Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa huyện Ba Vì (Hà Nội) gắn với phát triển du lịch

Huyện Ba Vì vùng đất địa linh nhân kiệt thuộc xứ Đoài, nơi chứa đựng bề dày văn hóa mang đậm nét Việt cổ, tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt với lối kiến trúc độc đáo cổ nhất Việt Nam. Không những thế, Ba Vì còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng với nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng, trở thành điểm dừng chân của các dân tộc anh em Kinh, Mường, Dao sinh sống, hình thành nét văn hóa tộc người giàu bản sắc. Vùng thiêng sông núi đã mang lại cho Ba Vì tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch nhờ lợi thế tự nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khai thác giá trị tài nguyên du lịch sẵn có tại địa phương chưa đạt hiệu quả. Chính vì vậy, nếu công tác quản lý nhà nước được tăng cường và ý thức cộng đồng người dân được nâng cao, trong tương lai du lịch Ba Vì sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để địa phương phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, đậm đà truyền thống dân tộc.

Đền Thượng Vườn Quốc gia Ba Vì - Ảnh: Hồng Hân

Nằm cách trung tâm Hà Nội 60km về phía Tây Bắc, Ba Vì là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao với những phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng biệt. Với bề dày lịch sử, Ba Vì là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa có giá trị khác. Về số lượng, huyện Ba Vì có 450 di tích được phân bố rộng rãi trên địa bàn 1 thị trấn và 30 xã, gồm: 8 di tích lịch sử, văn hóa (5 di tích lịch sử cách mạng, 3 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh), 442 di tích kiến trúc - nghệ thuật. Trong đó có 102 đình, 48 đền, 105 chùa, 57 miếu, 96 nhà thờ họ, 4 điếm, 5 quán, 7 giếng cổ, 6 di tích lưu niệm và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1 cây lưu niệm, 4 lăng, 3 văn chỉ, 9 cổng làng, 2 từ chỉ từ đường, 1 mộ, 1 địa điểm chiến thắng. Tổng di tích được xếp hạng là 91, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 40 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 50 di tích xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, Ba Vì còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như: làng kháng chiến Vật Lai, cây đa Bác Hồ, khu di tích lịch sử đồi Đá Chông K9 nơi có phong cảnh, khí hậu mát mẻ; các di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị văn hóa, thẩm mỹ như: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (là 2 di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt), đình Thụy Phiêu (được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại 1531 - thời nhà Mạc)…; đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền thờ Bác Hồ…; miếu Mèn, chùa Tản Viên Sơn… Với số lượng di tích lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng, huyện Ba Vì có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch.

Trong xu thế toàn cầu hóa và mở rộng, phát triển đô thị như hiện nay, cũng giống như các địa phương khác trên cả nước, huyện Ba Vì đang chịu sự tác động của nhiều yếu tố đan xen, đa chiều làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc đến văn hóa, cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các di tích lịch sử, văn hóa. Việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì là việc làm cấp thiết nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, chống sự lai căng, định hướng cho văn hóa phát triển theo quan điểm của Đảng ta, phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những hiện tượng tiêu cực nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Để nâng cao hiệu quả trong phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, cơ quan chức năng của huyện Ba Vì cũng như thành phố Hà Nội cần xác định được mục tiêu, vai trò của việc phát triển du lịch gắn với giá trị các di tích lịch sử, văn hóa là mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, rộng hơn là phát triển vùng, miền theo nguyên tắc phát triển bền vững dựa trên 3 tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.

Về kinh tế: Mục tiêu đầu tiên mà phát triển du lịch gắn với giá trị di tích lịch sử, văn hóa hướng tới là mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua việc cho họ tham gia trực tiếp vào việc cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch, hoặc làm việc cho các doanh nghiệp du lịch (nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vận chuyển…), hay có thể trực tiếp sản xuất các đồ thủ công truyền thống làm thành đồ lưu niệm bán cho khách du lịch...

Về xã hội: Phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa là cách tốt nhất để tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Phát triển du lịch giúp thay đổi cơ cấu việc làm tại địa phương và giảm di cư từ nông thôn ra các đô thị lớn; thúc đẩy sự công bằng xã hội bằng việc mang lại cho người dân những lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng (bất kể họ có tham gia vào du lịch hay không), như giao thông, đường điện, nguồn nước sinh hoạt… tốt hơn, từ đó góp phần thay đổi bộ mặt xã hội của địa phương.

Về môi trường: Khi điều kiện sống khó khăn và lạc hậu, trình độ dân trí thấp và thiếu hiểu biết, vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường bị hạn chế. Nhưng khi các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Chính từ đó, tạo cơ hội cho người dân địa phương giao lưu học hỏi từ khách du lịch, đồng thời giúp người dân nâng cao hiểu biết và kỹ năng giao tiếp. Họ sẽ nhận ra việc bảo vệ tài nguyên chính là bảo vệ quyền lợi của mình. Tài nguyên càng được tu bổ, bảo tồn thì càng có giá trị để thu hút khách du lịch, từ đó kéo theo việc làm và thu nhập.

