TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy

Thi đấu thể thao tại Cơ sở cai nghiện ma túy Nhị Xuân, TP Hồ Chí Minh

 

Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể và các địa phương... công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân thấy được hậu quả của tệ nạn xã hội, tác hại của tệ nạn ma túy. Các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy gắn với các phong trào của ngành, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy, các đối tượng có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên,… góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học trên địa bàn thành phố tổ chức 204 buổi tuyên truyền với 28.376 lượt người tham dự là học sinh, sinh viên, chủ cơ sở, quản lý, tiếp viên, người bán dâm, nhân viên, công nhân và người dân; phát hành 201.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống ma túy và một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 về quản lý người sử dụng ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; tổ chức 1 buổi lễ mít tinh cấp Sở hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy 26/6 với 500 người tham dự.

Tổ chức Hội thi Giáo dục viên giỏi năm 2023, kết quả vòng thi cấp cơ sở có 12/12 cơ sở cai nghiện ma túy tham gia tổ chức tại đơn vị với 648 viên chức, người lao động tham gia và vòng thi cấp Sở có 12/12 cơ sở cai nghiện ma túy với 199 viên chức tham gia dự thi và hơn 50 viên chức tham gia cổ động.

Xây dựng 2 chuyên đề “Tạp chí sức khỏe về phòng, chống ma túy trong học đường”, “Tạp chí giáo dục về tác hại của ma túy” và 1 phim tài liệu truyền thông với chủ đề “Không chùn bước” phát sóng trên Đài Truyền hình thành phố. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì tổ chức 1 lớp tập huấn triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy cho 85 cán bộ, công chức gồm đại diện Công an thành phố, Sở Y tế, cán bộ và chuyên viên Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận, huyện, thành phố Thủ Đức; 1 lớp tập huấn về quy trình công tác lập hồ sơ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức 62 lớp tập huấn với 4.152 đại biểu tham dự. Sở Y tế tổ chức 7 lớp tập huấn nghiệp vụ về xác định tình trạng nghiện ma túy cho gần 300 cán bộ, nhân viên y tế của địa phương và cơ sở cai nghiện ma túy.

Từ ngày 1/1/2022 đến 31/3/2024, có 4.173 người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; số người hoàn thành cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập là 3.176 người; số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập là 2.788 người, số người hoàn thành cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập là 2.705 người.

Số người nghiện được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc là 19.020 người; số người cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện công lập là 14.343 người; số người được đào tạo nghề là 5.456 người; số người đang cai nghiện ma túy bắt buộc trong cơ sở cai nghiện ma túy công lập tính tại thời điểm 31/3/2024 là 10.236 người.

Về công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, số người thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú là 3.261 người; số người được hỗ trợ dạy văn hóa 388 người; đào tạo nghề 736 người; tạo việc làm 830 người; hỗ trợ cho 306 người sau cai nghiện vay vốn với số tiền hơn 930.200.000 đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, TP Hồ Chí Minh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc bất cập trong các quy định của pháp luật như:

Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Chi hỗ trợ 1 (một) lần kinh phí cai nghiện đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 3 (ba) giai đoạn theo quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP: Mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức lương cơ sở hiện hành”. Tuy nhiên, cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài, trong thực tiễn có nhiều trường hợp tái nghiện, trong khi đó đa phần người nghiện có hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí để thực hiện. Hơn nữa theo quy định tại Điều 32 của Luật Phòng, chống ma túy, cai nghiện tự nguyện là điều kiện tiền đề, bắt buộc trước khi lập hồ sơ cai nghiện. Vậy trường hợp người ra khỏi chương trình sau cai nghiện mà tái nghiện thì sẽ không được hỗ trợ và địa phương gặp khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.

Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định này, tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ theo phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này” nhưng tại khoản 14 Điều 2 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định: “Cơ sở cai nghiện ma túy là cơ sở được thành lập để thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện theo quy định của Luật này, bao gồm cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện”. Thực hiện quy định trên, các cơ sở cai ma túy tự nguyện không đáp ứng các điều kiện để thực hiện, không đảm bảo thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy tự nguyện và điều kiện cho người nghiện ma túy được tham gia điều trị và sử dụng các dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện là nhiệm vụ rất quan trọng tại phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, với số lượng phân bổ như hiện nay thì cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, có người phải kiêm nhiệm từ 3 đến 4 đầu công việc, trong đó có công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, quản lý cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng... nên gặp rất nhiều khó khăn và không hiệu quả.

Hiện nay, đa số người cai nghiện sau khi hoàn thành cai nghiện trở về địa phương không đến trình báo với chính quyền địa phương để thực hiện quản lý sau cai nghiện theo quy định và cũng chưa có quy định xử lý đối với người không khai báo; đặc biệt địa phương gặp khó khăn trong việc quy định về quản lý người sau cai nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại địa phương...

 

TRIỆU MẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;