Tiềm năng phát triển thị trường du lịch nông thôn

Bài viết phân tích về tiềm năng, thị trường và định hướng phát triển du lịch nông thôn (DLNT), nhằm cung cấp cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng các mô hình phát triển bền vững. Bằng phương pháp tổng hợp lý thuyết và phân tích xu hướng ở một số quốc gia, bài viết chỉ ra vai trò ngày càng tăng của DLNT. Bài viết đúc kết các giai đoạn phát triển, phân tích yếu tố ảnh hưởng và đề xuất mô hình định hướng như: mô hình kế thừa và mô hình tiềm năng.

Du khách trải nghiệm trồng lúa - Ảnh: vneconomy.vn

1. Tổng quan nghiên cứu

Du lịch nông thôn

DLNT được nhận biết qua các đặc điểm sau: các hoạt động du lịch diễn ra trong khu vực nông thôn; văn hóa địa phương, bao gồm phong tục tập quán và sinh kế, là yếu tố chính của sản phẩm du lịch; môi trường thiên nhiên yên tĩnh và trong lành cùng thái độ thân thiện của cộng đồng địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách. Các hoạt động DLNT cần đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tham gia vào quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm. Đồng thời, cung cấp trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp với động, thực vật và không gian nông thôn. Ngoài ra, DLNT cũng cho phép khách trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của một gia đình nông thôn.

Vai trò của phát triển DLNT

DLNT có vai trò ngày càng tăng không chỉ đối với phát triển du lịch mà còn tạo cơ hội đối với phát triển nông thôn. DLNT tăng cường vốn xã hội cho cả chủ nhà và khách du lịch khi tham gia vào các tương tác xã hội và tìm hiểu về các nền văn hóa bản địa tại điểm đến.

Phát triển du lịch được coi như là hình thức hoạt động kinh tế mới dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch tại chỗ tạo được nhiều lợi ích đối với phát triển kinh tế, xã hội nông thôn; tạo thêm việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn nhờ nhu cầu chi tiêu của khách du lịch; góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng nông thôn. Những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức, xúc cảm, cách sống, hệ thống giá trị, truyền thống... trở thành “hàng hóa” vô hình tạo nguồn thu cho cộng đồng; nâng cao dân trí cho cộng đồng nông thôn thông qua tiếp xúc với khách du lịch, xóa bỏ tính khép kín của tập quán văn hóa làng xã; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện vệ sinh môi trường ở các địa bàn du lịch nông thôn còn lạc hậu. Ngoài ra, sự phát triển du lịch còn có khả năng tạo được lực hút đối với các nhà đầu tư bên ngoài.

Xu hướng phát triển DLNT

Xu hướng chung của thế giới là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, trong đó phát triển du lịch được coi là nhiệm vụ quan trọng. Tại Nhật Bản, từ năm 1995, chương trình nhà nghỉ nông thôn đã được thiết lập, cho phép du khách nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động hằng ngày như trồng trọt, gặt hái, câu cá... Đến năm 2019, tiêu dùng của du khách nước ngoài ở khu vực nông thôn đạt 1.036 nghìn tỷ Yên (khoảng 9,67 tỷ USD). Ở Hàn Quốc, Bộ Du lịch đã xây dựng chính sách thu hút khách du lịch đến các vùng nông thôn để hỗ trợ phát triển du lịch địa phương thông qua các hoạt động quảng bá, marketing như tổ chức hội chợ, sự kiện. Tại Trung Quốc, từ năm 1990, đã triển khai chương trình DLNT chống đói nghèo tại một số tỉnh. Từ năm 2006, Chính phủ tổ chức năm Du lịch quốc gia về DLNT; theo thống kê, 70% du khách từ thành thị chọn đến nông thôn trong các kỳ nghỉ lễ lớn, thu hút khoảng 60 triệu lượt khách. Tại Liên minh châu Âu, từ năm 2000, DLNT được coi là chiến lược cho tương lai, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm và giảm di cư ở các vùng kém phát triển. Năm 1951, lãnh đạo ngôi làng nhỏ ở phía Nam nước Pháp đã bắt đầu ý tưởng cung cấp dịch vụ du lịch tại một ngôi nhà trong làng. Mục tiêu hàng đầu là bảo tồn và phát triển môi trường nông thôn, mở ra những triển vọng kinh doanh mới bằng cách cung cấp dịch vụ du lịch, động lực mới để phục hồi nông nghiệp và trên cơ sở đó, ngăn chặn di dân ra khỏi nông thôn và thành thị, một chuồng ngựa lâu đời được xây dựng theo kiểu truyền thống bị bỏ hoang đã được biến thành một đối tượng du lịch, tức là một ngôi nhà làng để cung cấp các dịch vụ du lịch và nó được đặt tên là “nhà tranh”. Chính tại thời điểm đó, việc thực hiện thành công dự án thí điểm này đã khởi đầu cho sự phát triển của du lịch làng quê theo hình thức mà chúng ta biết ngày nay. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, DLNT châu Âu được coi là chiến lược phát triển các vùng nông thôn, giúp giữ chân dân cư, tạo việc làm và thúc đẩy tiến bộ kinh tế, xã hội. Đến năm 1986, DLNT đã phát triển và trở thành một loại hình phức tạp hơn, được quan tâm và trở thành một sáng kiến ​​lập pháp để phát triển du lịch ở các vùng nông thôn của châu Âu.

