Vai trò và giá trị cảnh quan địa danh biển đảo vùng Nam Bộ trong phát triển du lịch

Phong cảnh Côn Đảo - Ảnh: Nguyên Trường

Cảnh quan địa danh (Toponym landscape) là cảnh quan được tạo bởi các địa danh biểu thị các thực thể địa lý ở mỗi khu vực, mỗi vùng. Đó không chỉ là cảnh quan không gian vật lý mà còn là cách con người cảm nhận, lĩnh hội và định hình môi trường địa lý nhân văn của mình thông qua vai trò và giá trị của ba tham số về chiều không gian, chiều thời gian và chiều chủ thể. Chúng là thành tố quan trọng của cảnh quan văn hóa gắn liền với tâm lý, phản ánh những ý tưởng văn hóa của người bản địa và nhu cầu du khách ở cả hai khía cạnh: sự phản ánh trải nghiệm văn hóa - lịch sử và khả năng nhận thức các cảnh quan văn hóa tạo ra. Chúng chứa đựng thông tin về quá khứ lịch sử của các dân tộc, biên giới định cư, khu vực văn hóa, quá trình sinh sống của cư dân... Trong vai trò “chỉ báo cảnh quan” (landscape indicator), cảnh quan địa danh được nhìn nhận như một sản phẩm của quá trình khám phá, quá trình nhận thức của con người đối với thực tại khách quan - một thực tại với những “mô hình thế giới”, thể hiện vai trò “ngôn ngữ của quả đất” hay “tấm bia lịch sử - văn hóa” của đất nước. Vì vậy, cảnh quan địa danh được xem là tài sản văn hóa dân tộc và cũng là tài nguyên du lịch quan trọng để phát triển các tour, tuyến gắn với mỗi điểm đến.

1. Vai trò của cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ

Cảnh quan (tiếng Anh: landscape/ landmark) thường được mô tả như là hình thái của môi trường địa lý với sự nhấn mạnh mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên và con người. Công ước Cảnh quan châu Âu, tại Điều 1a1, định nghĩa cảnh quan là: “một khu vực, được con người cảm nhận, có đặc điểm là kết quả của hành động và sự tương tác của các yếu tố tự nhiên và/ hoặc con người...” và xác định bản chất đại diện cho những khía cạnh tự nhiên và văn hóa được công nhận ở tất cả các địa điểm, đặc trưng cho khái niệm cụ thể về cảnh quan và không phân biệt giữa cái gì được coi là tự nhiên và cái gì được coi là nhân tạo, nghĩa là, cảnh quan được xem là một thực thể văn hóa vừa có các tham số “khách quan” vừa có các tham số “chủ quan”. Theo đó, cảnh quan văn hóa là cảnh quan đã được con người biến đổi do quá trình phát triển văn minh, bao hàm nhiều biểu hiện đa dạng về sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, là kết quả của mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và bằng chứng về sự phát triển lịch sử của nó. UNESCO định nghĩa: “Cảnh quan văn hóa là một phần không gian địa lý có hình dạng lịch sử, được tạo ra do sự kết hợp của các ảnh hưởng môi trường và văn hóa, tạo nên một cấu trúc cụ thể, mang tính khu vực”. Như vậy, về cơ bản, địa danh tạo ra cảnh quan. Một không gian trở thành địa điểm và lãnh thổ trở thành cảnh quan thông qua quá trình đặt tên các vùng đất. Với cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ, có thể hiểu, đó là tập hợp tên gọi các đối tượng địa lý tự nhiên của khu vực vùng biển có chiều kích không gian xác định, mang những giá trị tài nguyên đặc trưng, được định vị trên bản đồ và được chủ thể định hình trong tổng thể trải nghiệm của những hoạt động xã hội. Như thế, cảnh quan địa danh luôn là một bộ phận của văn hóa, thể hiện sự tương tác giữa con người với thế giới tự nhiên. Chúng nổi bật với những vai trò:

Cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ là tài sản của Việt Nam

Cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ là tài sản văn hóa quốc gia với các đơn vị biểu thị các thành phần của môi trường địa hình biển đảo trong khu vực. Xét về mặt cảnh quan tự nhiên, cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ có vị trí chiến lược ở ven bờ Tây Biển Đông với 1.122km bờ và khoảng 195 đảo, chiếm 7% trong tổng số hơn 4.000 đảo ở Việt Nam. Tổng diện tích đảo ở Nam Bộ là 693km2, chiếm 41% trong khi diện tích các đảo khu vực Bắc Bộ 787,4km2, chiếm 48%. Vùng biển Nam Bộ ven bờ có rất nhiều đảo nhỏ và cực nhỏ, với 123 đảo có tên và gần trăm đảo là đảo hoang chưa được đặt tên, chủ yếu đó là đảo nhỏ hoặc rất nhỏ, có thể bị chìm khi thủy triều dâng lên. Nhìn tổng thể, cảnh quan địa danh biển đảo biểu thị những mảnh không gian địa hình vùng biển qua các nhóm đảo thuộc khu vực biển Đông và biển Tây (vịnh Thái Lan), sở hữu nhiều loại hải sản quý, nhiều bãi cá rộng nhất nước, với diện tích khoảng 677.000km2, chiếm hơn 70% diện tích vùng đặc quyền kinh tế quốc gia, với các địa danh, ngư trường như: Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối…

Xét về mặt cảnh quan văn hóa, cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ chứa đựng nguồn văn hóa, địa lý, ngôn ngữ, lịch sử và tâm lý của các dân tộc với những phong tục, lối sống được hình thành qua nhiều thế kỷ và đó là một trong những tài sản chính về ngôn ngữ và văn hóa của tất cả các dân tộc sinh sống trên địa bàn, chủ yếu là người Việt, Hoa, Khmer… Mỗi cảnh quan địa danh ở khu vực này đều có tiểu sử lịch sử - văn hóa riêng, chứa đựng thông tin ngôn ngữ, thông tin lịch sử - địa lý được phản ánh trong các đối tượng địa danh. Cảnh quan địa danh là nguồn thông tin quan trọng nhất về văn hóa dân tộc, chứa đựng kiến thức nền tảng và tiềm năng văn hóa lớn, là cả một kho tàng, một nguồn tư liệu phong phú về đất nước, tiếp cận với văn hóa, lịch sử, xã hội, giúp chúng ta có thể biết được những dân tộc đã sống trên địa bàn, biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh, thêm yêu mến quê hương đất nước, giúp xác định bản sắc của một cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn hình ảnh vật lý của cảnh quan và bảo tồn các đặc điểm văn hóa của cảnh quan chính là bảo tồn bản sắc văn hóa.

Cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ là tài nguyên du lịch biển đảo đặc trưng

Trong cảnh quan địa danh biển đảo, hai yếu tố biển và đảo là hai yếu tố địa văn hóa, đó cũng chính là tài nguyên du lịch quan trọng. Với không gian địa lý vùng biển ở tận cùng đất nước, với một địa hình cảnh quan và sinh thái lý thú được biểu thị trong chiều không gian của địa danh biển đảo, với đường bờ biển phía Đông Nam tiếp giáp với Biển Đông và bờ biển Tây Nam giáp với vịnh Thái Lan, vùng biển Nam Bộ nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ở phía Đông Nam có quần đảo Côn Sơn và đảo Hòn Khoai; ở phía Tây Nam có đảo Phú Quốc và nhiều quần đảo nhỏ ven bờ như: Hà Tiên, Bà Lụa, Nam Du, An Thới, Thổ Chu. Do vậy, cảnh quan địa danh vùng biển Nam Bộ có vai trò rất quan trọng đối với quốc gia và khu vực về địa - chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế, đặc biệt là du lịch với các loại hình có sự tổ chức kết nối các tour, tuyến quốc tế, nhất là loại hình du lịch biển đảo.

2. Giá trị du lịch của cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ

Dựa vào đặc điểm phân bố của 123 đảo có tên ở các vùng biển địa phương ở khu vực biển Đông và biển Tây (1), cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ có thể được hình dung theo hai khu vực lớn:

Cảnh quan địa danh biển đảo khu vực biển Đông gồm quần đảo Côn Đảo (21 hòn đảo).

