Rồng vàng trên Bảo kiếm an dân

Trong số những bảo vật biểu trưng quyền uy của vương triều Nguyễn do Ngự xưởng chế tạo bằng các chất liệu quý hiếm như vàng, ngọc, đồi mồi có thanh Bảo kiếm an dân, tạo tác vào năm 1916, khi Nguyễn Phúc Bửu Đảo đăng quang. Thanh bảo kiếm này thuộc bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn, hiện do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia quản lý. Nguồn gốc bộ sưu tập từ kho tàng của Cung đình Huế bàn giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám năm1945. Bộ sưu tập được Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào tháng 12 năm 1959. Đây là khối tài sản quan trọng và có giá trị đặc biệt trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thanh bảo kiếm này dài 94,5cm, gồm có 2 phần: thanh kiếm bao kiếm. Thanh kiếm có phần chuôi được đúc và chạm khắc bằng vàng, trang trí cẩn đá quý; tay chắn kiếm hình lá đề bằng vàng và lưỡi kiếm bằng sắt (Ảnh 01).

 Chuôi kiếm đúc đoạn tay cầm hình khối hộp chữ nhật, 2 cạnh dài cong, liền với một tượng đầu rồng vàng là đốc kiếm. Miệng rồng há, ngậm dải mây cách điệu làm quai đỡ tay cầm và chắn tay hình lá đề. Đầu rồng quay sang phía dải mây, tư thế oai nghiêm, mặt nhìn chính diện, các chi tiết và hoa văn đối xứng. Bờm mượt tỏa ra phía sau. Trên đỉnh đầu rồng đúc nổi chữ Vương 王. Quai kiếm bằng vàng hình dải mây cách điệu hình chữ S, trên 2 mặt dẹt đối xứng, mỗi mặt chạm khắc nổi dây lá, chính giữa gắn bông hoa 5 cánh, nhụy hoa là viên đá quý màu trắng hình tròn dẹt. Trên đoạn tay cầm, hình khối hộp chữ nhật có 2 mặt chữ nhật rộng, ở 2 phía đầu rồng; 2 mặt chữ nhật hẹp ở phía trên và mặt đối diện ở phía dưới. Khung chữ nhật rộng, giáp với chắn tay, chạm nổi bông hoa 4 cánh giữa 2 dải lá. Trong khung chữ nhật, 2 phía chạm nổi nền gấm chữ vạn. Khoảng giữa đúc nổi 4 chữ Hán, theo chiều dọc: An dân bảo kiếm 安 民 寶 剣 (Bảo kiếm an dân) (Ảnh 02a). Xung quanh là đường diềm gắn 16 viên đá quý hình tròn màu trắng. Mỗi viên đá đặt trong một ô tròn giống chiếc nhẫn vàng. Ở mặt đối diện, trong khung chữ nhật 2 cạnh cong chạm nổi một hình rồng vàng, tư thế bay trong mây, đầu hướng về phía đầu rồng. Rồng có miệng há, đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, chạm nhiều lớp vảy nhỏ, vây lưng dương cao, đuôi xoáy, 4 chân, mỗi chân 5 móng. Hình rồng vàng đặt trên nền chạm tỷ mỷ như tấm thảm với các ô tròn nhỏ ly ti (Ảnh 03). Trên mặt lưng của tay cầm, gắn 7 viên đá quý màu trắng xám, hình tròn dẹt, viên chính giữa lớn nhất, các viên sau nhỏ dần. Mỗi viên đặt trong ô tròn hình chiếc nhẫn vàng. Hai phía đầu khung chạm nổi nền gấm chữ vạn. Trên khung đối diện tay cầm đúc nổi 4 chữ Hán: Khải Định niên tạo 啓 定 年 造 (Tạo tác trong niên hiệu Khải Định, 1916 - 1925) trên nền chạm tỷ mỷ trông mịn như mặt vải (Ảnh 02b). 

Tay chắn kiếm bằng vàng, đúc liền một thanh ngang, một phía gắn với dải quai, một phía tạo hình như dải quạt 6 tia nổi. Khoảng giữa thanh ngang gắn một hình bầu dục làm lá chắn. Trên mặt lá chắn chạm nổi mặt rồng vàng, theo góc nhìn chính diện với các chi tiết trán gồ cao, mũi cao, miệng rộng, các dải bờm, sừng, 2 chân trước 5 móng tạo đối xứng. Bao quanh là đường diềm gắn 15 viên đá quý hình tròn dẹt màu trắng và đỏ xen nhau. 

Lưỡi kiếm bằng sắt, màu xám đen, thẳng, cắt ngang hình thoi dẹt, 2 mặt lưng nổi, 2 cạnh vát, mũi nhọn. Lưỡi kiếm được cắm chốt vào chuôi kiếm. Trải qua thời gian với nhiều sự di chuyển đến nay lưỡi kiếm đã mòn, rỉ có mầu đen (Ảnh 04).

