Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là địa bàn tiềm ẩn rất lớn của tội phạm mua bán người do có mật độ dân nhập cư khá đông từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, tìm việc làm và mưu sinh, lập nghiệp; đồng thời là đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế, có các bến xe, bến tàu, cảng biển và Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Với đặc điểm trên, tội phạm hoạt động mua bán người thường chọn TP.HCM làm nơi tập kết, trung chuyển đưa người ra nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán bằng nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi. Xu hướng hoạt động hiện nay của tội phạm mua bán người là không còn trực tiếp gặp nạn nhân mà thông qua các trang mạng xã hội tuyển mộ việc làm với mức thu nhập cao tại các nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Singapore, ...
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại quận Gò Vấp
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người, các Sở, ngành trên địa bàn TP.HCM như Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Biên phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống mua bán người, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể thành phố, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức 4.024 buổi tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức lồng ghép qua các buổi họp Tổ dân phố, buổi tọa đàm cùng nhân dân với 209.181 lượt người tham dự; xây dựng và phát hành 736 panô; 600 áp phích; 298.569 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, còn có các hoạt động tuyên truyền khác như: treo 765 băng rôn; phát 4.733 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa công cộng; 493 tin báo mạng điện tử tại phường, xã, thị trấn; 84.631 sổ tay; 31 lượt xe hoa di động; 383 tin trên bảng điện tử; 553.899 bản tin, truyền thông trên Website, Zalo tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn; tổ chức 35 cuộc tập huấn, hội nghị với sự tham dự của 2.105 người về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người để từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa và tố giác tội phạm của người dân.
Bên cạnh đó, Công an thành phố đã triển khai và thông báo đến Công an các đơn vị, địa phương về dự báo tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các giải pháp thực hiện. Đồng thời, đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 tại địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người trên địa bàn mình phụ trách. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố như: Đoàn Thanh niên; Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở VHTT; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố... làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân cảnh giác, phòng ngừa, tham gia phòng, chống tội phạm có hiệu quả.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản liên quan. Đồng thời, cập nhật các tin tức, vụ việc về tội phạm mua bán người đã xảy ra tại các địa phương trên cả nước, nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động hiện nay của loại đối tượng này để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tố giác tội phạm mua bán người, lồng ghép nội dung Luật Phòng, chống mua bán người trong các buổi họp tổ, ấp, khu phố, trên đài phát thanh địa phương, in, phát tờ rơi và kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền khác.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động Hội trên các phương tiện truyền thông (gồm Fanpage, YouTube, Website); Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, phòng, chống tội phạm, xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, phương thức thủ đoạn của tội phạm buôn người xuyên quốc gia; triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024 đăng tải trên Facebook Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố với thông điệp hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7) năm 2024 với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện vấn đề, kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng xử lý các vụ việc có liên quan, chủ động phát hiện và báo tin, tố giác tội phạm mua bán người; đăng tải infographic “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” với nội dung: cảnh giác trước cạm bẫy của kẻ buôn người.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phối hợp tiếp nhận và xác minh 56 trường hợp nạn nhân bị mua bán, trong đó lực lượng Công an triệt phá 2 vụ mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa, bắt 16 đối tượng, giải cứu 52 nạn nhân; bắt 1 vụ mua bán người ra nước ngoài, bắt 3 đối tượng, giải cứu 1 nạn nhân (do cơ quan chức năng Campuchia trao trả).
Sở Ngoại vụ đã tiếp nhận, xác minh và giải quyết 114 trường hợp bảo hộ công dân với 95 đơn đề nghị giúp đỡ thân nhân ở nước ngoài, đây là những trường hợp công dân Việt Nam nghi là nạn nhân bị mua bán gặp khó khăn như bị mất tích, bị giam giữ, bị bạo hành, mất liên lạc với gia đình... Trong đó, có 32/114 trường hợp, chiếm tỷ lệ 22% (đa phần là nam giới) cư trú tại TP.HCM bị dụ dỗ/bị lừa bán và cưỡng bức lao động ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Campuchia (18 người), Trung Quốc (7), Thái Lan (2), Myanmar (2), Ả Rập Xê út (1), Nhật Bản (1) và Philippines (1), chiếm tỷ lệ 22% trong tổng số vụ việc.
Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tiếp nhận, hỗ trợ 9 nạn nhân là trẻ sơ sinh tại Phường 2, quận Tân Bình, kịp thời đưa các bé đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với tổng kinh phí 2 triệu đồng và chủ động liên hệ mượn phòng học có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất tại Trường Mầm non quận Tân Bình để các bé ở tạm và phân công cán bộ Hội chăm sóc trong thời gian Công an tiến hành điều tra và các ngành chức năng lập hồ sơ đưa các bé vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Trung tâm Công tác xã hội Giáo dục Dạy nghề Thiếu niên thành phố tiếp nhận 2 vụ với 10 trẻ em. Trong đó, có 1 nữ 12 tuổi (địa chỉ ở TP Vũng Tàu) bị dụ dỗ đưa qua Campuchia bán dâm, đang mang thai khoảng 1 tháng. Trung tâm đã tư vấn cho gia đình đưa đến cơ sở y tế thăm khám cũng như cách quan tâm chăm sóc sức khỏe để đảm bản an toàn cho mẹ và bé. Đồng thời hướng dẫn gia đình trình báo công an và chính quyền địa phương hưởng chế độ hỗ trợ, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 10009/QCPH-LĐTBXH-CA-BP-SNV ngày 10/5/2023 trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa Sở LĐ-TBXH, Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng và Sở Ngoại vụ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là đối với sinh viên, học sinh, phụ nữ thất nghiệp, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; đồng thời xây dựng các tài liệu tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện tố giác các loại tội phạm. Trong đó chú trọng đến tội phạm mua bán người, kịp thời phát hiện các đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia và các hành vi có liên quan. Cung cấp cho người dân, nạn nhân số điện thoại để có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất trình báo vụ việc hoặc có thể gọi Tổng đài quốc gia 111; Tổng đài Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484).
Thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn thành phố; phối hợp các Trung tâm trợ giúp pháp lý thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin về mua bán người để chủ động liên hệ, tiếp cận và thực hiện trợ giúp pháp lý khi cần thiết.
Tiếp tục phối hợp với Công an cũng như Bộ đội Biên phòng thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục trong triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nhất là tội phạm liên quan đến mua bán người cho nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa cũng như trên các tuyến biên giới, biển đảo.
Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ, đội nhóm tại các cơ sở như: Lá chắn, Đồng cảm, Câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội..., Tổ tư vấn cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề xã hội, nhất là liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng, chống mua bán người; nhân rộng các mô hình truyền thông hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện để nạn nhân bị mua bán được tham gia các chương trình hỗ trợ vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ ở địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động về phòng, ngừa và phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, mua bán người và tệ nạn xã hội gắn với thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
TRIỆU MẠO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024