Quản lý di tích lịch sử ATK - thúc đẩy phát triển du lịch Tuyên Quang

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Kim Bình, Tân Trào (Tuyên Quang) đã vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm An toàn khu (ATK), nơi đưa ra nhiều quyết sách quan trọng về kháng chiến kiến quốc. Ngày nay, Kim Bình, Tân Trào đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (DTQGĐB). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai DTQGĐB này vẫn giữ nguyên giá trị trường tồn trong đời sống dân tộc. Bài viết tập trung về thực trạng công tác quản lý của hai di tích trong phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang, đồng thời đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong phát triển du lịch.

1. Một số hoạt động quản lý nhà nước tại DTQGĐB Kim Bình, Tân Trào

Hoạt động bảo tồn - bảo tàng

Tại DTQGĐB Kim Bình, do tác động của thiên nhiên và con người, các ngôi nhà đã hư hỏng hoàn toàn chỉ còn lại địa điểm, dấu vết nền nhà và nhiều hố trú ẩn cá nhân. Khu đồi Nà Loáng bị xẻ đôi bởi con đường lâm nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, tại DTQGĐB Kim Bình đã tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi Hội trường, Đài tưởng niệm, Nhà ở và làm việc của Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, trồng cây bản địa sinh thái trong khuôn viên di tích. Tại vùng lõi hình thành Làng du lịch homestay thôn Bó Củng (xã Kim Bình) với nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Ban Quản lý DTQGĐB Tân Trào phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt công tác bảo tồn, tu bổ các điểm tại di tích. Cùng với đó, công tác lập hồ sơ khoa học di tích cũng được triển khai, tổ chức sưu tầm và trưng bày tài liệu về nơi ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại vùng lõi của di tích hình thành Làng văn hóa - du lịch Tân Lập (xã Tân Trào) với nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích

Đơn vị quản lý DTQGĐB Kim Bình, Tân Trào đã phối hợp chặt chẽ với các xã làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn môi trường luôn sạch đẹp, hợp đồng với nhân dân địa phương bảo vệ các di tích quan trọng. Trong thời gian qua, các di tích quan trọng được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không bị lấn chiếm xâm hại. Phối hợp chặt chẽ với Công an phòng cháy chữa cháy tỉnh, Công an huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa làm tốt công tác phòng cháy. Việc chăm sóc cảnh quan, bảo vệ môi trường di tích được quan tâm thường xuyên, đặc biệt là ở các di tích trọng điểm.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di tích

Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa là công việc quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức và quy trách nhiệm cho chính quyền, cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DTQGĐB Kim Bình, Tân Trào. Đơn vị quản lý di tích định kỳ tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Từ đó, giáo dục và hình thành ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị di tích, đồng thời khơi dậy tình yêu, sự trân trọng của cộng đồng đối với các giá trị văn hóa của dân tộc. Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, cơ quan thông tấn báo chí, mạng internet cũng được đơn vị quản lý di tích triển khai thường xuyên, góp phần giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đến đông đảo tầng lớp nhân dân.

Hoạt động quản lý di tích

Sau khi các di tích lịch sử cách mạng Tân Trào, Kim Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận là DTQGĐB, công tác quản lý các di tích được tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa và các thông tư, nghị định liên quan. Bên cạnh đó, công tác này cũng được thực hiện theo quy định cụ thể của UBND tỉnh Tuyên Quang về công tác quản lý di tích trên địa bàn. Tỉnh đã thành lập Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang - một cơ quan chuyên sâu về lĩnh vực du lịch, sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch thời gian tới.

Xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch

Việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị DTQGĐB Kim Bình, Tân Trào và xây dựng quy hoạch du lịch các điểm di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặt nền móng lâu dài cho công tác quản lý di tích. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND, ngày 20-12-2014 về việc Quy định trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2. Đánh giá những kết quả đạt được và mặt hạn chế

