Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững tại làng Nôm (Hưng Yên)

Chùa Nôm (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đón lượng lớn khách tham quan những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 - Ảnh: hungyen.dcs.vn

Trong những năm gần đây, phát triển du lịch nông thôn đã trở nên phổ biến ở trên thế giới và Việt Nam. Du lịch nông thôn được xem như giải pháp hữu hiệu đảm bảo, cân bằng lợi ích cho người dân địa phương, chính quyền và các đơn vị tư nhân. Làng Nôm (Hưng Yên) là một ngôi làng cổ được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL (ngày 17-1-2020) của Bộ VHTTDL. Làng Nôm còn giữ được nhiều giá trị truyền thống của một ngôi làng cổ xứ Kinh Bắc, với đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch nông thôn. Như nhiều ngôi làng cổ khác, làng Nôm đang đứng trước thách thức của công nghiệp hóa - hiện đại hóa mạnh mẽ hiện nay. Bài viết nghiên cứu về phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững và đưa các nghiên cứu vào thực tiễn ở nơi đây thực sự cần thiết.

1. Du lịch nông thôn

Hai tác giả Fariborz Aref và Sarjit S Gill cho rằng có nhiều thuật ngữ được sử dụng để mô tả du lịch ở các vùng nông thôn, bao gồm du lịch nông trại, du lịch nông nghiệp, du lịch giá mềm và thậm chí là du lịch sinh thái (1).

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), du lịch nông thôn được định nghĩa là du lịch diễn ra ở nông thôn. Du lịch nông thôn phải đảm bảo được các yếu tố như điểm đến là vùng nông thôn; xây dựng dựa trên các đặc trưng của vùng nông thôn về tự nhiên, di sản, xã hội truyền thống, tập quán truyền thống; quy mô nhỏ; duy trì được tính truyền thống và kết nối với các gia đình địa phương; phát triển bền vững và duy trì được các tính nông thôn đặc trưng; có nhiều hình thức du lịch khác nhau thể hiện sự phức tạp của môi trường, kinh tế và lịch sử vùng nông thôn đó.

Như vậy, du lịch nông thôn có thể được hiểu là loại hình du lịch mà du khách từ nhiều nơi đến với một vùng nông thôn để nghỉ dưỡng hoặc trải nghiệm lối sống, văn hóa của cộng đồng nông thôn đó, tạo ra những lợi ích về kinh tế, xã hội cho địa phương.

Cẩm nang thực tiễn phát triển nông thôn 2013 có đưa ra các loại hình của du lịch nông thôn như sau:

Bảng 1: Các loại hình du lịch nông thôn

Tác giả Bùi Thị Lan Hương cho rằng: “Phát triển du lịch nông thôn là phát triển theo hướng mở rộng và khai thác các mối liên kết giữa các loại hình du lịch ở địa phương nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tổ chức làm du lịch và lợi ích của cộng đồng địa phương. Có sự tham gia của cộng đồng và quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương nhằm góp phần phát triển nông thôn của địa phương theo hướng bền vững” (2).

Theo chúng tôi, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững là sự phát triển du lịch nông thôn đồng đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch nông thôn, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Du lịch là một ngành kinh tế mang tính chất liên ngành, liên vùng. Hoạt động du lịch mang tính chất tổng hợp và xã hội hóa cao. Trong quá trình cung cấp dịch vụ cho du khách, du lịch nông thôn giúp tạo việc làm cho người dân nông thôn với các công việc cụ thể như: hướng dẫn viên bản địa, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển. Hoạt động du lịch tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho những người trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch và cả những người chỉ tham gia gián tiếp thông qua việc phát triển các hoạt động kinh doanh liên quan chặt chẽ tới hoạt động du lịch như cung cấp thực phẩm cho các đơn vị kinh doanh đồ ăn phục vụ khách du lịch, đơn vị vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu cho các cửa hàng kinh doanh và sản xuất đồ lưu niệm…

Hoạt động du lịch tại vùng nông thôn hay bất cứ một địa phương nào phát triển, trong quá trình thực hiện hoạt động du lịch, đều giúp người dân địa phương có thêm nhiều cơ hội tìm tòi, hiểu hơn về các giá trị văn hóa và giá trị tự nhiên của địa phương, đồng thời có thể so sánh với nhiều giá trị văn hóa ở nhiều địa phương khác. Chính điều đó giúp cho người nông dân ở nông thôn/ người dân bản địa càng tự hào về các giá trị văn hóa, giá trị tự nhiên của bản địa. Từ việc hiểu biết sâu rộng về các giá trị văn hóa của địa phương sẽ trực tiếp tác động tích cực tới ý thức bảo tồn văn hóa và di sản vùng nông thôn/ vùng bản địa.

