NSND Nguyễn Ngọc Bình và chặng đường 50 năm theo đuổi nghệ thuật

NSND Nguyễn Ngọc Bình sinh ra trong gia đình mà từ cha mẹ, anh chị, dâu rể và sau này là con cháu, đều hoạt động nghệ thuật. Lớn lên tại Khu văn công Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội - “đại bản doanh” của các loại hình nghệ thuật như Tuồng, Chèo, dân ca Bài chòi và là trụ sở của Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Điện ảnh (sau này là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) nên từ nhỏ anh đã ngấm dần các làn điệu dân ca, nghệ thuật cùng các vở diễn kinh điển. 

Ba mẹ Ngọc Bình đều là người Huế và là diễn viên của Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế lúc ấy đang có trụ sở ở Hà Nội. Tốt nghiệp bổ túc văn hóa 10/10, chàng thanh niên họ Nguyễn chọn trở thành diễn viên ca kịch Huế như một lẽ tất nhiên. 

Từ diễn viên yêu nghề... 

Năm 1972, đang học lớp 9 Trường PTCS Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội nghe tin Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế Trung ương vào chiến trường Bình Trị Thiên biểu diễn, Ngọc Bình rất muốn đi theo. Được bác Trưởng đoàn đồng ý, anh bỏ học theo xe cùng đoàn vào sống và biểu diễn tại chiến trường trong 6 tháng. Sau ngày thống nhất đất nước, Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế được lệnh trở về Thừa Thiên Huế, Ngọc Bình theo ba mẹ về Huế sinh sống và hoạt động nghệ thuật.

Là con nhà nòi, gần gũi với sân khấu từ tấm bé, thế nhưng khi nhận vai diễn đầu tiên là một anh lính nhỏ của quan khâm sai, Ngọc Bình lại lo lắng, hồi hộp đến khó tả. Song cũng từ đó, anh dần dần trở nên thích thú và say mê khi được đứng dưới ánh đèn. Đến nay, NSND Nguyễn Ngọc Bình đã tham gia trên 50 vai diễn, trong đó có hơn 10 vai chính. Có thể kể đến: Châu Tuấn vở Thoại Khanh Châu Tuấn, Nhị Tớ trong vở Viên đạn súng kíp, vai Kiểm trong vở Rừng sương đỏ, Tà Lừng trong vở Vòng oan nghiệt, Chánh Cương trong vở Làng bên, Tuấn Sinh vở Ngọn lửa tình yêu, Việt vở Đêm về sáng, Tấn trong vở Vụ án ngược chiều, ông Lục vở Mặt phẳng, Cáo vở Con gà chân chì, Thầy bói vịt và Trần Bồ trong vở Trần Bồ cưới vợ lẽ, Ferđinan trong vở Âm mưu tình yêu, Anh hàng thịt vở Hồn Trương Ba da hàng thịt...

 Nổi bật nhất trong số đó là vai Đi Mi Đốp trong vở Trên mảnh đất người đời - một câu chuyện về đất nước Nga thời hậu chiến. Cuộc đời Đi Mi Đốp được bắt đầu từ chàng thanh niên trai trẻ đến khi trở thành một ông lão gác rừng. Nhân vật phải trải qua hết nhà tù Xô Viết đến nhà tù Đức quốc xã, bị cướp mất vợ và gánh chịu bao nhiêu nỗi oan khuất. Một số phận quá khắc nghiệt và cũng là mảnh đất để người diễn viên được thể hiện tài năng. 

Nhưng ấn tượng hơn cả là vai diễn Hồ Chí Minh trong vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ. NSND Nguyễn Ngọc Bình nhận vai này khi đã có được chỗ đứng nhất định trong nghề, được đồng nghiệp và khán giả yêu quý. Thế nhưng, dù là ai thì khi hóa thân vào vai một vị lãnh tụ đã đi sâu vào tâm thức của người dân cũng là một áp lực lớn. Từ tạo hình gương mặt, hình thái đến giọng nói, đặc biệt là thần thái và phong cách của Người đều đòi hỏi sự công phu, rèn luyện không ngừng. Song đó cũng chính là nấc thang thử thách sự kiên trì và bản lĩnh của người nghệ sĩ. Vai diễn Hồ Chí Minh đã thành công ngoài sức mong đợi của NSND Nguyễn Ngọc Bình, giúp anh giành Huy chương Vàng trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010. Không chỉ đóng vai chính trong Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ, anh còn là đạo diễn kiêm tác giả chuyển thể ca kịch Huế.