2. Tiềm năng phát triển DLNT

Tài nguyên DLNT

Nhận diện tài nguyên DLNT có ý rất quan trọng đối với phát triển DLNT. Chủng loại và giá trị của tài nguyên không chỉ là “nguyên liệu” để tạo ra sản phẩm du lịch mà còn là căn cứ để xác lập các chính sách khôi phục, bảo vệ tài nguyên môi trường (bảng 1):

Bảng 1: Giá trị đối với du lịch của các yếu tố tài nguyên DLNT

Nguồn lực phát triển DLNT

Khu vực nông thôn vốn là hệ thống kinh tế hoàn chỉnh gồm các thành phần của chúng như tài nguyên, lao động, cơ sở vật chất và kỹ thuật - công nghệ, vốn; các thành phần của hệ thống kinh tế có tính linh hoạt cao, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng phụ thuộc vào năng lực và hiệu quả kinh tế. Phát triển DLNT không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo được các giá trị về xã hội và môi trường; kế hoạch phát triển du lịch có tính khoa học, minh bạch và khả thi sẽ có hiệu lực lớn đối với huy động nguồn vốn xã hội, các yếu tố nguồn lực có thể huy động gồm: cơ sở vật chất kỹ thuật (các loại nông cụ, cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp có thể huy động làm phương tiện và đối tượng cho du khách trải nghiệm du lịch); nguồn lao động (nghệ nhân, nông dân có thể tham gia hướng dẫn viên, trình diễn trải nghiệm); không gian cư trú cung cấp các dịch vụ lưu trú, ẩm thực; sinh hoạt cộng đồng, lễ hội cung cấp các dịch vụ giao tiếp, vui chơi giải trí cho khách du lịch.

3. Thị trường phát triển DLNT

Khách du lịch ngày nay đang tìm kiếm sự trọn vẹn và khác biệt so với cuộc sống thường nhật. Họ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, tinh thần, mong muốn thoát khỏi thói quen, trải nghiệm những điều mới mẻ và chân thực thay vì những kỳ nghỉ đại trà do du lịch đại chúng mang lại; áp lực này đang buộc các công ty lữ hành phải thay đổi.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự cải thiện giao thông ở các nước phương Tây là những yếu tố thúc đẩy khách du lịch tìm đến các vùng nông thôn để có những trải nghiệm mới lạ, phù hợp với kỳ nghỉ của họ. Số lượng những người du lịch ưa mạo hiểm, sẵn sàng khám phá, trải nghiệm những điều khác biệt đang gia tăng. Cư dân thành thị ngày càng tìm đến các vùng nông thôn để tìm kiếm sự thư giãn, giải trí.Các hoạt động truyền thống như đi bộ, cưỡi ngựa, ngắm chim và mạo hiểm gồm có chèo thuyền kayak, trượt tuyết, lướt ván thu hút ngày càng đông du khách. DLNT đang trở thành một thú vui góp phần rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhu cầu về thực phẩm đích thực, đặc biệt là phong trào “slow food” khởi xướng từ Ý năm 1986 cũng đang gia tăng.

Nhìn từ phía các nhà tổ chức, sự suy giảm của nhiều vùng nông thôn trong khi các đô thị phát triển mạnh mẽ là yếu tố kích thích nhu cầu DLNT; trước tình trạng kinh tế suy giảm, di cư gia tăng của lao động trẻ có trình độ và sự suy giảm dân số ở nông thôn, các nước phương Tây đang tích cực tìm kiếm giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, DLNT được coi là một hướng đi, một chiến lược phát triển kinh tế, - xã hội quan trọng; sự đa dạng hóa trang trại, vai trò ngày càng tăng của doanh nhân nông thôn, đặc biệt là nữ giới cũng đang thúc đẩy quá trình phát triển DLNT.