2. Các điều kiện phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững tại làng Nôm

Làng Nôm hay còn gọi là làng Linh Thông, làng Đại Đồng, làng Đồng Cầu… trước đây thuộc trang Đồng Xá, tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Nay làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cách thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Đông.

Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố khí hậu của khu vực đồng bằng Bắc Bộ với bốn mùa và có mùa đông lạnh. Về môi trường cảnh quan, làng còn giữ được đầy đủ các yếu tố cảnh quan của làng cổ Kinh Bắc như cây đa, giếng nước, ao làng. Không gian làng là tổng thể hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc đậm nét truyền thống, hương ước, lễ hội. Về mặt cầu trúc, cả làng như một con thuyền mà hai mũi thuyền là hai cổng làng, bên ngoài được bao quanh bởi hệ thống hào lũy, tiếp theo là đến vành đai được xây dựng bằng các đường giao thông. Trung tâm của làng là một hồ nước dài khoảng 300m, rộng khoảng 60m. Tất cả tạo thành một tổ chức tự nhiên sinh động, hài hòa đặc trưng của làng quê Việt Nam khu vực đồng bằng sông Hồng.

Làng Nôm cũng là ngôi làng còn lưu giữ được nhiều yếu tố đặc trưng tiêu biểu về mặt văn hóa và kiến trúc của làng quê Việt Nam. Nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn như:

Kiến trúc cổng làng

Làng vẫn có 2 cổng chính, trong đó cổng tiền (cổng Đông) xây dựng năm 1915 gần như còn nguyên vẹn, được xây theo loại bát trụ - kiểu cổng mà chỉ có hoàng thân quốc thích mới có, cao 7,75m, rộng 10,4m, đây được xem là cổng làng đẹp nhất miền Bắc. Cổng hậu (cổng Tây) thì có nhiều phần hư hỏng và đã được xây dựng lại năm 2011.

Kiến trúc cầu đá

Sau khi đi qua cổng làng sẽ bắt gặp cây cầu đá. Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nôm. Ban đầu khi xây dựng (vào thời Lý), cầu được làm bằng gỗ, có 9 nhịp. Năm Tự Đức thứ 13 (1848-1883), cầu được xây dựng lại bằng đá, vẫn gồm 9 nhịp, dài khoảng 20m và rộng 2m.

Kiến trúc chùa Nôm

Còn gọi là chùa Đại Đồng, có tên chữ là Linh Thông cổ tự. Chùa nằm ở phía Đông Bắc của làng Nôm, nằm ngay đầu làng sau khi vừa đi qua cây cầu đá và ngay cạnh chợ Nôm. Chùa có diện tích khoảng 8.000m², mấy năm gần đây được mở rộng thêm một khu vực khá rộng nữa với công trình núi đá non bộ, thác nước và khuôn viên tham quan cho du khách.

Chùa được xây dựng vào thời Lý, theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa thì Tam bảo chùa có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu “nội đinh ngoại quốc” gồm: Tiền đường - Thượng điện - Hai dãy hành lang. Đây là những thành phần kiến trúc bảo lưu gần như nguyên vẹn quy mô ban đầu của ngôi chùa. Ngoài ra, trong chùa còn các công trình như: cổng tam quan, cổng phụ, gác chuông, gác trống, nhà mẫu, nhà tổ, sân chùa, giếng nước cổ, khu vườn tháp…

Những năm gần đây, chùa Nôm thu hút đông khách đến tham quan và khách đến với mục đích tín ngưỡng, chùa trở thành tâm điểm hấp dẫn du khách trong quần thể di tích làng Nôm. Hằng năm, mỗi dịp đầu xuân từ mồng 1- 3 Tết, chùa đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan và lễ chùa, giai đoạn đông khách đến tiếp theo là dịp lễ hội làng Nôm, trong dịp này, nơi đón khách đến tham quan đông nhất là đình Tam Giang, tiếp thứ hai là chùa Nôm. Nằm cách chùa không xa là đình Tam Giang, ngôi đình cổ được xây dựng từ thời Hai Bà Trưng.

