Họa sĩ Hồ Nam với bước chuyển trong ngôn ngữ gốm đương đại

 Hồ Nam, Rong chơi miền xanh, gốm, men màu

Trong thời gian gần đây người yêu gốm Việt sẽ thấy nhiều triển lãm nghệ thuật gốm đương đại. Phần lớn các nghệ sĩ gốm đã tìm cho gốm nghệ thuật một vị thế mới và cách tạo hình mới. Tuy gốm đã có từ hàng ngàn năm trước, luôn được sử dụng và trân trọng, luôn được cập nhật kỹ thuật, men, nung, đất mới, nhưng chủ yếu vẫn là đồ gia dụng và trang trí kiến trúc. Thành quả của sự phát triển gốm đương đại là đã giải phóng gốm khỏi sự bắt buộc phải có công năng thành một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn với sự kết hợp nhuần nhuyễn điêu khắc, hội họa, đồ họa… sự sáng tạo với các kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi, vẽ bằng bút lông, tạo khối… xóa nhòa các ranh giới.

Nghệ thuật đương đại về cơ bản là đồng nhất của nghệ sĩ với cấu trúc trí tuệ thời đại đó là cách nhìn tự nhiên theo một lăng kính mới. Các nghệ sĩ đương đại giờ đây không chấp nhận lấy cái cũ làm cơ sở để phát triển nữa vì thế đã lấy tất cả những thành quả về tạo hình của con người phân tách thành những phần khác nhau và lắp ráp lại theo một ý nghĩa trừu tượng. Thế giới hữu hình qua xúc cảm, giác quan của người nghệ sĩ được phản ánh theo một logic riêng của tác giả, tạo nên tác phẩm thoát khỏi sự liên tưởng của con người, họ đã cung cấp cho người xem ngôn ngữ để hiểu về thế giới theo một cách hoàn toàn mới.

Hồ Nam, Rong chơi trong cơn mưa 3, gốm, men màu

Nghệ sĩ gốm Hồ Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Con đường sáng tác gốm của Hồ Nam bắt đầu từ khoảng hơn mười năm gần đây, ban đầu khi tìm đến với gốm anh cũng cũng tìm hiểu dần từ việc vẽ trên bình gốm, đĩa gốm. Trong quá trình sáng tác họa sĩ được làm việc với những chuyên gia gốm Việt Nam, những nghệ nhân gốm tiêu biểu của làng Bát Tràng đã tiếp thêm lửa đam mê cho họa sĩ và nguồn khích lệ, động viên lớn. Năm 2012, khi đạt giải thưởng đầu tiên trên chất liệu gốm của ngành mỹ thuật ứng dụng đã là động lực cho anh gắn bó lâu dài với chất liệu gốm. Thành quả của quá trình gắn bó với gốm của anh là một loạt các cuộc triển lãm cá nhân và nhóm.

Không dừng lại ở những thành công ban đầu đó, nghệ sĩ dần đẩy sâu thêm sáng tác tranh gốm với nhiều phong cách khác nhau tìm tòi khả năng phát triển của chất men trên đất. Ðối với họa sĩ Hồ Nam, nghệ thuật vừa là chủ động, vừa là ngẫu hứng, vừa là tình cờ... Với miếng đất đập bẹt, trở thành “toan”, trở thành diện khối, và trên đó họa sĩ thả sức phóng tác như cách một họa sĩ vẽ sơn dầu trên toan hay bột màu trên giấy, dường như anh muốn phát triển men gốm thành một loại chất liệu hội họa, những tác phẩm của anh là những thử nghiệm về đường nét, mầu sắc với bút pháp trừu tượng, toát lên vẻ đẹp thuần túy đầy bất ngờ của ngôn ngữ hội họa, sự sáng tạo bởi người đã nắm chắc quy luật của ngôn ngữ hội họa, của chất liệu gốm cùng những phiêu lưu vô thức.

Hồ Nam, Rong chơi trong cơn mưa 4, gốm, men màu

Cùng với gốm, theo đuổi gốm, 5 năm trở lại đây Hồ Nam đã mang đến cho gốm nghệ thuật những góc nhìn khá mới mẻ từ phương diện tạo hình, tạo không gian… đến màu sắc, đường nét, nhịp điệu thông qua những tác phẩm gốm - điêu khắc trừu tượng, kết hợp khối và men. Bảng màu trên gốm của anh rất phong phú, đó là sự dầy công nghiên cứu, tìm tòi, chấp nhận thử nghiệm và không ít lần thất bại. Ðể có được thành công trong nghệ thuật gốm không chỉ cần tình yêu gốm, tay nghề, thẩm mỹ hội họa, tư duy một nhà thiết kế mà rất nhiều công sức thử nghiệm tìm tòi. Hồ Nam đã chia sẻ rằng: “Tận dụng lợi thế của vật liệu, hình thức và bề mặt là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình sáng tạo. Trong mỗi tác phẩm, tôi đã kết hợp với nhiều loại vật liệu đất sét, sa-bốt, cát,… và cách xử lý bề mặt, đồng thời thích thử thách chúng. Trong quá trình làm việc tôi vừa chủ động vừa ngẫu hứng tạo hình các vật thể, bề mặt sản phẩm… liên tục được biến đổi. Nó thực sự là một chuỗi cảm xúc trực quan, như những đối thoại giữa nghệ sĩ với vật liệu, mặc dù vậy vẫn phải theo đúng quy trình chế tác, cần phải lựa chọn, chắt lọc tạo hình và bề mặt sản phẩm để có thể đến cái đích...”. 

