Đất rừng phương Nam - Những câu chuyện hậu trường thú vị

Dự kiến ra mắt khán giả vào ngày 20/10/2023, Đất rừng phương Nam đang nhận được sự kỳ vọng của khán giả bởi rất nhiều người đã từng yêu quý tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi cũng như bộ phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Bộ ba An, Cò, Xinh là điểm sáng của Đất rừng phương Nam

Những nhân vật trong trí nhớ 

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam theo chân An, một cậu học trò thành thị, đi tìm cha sau khi lạc mẹ trong một lần chạy giặc. Trên hành trình đó, cậu gặp gỡ những con người, những thân phận trong một giai đoạn rối ren và máu lửa thời kì chống Pháp, cùng họ vượt qua những cuộc phiêu lưu và thử thách. 

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bộc bạch: “Với thế hệ khán giả trẻ, các bạn sẽ tìm thấy ở Đất rừng phương Nam những khám phá về văn hoá thông qua cuộc phiêu lưu của các bạn nhỏ, trong đó các em sẽ gặp người tốt kẻ xấu, vượt qua những thử thách để rồi trở nên độc lập và trưởng thành hơn. Ê kíp kỳ vọng sẽ đưa lên màn ảnh sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng đất Nam Bộ. Bên cạnh đó, tình cảm gia đình, tình bạn, tình người, tình yêu nước là những cung bậc cảm xúc sâu sắc sẽ đọng lại qua mỗi dấu ấn hành trình của An”.

Sau hơn 25 năm, bộ phim truyền hình Đất phương Nam chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi vẫn còn để lại nhiều dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Chính vì vậy, khi Đất rừng phương Nam công bố ra mắt bản điện ảnh, nhiều khán giả đã rất mong chờ vào bộ ba An - Cò - Xinh bởi câu chuyện và sự tương tác của các nhân vật này là điểm sáng bên cạnh cốt truyện chính trong Đất rừng phương Nam.

 Ngoài đời Hạo Khang (vai An) đằm tính, nhiều cảm xúc còn Kỳ Phong (vai Cò) hiếu động, mạnh mẽ. Cả hai rất ăn ý trong những cảnh quay chung, lăn xả nhập vai để biến mình thành những đứa trẻ trong sáng nhưng cũng lắm ưu tư của thời cuộc. Trong phim, Cò là một cậu bé lì lợm, can đảm nhưng cũng lém lỉnh, láu cá, thông minh và thường hay tị nạnh với An. Trái ngược với Cò, An là một cậu bé trung thực, thẳng thắn, mang nhiều tâm sự, còn Xinh là một cô bé dịu dàng, có cá tính, tạo nên bộ ba hoàn hảo. 

Hành trình đi tìm cha của bé An là một hành trình trưởng thành với sự đồng hành của rất nhiều nhân vật, nhiều thân phận con người cả tốt lẫn xấu. Người đã đặt nền móng vững chãi cả về trí thức, tri thức lẫn đạo đức trong cậu bé không ai khác ngoài thầy giáo Bảy. Đây là một nhân vật nhỏ, xuất hiện thoáng qua trong tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi. Trong một buổi chợ náo nhiệt miệt sông nước Cà Mau, An thấy người dân nơi đây kính trọng mời thầy giáo về xem xét một con kì đà họ vừa đánh bắt được vì thầy là người trí thức nhất mà họ biết, ma chay cưới hỏi gì cũng vời đến thầy. Còn trong phim Đất rừng phương Nam, thầy giáo Bảy được thay đổi thành thầy giáo của An trong trường Tây. Khi cậu bé luyến tiếc cuộc sống cũ bằng câu hỏi: “Vậy từ nay con không được đi học nữa hả thầy?”, thầy Bảy đã trả lời như một bài học cuối cùng cho học trò của mình: “Không học ở trường thì mình học ở cuộc đời.” 

Út Lục Lâm là nhân vật được kế thừa từ bản phim truyền hình và không xuất hiện trong tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi. Lạc mất cha mẹ, An bơ vơ và trơ trọi giữa cuộc đời đương lúc rối ren. Có lẽ vì vậy mà một kẻ “bất hảo” như Út Lục Lâm lại sẵn sàng chở che cho cậu. Út Lục Lâm là một thanh niên mồ côi cha mẹ, tìm đủ mọi cách để sinh tồn nhưng Út không phải chỉ là một tên trộm cắp vặt vô tri. Xuất phát từ một phút mủi lòng với cậu bé sau biến cố lớn, An trở thành một nét chấm phá mềm trong lòng Út Lục Lâm. 

Ông Tiều đánh dấu một sự chuyển đổi hình tượng của Tiến Luật sau những vai hài làm nên tên tuổi của anh. Cha con ông Tiều hành nghề mãi võ sơn đông, lưu lạc khắp chốn để mưu sinh nhưng họ không ngần ngại đón nhận An như một thành viên trong gia đình. Ông Tiều dạy An đánh võ, dạy luôn cả nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, còn Xinh bầu bạn với An vào lúc cậu bé cô đơn nhất. Bên cạnh hành nghề mãi võ để kiếm sống, ông Tiều còn là người của Thiên địa hội, thuộc phong trào hội kín Nam kỳ một thời của người dân Nam Bộ nhằm chống lại ách áp bức của thực dân Pháp. 