Nắm bắt được thế mạnh của du lịch, thời gian qua, huyện Ba Vì đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và đã đạt được những thành quả đáng kể. Huyện đã tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện chủ động đầu tư kinh phí để quảng bá thông qua các cơ quan thông tấn báo chí; kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch Ba Vì; phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đào tạo các lớp nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch cho người dân… Mặc dù, thời gian qua du lịch Ba Vì tăng trưởng ổn định, song, chất lượng các hoạt động du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định như: các điểm du lịch còn phân tán, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, sự liên kết giữa các cơ sở du lịch trong vùng chưa chặt chẽ, quảng bá du lịch chưa sâu, nguồn lực đầu tư còn thấp… Vì vậy, lượng khách du lịch đến Ba Vì tuy đông, nhưng doanh thu từ du lịch vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để giữ chân khách và để khách sử dụng nhiều dịch vụ là vấn đề mà Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì cùng các ngành chức năng và các đơn vị làm du lịch đang tìm cách tháo gỡ.

 Từ thực tế hoạt động du lịch những năm qua cho thấy hiệu quả khai thác các di tích lịch sử, văn hóa tại Ba Vì chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp:

Một là, sự tham gia của người dân địa phương

Đối với phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, sự tham gia của cộng đồng được xem là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển du lịch, cũng như việc bảo tồn, tu bổ di tích. Cần quan tâm đến những người dân địa phương đang sinh sống trong hoặc liền kề với khu vực chứa tài nguyên du lịch, và không bao gồm các doanh nghiệp từ nơi khác đến làm việc hay kinh doanh. Bởi họ là những người am hiểu các điều kiện về địa hình, lịch sử, văn hóa, đặc điểm nguồn di tích nơi họ sinh sống và cũng chính họ sáng tạo nên những giá trị nhân văn như phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa… Việc bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa mang lại lợi ích cho người dân trong quá trình tổ chức và phát triển du lịch. Song, sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển du lịch còn được xác định qua các tiêu chí: hiểu biết, nhận thức của người dân địa phương về phát triển du lịch; kỹ năng làm du lịch của người dân địa phương; thái độ của người dân về phát triển du lịch tại địa phương; hành vi, ý thức của người dân địa phương trong việc tổ chức cung cấp các dịch vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các cấp quản lý về du lịch cũng như các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm phổ biến hệ thống pháp luật, các quyết định, nghị định hướng dẫn thực hiện liên quan trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, xã hội... đến người dân địa phương. Đồng thời, cần hoàn thiện các chính sách như chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng. Thực tế phát triển cho thấy không phải toàn bộ người dân địa phương đều tham gia vào hoạt động du lịch, như vậy sẽ dẫn đến sự xung đột về lợi ích giữa những người được hưởng lợi từ hoạt động du lịch và những người không có nguồn thu. Mặt khác, khách đến địa phương là thăm quan tổng thể các di tích, nhưng chỉ có một số người được hưởng lợi ích là không hợp lý. Vì vậy, muốn phát triển du lịch, cần phải có chính sách kinh tế, nông nghiệp, việc làm, hỗ trợ những người không trực tiếp làm du lịch. Song, cần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, hiểu được bản chất và nguyên tắc của phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa. Mô hình phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa khó thành công nếu như có sự chia rẽ trong nội bộ của địa phương hoặc có sự khác biệt về quan điểm, cách điều hành của đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu chính của du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa là cùng nhau tạo thu nhập và phân chia công bằng. Do đó, ban quản lý di tích phải là những người có tâm huyết, có uy tín và công tâm trong mọi vấn đề để triển khai các hoạt động của địa phương.

Hai là, chủ chương, chính sách của chính quyền địa phương

Nhiều nơi, nhiều vùng có di tích lịch sử, văn hóa phong phú, độc đáo và đa dạng, người dân địa phương đã biết nắm bắt cơ hội làm du lịch khi dòng du khách đổ về. Tuy nhiên, đó là kiểu làm du lịch tự phát và cũng có những rủi ro, kém bền vững bởi thiếu những chủ chương, chính sách và hợp tác từ phía chính quyền địa phương. Chính vì thế, những chính sách, đường lối từ chính quyền địa phương là điều kiện thúc đẩy sự phát triển du lịch. Các cấp chính quyền có thể hỗ trợ cho hoạt động du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa bằng cách khuyến khích người dân địa phương nâng cao kiến thức về các di tích lịch sử, văn hóa hoặc tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, duy trì và phát huy giá trị của các làng nghề thủ công truyền thống, hướng tới việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái của địa phương, có khả năng đáp ứng nhu cầu thăm quan, trải nghiệm của du khách. Đồng thời, bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho các chủ thể - chủ sở hữu các di tích lịch sử, văn hóa của huyện. Chính quyền địa phương cần có những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch ở địa phương; lồng ghép các dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa với các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển du lịch, phát triển giao thông và các dự án phục vụ khách tham quan.