Có thể nói, ở vị trí diễn viên, Ngọc Bình đã có cơ hội thể hiện đa dạng các loại vai. Anh từng là diễn viên trụ cột của Đoàn với nhiều giải thưởng danh giá như: Huy chương Vàng vai Tà Lừng vở Vòng oan nghiệt tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985, Huy chương Vàng vai Đức vở Lời trăn trối tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990, Huy chương Bạc vai Minh vở Điều không thể mất tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp miền duyên hải phía Bắc năm 2001 và Giải thưởng Bông sen trắng (loại B) của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên năm 1980 và 1990.

... Đến đạo diễn đoạt nhiều giải thưởng 

Ngay từ khi là một diễn viên, do tuổi trẻ ham chơi, Ngọc Bình thường hay đàn đúm bạn bè. Ba anh - đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Yến muốn giữ con ở nhà nên đã soạn trà, rượu để trò chuyện cùng. Lúc hàn huyên, ông mở sách vở, dạy anh một số vấn đề về nghiệp vụ đạo diễn. Anh không bỏ phí cơ hội học hỏi từ người cha yêu nghề.

 Năm 1984, thời kỳ bao cấp, mỗi lần các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn thường kéo dài từ 3-4 tháng. Đời sống vất vả, kinh phí không có để mời đạo diễn dàn dựng. Trong hoàn cảnh vừa đi diễn vừa dựng vở, phải dùng “cây nhà lá vườn” để đỡ tốn chi phí. Đoàn Nghệ thuật Ca kịch Huế thấy anh hiểu nghề đã giao cho anh dàn dựng một số vở. Vở đầu tiên Ngọc Bình nhận nhiệm vụ đạo diễn là Ngọn lửa tình yêu, (được tác giả Minh Hằng chuyển thể từ vở Cây cỏ tương tư của tác giả Liên Nguyễn). Ngày dựng, đêm diễn. Có lúc ở sân của nhà dân, rồi giữa bờ sông có bóng cây. Trong vòng hai tháng, Ngọc Bình cùng các nghệ sĩ đã hoàn thành vở diễn với cảnh trí, phục trang, đạo cụ được tận dụng từ các vở khác. Cái khó lớn nhất của anh khi dàn dựng vở đầu tiên mà diễn viên phần lớn đều là bậc cha bậc, chú. Nhưng do được lãnh đạo phân công, lại muốn mọi việc hanh thông, tốt đẹp nên anh phải năn nỉ, thủ thỉ thậm chí là phải nịnh các cụ để có thể thực hiện đúng ý đồ nghệ thuật của mình.

NSND Nguyễn Ngọc Bình vai Tổng Bí thư Lê Duẩn trong thực cảnh Yêu lẽ phải - trọng tình thương

Từ những bài học của cha, Nguyễn Ngọc Bình đã mày mò dàn dựng khoảng 7 đến 8 vở diễn. Năm 1991, không muốn làm “đạo diễn tay ngang” nữa, anh xin được đi học lớp Đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để nâng cao kiến thức về xã hội, học thuật. Được học hành bài bản, nên tay nghề của chàng đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình được nâng cao từng ngày. Có thể nói, mỗi vở diễn mới ra đời là một lần anh được khẳng định bản thân, được ghi điểm trong con mắt của bạn đồng nghiệp. Trong vai trò đạo diễn, Nguyễn Ngọc Bình gặt hái được vô số giải thưởng trong các kỳ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. 

