Tiếng gọi - cái tôi nguyên thuỷ và tuỳ biến

Từ nhiều năm gần đây, ngôn ngữ thị giác của nữ Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) đã xuất hiện như một dòng chảy cuồn cuộn cảm xúc, khoáng hoạt và cháy bỏng, góp mặt tích cực vào đời sống nghệ thuật đương đại. Khoáng hoạt mà vẫn soi chiếu những ý tứ cội nguồn sâu sắc. 

Ai đó nói, chị có cái ngẫu hứng tự phát, bất luận nguyên tắc, phóng đãng trong sáng tạo, đôi khi quá đà. Ai đó nghĩ, chị dư thừa năng lượng, cần chuyển hóa khối tâm can bứt rứt vào thực hành nghệ thuật cho nhẹ bớt nỗi lòng, rằng đó chỉ là cuộc chơi chóng vánh và thoảng qua. Thực tế là, Thu Trần chưa từng chơi bời trong sáng tạo theo nghĩa ấy. Chị có đủ lòng tin và gắn bó, đủ đam mê và dấn thân. 

Người nghệ sĩ dãi màu, nhuộm lụa, vá khâu.. là để biểu lộ khao khát, dằn vặt, đau đớn, thương tổn của đàn bà, rồi liên tưởng đến mẹ thiên nhiên. Có lẽ, những trải nghiệm làm mẹ đã chuyển hóa vào kiểu thức của ngôn ngữ mà ứa ra cái quằn quại, xoắn xuýt, khắc khoải, vấp gãy đường đột của hình nét. Một ngôn ngữ căng đầy, xum xuê, phồn thực.Và nhiều khi là cảm giác bị bóp nghẹt, chịu đòn, day dứt và cay đắng, muốn vùng ra để tự do. 

Tôi đã từng viết khi chị làm “Giăng tơ”: 

“Người đàn bà ngồi kết những đường tơ 

Buộc thời gian, nhốt vào đêm không ngủ 

Đôi bàn tay quyến rũ 

Đan ngón dày bật máu bờ môi 

Đâu rồi đêm 

Đâu rồi ngày 

Đâu rồi những mùa yêu đã cũ 

Em lạc lối Ngồi kiết già!

Khâu không lành mùa yêu 

Khâu không lành vết đau 

Khâu không lành đêm dài trăn trở 

Người đàn bà ngồi kiết già 

Người đàn bà ngồi kết những đường tơ 

Thành khăn vấn trên vai sưởi ấm cho người!”

Thường thì đường màu và hình của Thu Trần có nhịp điệu liền mạch, như khúc hát không ngắt nghỉ, mà dằng dặc, bện vào nhau, ràng buộc lấy nhau, phơi tỏ nhiều lớp lang tế nhị, tế nhị kiểu mãnh liệt, khỏe khoắn. Chị kiểm soát từng sắc thái tự do ấy một cách rất tự nhiên, như thể thấm thía màu máu nhỏ vào lòng đất, mồ hôi giãi xuống cánh đồng hay nước mắt hòa vào nước sông để lắng lại phù sa. 

Từ nhiều năm nay, chị ngược xuôi vào Nam ra Bắc, lên rừng, xuống biển chỉ để mang tình yêu của mình giăng tơ lên những cánh rừng, ngọn đồi hay dong khơi ra biển… Và lần này, chị đưa tư tưởng hiện sinh vào không gian nhà máy xe lửa, ước lệ về hình ảnh nhà ga, nơi ra đi và trở về của mỗi cuộc hành trình, một vòng tròn không có điểm khởi đầu hay kết thúc. 

“Tiếng gọi” là sự tương tác hội họa cùng ánh sáng và cái sắc lạnh lì lợm của sắt thép công xưởng. Những dải lụa dài liền mạch uốn sóng trập trùng trên độ cao, ngửa mặt lên thấy cuồn cuộn đường nét xô chen, chuyển động trong cấu trúc biểu hiện trừu tượng, bán trừu tượng. Đây bản trường ca, sử thi Đẻ đất, Đẻ nước. Kia huyền tích về hình tượng người mẹ thiên nhiên hùng vĩ, nơi khởi sinh và nuôi dưỡng sự sống trên thế gian, chốn thân phận đàn bà đau đớn trong nước mắt sinh tử. Và nếu có khóc cũng khóc một cách lộng lẫy, huy hoàng. 

Thu Trần gạn lọc, chắt chiu từng giọt màu trầm ấm, mộc mạc, mang sắc nhị nguyên thủy từ đá non, sa khoáng, củ nâu… để bồi đắp trên từng lớp lang. Chị nói, như thế mới cảm thấy màu nó “vào” nhau, tăng thêm biểu cảm và chiều sâu, gọi ra được tinh thần đất mẹ gần gũi, ân tình. Trên cái nền ấy, đôi khi bỏ ngỏ nét vẽ, vương vấn những dấu vết mơ hồ dan díu, bối rối đến hoài nghi. 

Chắc chắn phải là một tình yêu bền chặt, một cảm xúc nghệ thuật có thực, một tư tưởng nhân văn hiện sinh rõ ràng và mạch lạc, mê say và quyết liệt, tự tin và đàng hoàng, chứ không thể xem là cuộc dạo gót trăng hoa nhất thời. “Tiếng gọi” là thành công của Thu Trần sau những âm hưởng của “Giăng tơ” từ nhiều năm trước. Chị đã tìm thấy niềm hạnh phúc trong sáng tạo, với ước nguyện nhận phước báu từ thiên nhiên để chuyển hóa, và trả về tự nhiên những giá trị nhân văn. 

Tôi thấy một tinh thần nghệ sĩ. chân thành, không giấu giếm hay che đậy nỗi niềm riêng tư, mà chia sẻ thương yêu và biết nương náu vào cội nguồn. 

Tôi nghĩ, Thu Trần đã đặt ra được cái “thuật sáng tạo” của riêng mình… một “tạng” bản năng trời phú về tính tự do ứng tác cùng khát vọng chinh phục. Tạm gọi đó là “Cái Tôi Nguyên thủy và Tuỳ biến trong ngôn ngữ thị giác” của Trần Thị Thu.

VŨ ĐÌNH TUẤN - Ảnh: Họa sĩ TRẦN THỊ THU cung cấp

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;