Kiến trúc đình làng (đình Tam Giang)

Đình còn có tên gọi khác là đình Nôm, đình Đại Đồng. Đình nằm ở phía Tây Bắc của làng, cạnh cổng phía Tây, song hướng của ngôi đình là hướng Đông Nam, đình có bố cục kiểu chữ tam gồm: Đại Bái - Trung Từ và Hậu Cung.

Đình được xây dựng và trùng tu nhiều lần (lần cuối vào năm 1942), ban đầu đình được xây dựng với mục đích thờ thánh Tam Giang - một vị tướng tài dưới thời Hai Bà Trưng.

Kiến trúc chợ Nôm

Chợ được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn thì được trùng tu lại, năm 1997, chợ được trùng tu có diện mạo như ngày nay, với tổng diện tích khoảng 2 mẫu Bắc Bộ. Điểm nổi bật của chợ là được xây dựng bằng gạch đỏ tự nung bằng đất sét, phía trên lợp mái ngói. Chợ họp 12 phiên mỗi tháng vào các ngày có số cuối là 1, 4, 6, 9.

Kiến trúc các nhà thờ họ/ từ đường

Làng Nôm còn lưu giữ nhiều nhà thờ của các dòng họ có niên đại từ TK XIX, trong đó những nhà thờ họ/ từ đường của các dòng họ lớn thường tọa lạc ở mặt đường lớn và hướng ra ao làng, nhà thờ của các dòng họ nhỏ thì ở trong các ngõ nhỏ. Những ngôi nhà thờ họ/ từ đường ở mặt đường lớn được đánh giá chung là có quy mô kiến trúc vừa phải ở nước ta vào thời điểm đó. Cấu trúc bao gồm cổng, nhà thờ chính và tường bao. Hằng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, cả làng tổ chức giỗ họ, thường là dưới hình thức các bữa tiệc cỗ với sự góp mặt của người trong dòng họ.

Kiến trúc giếng cổ

Giếng cổ nằm rải rác trong làng, có tất cả 3 giếng cổ có niên đại hàng nghìn năm còn được lưu giữ nguyên vẹn. Kết cấu giếng gồm các lớp gạch xếp chồng lên nhau ở phía trong giếng, thành giếng là phiến đá cổ nguyên phiến, miệng giếng có nắp đậy.

Ngoài ra, quần thể di tích còn gồm văn chỉ Đại Đồng, ao làng; các di vật tiêu biểu như nhang án gỗ, câu đối, đại tự, sắc phong, sập thờ, ngai thời...

Các di sản phi vật thể

Làng Nôm có nghề đúc đồng truyền thống, lễ hội làng và nghề làm tương. Tuy nhiên, nghề làm tương hiện nay không còn được duy trì, chỉ còn một số nhà làm tương cho mục đích trong gia đình sử dụng.

 Nghề đúc đồng trong làng chủ yếu là đúc các sản phẩm dùng cho việc thờ cúng, tôn giáo như chuông, đỉnh, tượng, bộ đồ thờ Tam Sự, Ngũ Sự, đỉnh, hạc, cũng có khi đúc nồi đồng, hoặc cả tiền đồng… Kỹ thuật chủ yếu là làm thủ công (cho đến nay vẫn vậy), cứ 2-4 hộ chung nhau xây một lò đúc đồng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội.

Lễ hội làng Nôm diễn ra mỗi năm một lần vào ngày 10, 11 và 12 tháng Giêng hằng năm, ngày chính hội là ngày 12 tháng Giêng. Trong 3 ngày hội lần lượt diễn ra các lễ rước nước, lễ bao sái, lễ tế yết, lễ rước thánh ra chùa, lễ dâng hương. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân, với nhiều ý nghĩa quan trọng như rửa sạch bụi trần năm trước để chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho việc khao quân, chuẩn bị ra trận trong năm mới của Đức Thánh Tam Giang (lễ bao sái), cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mọi điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình (lễ dâng hương).

