Họa sĩ Trần Đình Diệu: Của Hải Phòng những năm tháng ấy

LTS: Vừa qua, tại Atena gallery, số 96- Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã trưng bày các tác phẩm của cố họa sĩ Trần Đình Diệu (1938-2004). Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm tranh và ký họa mà phần lớn được vẽ trong khoảng thời gian 1964-1972, khi thành phố Hải Phòng quê hương ông cùng cả nước trải qua những năm tháng chiến tranh đầy gian khó. Sự nghiệp nghệ thuật của họa sĩ Trần Đình Diệu có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Đất Cảng nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung. Nhân dịp này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật giới thiệu với bạn đọc bài viết của Nhà phê bình Nguyễn Quân về nghệ thuật tạo hình của cố họa sĩ Trần Đình Diệu.

Trần Đình Diệu, Cha và con (58x82 cm). Bột màu. 1966

Được xem lại và xem mới gần 400 bức tranh của Trần Đình Diệu ở Hải Phòng sau ba bốn mươi năm tôi như được sống lại “thời ấy, đất ấy của mình”.(Tôi đã sống ở đây năm năm đẹp nhất của thời học sinh và đươc tiếp xúc với văn nghệ sĩ đất này gần hai mươi năm sau đó). Xem tranh để nhận ra rằng: Nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa là một thái độ sống, một cách nhận thức hơn là một cách vẽ tả chân hay chọn chủ đề. Yêu người quan trọng hơn yêu nghệ thuật. Và chỉ tình yêu đầu tiên ấy mới dẫn tới “thành công nghệ thuật” trong mối tình thứ hai của bất cứ họa sĩ nào - tình yêu cái (thẩm) mỹ mà họ muốn hiến cả đời mình. Một người đàn ông phong trần cao lớn một tay bồng em bé gái trên vai, tay kia cầm bút như cầm đoản kiếm, thần khí bừng bừng trước tấm vải vẽ vô hình. Khá ngộ nghĩnh và cảm động vì chàng họa sĩ hiện ra vừa như một người cha ân cần vừa là một chiến sĩ cảm tử (kiểu Xô-viết). Một người đàn ông vạm vỡ đang về già ngồi chống tay suy niệm ‘cô đơn tuyệt đối’ trong một thiên nhiên âm u, lạnh và vô định. Nhân vật duy nhất này dằn vặt, trầm tư về con người hay nghệ thuật đây? Ta thấy trong di sản hội họa của Trần Đình Diệu những hoang mang, day dứt, những xác quyết nhiệt tình và thất vọng ở đời cũng như trong khi vẽ , những điều đủ là giấy chứng nhận cho một nhân cách một nghệ sĩ đích thực.

Trần Đình Diệu, Chốn yên bình (53x37 cm). Màu bột. 1972

Hải Phòng những năm cuối 1960 tới đầu 1980 là trung tâm văn nghệ lớn thứ hai ở miền Bắc sau Hà Nội. Hội họa Hải Phòng, thơ văn Hải Phòng, kịch nói Hải Phòng, bóng đá Đất Cảng cùng "Sóng Duyên Hải" và hoa phượng đỏ và nhiều thứ nữa đã tạo nên bản sắc địa phương nhưng không tỉnh lẻ của văn nghệ đất này. Khi khuôn khổ hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị với lối vẽ tả chân thuần túy, các thể loại ổn định trực họa, tranh triển lãm, tranh cổ động hay “hoành tráng” công cộng và “hội nhập quốc tế” chỉ là hai hình mẫu hội họa Xô-Viết và Trung Hoa thì chính ở Hải Phòng lúc đó, hội họa đã có những “động đậy” tiền modernism (chủ nghĩa hiện đại), phá cách mạnh bạo và khỏe khắn. Các họa sĩ Hải Phòng ưu ái các họa sĩ cách tân như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, công khai ngưỡng mộ Picasso, Matisse hay Leger… hơn các khuôn mẫu tả thực Đông Dương còn đang được giảng dậy ở các trường mỹ thuật. “Tranh Hải Phòng” bộc trực mộc mạc nhưng không dân gian thơ ngây mà gai góc, cương nghị và quyết liệt không lạc quan, duyên dáng như thường thấy thời đó. Những bút pháp biểu hiện thậm chí siêu thực và lập thể được thể nghiệm. Cuộc sống, con người hiện ra trên tranh với cả những mất mát, đau đớn, hy sinh và thất vọng chứ không thuần yêu đời, tin tưởng, cảnh vẻ. Ở hàng loạt tranh của Trần Đình Diệu, nhất là ở những bức có vẻ như chưa hoàn thành, ta thấy những thăm dò và thách thức của người họa sĩ đang lắng nghe tiếng nói nội tâm của chính mình và kiếm tìm những form tạo hình nào đó tương hợp được với “nó”.