Nhật Bản là một ví dụ nổi bật về xu hướng này với hiệu ứng “I-Turn”, sự dịch chuyển ngày càng nhiều người rời bỏ cuộc sống bận rộn nơi phố thị để về với nông thôn, tạo cơ hội phát triển cho du lịch bền vững. Tờ Nikkei Asian Review gần đây đưa tin chi tiêu của khách quốc tế tại các vùng nông thôn Nhật Bản năm 2018 tăng 58% so với năm 2015, chiếm 28,5% tổng chi tiêu du lịch; 18 triệu lượt khách nước ngoài đã đến trải nghiệm cuộc sống thanh bình, sự hiếu khách của người dân và những cơ hội khám phá độc đáo tại vùng quê xinh đẹp của xứ sở mặt trời mọc. Chương trình Destination Asia Japan cũng đã tạo điều kiện cho du khách khám phá những vùng đất ít được biết đến, từ những con đường hành hương cổ xưa, bờ biển ấn tượng đến những ngôi làng lợp mái tranh truyền thống, qua đó tự hòa mình vào cuộc sống nông thôn Nhật Bản. Dự báo thị trường du lịch nông thôn toàn cầu sẽ đạt 96,9 tỷ USD vào năm 2022 và tăng lên 198,3 tỷ USD vào năm 2033, hứa hẹn một tương lai đầy tiềm năng cho loại hình du lịch đầy sức hút này.

4. Định hướng mô hình phát triển DLNT

Các giai đoạn phát triển của DLNT

Nghiên cứu về sự phát triển DLNT và các yếu tố chính ảnh hưởng đến nó cần có sự hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm và yêu cầu của từng giai đoạn phát triển. Trong thập kỷ qua, nhiều mô hình lý thuyết của các tác giả đã được đưa ra như của Butler (1980), Miossec (1993), Harris (2000), Kotler (1991, 1999), Lopa và Marecki (1999), Stabler (1997), Gartner (1996) và McKercher (1993)... chủ yếu dựa trên các tiếp cận quá trình và yếu tố hình thành. Các lý thuyết này thống nhất quan điểm rằng, phát triển DLNT là quá trình biến đổi tự nhiên, việc hiểu rõ quá trình này là chìa khóa để xác định các yếu tố ảnh hưởng và chọn lựa phương pháp đánh giá phù hợp.

Lopa và Marecki (1999) đã mô tả rằng sự phát triển du lịch trải qua 4 giai đoạn chính: Từ tăng trưởng liên tục của lượng khách, đến đạt đỉnh điểm, rồi ổn định hoặc không tăng và cuối cùng là sự giảm sút nghiêm trọng của lượng khách. Turner (1999) đã xác định 3 giai đoạn chính của quá trình phát triển du lịch: Tìm kiếm khu vực phù hợp, phát triển du lịch nhanh chóng và cuối cùng là sự ổn định trong phát triển; khi một địa điểm thích hợp được phát hiện, du lịch bắt đầu phát triển, cộng đồng địa phương chuyển từ các hoạt động kinh tế khác sang xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ; nếu quá trình này tiếp tục, du lịch sẽ đạt đến giai đoạn chín muồi và trở thành hoạt động kinh doanh chính, thu hút sự quan tâm của các tổ chức du lịch và dẫn đến những thay đổi lớn trong môi trường xã hội, văn hóa và tự nhiên.

Chu kỳ phát triển du lịch của R. Butler bao gồm 7 giai đoạn: Từ khám phá ban đầu, sự tham gia của khách du lịch làm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ địa phương, qua giai đoạn mở rộng năng động với lượng khách tăng vọt, đến giai đoạn thách thức với việc áp dụng marketing mở rộng mùa du lịch, cuối cùng là giai đoạn đổi mới, nơi lượng khách ổn định, nhưng có thể biến động nhanh chóng, tạo cơ hội cho giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của DLNT

Để phát triển DLNT hiệu quả, cần xác định các khu vực có tiềm năng trở thành điểm du lịch chính và bổ trợ, tìm giải pháp biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn; yếu tố tiền đề bao gồm tài nguyên du lịch như phong cảnh tự nhiên, sản phẩm đặc thù, văn hóa bản địa, di tích lịch sử và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu ẩm thực, lưu trú, giải trí; yếu tố tổ chức gồm chính sách phát triển, cơ sở hạ tầng, an ninh và sự tham gia của doanh nghiệp; các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững như chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên.

5. Giải pháp

Theo George và cộng sự (2009), để xác định mô hình phát triển DLNT, cần xác định yếu tố thúc đẩy cộng đồng địa phương phát triển loại hình này. Các động cơ có thể khác nhau, từ các vấn đề kinh tế, nhu cầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới đến các yếu tố cung - cầu du lịch sẵn có.

