Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa với phát triển du lịch

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ hội tụ những điều kiện sinh thái - nhân văn hấp dẫn, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển. Do đó, số lượng du khách và doanh thu từ hoạt động du lịch Khánh Hòa đã tăng theo từng năm. Đến với Khánh Hòa, du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên, con người, mà họ còn được trải nghiệm di sản văn hóa đặc trưng của vùng đất. Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa hiện có 175 di tích đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh và 16 di tích đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia; có 3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Di tích lịch sử - văn hóa Khánh Hòa gồm các loại hình: di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và loại hình danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có các lễ hội, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, làng nghề, ẩm thực phong phú và đa dạng. Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển bền vững, đồng thời tạo nên tính đa dạng về sản phẩm và góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Khánh Hòa. Mặt khác, sự phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa Khánh Hòa còn là phương thức hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong hội nhập quốc tế.

1. Nguồn tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa với phát triển du lịch là quy luật tất yếu trong hội nhập quốc tế. Nói cách khác, di sản văn hóa Khánh Hòa vừa là nguồn lực, vừa là tài nguyên cho ngành du lịch phát triển bền vững. Chính di sản văn hóa không chỉ tạo nên sự đa dạng về sản phẩm, mà nó còn góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Khánh Hòa. Mặt khác, du lịch khai thác di sản văn hóa Khánh Hòa không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng, địa phương và quốc gia, mà nó còn là một trong những phương thức bảo tồn các giá trị của di sản. Do vậy, di sản văn hóa Khánh Hòa được khai thác thành các dòng sản phẩm du lịch sau:

Thứ nhất: phát triển du lịch văn hóa với di tích khảo cổ học trên vùng đất Khánh Hòa. Loại hình du lịch này được kết nối với những điểm đến là di tích, di chỉ, di vật, cổ vật thuộc di tích khảo cổ học như Xóm Cồn, Hòa Diêm, Bình Hưng, Bình Ba... Thông qua những di tích khảo cổ học sẽ giúp du khách hiểu sâu về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa. Tuy nhiên, loại hình du lịch văn hóa khảo cổ học ở Khánh Hòa ít được du khách quan tâm, tìm hiểu và chưa phát triển so với các loại hình du lịch khác. Loại hình du lịch khảo cổ học chủ yếu dành cho du khách nghiên cứu sâu theo chuyên đề. Du khách thường tham quan tìm hiểu thông qua các tư liệu và các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng Khánh Hòa mà thôi. Trên thực tế, bảo tàng Khánh Hòa do chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nên chưa phát huy tốt loại hình du lịch văn hóa này. Thêm vào đó, di tích khảo cổ học thường phân bố dàn trải, cơ sở vật chất cho hoạt động tham quan du lịch chưa được chính quyền chú trọng và đầu tư đúng mức. Vì thế mà loại hình du lịch này phát triển, chính quyền địa phương nên quy hoạch tổng thể, lựa chọn di tích khảo cổ học tiêu biểu để xây dựng bảo tàng ngoài trời, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, đào tạo, quảng bá và hợp tác với doanh nghiệp lữ hành ở Khánh Hòa.

Thứ hai: loại hình du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hòa. Đó là các di tích gắn với danh nhân, nhà lưu niệm, đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ như: thành Diên Khánh, khu lưu niệm tàu C235, bia chủ quyền trên đảo Trường Sa, nhà lưu niệm nhà y học Yersin, miếu Trịnh Phong, đền Trần Quý Cáp, tượng đài Trần Hưng Đạo, tượng đài 23 tháng 10, nghĩa trang Hòn Dung, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma... So với loại hình du lịch văn hóa khảo cổ học, thì loại hình du lịch di tích lịch sử cách mạng được nhiều du khách tham quan hơn. Nhưng do tính nguyên vẹn, quy mô của di tích nhỏ nên doanh thu loại hình du lịch này còn thấp.

Thứ ba: loại hình du lịch văn hóa gắn với di tích kiến trúc nghệ thuật ở Khánh Hòa. Đây là loại hình du lịch được du khách quan tâm, tìm hiểu nhiều nhất khi đến Khánh Hòa. Tiêu biểu nhất là di tích tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn và nhà thờ Chánh Tòa. Do những di tích này tích hợp giá trị văn hóa, khoa học, tâm linh, lịch sử, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, những di tích nổi tiếng này được các cấp chính quyền, ban ngành thường xuyên quan tâm tôn tạo và đầu tư cơ sở vật chất tốt. Vì vậy đó luôn là những điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch khi đến Khánh Hòa. Đặc biệt là sức hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo và nghệ thuật của di tích tháp Bà Ponagar. Vì thế, số lượng du khách tham quan và doanh thu tại di tích tháp Bà đã tăng theo từng năm. Hơn nữa, doanh thu tại di tích tháp Bà Ponagar không chỉ đảm bảo tự chủ trong chính sách lương thưởng cho đội ngũ cán bộ và nhân viên Trung tâm Di tích tỉnh Khánh Hòa, mà nó còn là nguồn kinh phí chủ đạo cho hoạt động trùng tu, tôn tạo nhiều di tích khác trong tỉnh.

