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) là lễ hội lớn nhất cũng như đặc sắc nhất của đồng bào Tày tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.

Kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Tày có loại hình ca dao, tục ngữ, câu đố, nghệ thuật múa dân gian, múa sạp, múa còn, múa làm đồng, múa mẹt, múa bát phản ánh tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Người Tày nổi tiếng với những bài lượn, then được hát trong các cuộc vui, lễ hội, đám cưới hỏi, chúc thọ, mừng tân gia, cầu mùa và hát giao duyên trong các lễ hội, chợ phiên.

Tuy nhiên, văn hóa phi vật thể của người Tày nơi đây do sự tiếp thu văn hóa mới, đặc biệt là một bộ phận lớp trẻ đã mai một đi những giá trị văn hóa truyền thống, không còn thích hát những bài hát, điệu nhảy, điệu múa, âm nhạc truyền thống của dân tộc mình, thích tiếp thu văn hóa mới, điều này ảnh hưởng rất lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của người dân tộc Tày nơi đây, khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng.

Văn hóa vật thể

Đặc trưng nhà ở của người Tày là ngôi nhà sàn truyền thống, có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột, thường có kiểu nhà phổ biến 3 gian 2 trái, làm 4 mái được lợp cỏ tranh hoặc lá cọ, đối với những gia đình chung sống nhiều thế hệ thì số lượng gian sẽ tăng lên có thể là 5 gian 2 trái. Nhà sàn của người Tày xã Thượng Lâm hiện nay đã xuống cấp, vệ sinh chưa được đảm bảo, có nhà được sửa sang thì chắp vá bằng bê tông, có nhà hoàn toàn là bê tông, mất đi nét truyền thống.

Văn hóa ẩm thực của dân tộc Tày đa dạng và phong phú của vùng đất và cuộc sống của họ. Điều kiện tự nhiên của xã Thượng Lâm phần nào ảnh hưởng đến thực phẩm của dân tộc Tày. Họ thường sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như gạo, ngô, sắn và các loại thực phẩm từ núi rừng là các loại rau, củ, quả như rau hôi, rau dạ, củ từ, măng... ngoài ra, họ còn sử dụng nguồn thức ăn từ sông, suối, ao, hồ như các loại cá, tôm tép, cua, ốc... Tuy nhiên, cách bài trí món ăn chưa được đẹp mắt, hấp dẫn du khách.

Trang phục chủ yếu của người Tày thường sử dụng vải chàm đen và không trang trí hoa văn. Trang phục của nam đơn giản hơn so với nữ, gồm có áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân và quần, mũ đội đầu, giày vải. Trang phục của nữ phức tạp và có nhiều phụ kiện hơn với áo ngắn 4 thân, áo dài 5 thân, quần, váy, thắt lưng, khăn vấn tóc và khăn vuông đội trên đầu, sử dụng trang sức gồm nhiều loại như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xà tích đều được làm bằng bạc. Trong sinh hoạt hằng ngày, người Tày nơi đây thường mặc trang phục hiện đại, ít mặc trang phục truyền thống nhất là giới trẻ. Việc mai một văn hóa cũng đã làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch.

3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Tày trong phát triển du lịch cộng đồng

Giải pháp về quản lý

Việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý từ trung ương đến địa phương, chú trọng công tác quản lý tại địa phương giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, tăng cường sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch bền vững. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:

Thiết lập một ủy ban hoặc tổ chức quản lý du lịch cộng đồng, việc này giúp tập trung quản lý các hoạt động du lịch và đảm bảo sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình ra quyết định.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quản lý văn hóa, du lịch địa phương là công tác quan trọng để đảm bảo có đủ kỹ năng và kiến thức trong việc quản lý du lịch cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, sẽ giúp định hình hướng đi và mục tiêu của các hoạt động du lịch, đồng thời đảm bảo rằng các hoạt động này được thực hiện một cách bền vững và có lợi ích cho cả cộng đồng địa phương và du khách.

Tạo ra các kênh giao tiếp và tương tác với cộng đồng địa phương để đảm bảo sự tham gia và ủng hộ từ phía cộng đồng trong quá trình quản lý du lịch cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và ra quyết định các vấn đề có liên quan đến cộng đồng địa phương.

Đánh giá và giám sát các hoạt động du lịch cộng đồng là cần thiết để đảm bảo rằng chúng đang được thực hiện theo các tiêu chuẩn và quy định, đồng thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh kịp thời.

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức chuyên môn và kỹ năng cho nguồn nhân lực du lịch. Các khóa đào tạo này có thể được tổ chức bởi các tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch cộng đồng tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Tổ chức các hoạt động tư vấn nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp để giúp người dân địa phương hiểu rõ về các cơ hội và thách thức trong ngành Du lịch cộng đồng, từ đó chọn lựa nghề nghiệp phù hợp và phát triển sự nghiệp…

Giải pháp về liên kết đầu tư, liên kết phát triển du lịch

Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài để tham gia vào các dự án du lịch thông qua các chính sách khuyến khích và các gói kích thích đầu tư.

Cải thiện hạ tầng giao thông, điện lực và dịch vụ khác cần thiết để thu hút và phục vụ khách du lịch tại địa phương.

Khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững, phản ánh văn hóa và di sản địa phương.

Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và tư nhân trong việc quảng bá và tiếp thị du lịch, cũng như trong việc phát triển các gói tour và chương trình du lịch.

Giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng riêng và hiệu quả thông qua các chiến lược tiếp thị đa kênh như truyền thông xã hội, quảng cáo trực tuyến, sự kiện truyền thông và hợp tác với các đối tác trong ngành Du lịch. Tạo ra các sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo và phong phú, bao gồm các tour trải nghiệm văn hóa, homestay, ẩm thực địa phương và các hoạt động du lịch sinh thái, leo núi, và thăm làng dân tộc. Hợp tác với các đối tác du lịch khác như các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng và các đối tác du lịch địa phương để tạo ra các gói tour và chương trình quảng cáo chung. Thúc đẩy xúc tiến du lịch cộng đồng trong nước và quốc tế thông qua các chiến lược quảng bá và tiếp thị trực tuyến, tổ chức các triển lãm quốc tế và tạo ra các gói tour hấp dẫn cho khách du lịch quốc tế.

Khuyến khích và nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày trong phát triển du lịch cộng đồng

Cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, vậy cần đưa ra các biện pháp để khuyến khích, nâng cao vai trò của cộng đồng, như sau:

Tổ chức các buổi họp mặt, hội thảo và các cuộc thảo luận để tạo cơ hội cho cộng đồng thảo luận và đóng góp ý kiến về các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống.

Xây dựng mô hình cộng đồng hợp tác, trong đó cả cộng đồng tham gia vào việc quản lý và vận hành các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Những mô hình này có thể bao gồm các tổ chức cộng đồng, hội đoàn và các nhóm tự quản lý.

Xây dựng các câu lạc bộ nghệ thuật: tổ chức các buổi học và thảo luận về văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, từ đó giúp tăng cường ý thức và hiểu biết của cộng đồng về di sản văn hóa của mình. Các câu lạc bộ cần tổ chức các khóa học về nghệ thuật truyền thống của dân tộc Tày như hát, múa, các trò chơi dân gian để bảo tồn và phát triển các nghệ thuật này. Tổ chức các buổi biểu diễn, hội thảo và sự kiện nghệ thuật như hát then, hát lượn, hát cọi, múa sạp, múa còn... và triển lãm để giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.

Khôi phục làng nghề truyền thống: cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn về các làng nghề truyền thống của dân tộc Tày, bao gồm các kỹ thuật sản xuất truyền thống, nguyên liệu, công cụ và thiết bị. Ghi chép và tài liệu hóa kiến thức, kỹ năng của các thế hệ trước để không bị mất đi vốn kiến thức quý giá này. Sau đó, hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng địa phương trong việc khôi phục và tái tạo các làng nghề truyền thống. Điều này sẽ bao gồm việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhà xưởng sản xuất và trung tâm đào tạo cho các làng nghề truyền thống. Cung cấp cơ hội cho các thế hệ trẻ và người trẻ tuổi học hỏi và thực hành các kỹ năng dệt thổ cẩm, thêu, đan lát... Xây dựng thị trường và tiếp thị cho các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống. Từ đó, tạo ra các kênh phân phối và tiếp thị để tăng cơ hội tiêu thụ cho các sản phẩm làm thủ công và truyền thống của các làng nghề.

Xây dựng cộng đồng truyền thông: tạo ra các nội dung truyền thống phong phú về văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, bao gồm câu chuyện, truyền thuyết, lễ hội, nghệ thuật và ẩm thực. Cung cấp thông tin sâu sắc và đa chiều về di sản văn hóa của dân tộc Tày để tạo sự quan tâm và hiểu biết từ cộng đồng. Xây dựng các nền tảng truyền thông như trang web, fanpage, mạng xã hội và ứng dụng di động để cung cấp một không gian cho cộng đồng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và ý kiến về văn hóa truyền thống của họ. Tổ chức sự kiện truyền thông và hoạt động giao lưu như hội thảo, triển lãm, buổi biểu diễn và cuộc thi để tạo ra cơ hội cho cộng đồng giao lưu, chia sẻ và trải nghiệm văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.

4. Kết luận

Dân tộc Tày là dân tộc thiểu số dân đông nhất tại khu vực xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Việc phát triển du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa truyền thống dân tộc Tày không chỉ giúp thu hút khách du lịch, tạo thu nhập cho cộng đồng mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của họ. Điều này đã giúp cộng đồng duy trì và phát triển văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong các thế hệ trẻ. Ngoài ra, việc tạo ra thu nhập từ ngành Du lịch cũng có thể giúp cộng đồng cải thiện cuộc sống, đầu tư vào các dự án hạ tầng và giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Bộ VHTTDL, Quyết định 3880/QÐ-BVHTTDL ngày 16-12-2020 về xây dựng chuyên đề phát thanh tuyên truyền về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

3. Bộ VHTTDL, Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 3-3-2022 về hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

4. HĐND tỉnh Tuyên Quang, Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20-12-2021 về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

TS HÀ THUÝ MAI - NGUYỄN THỊ THU TRÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;