Cảnh quan địa danh biển đảo khu vực biển Tây, gồm các nhóm quần đảo: Hòn Khoai (9 đảo), Thổ Châu (8 đảo), An Thới (15 đảo), Hải Tặc (12 đảo), Bà Lụa (35 đảo), Củ Tron (20 đảo), Phú Quốc (22 đảo).

Từ hai khu vực cảnh quan này, chúng ta có thể nhận diện giá trị du lịch của chúng thông qua chiều không gian, chiều thời gian và chiều chủ thể. Nhìn từ chiều không gian, chúng có sự vận động qua các vùng biển ở các địa phương có biển khác nhau. Nhìn từ chiều thời gian, chúng chứa trong mình cả một diễn trình lịch sử với những quy luật phát triển nội tại và ngoại tại. Nhìn từ chiều chủ thể, chúng mang dấu ấn đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cộng đồng người. Như thế, cảnh quan địa danh luôn là một bộ phận của văn hóa, thể hiện sự tương tác giữa con người với thế giới tự nhiên. Theo đó, các tham tố biểu thị của cảnh quan địa danh ở ba chiều không gian, thời gian và chủ thể được xác định trong những mối liên hệ: địa điểm (place) gắn với vị trí tọa lạc, vùng đất (area, land) gắn với địa thế, cảnh quan (landscape), mối liên hệ không gian (related place) gắn với các vật thể khác, thời gian (related time) gắn với quá trình hình thành liên tục liên quan của điểm tụ cư, chủ thể (related human) gắn với những giá trị được con người sáng tạo liên quan tới thẩm mỹ, lịch sử, xã hội, văn hóa.

Giá trị du lịch của chiều kích không gian trong cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ

Chiều kích không gian biểu thị quá trình hình thành điều kiện tự nhiên của vùng biển Đông và biển Tây, “tạo thành một lãnh thổ liên tục với cảnh quan tự nhiên tương đối đồng nhất trong đó chứa đựng một hệ thống giá trị đặc thù” (2). Từ chiều kích không gian này, chúng ta có thể biết được cảnh quan địa danh vùng biển đảo Nam Bộ biểu hiện những giá trị về địa hình, địa mạo, kinh tế, văn hóa, xã hội, về ý nghĩa chủ quyền và an ninh biển đảo cũng như về kết quả tạo thành qua hàng trăm triệu năm. Theo Trần Đức Cường (2014), từ một địa hào (graben) ở Đại Cổ sinh, một vịnh biển ở đại Trung sinh đến hình thái châu thổ vào Đại Tân sinh và ngày nay là châu thổ với rất nhiều đợt biển tiến, biển thoái với sự phản ánh khá rõ đặc điểm địa hình, cấu trúc địa lý, giá trị cảnh quan ở hệ thống các đảo ở biển Đông và biển Tây với sự phân bố không đồng đều. Chẳng hạn, vùng biển Kiên Giang (theo Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang) hiện có 140 đảo nổi, khoảng 70 đảo nổi có dân cư sinh sống, tạo nên 5 quần đảo An Thới, Bà Lụa, Hà Tiên (Hải Tặc), Nam Du và Thổ Chu với tổng diện tích tự nhiên 62.834,79ha, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc, rộng 593km2 - lớn nhất cả nước. Hơn nữa, tuy có số lượng không nhiều như ở Bắc Bộ, nhưng đây là vùng có nhiều địa danh đảo đóng vai trò là nhân tố quan trọng không chỉ là nơi sinh sống của hàng vạn dân cư, mà còn là nơi tạo ra những giá trị rất lớn về của cải vật chất và tinh thần, vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo, đặc biệt là du lịch và dịch vụ biển. Trong số đó, có đảo còn là “phên dậu” khẳng định bảo vệ chủ quyền đất nước như đảo Hòn Khoai ở phía Đông Nam biển Đông, hay vị trí đảo tiền tiêu hoặc ranh giới trên biển với quốc gia Thái Lan như đảo Thổ Châu ở biển Tây. Cũng có những đảo là đô thị du lịch biển mang tầm vóc quốc gia và khu vực, trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn trong tour, tuyến nội địa và quốc tế như đảo Phú Quốc.