Trần Đình Diệu, Hạ Lý bị đánh bom có tính chất huỷ diệt 31/7/1972 (52x35). Bút sắt

Các nhân vật nữ, một mình hay trong tập thể lao động chiến đấu sinh hoạt thường không đẹp một cách chung chung, dễ thương, duyên quê hay đài các thị thành mà là các cá nhân tự tin, khỏe khoắn và thẳng thắn. Các người nam cũng là những người lao động có thật nào đó không bị điển hình hóa hay tượng trưng cổ động. Ông cũng như nhiều họa sĩ bạn bè Hải Phòng dường như gần với công nông của một Sĩ Ngọc hơn là của một Trần Văn Cẩn. Vài cô gái uốn lươn trên lụa Trần Đình Diệu vẽ gần cuối đời hình như không hợp với “cái thể tạng” nghệ thuật của ông như giai đoạn trước.

Đặc biệt xúc động, tính biểu hiện cao là những tranh tĩnh vật hoa. Có lẽ ở đây ông đào xới, chăm bón “cây đời”, vật vã đau đớn với mình với người hơn cả ở những chân dung. Chói đỏ rạng ngời khi tàn úa, run sợ khi chớm nỏ, hoang mang khi lung linh… Mầu sắc mạnh mẽ đối chọi phát ra những âm thanh chát chúa hay thì thầm chứ không mơ màng, bảng lảng thơm ngát mời gọi như những công thức vẽ tĩnh vật hoa thường thấy hồi đó và cả bây giờ nữa.

Trần Đình DiệuNạn đói năm1945 tại Hải Phòng (80x60 cm). Mực trên giấy. 1966

Tam Bạc, vẻ đẹp biểu tượng của thành phố Hải Phòng ở Trần Đình Diệu cũng mộc mạc, đơn sơ, đôi khi lầm lũi, buồn tủi chứ không trữ tình, nên thơ, bay bổng cách điệu hóa như ở vô số cây bút khác-ngày ấy và bây giờ. Vì thế họa sĩ đã góp một cái nhìn một bức chân dung Tam Bạc - Hải Phòng rất riêng biệt. Trên tất cả là những trực họa Hải Phòng bị đánh phá “có tính chất hủy diệt”- lời ghi của ông trên một bức tranh) Bom đạn tàn phá nhà, xưởng, đường phố, cầu, cảng… tất cả. Một nơi chốn hoang tàn đau đớn như những thi thể phân rã, cơ thể tóe máu, rên rỉ nhưng ở đó vẫn hiển hiện một cái gì đó lừng lững, đang đứng vững kiên cường. Những trực họa chiến tranh này thuộc loại đáng quý nhất bởi chúng khẳng định một tâm thế cương cường của chủ thể con người thành phố hơn là tố cáo tội ác cụ thể của quân địch. Lạ nữa là dường như chính các trực họa này cho thấy nét tài hoa, hoạt bát, sự quán xuyến tạo hình thành thục nhất của ngọn bút Trần Đình Diệu.

Trước di sản của họa sĩ Trần Đình Diệu, thế hệ nghệ sĩ trẻ Hải Phòng hôm nay sẽ nói một lời biết ơn chân thành.

Trần Đình Diệu, Xưởng dệt (37x27). Màu nước

Trần Đình Diệu, Hạ buồm (43x30cm). Màu nước

Trần Đình Diệu, Suy tư (59x44 cm). Mực nho. 197

Trần Đình Diệu, Trên ghế gỗ (38x53 cm). Bột màu

NGUYỄN QUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;