Ngày 7-1-2020, làng Nôm được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL.

Về phương tiện vận chuyển, nếu đi từ Hà Nội, du khách đi theo hướng Đông của thành phố ra quốc lộ 5 tới thị trấn Như Quỳnh, tiếp tục theo tỉnh lộ 388 để tới xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện để đến làng Nôm như xe bus, xe khách, ô tô.

Các cơ sở lưu trú phục vụ cho điểm đến còn chưa phát triển, quanh khu vực chỉ đa phần là nhà nghỉ, có một ít khách sạn dạng vừa và nhỏ khá xa điểm đến.

Các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống phục vụ du khách còn ở quy mô tự phát, song cũng còn đơn sơ, nghèo nàn, chủ yếu là “ăn theo” các dịch vụ phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân trong làng.

Làng Nôm với nhiều công trình kiến trúc, giá trị văn hóa tiêu biểu cho làng quê xứ Kinh Bắc còn bảo tồn được đến ngày nay xứng đáng là ngôi làng tiêu biểu về cấu trúc làng xã vùng Kinh Bắc, nơi cần được đầu tư bảo tồn giá trị và phát triển du lịch theo hướng bền vững.

3. Kết luận và kiến nghị

Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, còn “manh mún” và chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để thu hút và “níu chân” du khách. Nhiều hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này còn chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành. Nhìn chung, tình hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như của cả nước.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ tại khu vực quanh làng Nôm, thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thì việc nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, triển khai phát triển du lịch làng cổ/ du lịch di sản theo hướng bền vững cần thực hiện sớm nhất có thể để kịp thời nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di sản, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị di sản.

Tiếp theo, cần xem xét đến các yếu tố chính trong việc phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững tại làng Nôm. Trong đó, cốt lõi là các giá trị di sản trên địa bàn cần được giữ gìn, bảo vệ. Mặt khác, cũng cần xem xét cân bằng giữa việc giữ gìn, bảo vệ di sản với việc đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, gắn với các lợi ích xã hội và môi trường.

Đặc biệt, cần lưu ý đến sự tham gia của người dân nông thôn trong hoạt động du lịch, định hướng sự tham gia đó theo hướng phát triển bền vững thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, các lớp học hướng dẫn kỹ năng cho người dân khu vực nông thôn như lớp học về ngoại ngữ giao tiếp cơ bản để người dân nông thôn có thể giao tiếp với khách du lịch, lớp học về kiến thức, cách thức phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện.

Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, cụ thể ở làng Nôm chính là các di sản đã được công nhân là di sản quốc gia để làm thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.

Cần phát huy vai trò của các bên liên quan trong hoạt động quản lý điểm đến, hoạt động tổ chức tour du lịch như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, văn hóa và di sản địa phương, các công ty du lịch, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội… Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch ở các yếu tố như tính đặc thù, sự khác biệt, các sản phẩm du lịch riêng biệt cho từng nhóm đối tượng khách du lịch khác nhau…

Để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững cần đánh giá tác động và tiềm năng của hoạt động du lịch hiện tại ở địa phương, từ đó đưa ra định hướng phát triển, quy hoạch tổng thể, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, kêu gọi đầu tư phát triển theo định hướng đã đề ra.

Khi hoạt động du lịch nông thôn đã phát triển tại địa phương, thu hút một lượng khách nhất định thì cần chú trọng đến các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch để kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho người dân.

___________________

1. Fariborz Aref & Sarjit S Gill, Rural Tourism Development through Rural Cooperatives (Phát triển du lịch nông thôn thông qua hợp tác xã nông thôn), Tạp chí Tự nhiên và khoa học, Hoa Kỳ, số 1, 2009, tr.68.

2. Bùi Thị Lan Hương, Du lịch nông nghiệp và Du lịch nông thôn, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, Nội san, số 1, 2010, tr.51-53.

NGUYỄN THỊ THU GIANG - ĐẶNG THỊ MINH TÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;