Do vậy, cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ còn cho thấy hình ảnh của một điểm đến trong các chương trình du lịch, tuyến điểm du lịch, bản đồ du lịch từng địa phương hay trong các sách cẩm nang hướng dẫn du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nội dung thông tin, hình ảnh điểm đến, kiến thức về vị trí, quan hệ với những nơi khác, những sự kiện liên quan, kiến thức về văn hóa cư dân vùng đó cùng các phương diện về chủ thể du lịch trong quá trình khám phá, trải nghiệm nét đẹp về đời sống sinh hoạt, tâm lý cộng đồng, ngôn ngữ... được thể hiện rõ ràng, giúp du khách lựa chọn tour tham quan. Chẳng hạn, hình ảnh cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ như Côn Đảo, Phú Quốc đã trở nên quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn du lịch (main destinations), tạo ra sức hút đối với du khách và thu hút những người thiết kế tour, các hướng dẫn viên và các doanh nghiệp lữ hành. Chính vì thế, từ việc nhận thấy giá trị tài nguyên liên quan chiều không gian của địa danh Côn Đảo, một trong 10 hòn đảo đẹp nhất châu Á, được nhiều báo chí nước ngoài ca ngợi là “Thiên đường của thiên nhiên” hay đảo Phú Quốc, top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2023 do Tạp chí Time của Mỹ bình chọn, ngành Du lịch đang xúc tiến, đẩy mạnh kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế với tour, tuyến thông qua tuyến hành lang ven biển phía Nam: Thái Lan - Campuchia - Kiên Giang - Cà Mau.

Giá trị du lịch của chiều kích thời gian trong cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ

Chiều kích thời gian biểu thị một thời đoạn của lịch sử mà mỗi cộng đồng người trên một vùng lãnh thổ cùng cư trú tạo thành một truyền thống của chủ thể văn hóa biển thống nhất. Theo đó, chiều kích thời gian của cảnh quan biển đảo Nam Bộ biểu thị đặc điểm chủng tộc - dân tộc học và truyền thống hải thương của chủ thể sinh sống ở vùng đất này. Chúng tồn tại trong thời vương quốc Phù Nam và Óc Eo, trước khi những lưu dân Việt tìm đến, khai phá, mở mang với sự chi phối mạnh mẽ của bối cảnh lịch sử - xã hội không chỉ tại biển đảo Nam Bộ mà còn là của cả bối cảnh lịch sử - xã hội của vùng Đông Nam Á. Theo Bùi Chí Hoàng (2017), những kết quả nghiên cứu về khảo cổ học, nhân học, lịch sử, địa lý học, văn hóa dân gian tại các điểm khai quật ở vùng biển Đông và vùng biển Tây tại gò Tư Trâm trên đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), hay gò Ô Chùa, Cạnh Đền (Kiên Giang) đã cho thấy cư dân cổ ở vùng Nam Bộ thuộc giống người tiền Mã Lai (Protomalais), thuộc chủng Indonésien, có nguồn gốc từ sự kết hợp giữa các tộc người nói tiếng Nam Đảo với các tộc người nói tiếng Môn - Khmer. Những hiện vật khai quật được ở cảng thị Óc Eo, theo Đặng Văn Thắng (2019), có hiện vật của các vương triều Ấn Độ, Trung Á, Đông Hán và Bắc Ngụy, La Mã… chứng tỏ văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ có sự giao lưu, tiếp biến với Ấn Độ và các nền văn hóa khác ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, theo Nguyễn Văn Kim (2019), do có đường bờ biển dài với nhiều vũng, đảo ven bờ và các cửa sông, thuận tiện cho việc giao thông trên biển nên các nhóm cư dân bản địa thường xuyên có các hoạt động giao lưu và trao đổi văn hóa bằng đường biển và đường sông với miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Nhờ đó, họ tiếp nhận và chia sẻ các thành tựu văn hóa góp phần hình thành và phát triển nên những quốc gia và nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam.