 Bao kiếm bằng gỗ, cẩn đồi mồi, bọc vàng, chạm khắc hoa văn. Sau khi BTLSQG tiếp nhận trở lại vào năm 2007, do hiện trạng hư hại phần gỗ và đồi mồi, bao kiếm đã được sửa chữa phục hồi. Phần vàng ốp trang trí cũng được làm bảo quản theo phương pháp khoa học. 

Bao kiếm thẳng, có miệng tạo hình bầu dục, thuôn dần về cuối, mặt cắt ngang trên thân bao hình bầu dục nhỏ dần. Trên bao gắn vào 2 đường gờ nổi 2 cặp móc treo hình khuyên tròn bằng vàng, vòng nhỏ ở dưới, vòng to ở trên. Bao kiếm bằng gỗ được ốp phía ngoài bằng vàng theo 3 khoảng xen với 2 khoảng bằng đồi mồi có vân màu nâu xám (Ảnh 05).

 Khoảng thứ 1: Ở đoạn trên, phía đầu miệng bao, chạm khắc các băng hoa văn bông lúa, cánh hoa sen, các ô vuông cạnh đôi, bên trong chạm bông hoa 4 cánh tròn cuốn vòng quanh bao. Ở đoạn dưới, trên 2 mặt dẹt đối xứng nhau, cùng chạm nổi mặt rồng vàng chính diện theo phong cách mặt rồng chạm trên chắn tay. Điểm khác biệt thể hiện phía trên có mặt trời nổi nhiều tia, phía dưới có các dải mây và dải hoa lá kết đôi. Trên 2 cạnh bao, theo rìa mép lưỡi, chạm nổi băng văn chữ S đầu vuông gấp khúc (Ảnh 6). 

Khoảng thứ 2 ở đoạn giữa bao, chia 2 phần bằng nhau ngăn cách qua một gờ nổi ở giữa. Hai phía chạm nổi dải hoa lá kết đôi. Hai bên gờ nổi chạm băng văn bông lúa. Trên 2 mặt chính diện chạm nổi 2 hình rồng vàng và mây. Tư thế rồng vàng bay cùng chiều hướng về miệng bao. Rồng có đầu ngẩng cao, thân giữa uốn, đuôi xoáy, 4 chân , mỗi chân 5 móng. Như vậy, ở khoảng thứ 2 này có 4 hình rồng vàng. Hai cạnh trên và dưới chạm nổi băng văn chữ S đầu vuông gấp khúc (Ảnh 07). 

Khoảng thứ 3: Ở phía cuối bao chạm hình chiếc khánh có 2 dải nhọn như mỏ chim hạc, chạm nổi dải hoa lá kết đôi và băng văn bông lúa. Dọc theo lưng chạm băng văn vạch thẳng song song, giới hạn 2 phía là dải hoa lá kết đôi. Khoảng giữa chạm nổi rồng vàng và mây. Hình rồng vàng nhiều khúc, đầu hướng về phía miệng bao. Như vậy, ở khoảng cuối bao cũng có 2 hình rồng vàng đối xứng, cùng hướng vận động. Hai cạnh trên và dưới chạm nổi băng văn chữ S đầu vuông gấp khúc (Ảnh 08).

 Như vậy các loại hoa văn trang trí thể hiện trên 2 phần chuôi kiếm và bao kiếm cho thấy sự độc đáo, duy nhất chỉ thấy trên bảo kiếm này. Trên chuôi kiếm và vàng ốp bao kiếm có 7 hình rồng vàng, 3 mặt rồng vàng chạm khắc nổi theo dạng phù điêu và một đầu tượng rồng vàng. Hình rồng vàng mang đày đủ các đặc trưng của rồng thời Nguyễn, nhất là kiểu rồng có đuôi xoáy, 4 chân ngắn, mỗi chân có 5 móng sắc nhọn bám vào mây. 

 Cùng với hình rồng vàng, trang trí trên bảo kiếm còn có các loại hoa văn nền gấm chữ vạn, hồi văn chữ S đầu vuông gấp khúc, băng cánh hoa sen, bông hoa 4 cánh, 5 cánh là những loại văn xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật dân gian thời Nguyễn. Đặc biệt còn thấy băng văn bông lúa, băng vạch thẳng song song như một hồi âm xa xôi của 2000 năm trước. Các dải hoa lá kết đôi, các băng cẩn mặt đá quý, thủy tinh làm đường diềm trang trí cho thấy ảnh hưởng giao lưu với nghệ thuật phương Tây.

Thanh kiếm vàng của vua Khải Định là kiếm thể hiện quyền lực của nhà vua, thể hiện lòng mong mỏi của vua đối với quốc thái, dân an “Bảo quốc an dân”. Thanh kiếm vàng Bảo kiếm an dân, với những dấu ấn đặc biệt như thế, là vật chứng duy nhất còn lại đến nay trong các triều đại phong kiến Việt Nam, chính là một bảo vật của lịch sử, không chỉ thể hiện biểu trưng của Hoàng đế, Hoàng gia triều Nguyễn mà còn chứng minh truyền thống tạo tác đồ kim hoàn tuyệt hảo của những tượng nhân tài hoa trong Ngự xưởng Cung đình nhà Nguyễn.

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Ảnh: DƯƠNG MẠNH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;