Khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Đắk Nia (Đắk Nông)

1. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại xã Đắk Nia          

Xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên là 9.354,87 ha, dân số là 2.754 hộ với 10.361 khẩu, gồm có 12 thôn, bon, có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 39,04% (1). Xã Đắk Nia có tuyến đường giao thông thuận tiện kết nối với các điểm du lịch khác như khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 28 kết nối với huyện Di Linh, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tạo nên một tour du lịch thuận tiện đối với khách du lịch xuất phát từ TP.HCM cũng như thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk... Bên cạnh đó, Đắk Nia còn có hệ thống thực vật, địa chất đa dạng phù hợp cho những buổi dã ngoại trong thời gian ngắn.

Xã Đắk Nia là nơi tập trung đông đồng bào người Mạ sinh sống. Theo số liệu thống kê năm 2020, người Mạ sinh sống trên địa bàn xã Đắk Nia gồm 403 hộ gia đình với 1.704 nhân khẩu (2). Cộng đồng người Mạ nơi đây còn lưu giữ nhiều tri thức bản địa về sinh hoạt văn hóa - xã hội như các lễ hội truyền thống lớn, hoạt động đánh cồng chiêng, hát dân ca… Trong đó, các lễ hội truyền thống lớn được người Mạ tổ chức thường xuyên như: lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng bến nước… Đồng bào người Mạ tại xã Đắk Nia rất chú trọng bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và ý thức truyền dạy lại cho các thế hệ sau. Họ đã thành lập các đội ngũ nghệ nhân cồng chiêng, hát dân ca, kể chuyện sử thi... thường xuyên biểu diễn tại địa phương trên địa bàn tỉnh và tổ chức giao lưu với các tỉnh khác.

Bên cạnh đó, nhiều nghề thủ công truyền thống của người Mạ cũng được lưu giữ và phát triển như: dệt thổ cẩm, đan lát và làm rượu cần… Các nghề truyền thống của người Mạ được hình thành và phát triển từ lâu, tuy chỉ là nghề phụ bên cạnh nghề làm nông nhưng với tính siêng năng, cần mẫn, có tinh thần và niềm tự hào dân tộc, đồng bào nơi đây đã gắn bó và duy trì nghề qua nhiều thế hệ. Hiện nay, dù số lượng không nhiều nhưng một số hộ gia đình có thể sống bằng nghề, qua đó gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm từ dệt thổ cẩm như: trang phục, khăn trải bàn hay từng chiếc gùi, từng ché rượu cần thơm ngon đã thể hiện sự kế thừa và sáng tạo đầy nhiệt huyết của đồng bào Mạ nơi đây. Đến nay, xã đã thành lập được 2 tổ hợp tác nghề truyền thống, đó là: nghề làm rượu cần gồm 7 thành viên, nghề dệt thổ cẩm gồm 8 thành viên.

Với những lợi thế trên, nơi đây được chọn là nơi tổ chức và phục dựng các lễ hội dân tộc của người Mạ. Hằng năm, được UBND thành phố chọn là nơi tổ chức Hội Xuân Liêng Nung với nhiều nội dung hấp dẫn, đặc sắc mang bản sắc văn hóa của người bản địa như: các trò chơi dân gian, cuộc thi ẩm thực, giã gạo nấu cơm nhanh, thi hát dân ca, cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… tạo điều kiện cho đồng bào Mạ trong khu vực cùng tham gia các hoạt động sản xuất, trình diễn, giao lưu các giá trị văn hóa truyền thống thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của người dân địa phương gắn với phát triển du lịch.

2. Thực trạng khai thác tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Đắk Nia

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông, UBND thành phố Gia Nghĩa, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, kết nối tuyến, điểm du lịch, xã Đắk Nia đã xác định hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trên địa bàn xã phải gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phục vụ du lịch trên địa bàn xã. UBND xã Đắk Nia đã từng bước triển khai thực hiện công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã. Cụ thể:

Đối với công tác bảo vệ làng nghề và thác Liêng Nung: UBND xã đã hợp đồng với người dân tộc tại chỗ, chịu trách nhiệm trông coi, bảo vệ toàn bộ làng nghề, các công trình phụ trợ và các nhà truyền thống, tài sản có liên quan; tuần tra kiểm soát và bảo vệ cảnh quan tại khu vực thác Liêng Nung.

Đối với công tác hướng dẫn viên: UBND xã Đắk Nia giao cho đồng chí cộng tác viên xã hội phụ trách giới thiệu, hướng dẫn, quảng bá các điểm du lịch khi có các đoàn đến tham quan trải nghiệm.