Hơn nữa, ở chiều kích thời gian, từ phương diện du lịch, cảnh quan biển đảo Nam Bộ còn có giá trị biểu hiện những mối liên hệ với bản sắc văn hóa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong diễn trình lịch sử và sự trải nghiệm của chủ thể khách du lịch tại những điểm đến vốn được hình thành từ sự kết hợp đa dạng của các yếu tố địa chất hình thành nên các vùng đất cũng như các yếu tố xã hội hình thành nên cấu trúc, văn hóa, phong tục tập quán của cư dân địa phương ở vùng biển đảo qua hàng trăm năm. Theo Yi-Fu Tuan (1977), người sáng lập Trường Địa lý Văn hóa Berkeley, những điểm đến đó, là điểm đến du lịch vốn được tạo nên từ những trải nghiệm, là sự hòa trộn độc đáo giữa hình ảnh, âm thanh, mùi vị, sự hòa hợp độc đáo giữa nhịp điệu tự nhiên và nhân tạo như thời điểm hoàng hôn, công việc và vui chơi, cảm giác thú vị khác lạ về một nơi được ghi lại trong cơ xương và tim óc của mỗi người.

Giá trị du lịch của chiều kích chủ thể trong cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ

Chiều kích chủ thể trong cảnh quan biển đảo Nam Bộ biểu hiện quá trình văn hóa tộc người với sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Với không gian địa - văn hóa (geo-culture), quá trình đó có sự hiện hữu của ba nhóm tộc người: tộc người bản địa, người Việt, các tộc người di cư từ phía Bắc vào (sau năm 1954 và sau năm 1975). Ở khu vực Đông Nam Bộ là nhóm các tộc người thuộc bộ phận cư dân Môn - Khmer. Ở khu vực Tây Nam Bộ, có sự hiện diện của các tộc người khác nhau, chủ yếu là Khmer, Việt, Hoa, Chăm. Tuy vậy, dù có những biến động về lịch sử - xã hội, quan hệ kinh tế, phong tục tập quán hay tình trạng chiến tranh, thiên tai, nhưng đặc điểm cư dân vùng biển đảo Nam Bộ vẫn tuân theo quy luật thống nhất (convergence) và hợp nhất (integration). Quá trình tộc người cũng là quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa tạo điều kiện cho sự hình thành lãnh thổ tộc người (ethnographic group) và vùng văn hóa tộc người (ethnic cultural areas).

Qua cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ, truyền thống hướng biển đậm nét của các cộng đồng cư dân bộc lộ rất rõ qua lịch sử của những dòng thiên di. Với người Việt, thiên di trước hết và chủ yếu vẫn theo đường biển. Kể từ thuở “mang gươm đi mở cõi” (thơ Huỳnh Văn Nghệ) vào phương Nam từ TK XVI đến nay, người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào Nam Bộ sinh sống, ngoài đường bộ, việc di chuyển về phương Nam qua hàng ngàn kilômét đi theo đường biển, họ vượt biển bằng ghe bầu, thuyền buồm. Chính vì vậy, trong dòng chảy thời gian, tâm thức hướng biển, cách thức tiếp cận biển luôn thường trực và rất mạnh mẽ. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản với cư dân ven biển châu thổ Bắc Bộ và Trung Bộ trong cảnh quan biển đảo Nam Bộ mà khi diễn giải cần lưu ý.

Truyền thống hướng biển của người Hoa cũng vậy, đa số họ có nguồn gốc từ các tỉnh ở duyên hải phía Nam Trung Hoa như tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Chiết Giang, An Huy và đảo Hải Nam. Khi đến vùng Nam Bộ sinh sống, họ thường tập trung theo từng nhóm cộng đồng với 4 nhóm phương ngữ chủ yếu: Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu và Khách Gia (Kẹ/Hakka, Sùng Chính). Quá trình di cư đó diễn ra liên tục trong suốt các thời kỳ lịch sử, gắn với các biến động chính trị xã hội diễn ra ở Trung Quốc. Một trong những sự kiện quan trọng nhất liên quan đến yếu tố hướng biển chính là sự kiện thành lập xứ Hà Tiên với vai trò đặc biệt của Mạc Cửu khi ông chiêu mộ lưu dân khai khẩn khu vực phía Đông vịnh Thái Lan, xây dựng vùng này trở thành một lãnh địa phồn thịnh với tên gọi Căn Khẩu Quốc và hòn đảo Koh Tral sau này được đổi tên thành đảo Phú Quốc, có nghĩa là “vùng đất giàu có”.