Hồ Nam, Tương tư, gốm, men màu

Cuối năm 2023 anh ra mắt 66 tác phẩm gốm của mình trong cuộc triển lãm gốm cá nhân “NamHoCeramic” tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Ðây là thành quả của quá trình làm việc liên tục gần 5 năm của anh. Triển lãm đã cho thấy một cách tạo hình gốm hoàn toàn mới. Có rất nhiều ý kiến bình luận và tương tác trên không gian số, chủ yếu là chúc mừng triển lãm với cách thức trưng bày chuyên nghiệp, bất ngờ, lạ mắt, ấn tượng và cổ vũ tình yêu đối với gốm của Hồ Nam. 

Họa sĩ, nhà giáo lão thành Lê Ngọc Hân cho rằng: “Các tác phẩm của Hồ Nam là bước ngoặt trong ngôn ngữ của gốm. Xuất phát từ gốm truyền thống, Hồ Nam chuyển sang ngôn ngữ hiện đại, nhưng Hồ Nam vẫn giữ được cái bản chất của gốm Việt và tôi cho rằng đó là cái đặc sắc nhất trong giai đoạn này”. 

Hồ Nam, Lá diêu bông, gốm, men màu

Họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nhận xét: “Ðến với gốm Việt, tôi nghĩ không phải ai cũng được cái duyên như là Hồ Nam. Anh có cách lựa chọn một con đường khác, một cái suy tư khác, một cái cảm xúc khác, một đĩa màu khác cho gốm Việt đương đại. Tôi nghĩ rằng, chính anh cũng không nghĩ rằng mình lại có thể đạt được những hiệu quả nghệ thuật đến như vậy”.

Các tác phẩm trong triển lãm của Hồ Nam mang những cái tên rất lãng mạn như: Tình yêu màu trắng, Hạnh phúc xanh, Tương tư, Những giọt lệ xanh, Lửa tình yêu trong mưa… Và có rất nhiều tác phẩm gắn với mưa: Thiên thần trong mưa 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, Mùa mưa, Cơn mưa xanh, Mưa đêm 1, Mưa đêm 2, Cơn mưa vàng…, các “thiên thần gốm” của anh đều rất rực rỡ, đầy quyến rũ với những chiếc cánh nhỏ bay lượn trong mưa. Ðối với Hồ Nam cơn mưa là nguồn cảm hứng tuyệt vời để tạo ra những tác phẩm. Có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng của mưa, âm thanh của giọt nước chạm vào các vật thể, sự mờ mịt của khói và sương mù trong không khí và cảm giác lạnh của gió mưa... Trong những cơn mưa ấy, hình ảnh, ánh sáng, âm thanh và bóng tối thay đổi theo cách độc đáo, là nguồn cảm hứng thú vị bất tận để nghệ sĩ tự do sáng tạo. Ðiều dễ thấy nhất khi xem những tác phẩm của Hồ Nam đó là có một mạch ngầm cảm xúc đang chảy trong mỗi tác phẩm, không đơn thuần là buồn, vui, đau khổ hay hạnh phúc mà đó là khối cảm xúc được tích tụ từ tất cả những chất liệu đó, được ngọn lửa đam mê nghệ thuật gốm hun đúc mà làm nên những tác phẩm.

Hồ Nam, Tình yêu, gốm, men màu

Nhận xét về triển lãm gốm lần này của Hồ Nam, GS, VS Ngô Xuân Bính cho rằng: “Ðây là hành trình rất rõ trong việc chuyển hướng của người làm gốm ở Việt Nam. Nhìn gốm như một yếu tố tạo hình, nhìn gốm như một yếu tố điêu khắc và sắp đặt gốm trong một không gian gây hiệu ứng của yếu tố đương đại, nhập vào với không gian của các đô thị mới”, ông cho rằng triển lãm này “trượt lên trên khỏi tính chất của biểu cảm, trượt lên trên tính chất của tượng trưng”. Mặc dù cách thức nung đốt gốm với quy trình công nghiệp, xong quá trình làm men thô với hiệu ứng của sinh hóa, khói, lửa ở nhiệt độ 1250OC đã tạo nên những yếu tố rất lạ. Với các yếu tố bề mặt tạo hình gốm như tranh bích họa và GS, VS Ngô Xuân Bính cho rằng “Cách đi này là cũng là cách định hình của một cá nhân mới”.

 Hồ Nam, Lặng lẽ, gốm, men màu

Luôn tâm niệm rằng, chỉ có sáng tạo không ngừng nghỉ là con đường duy nhất cho mọi hình thức nghệ thuật và mọi nghệ sĩ, nên dù đã có những thành công nhất định, họa sĩ vẫn tiếp tục những thử nghiệm, không dừng lại mà tiếp tục dấn thân phiêu lưu tìm kiếm những trải nghiệm, những khám phá mới, dường như chặng đường sáng tác gốm của anh còn rất nhiều điều hấp dẫn phía trước, những bí ẩn cần chinh phục, và chất liệu cổ sơ nhất lại mới mẻ, hấp dẫn nhất đối với Hồ Nam.

 Hồ Nam, Cơn mưa xanh, gốm, men màu

LÊ THANH HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;