Việc sưu tầm các vật dụng truyền thống: nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, UBND xã đã tiến hành sưu tầm những vật dụng truyền thống lâu đời của dân tộc Mạ để trưng bày tại khu làng nghề truyền thống xã Đắk Nia, phục vụ khách đến tham quan du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bản địa tại địa bàn. Ngoài ra, xã đã thành lập được 2 tổ hợp tác dệt thổ cẩm và làm rượu cần. Đến nay, tổ hợp tác rượu cần đã trưng bày quy trình làm rượu cần tại nhà trưng bày các vật dụng truyền thống của xã; tổ hợp tác dệt đã đi vào hoạt động 3 ngày/ tuần tạo công ăn việc làm cho các thành viên, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Công tác vận động, khuyến khích các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương để phục vụ khách du lịch: UBND xã tiến hành làm việc và thống nhất với ông Trương Công Đông chủ trang trại Gia Ân về vị trí: điểm số 44, tọa độ 1322241; 418879 làm điểm đỗ xe, nhà vệ sinh, đường đi (mô tả: điểm đỗ xe 100m2, nhà vệ sinh tại đầu cổng vào trang trại và lối đi 0,5x50m theo đường đi). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, sưu tầm và vận động nhân dân trên địa bàn hỗ trợ các vật dụng truyền thống của dân tộc bản địa để trưng bày tại khu làng nghề để phục vụ du lịch. Tổ chức giao lưu ẩm thực và bản sắc văn hóa với đoàn tham quan dã ngoại tại nhà trưng bày các vật dụng truyền thống, thác Liêng Nung…

Nhìn chung, trên lĩnh vực du lịch, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong thời gian qua, xã Đắk Nia đã triển khai lồng ghép nhiều nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án... cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khai thác tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng tại xã Đăk Nia còn gặp nhiều khó khăn như:

Sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch còn thiếu, giá thành sản phẩm cao do người dân làm bằng thủ công, mẫu mã sản phẩm chưa được sắc nét, chưa có tính khác biệt, nét đặc trưng so với một số địa phương khác, nên khó tiêu thụ như thổ cẩm, đan lát… Đồng thời, việc sản xuất các sản phẩm còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo cuộc sống dẫn đến người dân chưa chú trọng công việc sản xuất, bảo tồn và phát triển du lịch.

Sản phẩm du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí tại những điểm du lịch chưa được đầu tư đúng tầm, quy mô nhỏ lẻ không đồng bộ nên chưa thu hút được nhiều du khách đến tham quan, tham gia các hoạt động trải nghiệm. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các bon làng còn thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch chưa được đào tạo bài bản. Thiết chế cho du lịch chưa được đầu tư, phát triển.

Tổ quản lý các hoạt động du lịch theo quy định hoạt động với hình thức kiêm nhiệm, chưa quy định rõ chế độ phụ cấp kiêm nhiệm. Mặt khác, công việc chuyên môn nhiều, nên hạn chế rất nhiều về mặt thời gian, thiếu tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ sau khi thành lập tổ quản lý.

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương còn khó khăn, đặc biệt là kinh phí để thực hiện trùng tu, phục dựng các lễ hội nên nhiều lễ hội truyền thống của người Mạ chưa được tổ chức thường xuyên tại các bon làng. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách chưa có chuyên môn sâu về công tác du lịch. Kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động du lịch chưa có quy định rõ ràng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả triển khai và công tác vận động các hộ dân tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương.

Các nhóm dịch vụ như: nhóm hướng dẫn, lưu trú, ăn uống, nhóm biểu diễn các giá trị văn hóa truyền thống (cồng chiêng, múa, hát dân ca…), nhóm thực hiện nghề truyền thống… chưa đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu khai thác phát triển du lịch. Một số nhóm trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Mạ tuy đã được thành lập nhưng chất lượng hoạt động chưa cao, các hoạt động chưa được luyện tập và biểu diễn thường xuyên như nhóm biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca…

Phần lớn người dân tộc Mạ tại xã Đắk Nia còn nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư vật chất ban đầu cho phát triển du lịch cộng đồng (homestay) là vượt khả năng kinh tế của gia đình. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư về du lịch cộng đồng mặc dù đã được tuyên truyền đến các hộ dân, nhưng một số hộ dân còn chưa hiểu được lợi ích kinh tế của việc làm du lịch cộng đồng. Do đó, nhiều gia đình người Mạ còn thụ động, trông chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành địa phương và chưa có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng, chưa có hộ dân nào đăng ký đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đón khách du lịch.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ trên địa bàn xã Đắk Nia, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho các hộ dân, góp phần đưa Đắk Nia trở thành một trong điểm sáng về phát triển du lịch ở tỉnh Đắk Nông nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự phối hợp, tư vấn của các bộ ngành liên quan, các địa phương lân cận có thế mạnh về du lịch trong việc hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản:

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho đồng bào người Mạ về vai trò, lợi ích thiết thực của du lịch cộng đồng