Thứ tư: loại hình du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa. Đây là những tour du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: vịnh Nha Trang, Hòn Chồng, thác Yang Bay, biển Đại Lãnh, vịnh Cam Ranh, suối Hoa Lan, vịnh Vân Phong, Hòn Bà, Dốc Lết, suối Ba Hồ... Những điểm tham quan này mang đến cho du khách thêm hiểu về núi rừng và biển đảo Khánh Hòa. Du khách thẩm nhận được giá trị thẩm mỹ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây.

Thứ năm: loại hình du lịch văn hóa lễ hội Khánh Hòa. Du lịch lễ hội thường diễn ra trong những thời điểm trùng với các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội du lịch văn hóa ở Khánh Hòa. Loại hình du lịch này hấp dẫn với du khách đến tham quan, trải nghiệm, hòa mình trong những thực hành văn hóa của cộng đồng thông qua các hình thức diễn xướng tâm linh và diễn xướng dân gian. Du lịch lễ hội tiêu biểu ở Khánh Hòa là lễ hội tháp Bà, lễ hội am Chúa, lễ hội chùa Suối Đổ, Festival biển Nha Trang... Những lễ hội này tích hợp, bảo tồn nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và phản ánh tính đa dạng văn hóa của cộng đồng. Đặc biệt là lễ hội tháp Bà, hằng năm đã thu hút hàng vạn du khách hành hương đến từ nhiều tỉnh thành như: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó là lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh các sự kiện lịch sử, văn hóa, chính trị để thu hút du khách như kỷ niệm giải phóng Khánh Hòa 2-4-1975, kỷ niệm giải phóng miền Nam 30-4-1975...

Thứ sáu: loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và đương đại cũng được khai thác trong các sản phẩm du lịch Khánh Hòa. Nghệ thuật truyền thống đã được khai thác, phục vụ du khách từ những thập niên 90 của TK XX. Đây là một sản phẩm văn hóa nghệ thuật không thể thiếu trong các dịch vụ du lịch ở Khánh Hòa như khách sạn, nhà hàng... Du khách được thưởng thức nghệ thuật tuồng, dân ca kịch bài chòi, những làn điệu dân ca, âm nhạc và múa dân gian truyền thống của nhiều vùng văn hóa. Loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn tại quảng trường 2-4 trên đường Trần Phú, công viên Yến Sào trên đường Phạm Văn Đồng, hội quán Hòn Chồng để phục vụ cho du khách đến với Khánh Hòa.

Khánh Hòa còn là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống và ẩm thực phong phú mang đậm hương vị núi rừng và biển đảo. Theo đó, loại hình du lịch làng nghề được các công ty lữ hành khai thác như tham quan nghề làm chiếu cói Ngọc Hiệp, nghề làm gốm Lư Cấm, nghề gồm Bàu Trúc tại tháp Bà Ponagar, nghề sản xuất mắm truyền thống, nghề khai thác yến sào... Những chuyến tham quan làng nghề không chỉ tạo nên tính đa dạng về sản phẩm du lịch văn hóa Khánh Hòa, mà nó còn góp phần tạo cơ hội cho cộng đồng phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, du khách còn được khám phá đặc trưng ẩm thực của vùng đất Khánh Hòa thông qua những món ăn, đồ uống được phục vụ trong khách sạn và nhà hàng. Thực khách được thưởng thức nhiều món mang đậm văn hóa biển đảo Khánh Hòa như bún cá sứa, bún lá cá dầm, bánh canh chả cá, cá bò nướng, sò hấp, mực nướng... Thêm vào đó, du khách còn được khám phá những sản vật địa phương như nem Ninh Hòa, yến sào, cà phê Mê Trang, bánh xoài, dừa xiêm, mắm cá cơm, sầu riêng và mía tím Khánh Sơn... Vì thế, du khách vừa thỏa mãn nhu cầu ăn uống, vừa góp phần quảng bá văn hóa, con người và xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực Khánh Hòa.

Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) - Ảnh: Thanh Hà

Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa hữu hiệu cần làm một số công việc sau:

Một là, chúng ta phải nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Khánh Hòa phải luôn song hành với nhau. Theo đó, phát huy giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa trong phát triển du lịch là phương hiệu quả và thiết thực nhất trong hội nhập quốc tế. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa Khánh Hòa. Đồng thời công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mặt khác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Khánh Hòa gắn với phát triển du lịch phải biết vận dụng linh hoạt của ba phương thức: bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển.