Do vậy, từ chiều kích chủ thể của cảnh quan biển đảo Nam Bộ, có thể thấy những kiến thức về các nhu cầu mong muốn đạt được cũng như hành vi mong đợi của du khách liên quan đến: vai trò chủ thể sáng tạo với những giá trị lịch sử - văn hóa; vai trò chủ thể trải nghiệm của du khách về đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cộng đồng người thể hiện qua những loại hình du lịch. Các hình ảnh cảnh quan dường như là kết quả của sự hội tụ giữa trải nghiệm và tham quan một cách sống động và trực quan. Chúng được cảm nhận không chỉ bằng thị giác mà còn bằng các giác quan khác của mỗi người. Vì vậy, để khai thác sản phẩm du lịch biển đảo vùng Nam Bộ, các nhà tổ chức và cung ứng du lịch phải nắm bắt được thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, nắm bắt được nhu cầu du lịch của đối tượng khách, đặt trong mối quan hệ tổng thể của ba thông số trong hệ tọa độ các chiều kích không gian - thời gian - chủ thể, từ đó phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với những tour trải nghiệm như: Khám phá phố biển Vũng Tàu, Côn Đảo - hành trình du lịch tâm linh và trở về nguồn cội, Khám phá thiên đường đảo ngọc Phú Quốc… nhằm đạt được mục tiêu khai thác tài nguyên biển đảo đa dạng và đặc sắc của vùng.

3. Kết luận

Cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ là một trong những tài sản chính của văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn, phản ánh những quan sát, kinh nghiệm, thế giới quan và niềm tin độc đáo mang đậm bản sắc của một vùng văn hóa độc đáo. Qua các chiều kích cảnh quan địa danh biển đảo Nam Bộ có thể thấy chúng là những sản phẩm văn hóa, sản phẩm tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội, bộc lộ đầy đủ những trải nghiệm của con người trong diễn trình lịch sử. Đồng thời, chúng là tài nguyên du lịch làm nên sự hấp dẫn của các điểm đến trong việc trải nghiệm thế mạnh của những giá trị văn hóa biển đảo đặc trưng.

___________________

1. Trong một số tài liệu gọi vùng biển Tây là “vịnh Thái Lan” hay “vịnh Siam”. Triều Nguyễn và người dân Nam Bộ xưa nay đều gọi là biển Tây. Vì vậy, chúng tôi thống nhất dùng cách gọi biển Tây.

2. Khái niệm lãnh thổ (teritore) được hiểu là một khu vực địa lý gắn với đơn vị hành chính nhất định, khác với vùng (region) là một khu vực địa lý không trực thuộc với đơn vị hành chính.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Khánh Trung Kiên, Đặng Ngọc Kính, Khảo cổ học Nam Bộ thời tiền sử, Nxb Khoa học xã hội, 2017.

2. Đặng Văn Thắng, Khảo cổ học Óc Eo và Phù Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2019.

3. Nguyễn Văn Kim, Biển Việt Nam và các mối giao thương biển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.

4. Scazzosi, L., Cảnh quan và cảnh quan văn hóa: Công ước cảnh quan châu Âu và Chính sách của UNESCO, in trong Cảnh quan văn hóa: Những thách thức của việc bảo tồn, UNESCO Trung tâm Di sản thế giới, 2002, tr.55.

5. Trần Đức Cường, Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb Khoa học xã hội, 2014.

6. Dư Văn Toán, Vài nét về lịch sử và văn hóa tại vùng biển và hải đảo Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, 2015.

7. Vũ Minh Giang, Lược sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2019.

8. Phan Thị Yến Tuyết, Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016.

9. Lê Trung Hoa, Địa danh Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2009.

10. Bùi Hải Yến, Tuyến điểm du lịch Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2006.

11. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa biển cận duyên - từ tiếp cận nhân học văn hóa, Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 1, 2009.

NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;