Việc nâng cao nhận thức phải bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực để đồng bào nhìn thấy, cảm nhận được trong cuộc sống thường ngày. Sau khi người dân nhận thấy được những lợi ích của du lịch cộng đồng như đem lại sinh kế mới, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mở rộng cơ hội giao lưu, học hỏi, cảnh quan môi trường được bảo vệ, giá trị của di sản được bảo tồn, phát huy và lan tỏa, thì người dân sẽ tích cực, chủ động tham gia. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phải phù hợp với tâm lý, trình độ nhận thức cũng như phong tục, tập quán riêng của đồng bào, tránh áp đặt, tránh cách làm rập khuôn, khiên cưỡng. Tôn trọng, gìn giữ những giá trị độc đáo, đề cao tinh thần sáng tạo của chủ thể cộng đồng trong thực hành, trao truyền, gìn giữ văn hóa.

Tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách quan trọng với những quyết định, đề án về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị độc đáo, nổi bật của công viên địa chất gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ phục vụ cho du lịch cộng đồng còn thiếu vắng. Vì thế, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tương xứng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tỉnh nói chung và phát triển du lịch tại xã Đắk Nia nói riêng. Trong đó, đầu tư xây dựng nhà truyền thống của người Mạ tại khu vực làng nghề, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm dừng chân nghỉ ngơi và dã ngoại phục vụ du khách, sớm khắc phục con đường đi xuống thác Liêng Nung để du khách thuận tiện đi lại tham quan. Đồng thời, đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng phát triển du lịch xứng tầm, nhằm thu hút du khách. Đầu tư xây dựng các điểm dừng chân và nhà vệ sinh công cộng tại các điểm dừng chân, khu vực dã ngoại dưới khu vực thác Liêng Nung phục vụ du khách. Đắp đập để điều tiết nước xuống dòng thác Liêng Nung phục vụ khách tham quan du lịch (do vào mùa khô nguồn nước bị cạn kiệt). Ngoài ra, các cấp, các ngành cần phối kết hợp, sử dụng hợp lý các nguồn lực từ các chương trình, đề án của Trung ương, các Bộ ngành để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là đường giao thông, cảnh quan, môi sinh, môi trường theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; trùng tu tôn tạo, xây mới hệ thống các thiết chế văn hóa, như nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Dự án EU hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam… Việc sử dụng, bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng, đầu tư không hiệu quả.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác truyền thông trong phát triển du lịch

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều du khách bởi giá trị, ý nghĩa, lợi ích và tính nhân văn của loại hình du lịch này mang lại.

Trong tương lai, du lịch cộng đồng hứa hẹn mở ra những cơ hội lớn cho các địa phương cũng như người dân bản địa - nơi có lợi thế về cảnh quan, không gian văn hóa và các sản phẩm độc đáo để phát triển du lịch. Vì thế, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ổn định, lâu dài, các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Nông cần tăng cường kinh phí đào tạo và bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho nghệ nhân cồng chiêng, hát dân ca và phát triển truyền thống của người Mạ tại xã Đắk Nia như: đan lát, làm rượu cần, dệt thổ cẩm…

Bên cạnh nguồn nhân lực tại chỗ là cộng đồng dân cư, ngành Văn hóa cơ sở cần có chiến lược, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, du lịch hiện đang công tác tại các ban ngành, hội đoàn của địa phương. Hiện tại lực lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực, địa bàn còn mỏng nên cần được tăng cường, bổ sung để đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đang đặt ra. Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, ngành Văn hóa, thông tin truyền thông của tỉnh Đắk Nông cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp của đất và người Đắk Nông với những giá trị về cảnh quan, diện mạo của công viên địa chất toàn cầu UNESCO, những sắc màu văn hóa độc đáo của các tộc người nói chung và người Mạ trên địa bàn xã Đắk Nia nói riêng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách.

Tiềm năng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, thơ mộng và những giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa độc đáo của cộng đồng người Mạ đang mở ra cho xã Đắk Nia những vận hội lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Nhận diện những khó khăn, thách thức để có biện pháp khắc phục là việc làm cần thiết, cấp bách để du lịch cộng đồng phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh hiện có, góp phần đưa Đắk Nia trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh (3).

_______________

1. UBND xã Đắk Nia, Báo cáo tổng số hộ, nhân khẩu thực tế thường trú và biến động dân số theo thôn, bon, tháng 12-2020.

2. UBND xã Đắk Nia, Báo cáo tổng số hộ dân, nhân khẩu thực tế thường trú phân theo thành phần dân tộc, tháng 12-2020.

3. Nghiên cứu này được thực hiện từ nguồn kinh phí của đề tài khoa học cấp tỉnh của tỉnh Đắk Nông năm 2021 Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông

PGS, TS LÊ THỊ BÍCH THỦY - Ths TRẦN ĐÌNH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;