Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao vì vậy liên kết phát triển du lịch là yêu cầu quan trọng để đảm bảo sự thành công. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch không chỉ xuất phát từ bản chất của hoạt động du lịch, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển xã hội của lãnh thổ, điểm đến thông qua các hình thức liên kết. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch, qua đó tạo việc làm cho xã hội. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch là yếu tố tích cực cho phát triển bền vững du lịch đứng từ góc độ kinh tế - xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, thời gian qua các tỉnh khu vực duyên hải Đông Bắc (bao gồm Hải Phòng và Quảng Ninh) đã có những giải pháp thiết thực đẩy mạnh việc liên kết vùng, liên kết ngành trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự liên kết này vẫn chỉ mang nặng về cam kết mà chưa có kế hoạch, chương trình triển khai. Một số điểm du lịch của Hải Phòng (đặc biệt trên đảo Cát Bà) và Quảng Ninh (đặc biệt là các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long) được một số công ty du lịch lữ hành của hai địa phương khai thác đưa vào các tour du lịch một cách tự phát. Việc phát sinh mâu thuẫn trong khai thác của các công ty chưa được sự quan tâm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hơn thế, với tư cách là địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước, những sản phẩm du lịch chung của lãnh thổ với việc khai thác những tiềm năng du lịch đặc sắc của hai địa phương chưa được hình thành; các tour du lịch có tính vùng chưa thực sự được cả hai địa phương quan tâm tạo điều kiện phát triển. Tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa hai địa phương còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn chung về du lịch của địa bàn... Thực trạng yếu kém này xuất phát từ một số nguyên nhân: nhận thức của chính quyền, trực tiếp là sở quản lý nhà nước về du lịch của Hải Phòng và Quảng Ninh về tầm quan trọng của sự hợp tác còn hạn chế; chưa có sự chủ động tiếp xúc, trao đổi giữa du lịch Hải Phòng và Quảng Ninh về yêu cầu và nội dung hợp tác liên kết giữa hai địa phương trên quan điểm đem lại lợi ích cho cả hai bên và góp phần thúc đẩy liên kết du lịch với tư cách là một địa bàn trọng điểm du lịch thống nhất về lãnh thổ; vai trò tác nhân của Tổng cục Du lịch trong thúc đẩy hợp tác liên kết vùng thông qua một số dự án hỗ trợ cụ thể còn nhiều hạn chế.

Để có thể thiết lập và đẩy mạnh hợp tác liên kết du lịch giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, hai tỉnh cần quan tâm giải quyết một số vấn đề:

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của sự liên kết trước yêu cầu hội nhập quốc tế, với khẩu hiệu Liên kết cùng phát triển hay Liên kết vì một điểm đến chung. Nâng cao tuyên truyền, cùng nhau tham gia vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá, quản lý chất lượng sản phẩm du lịch trong vùng, nhằm tăng tính hấp dẫn của điểm đến du lịch, thu hút nhiều hơn các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thống nhất về quy hoạch, phát triển mạnh hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cần xây dựng đề án quy hoạch chung của khu vực Duyên hải Đông Bắc và từ đó có sự điều chỉnh phù hợp đối với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm, đầu tư phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nối các chương trình du lịch của các tỉnh trong vùng.

Du khách khám phá Cát Bà (Hải Phòng) - Ảnh: Thanh Hà

Khuyến khích đầu tư cho các dịch vụ còn thiếu và chưa đạt chất lượng, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển, địa điểm mua sắm trên đường, khu giải trí ban đêm. Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho phát triển du lịch tại khu vực cửa khẩu. Đây sẽ là những cơ hội mới để các doanh nghiệp du lịch ở khu vực Duyên hải Đông Bắc hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài khu vực tạo lập sản phẩm du lịch chung, kết nối các chương trình du lịch để thu hút du khách quốc tế.

Phối hợp xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, mang tính riêng biệt của mỗi địa phương trong bức tranh du lịch chung của toàn vùng. Các địa phương cần hỗ trợ nhau trong việc sưu tập, phục hồi và phát triển các sản phẩm du lịch như: các làn điệu dân ca đặc trưng, lễ hội đặc sắc, làng nghề sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm... những sản phẩm này được chọn lọc đưa vào từng chương trình du lịch, từng sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng. Việc kết nối tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng chính là sự chia sẻ các sản phẩm du lịch trong cùng một tuyến du lịch với các sản phẩm đặc sắc nhất, đó chính là yếu tố giữ chân du khách.