Những kết quả đạt được

Công tác quản lý nhà nước đối với DTQGĐB Kim Bình, Tân Trào là một điểm sáng, thể hiện ở hàng loạt lĩnh vực như: xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích, xây dựng quy hoạch du lịch khu di tích, ban hành quy định quản lý di tích, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di tích… Bên cạnh đó, cũng đã có sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Kết quả trên đạt được nhờ thực hiện tốt, đúng với tư tưởng chủ đạo của Nhà nước về đường lối, phương hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa. Các cấp chính quyền địa phương đã xuất phát từ đặc trưng của văn hóa cơ sở, đưa văn hóa vào mọi lĩnh vực của đời sống để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Những bất cập và hạn chế

Việc thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích triển khai chưa thật sự đồng bộ. Các di tích được tu bổ trong quy hoạch chủ yếu thuộc quản lý của Nhà nước, các di tích thuộc gia đình tự quản chưa thật sự được quan tâm đầu tư và chưa có cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và các hộ gia đình trong công tác phát huy, bảo tồn giá trị di tích.

Việc triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu di tích còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Đây là một trong những hạn chế trong công tác đầu tư thực hiện các quy hoạch của tỉnh Tuyên Quang trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị những di tích này.  

Các dịch vụ dành cho khách du lịch chưa phong phú, chưa theo quy định, sản phẩm du lịch thiếu hụt. Trong khi đó, khách du lịch vẫn chưa có đủ thông tin về các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch địa phương.

Hạ tầng giao thông kết nối các khu di tích còn hạn chế, chưa có mạng lưới phương tiện đi lại cho cá nhân, nhóm người từ nơi này đến nơi khác trong khu di tích. Du khách bị động và phụ thuộc vào phương tiện di chuyển của chính họ. Các sản phẩm du lịch như: đi bộ đường dài, cắm trại, nghỉ tại nhà dân (homestay), tham quan, trải nghiệm làng nghề, cuộc sống người dân đang là bước khởi đầu. Các hệ thống khách sạn, khu vui chơi giải trí… còn thiếu.

Việc phát huy, bảo tồn giá trị di tích chưa được gắn với mối liên kết vùng và bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc. Hoạt động phát huy giá trị di tích dựa trên hình thức du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch đồng quê là những hình thức du lịch có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao chưa được chú trọng triển khai.

3. Một số giải pháp

Giải pháp về chính sách

Những cơ chế, chính sách phù hợp sẽ giúp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được thuận lợi, vì thế các cấp quản lý di tích thuộc tỉnh Tuyên Quang cần:

Quan tâm và xây dựng những chính sách quảng bá về di tích trong việc phát triển du lịch bền vững tại di tích, như tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục hành chính…

Ban hành những cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, nâng cao vai trò Nhà nước và cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần có những chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh như: đăng ký hoạt động thuận lợi, miễn giảm thuế, tạo điều kiện mặt bằng kinh doanh với vị trí đẹp… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… tham gia vào phát triển du lịch tại đây, đồng thời giúp các cấp quản lý làm tốt hơn vai trò của mình.

Xây dựng và ban hành chính sách đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (hỗ trợ kinh phí học nâng cao trình độ đối với cán bộ, miễn học phí đối với người dân…), chính sách liên kết, phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch bền vững.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích

Đối với bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, con người luôn là yếu tố trung tâm vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian tới, cần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Theo đó, đối với các cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn như bảo tồn, bảo tàng, lịch sử, quản lý văn hóa… cần được bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng trong công tác quản lý khu di sản, kiến thức về quản lý nhà nước… với chương trình ngắn hạn do các trung tâm, viện nghiên cứu chuyên ngành, các trường đại học trong nước và quốc tế tổ chức. Bên cạnh đó, cần thực hiện liên kết đào tạo với một số trường đại học chuyên ngành trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm bổ sung kiến thức chuyên môn cho cán bộ trong từng lĩnh vực công tác tại di tích, trên cơ sở đó, cung cấp những kiến thức liên ngành hoặc đa ngành trong tiếp cận và giải quyết những vấn đề thực tiễn. UBND tỉnh Tuyên Quang cũng cần có chiến lược thu hút đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có kiến thức và kinh nghiệm trong công tác quản lý di tích và du lịch. Về lâu dài, cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn lực tại chỗ để kế thừa kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ đi trước trong công tác quản lý. Đồng thời có cơ chế, chính sách cử cán bộ đi học tập, tham quan, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ở một số di tích có điều kiện tương đồng, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ có điều kiện tiếp xúc với các kiến thức mới, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đối với cộng đồng, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về khu di tích, hỗ trợ giáo dục cho những người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý di tích.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành

Quản lý DTQGĐB Tân Trào, Kim Bình cần đặt trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh Tuyên Quang, là một quan điểm xuyên suốt trong quá trình quản lý di tích này. Thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Tân Trào, Kim Bình gắn với phát triển du lịch thời gian qua đã cho thấy sự liên quan của nhiều lĩnh vực. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích thời gian tới, cần chú ý đến sự phối hợp của các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là mối liên hệ giữa việc quản lý di tích với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình đô thị hóa nông thôn, lĩnh vực xây dựng, môi trường, quản lý phát triển công nghiệp, nông nghiệp... trên địa bàn di tích. Mục tiêu của công tác quản lý khu di tích là giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững của di tích, trên cơ sở đó phát huy giá trị di tích trong đời sống xã hội đương đại. Cần có cơ chế để đảm bảo sự phối hợp liên ngành nhất quán giữa các bên liên quan trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị DTQGĐB Tân Trào, Kim Bình gắn với phát triển du lịch. Đây cũng chính là cơ sở để thực hiện công tác quản lý di tích trong mối liên hệ hài hòa và sự phát triển bền vững của di tích trong mối liên hệ với các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh Tuyên Quang.

Tăng cường xã hội hóa

Đây là một trong những xu hướng mới, mang lại hiệu quả cao hiện nay trong công tác quản lý di tích. Xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ tạo được lợi thế đáng kể trong tận dụng các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc tăng cường xã hội hóa là một giải pháp quan trọng, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, đồng thời huy động được tối đa các nguồn lực từ những tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch

Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho các DTQGĐB Tân Trào, Kim Bình bao gồm: tờ rơi, poster quảng cáo, bảng biển chỉ dẫn, sách hướng dẫn du lịch… phối hợp với các đơn vị truyền thông lớn như Đài Truyền hình Việt Nam để sản xuất những tập phim giới thiệu về di tích theo hướng du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng…; sản xuất những thước phim quảng cáo ngắn chiếu trên khung giờ vàng của VTV. Sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, YouTube… để đăng tải nội dung cần quảng bá, có phụ đề tiếng Anh. Giới thiệu về di tích trên các tạp chí nổi tiếng; mời đại diện thương hiệu du lịch, thực hiện các dự án âm nhạc (quay MV tại di tích); tổ chức cuộc thi ảnh đẹp (có cơ chế thu hút nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp); nghiên cứu, sản xuất vật phẩm lưu niệm, sản vật địa phương; tổ chức các hoạt động kinh doanh, tọa đàm xúc tiến du lịch; xây dựng các tour, tuyến tham quan du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến thương hiệu di tích tới thị trường trọng điểm trong nước thông qua hội chợ du lịch quốc tế, tham gia lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch quy mô quốc gia, quốc tế; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, vận động sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh du lịch lớn trên cả nước… Bên cạnh đó, cần tổ chức tuyên truyền để toàn thể nhân dân địa phương vào cuộc trong việc quảng bá giới thiệu du lịch.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thi đua, khen thưởng

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra không những phát hiện xử lý vi phạm trong công tác quản lý, mà còn phát hiện biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý di tích. Việc chú trọng công tác thi đua, khen thưởng giúp khích lệ tinh thần làm việc của những người tham gia công tác quản lý di tích giúp cho cộng đồng và Nhà nước thêm gắn bó, cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Có thể nói, việc quản lý các di tích lịch sử cách mạng ATK trong phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang cụ thể là DTQGĐB Tân Trào, Kim Bình thời gian qua đã được thực hiện một cách tích cực, có sự phân cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương một cách tập trung, thống nhất. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng là một trong những điểm mới, tạo cơ sở thuận lợi trong triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời là tín hiệu tích cực trong mô hình phát triển du lịch theo hướng bền vững ở các địa phương hiện nay.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Luật Di sản văn hóa, sửa đổi, bổ sung, 2009.

2. Hà Thúy Mai, Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử cách mạng ATK ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021.

3. sovhttdltuyenquang.vn.

4. banqlckdltuyenquang.gov.vn.

TS HÀ THÚY MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;