Hai là, các cấp chính quyền, các ngành quản lý địa phương nhận thức đúng và đầy đủ về những giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa. Đặc biệt là ngành quản lý văn hóa nên khảo sát tổng thể, kỹ lưỡng, đánh giá đúng về nguồn lực này trên địa bàn Khánh Hòa. Ngành quản lý văn hóa phải thường xuyên kiểm kê, nghiên cứu thực địa nhằm phát hiện nhân tố tác động đến thực trạng, tương lai di sản văn hóa Khánh Hòa cả góc độ khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo, quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa phải đồng bộ. Công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phải được ưu tiên trước, từ đó định hướng chiến lược phát triển du lịch di sản văn hóa Khánh Hòa bền vững. Chúng ta nhận thức không chỉ bền vững trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà chúng ta còn phải bền vững trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển. Vì thế mà những nhà quản lý, nhân viên, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, văn nghệ sĩ phải được đào tạo chuyên nghiệp, đồng thời phải có đạo đức nghề, nắm vững kiến thức lịch sử và văn hóa vùng đất. Đặc biệt là thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch trong hội nhập quốc tế không chỉ thành thạo đa ngoại ngữ, mà họ còn phải hiểu biết đa văn hóa.

Bốn là, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa giữa ngành du lịch với ngành Văn hóa phải có trách nhiệm song hành. Khắc phục thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là hai đường thẳng song song. Đồng thời loại bỏ tư duy khai thác di sản văn hóa theo tư duy “ăn xổi ở thì”, nghĩa là khai thác vì lợi ích trước mắt. Mặt khác, ngành Du lịch nên nhận thức tài nguyên văn hóa giống như tài nguyên thiên nhiên, nếu chỉ khai thác mà không tái tạo, sáng tạo giá trị mới thì sẽ bị mai một và khó phục dựng nguyên trạng. Ngành Du lịch và ngành Văn hóa không vì mục tiêu doanh thu mà khai thác ồ ạt, quá tải tại di tích nổi tiếng như tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Chánh Tòa. Vì sự quá tải tại những điểm tham quan này sẽ làm ảnh hưởng đến sự bền vững của di tích.

Năm là, lựa chọn đầu tư phục dựng, làm mới, trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể Khánh Hòa thành những điểm tham quan du lịch phải giữ được truyền thống, quy mô tương xứng, dịch vụ đồng bộ, ấn tượng và hấp dẫn du khách. Theo đó, từng giai đoạn, loại hình mà ngành Văn hóa lựa chọn đầu tư tôn tạo, phục dựng phải tương xứng với vị thế sự kiện lịch sử và danh nhân của vùng đất. Theo đó, khi trùng tu, tôn tạo, hoặc xây mới cần nghiên cứu kỹ về quy mô, phong cách kiến trúc, vật liệu và nghệ thuật trang trí... Mặt khác, việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch Khánh Hòa không được xâm phạm và ảnh đến môi trường sinh thái - nhân văn của di tích. Thêm vào đó, chính quyền địa phương không vì mục tiêu phát triển du lịch mà chuyển đổi hoặc làm biến dạng chức năng của di tích.

Sáu là, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa nên lắng nghe, tôn trọng những chủ thể đã sáng tạo và trao truyền các giá trị. Bởi vì, du khách trong và ngoài nước khi tham quan các di sản văn hóa Khánh Hòa thường mong muốn được chính chủ thể sáng tạo và thực hành văn hóa. Mặt khác, việc phát huy du lịch di sản văn hóa Khánh Hòa phải đảm bảo lợi ích cộng đồng và vì cộng đồng. Đồng thời loại bỏ thực trạng “Việt/Kinh hóa”, “sân khấu hóa”, “thương mại hóa” các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục du lịch.

Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết vùng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa với các địa phương trong nước như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội. Mặt khác, đẩy mạnh công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm với những quốc gia giàu kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý...

Kết luận

Như vậy, di sản văn hóa Khánh Hòa vừa phong phú vừa đa dạng và mang sắc thái riêng cho vùng đất này. Di sản văn hóa Khánh Hòa phải được bảo tồn và phát huy với phát triển du lịch trong hội nhập quốc tế và là quy luật tất yếu. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa thành sản phẩm du lịch phải được thực hiện đồng bộ về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cơ sở vật chất, đồng thời tôn trọng những chủ thể đã và đang sáng tạo, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất. Mặt khác, phát triển du lịch di sản văn hóa Khánh phải hài hòa giữa lợi ích cộng đồng, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích nhà nước. Có như vậy, di sản văn hóa Khánh Hòa mới thực sự được bảo tồn và phát huy bền vững, đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng du lịch văn hóa là ngành công nghiệp văn hóa từ nay đến năm 2030.

Tác giả: Nguyễn Văn Bốn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

 

;