Có hai mô hình chính là mô hình kế thừa và mô hình tiềm năng; mô hình kế thừa dựa trên các yếu tố tiềm năng sẵn có, thường xuất hiện ở những nơi có nghề thủ công truyền thống, địa điểm hành hương, đặc trưng văn hóa bản địa độc đáo hoặc danh lam thắng cảnh hấp dẫn. Sự phát triển du lịch ở đây, thường diễn ra tự phát và quy mô, trình độ phụ thuộc vào việc quản lý, bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngược lại, mô hình tiềm năng hướng đến các khu vực có tiềm năng du lịch chưa được khai thác đầy đủ; sự phát triển của mô hình này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về DLNT, không chỉ dựa vào các yếu tố nổi trội mà còn vào sự đa dạng về văn hóa, sinh thái. Tuy nhiên, cần có quy hoạch nhất quán và tích hợp DLNT vào các khía cạnh kinh tế khác. Đây là mô hình có nhiều cơ hội phát triển nhất, nhưng đòi hỏi nguồn lực đáng kể và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên ở những nơi du lịch chưa phát triển; nếu không khai thác du lịch, sức ép từ các hoạt động kinh tế khác có thể dẫn đến suy thoái tài nguyên quý giá như suy giảm hệ sinh thái, biến đổi quan hệ cộng đồng, mai một nghề thủ công, phá vỡ kiến trúc truyền thống.

Phát triển DLNT đang trở thành chiến lược mới trong phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng mô hình DLNT bền vững cần tích hợp lợi ích của cộng đồng địa phương, nhà cung cấp và người tiêu dùng; đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp; nghiên cứu cho thấy sự tích hợp các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và nguồn nhân lực trong DLNT, thường được khám phá riêng lẻ. Việc phát triển mô hình bắt đầu từ việc xác định yếu tố thúc đẩy từ cộng đồng; cần phân khúc thị trường và áp dụng các lý thuyết tiếp thị. Đồng thời, xem xét các tác động tiêu cực tới môi trường và vấn đề xã hội trong từng giai đoạn phát triển du lịch.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Aref, F., và Gill, S. S., Phát triển du lịch nông thôn thông qua các hợp tác xã nông thôn, Nature and Science, tập 7, số 10, 2009, tr.68-73.

2. Butler, R., và Miossec, J., Quyết định đầu tư chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và quá trình, Routledge, 1993.

3. Briedenhann, J., và Wickens, E., Các tuyến đường du lịch như một công cụ cho sự phát triển kinh tế của các khu vực nông thôn - Hy vọng sáng hay giấc mơ bất khả?, Tourism Management, tập 25, 2004, tr.71-79.

4. George, E. W., Mair, H., và Reid, D. G., Phát triển du lịch nông thôn, chủ nghĩa địa phương và sự thay đổi văn hóa, Channel View Publications, 2009.

5. Lane, B., Tổng quan về du lịch nông thôn, trong Sách hướng dẫn du lịch của SAGE, được chỉnh sửa bởi Tazim Jamal và Mike Robinson, SAGE Publications, 2009, tr.354-370.

6. Nagy, H., Káposzta, J., và Meta, B., Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn trong các khu vực nông thôn ở Albania, Deturope - Tạp chí Phát triển khu vực và du lịch Trung Âu, tập 9, số 3, 2017.

7. Lopa, J. M., và Marecki, R. F., Vai trò quan trọng của chất lượng trong hệ thống du lịch, ProQuest Science Journals, 1999, tr.37-42.

8. Irshad, H., Tổng quan về du lịch nông thôn, Alberta Canada, 2010.

9. Park, D-B., Yoon, Y-S., Phân khúc theo động cơ trong du lịch nông thôn: Nghiên cứu trường hợp Hàn Quốc, Tourism Management, tập 30, 2009, tr.99-108.

10. Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Phát triển du lịch nông thôn, kinh nghiệm thế giới và áp dụng vào Việt Nam, Hà Nội, 2015.

11. Rajović, G., Bulatović, J, Phát triển du lịch nông thôn trong bối cảnh châu Âu: Tổng quan, Scientific Electronic Archives, tập 10, số 1, 2-2017.

12. Streimikiene, D., Bilan, Y., Tổng quan các lý thuyết phát triển du lịch nông thôn, Transformations in Business & Economics, tập 14, số 2 (35), 2015, tr.21-34.

13. Turner, J. R., Sách hướng dẫn quản lý dự án dựa trên dự án, ấn bản thứ 2, 1999.

Ths DƯƠNG CHÍ THANH - PGS, TS PHẠM VIẾT HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;