Tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa dân tộc

Tối 18-11, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022.

Tới dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Quang Trường; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân. Tham dự buổi lễ còn có đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo đồng bào, nghệ nhân các dân tộc tham dự Ngày hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần giai cấp dân tộc, tôn giáo tập hợp đoàn kết với lá cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên cách mạng Tháng Tám lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ những giá trị văn hoá tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động hướng về ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời, biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuần Lễ Đại đoàn kết sẽ giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành các tổ chức, các cơ quan đơn vị tiếp tục chung sức đồng lòng cùng góp sức đồng phục hồi kinh tế và phát triển sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát huy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên tảng tinh thần vững chắc đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất: Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động phong trào thi đua triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, động viên đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa đang được lưu giữ bằng trí nhớ, bằng chữ viết của các dân tộc, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mặt trận các cấp và mọi tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo đồng bào trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài, chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ những người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào chịu ảnh hưởng bở dịch COVID- 19, khích lệ cổ vũ tinh thần tự lực tự cường của mọi người dân vượt qua khó khăn thử thách.

Thứ ba: Bộ VHTTDL triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 làm cho các giá trị văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

"Chúng ta cùng vững niềm tin, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, với truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết và nền tảng mà lịch sử văn hóa ngàn năm của dân tộc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn trong cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ tiếp tục được tăng cường góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, với Đảng và Nhà nước là nền tảng tinh thần vững chắc là sức mạnh để đưa đất nước ta đi trên con đường đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022 diễn ra từ ngày 18-11 đến 23-11-2022 với mục đích nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các đồng bào đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc của dân tộc mình tại ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Sau hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh. Trên lĩnh vực văn hóa đường lối chủ trương phát triển văn hóa của Đảng ta tiếp tục có sự đổi mới sâu sắc về vai trò của văn hóa trên cơ sở kế thừa nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và những xu thế tất yếu khách quan của thời đại.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ: Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có hai luận điểm chính về văn hóa được nêu ra, gồm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nền tảng tinh thần của xã hội được đề cập chính là hệ giá trị về mặt tinh thần của con người Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường; là tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, muôn người như một; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; là đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất và trong chiến đấu… đã được kiến tạo vững vàng và đã được thử thách bền bỉ qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành một bản sắc, nền tảng vững chắc cho đời sống tinh thần xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong Tuyên ngôn toàn cầu về đa dạng văn hóa và Công ước bảo vệ, phát huy đa dạng biểu đạt văn hóa của UNESCO cũng đã nhấn mạnh, văn hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Vì vậy, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định: Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam 2022 có nhiều hoạt động ý nghĩa như gặp mặt già làng, trưởng bản, những nghệ nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa của các dân tộc; tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc; các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc. Trong đó, có những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức như Trình diễn trang phục của các dân tộc vùng núi khu vực phía Bắc lần thứ nhất; các giải vật dân tộc của quốc gia và rất nhiều hoạt động phong phú khác.

"Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" hứa hẹn sẽ mang lại một bầu không khí vui tươi đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương văn hóa dân tộc, mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước để những thế hệ đi sau luôn biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc. Đoàn kết để dâng trào khát vọng cháy bỏng, đoàn kết để nỗ lực cao nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bộ VHTTDL tặng quà đồng bào, nghệ nhân

Cũng tại lễ khai mạc, các đại biểu và khán giả có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật chủ đề "Khát vọng Việt Nam". Chương trình được tổ chức quy mô cùng lúc trên 4 sân khấu tại khu vực ven hồ Đồng Mô với sự tham gia của 200 nghệ sĩ và 170 nghệ nhân các dân tộc. Chương trình mang đến nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc, đưa khán giả trải qua những không gian di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam theo chiều dài đất nước. Các tiết mục nghệ thuật được kết hợp với màn trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào 22 dân tộc thuộc 15 tỉnh miền núi phía Bắc đem đến cho công chúng một không gian nghệ thuật đầy màu sắc.

Chương trình nghệ thuật "Khát vọng Việt Nam"

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022 diễn ra từ ngày 18 đến 23-11, với nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn và ý nghĩa, góp phần phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.​​​​

Tin: ĐĂNG NGUYÊN - Ảnh: TUẤN MINH

;