Bộ VHTTDL cần có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ hơn với các cơ quan quản lý du lịch địa phương thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, các cơ quan quản lý du lịch địa phương cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để có biện pháp quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là lữ hành quốc tế; quản lý tốt các khu, điểm du lịch, xử lý nghiêm các hành vi đeo bám khách để bán hàng, xin tiền, lừa đảo... Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tiểu vùng Hà Nội, vùng du lịch trung du miền núi phía Bắc… để tạo lập các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực Duyên hải Đông Bắc.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ, liên kết để tạo sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng và sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch. Khuyến khích các ngành liên quan như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại... chủ động tích cực tham gia cung ứng dịch vụ du lịch trên cơ sở ngành du lịch là trọng tâm. Việc liên kết giữa các ngành cần được phối kết hợp nhịp nhàng, linh hoạt để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch khu vực Duyên hải Đông Bắc.

Mở rộng phát triển du lịch nhiều thành phần, tạo điều kiện cho các cá nhân, các tổ chức trên địa bàn Duyên hải Đông Bắc có điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, nhằm huy động được mọi nguồn lực như: nguồn vốn nhàn rỗi, nguồn lao động, tài nguyên thiên nhiên… phát huy được lợi thế so sánh của vùng, mặt khác, phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, cải thiện đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong đường lối phát triển du lịch nhiều thành phần ở khu vực Duyên hải Đông Bắc cần đảm bảo được vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.

Mở rộng khuôn khổ hợp tác phát triển du lịch trong khu vực và quốc tế như:

Hai hành lang - Một vành đai, dựa vào định hướng phát triển du lịch chung, một số hoạt động hợp tác trong thời gian tới của vùng duyên hải Đông Bắc đối với khu vực bao gồm: tăng cường tạo thuận lợi cho đi lại của khách du lịch trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và mở rộng phạm vi đi lại với các địa phương lân cận các hành lang trên; phát triển các tuyến du lịch tàu biển quốc tế từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore... đến Hạ Long, Cát Bà; quảng bá du lịch khu vực Duyên hải Đông Bắc như một điểm đến thống nhất, hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới; chuẩn hóa chất lượng dịch vụ du lịch trên các tuyến hành lang kinh tế và xây dựng hệ thống điểm dừng chân của các tuyến đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trên địa bàn khu vực Duyên hải Đông Bắc.

Hợp tác trong khuôn khổ các nước ASEAN, trong thời gian tới, du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước ASEAN về các mặt sau: hình thành các gói sản phẩm du lịch khu vực liên kết giữa các nước ASEAN theo các nhóm du lịch tàu biển, di sản, văn hóa, du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch cộng đồng; thực hiện tốt hợp tác du lịch với các nước đã thiết lập quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia, Việt Nam - Lào - Thái Lan, Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan - Myanma...; cần chủ động và tích cực hơn trong việc mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù để thu hút khách trong khu vực ASEAN.

Hợp tác trong khuôn khổ với các nước WTO, các doanh nghiệp du lịch lữ hành khu vực Duyên hải Đông Bắc cần tìm ra chiến lược phù hợp để thích ứng với cạnh tranh từ doanh nghiệp lữ hành gửi khách nước ngoài trong giai đoạn tự do hóa thị trường du lịch sau khi gia nhập WTO. Một trong những chiến lược mà các doanh nghiệp cần quan tâm là trở thành các đối tác, liên minh chiến lược của các hãng lữ hành lớn và nổi tiếng trên thế giới dưới hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác, tái cơ cấu tổ chức theo hướng linh hoạt nhằm tận dụng được nguồn khách và nghiệp vụ quản lý, điều hành tiên tiến của các doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp lữ hành ở khu vực duyên hải Đông Bắc cần coi liên doanh với các công ty nước ngoài trong WTO là một con đường để thâm nhập thị trường và phát triển nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp lữ hành phải tái cơ cấu tổ chức theo hướng tăng cường liên kết dọc và liên kết ngang trong mọi hoạt động của mình. Đồng thời, phải vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán… Có như vậy, mới tạo ra được mối quan hệ tỷ lệ thuận lợi ích giữa các doanh nghiệp du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc và các hãng lữ hành gửi khách nước ngoài; trong những năm tới, du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc cần tăng cường mở rộng hợp tác với các nước phát triển trong WTO để học hỏi kinh nghiệm trong chiến lược phát triển du lịch. Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách đảm bảo cho phát triển bền vững du lịch. Cần có chính sách quốc gia xuyên suốt để tạo điều kiện cho ngành Du lịch cạnh tranh quốc tế, thực hiện đúng các cam kết của ngành Du lịch với các tổ chức quốc tế, nhất là các cam kết với WTO trong lĩnh vực du lịch.

Nhìn chung, cần có sự liên kết, hợp tác thực sự, đi vào bản chất của các địa phương trong khu vực làm tiền đề cho những liên kết, hợp tác rộng hơn ở tầm quốc gia và quốc tế. Việc xác định rõ những vấn đề chủ yếu góp phần hoàn thiện bức tranh du lịch khu vực duyên hải Đông Bắc trong thời gian tới, sao cho sự phát triển của du lịch khu vực tương xứng với vị trí và tiềm năng, trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao và để du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.

Tác giả: Phạm Quế Anh - Nguyễn Văn Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;