Bé An

Đầu tư cho bối cảnh  

Đặc biệt hơn, dường như sông nước phương Nam với đàn cò bay thẳng cánh cũng đã trở thành một nhân vật góp mặt trong cuộc phiêu lưu của An. Vùng đất này không chỉ chứa đựng sự màu mỡ được sông Cửu Long bồi đắp mà còn chứa cả tinh thần kiên cường và bất khuất của con người nơi đây, thể hiện trong các bối cảnh trải dài khắp 6 tỉnh Nam Bộ. 

Sau khi phát hành teaser trailer vào giữa tháng 8, bối cảnh miền Tây trong Đất rừng phương Nam đã thu hút sự bàn luận sôi nổi của khán giả, cho thấy sự quan tâm của công chúng với tác phẩm này. Trong đó, bối cảnh chợ nổi miền Tây tại rừng tràm Trà Sư từng gây chú ý vào thời điểm khai máy, nay được đoàn làm phim giới thiệu trong video hậu trường để giới thiệu đến với khán giả nhiều hình ảnh hơn nữa về đại cảnh quan trọng này. 

Được biết, đại cảnh chợ nổi là một trong những phân đoạn hoành tráng và có ý nghĩa quan trọng của Đất rừng phương Nam, xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên trong tiểu thuyết. Xóm chợ thể hiện chân thực không khí sinh hoạt tấp nập của người dân miền sông nước, với hàng chục chiếc ghe thuyền trên hệ thống kênh rạch chằng chịt của rừng tràm. Phía trên là những hiệu buôn, tiệm ăn người Hoa với biển hiệu vẽ tay, đèn treo lủng lẳng… Chính tại khu chợ này, An đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng trên hành trình tìm cha của mình như cha con chú Ba bắt rắn, cha con ông Tiều, quán rượu dì Tư Ù…

Hứa Vĩ Văn trong vai thày giáo Bảy và Hồng Ánh vai mẹ An

Vì không có điều kiện xây dựng toàn bộ phim trường, đoàn phim phải dựa vào kiến trúc có sẵn để dựng lại 70% bối cảnh, rồi lại phủ lên đó một lớp màu thời gian. Kể cả nội thất, phụ kiện cũng được sưu tầm để đảm bảo tính lịch sử.

Nhà sản xuất đã đầu tư rất kỹ lưỡng cho phần bối cảnh, đặc biệt nhất là cảnh chợ nổi miền Nam xưa với hơn 60 ngày chuẩn bị, huy động gần 400 diễn viên quần chúng. Do hiện nay phần lớn người dân đều chuyển sang dùng thuyền composite (thuyền nhựa), ê-kíp phải mất vài tháng để đóng mới hơn 50 chiếc thuyền gỗ tại nhà xưởng ở Đồng Tháp, sau đó chất lên ghe lớn, chở về rừng tràm Trà Sư và dùng nhiều phương tiện để chuyển thuyền về bối cảnh chính. 

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện đại cảnh chợ nổi chính là điều động các phương tiện sông nước. Do đặc tính khó điều chỉnh vị trí hơn việc sử dụng đạo cụ xe cộ nên mỗi khi reset (quay lại), ê-kíp lại phải mất nhiều thời gian để dàn cảnh ghe xuồng tấp nập ngược xuôi, tạo nên không khí họp chợ sôi động. Số lượng thuyền bè quá đông và khó điều khiển khiến đoàn phim gặp nhiều khó khăn

Ở những phân cảnh đặc tả nhân vật, thiên nhiên sông nước cũng gây ra không ít khó khăn. Ví dụ như kịch bản yêu cầu thuyền của ông Tiều phải từ từ cập bến, tuy nhiên con nước xuôi dòng và gió thuận chiều lại đẩy thuyền đi thoăn thoắt, không sao điều khiền được, khiến Tiến Luật chịu thua sau 3 tiếng quay phim.

Rừng tràm Trà Sư hiện đang được khai thác kinh doanh du lịch sinh thái, nhưng ban quản lý của khu du lịch đã luôn sẵn sàng ngừng hoạt động để hỗ trợ Đất rừng phương Nam xây dựng bối cảnh và quay phim. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dí dỏm chia sẻ: “Nhờ tình cảm của khán giả dành cho phim truyền hình Đất phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) ngày xưa mà giờ đây, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam cũng nhận được sự ưu ái và hỗ trợ từ các địa phương, đơn vị”.

Đại cảnh chợ nổi miền Nam xưa trong Đất rừng phương Nam

Bên cạnh đại cảnh chợ nổi, nhiều cảnh đẹp đặc trưng khác của miền Tây như rừng ngập mặn, vườn cò, những đồng lúa bát ngát, bãi bùn mênh mông… cũng được đưa vào phim. Suốt hai tháng ghi hình, đoàn phim đã đi khắp các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ. Đạo diễn cho biết: “Càng đi, tôi càng thấy miền Tây thật đẹp. Bỗng nhiên, tôi cũng được tham gia vào chuyến phiêu lưu trong phim, cùng chú bé An khám phá thiên nhiên, con người”.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;