Ba là, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông

 Mặc dù đã được chính quyền quan tâm, nhưng xét về góc độ phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của các xã có di tích cần được đầu tư và nâng cấp hơn nữa: ví như tại khu vực trung tâm xã có trung tâm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc, quầy dịch vụ bán hàng, quà lưu niệm, nơi giao lưu văn hóa - văn nghệ… Trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2020, định hướng đến năm 2030, xác định phát triển tuyến giao thông có vai trò quan trọng đặc biệt ở khu vực Ba Vì. Theo đó, tuyến đường ĐT415: đường sườn Tây Ba Vì, tuyến đường nối sườn Đông với sườn Tây núi Ba Vì cần được nâng cấp xây dựng, thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Mạng lưới giao thông đường thủy cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, cảng du lịch Đá Chông (sông Đà - Ba Vì) tạo nên điểm hấp dẫn khác lạ cho khách khi đến với du lịch Hà Nội nói chung và huyện Ba Vì nói riêng. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông này cần được quan tâm, tổ chức triển khai và đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất để huyện Ba Vì có thể khai thác tiềm năng của các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Bốn là, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá

Bên cạnh việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty du lịch và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tại địa phương phát triển du lịch, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động và không ngừng tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cho chương trình phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Công tác tuyên truyền quảng bá cần được sự hỗ trợ từ phía Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với cơ quan báo, đài trong và ngoài huyện như: Tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng, triển lãm du lịch... Đồng thời khai thác và sử dụng hiệu quả các trang thông tin điện tử của ngành; xây dựng và phát hành rộng rãi các phim tài liệu, ấn phẩm về du lịch gắn các di tích lịch sử, văn hóa, cùng với các sản vật địa phương, danh lam thắng cảnh, lễ hội...; xây dựng bản đồ du lịch, tập gấp, giới thiệu về các tài nguyên du lịch của huyện.

Các doanh nghiệp du lịch được xem là cầu nối giữa khách du lịch với địa phương, đóng vai trò trung gian để giúp người dân địa phương có thể tiếp cận và bán các sản phẩm du lịch cho khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng đóng vai trò hỗ trợ, đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch mà người dân chưa có khả năng cung ứng đủ. Tại nhiều nơi, các doanh nghiệp du lịch đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương thông qua việc sử dụng nguồn lực tại chỗ và đóng góp lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, cũng một số nơi, nhiều doanh nghiệp du lịch thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường. Vì vậy, khi quy hoạch phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, cần xem xét kỹ lưỡng trên các phương diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, tránh những tác động tiêu cực đối với các di tích về sau. Bên cạnh đó, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ có thể hỗ trợ về mặt chuyên môn là chính và phần nhỏ hỗ trợ về mặt tài chính vì sự phát triển của địa phương. Các cá nhân, tư nhân có thể là người đóng vai trò tham gia hỗ trợ về mặt tài chính. Đồng thời, các tổ chức như các trung tâm phát triển du lịch, các trường đại học, cao đẳng có thể đóng góp về mặt đào tạo chất lượng phục vụ du lịch cho các di tích của địa phương.

Năm là, bảo tồn các giá trị của di tích và môi trường du lịch

Việc khai thác phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa phải hướng tới sự tu bổ, bảo tồn các di tích. Giáo dục du khách tôn trọng các di tích lịch sử, văn hóa cũng như tập quán, phong tục của người dân bản địa, không làm những việc tổn hại đến di tích và trái với thuần phong mỹ tục của địa phương. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và hướng dẫn người dân, đặc biệt là những người tham gia hướng dẫn khách du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho khách du lịch trong việc ý thức gìn giữ nét đẹp, giá trị của các di tích để bảo tồn cho thế hệ mai sau... Việc bảo vệ các di tích một cách nguyên vẹn trong quá trình khai thác chính là tài nguyên du lịch lâu dài có sức hút đối với khách có như vậy mới có thể nâng cao vai trò của hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trong phát triển bền vững xã hội.

Thành phố Hà Nội từ khi mở rộng địa giới hành chính, hoạt động du lịch ngày càng trở nên đa dạng và phong phú với nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa ở huyện Ba Vì còn hạn chế và là một trong những mục tiêu phát triển của ngành Du lịch nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng, đặc biệt là phát triển du lịch khu vực phía Tây Hà Nội. Với những lý do đó, việc tìm ra hướng phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì là cần thiết, vừa phục vụ lợi ích phát triển của địa phương, vừa đóng góp hiệu quả cho công tác xóa đói giảm nghèo đối với một bộ phận người dân tộc Mường, Dao của huyện.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Ba Vì, Ba Vì - 45 năm xây dựng và phát triển (1968-2013), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Đặng Văn Tu (chủ biên), Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1999.

3. Đặng Văn Tu, Nguyễn Tá Nhí (đồng chủ biên), Địa chí Hà Tây, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2008.

4. Nguyễn Thúy Nga, Quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2014.

Ths VŨ THỊ NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;