Năm 1995, sau khi tốt nghiệp, Ngọc Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng đoàn - Chỉ đạo nghệ thuật, kiêm đạo diễn, diễn viên Đoàn Ca Kịch Huế. Năm 2006 giữ chức Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 2018. Anh được phong Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, Huân chương Lao động hạng III năm 2009.

“Những gì tôi đã đạt được còn vô cùng nhỏ bé so với sự đòi hỏi của nghệ thuật, cũng như thành quả của nhiều đồng nghiệp. Nhưng tôi luôn cảm thấy vui khi nhìn lại con đường gần 50 năm theo đuổi nghệ thuật của mình” - NSND Nguyễn Ngọc Bình thổ lộ. 

Còn trăn trở về ca kịch Huế 

Nhiều năm gắn bó với nghề, theo NSND Nguyễn Ngọc Bình, mỗi loại hình, đơn vị nghệ thuật đều có lúc thuận lợi, khó khăn. Nghệ thuật Ca kịch Huế cũng có lúc thăng trầm, tưởng chừng như khó vượt qua. Năm 1965, đã có những quan điểm ca kịch Huế chưa đủ điều kiện để hình thành một loại hình sân khấu. Thế nên, có những ý kiến đề xuất nên giải tán, hoặc đưa vào vùng tuyến lửa phục vụ theo dạng nhỏ lẻ, từng tốp, từng nhóm. Hồi đó gọi là “cắm sâu cắm cạn”. Nhưng tâm huyết và ý chí của các nghệ sĩ, nghệ nhân tiền bối rất mạnh mẽ. Họ đã hợp sức dàn dựng các vở như Con gà chân chì, Cây thanh trà, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Kịch thơ tuổi 20 để nói lên một điều: “Ca kịch Huế đủ các yếu tố, điều kiện trở thành một loại hình sân khấu”. 

Nghệ sĩ lão thành nhận định, vẻ đẹp của mỗi loại hình sân khấu đều đi theo sắc thái và tiết tấu của từng giai đoạn. Ca kịch Huế ngày trước có thể dạng đĩnh đạc, chậm rãi, ẩn chứa bên trong sự cuộn trào máu lửa. Ca kịch Huế hiện nay, với dạng thái sôi động, thanh thoát mà quyết liệt, mang hơi thở hiện đại. Song dù là xưa hay nay Ca kịch Huế đều chung một đặc điểm: Đáp ứng phù hợp về sắc và tiết tấu trong từng giai đoạn của xã hội. Vì thế, các nghệ sĩ Ca kịch Huế hiện nay, về tinh thần cũng như vật chất đại đa số sống ổn nhưng chủ yếu nhờ vào Ca Huế, hát múa dân gian, phục vụ du lịch, phục vụ lễ hội, còn các hoạt động ca kịch lại rất hạn chế 

Ca kịch Huế cũng như Cải lương, Dân ca, Bài chòi, so với Tuồng và Chèo thì xuất hiện muộn hơn nhiều. Do vậy, phong cách thể hiện của Ca kịch Huế cũng ít bị lệ thuộc vào các trình thức và niêm luật biểu diễn, thông thoáng hơn. Do đặc trưng của phong cách kịch hát, những vở diễn Ca kịch Huế vẫn thu hút khán giả trên địa bàn cả nước với hàng trăm xuất diễn với các vở như: Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ, Điều không thể mất, Trần Bồ cưới vợ lẽ…

Huế là vùng đất có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc về truyền thống dân tộc. Hoạt động nghệ thuật nói chung ở Huế sôi động và liên tục nhằm phục vụ khách du lịch, các lễ hội, các sự kiện vào các ngày lễ lớn. Các cấp chính quyền cùng các nghệ sĩ luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống Huế. “Nhiều tác phẩm nghệ thuật được phục dựng, lưu trữ cùng các tư liệu có giá trị về nghệ thuật truyền thống Huế. Tuy nhiên, loại hình này cũng gặp những khó khăn như: kinh phí cho công tác bảo tồn còn hạn chế; sự tương tác giữa nghệ thuật truyền thống với khán giả thiếu hiệu quả” - nghệ sĩ Ngọc Bình cho biết.

NHẬT HUY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;