1. Tổng quan về du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn (DLNT) là loại hình khai thác các vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên và đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị trong việc tìm kiếm không gian yên tĩnh và giải trí ngoài trời hơn là chỉ liên quan đến thiên nhiên. DLNT bao gồm các chuyến thăm vườn quốc gia và các công viên công cộng, du lịch di sản trong khu vực nông thôn, các chuyến đi tham quan danh lam thắng cảnh, thưởng thức cảnh quan nông thôn và du lịch nông nghiệp.
Phân loại theo vùng nông thôn
Vùng hội nhập kinh tế: là vùng nông thôn gần các thành phố. Vì vậy, khu vực nông thôn có thể đáp ứng nhu cầu thăm viếng hằng ngày của người dân ở khu vực thành thị. Nền kinh tế của vùng nông thôn được hưởng lợi từ các chuyến tham quan. Những áp lực trong việc sử dụng và bảo tồn cảnh quan là đáng kể và quan trọng.
Vùng trung gian: là vùng nông thôn tương đối xa khu vực thành thị. Những khu vực này thích hợp cho lưu trú qua đêm. Vùng nông thôn này thường là khu vực được bảo vệ, giàu di sản và văn hóa, có những điểm thu hút thị trường đặc biệt và có hệ thống giao thông vận tải phong phú: đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Vùng sâu vùng xa: là vùng nông thôn hẻo lánh cách xa khu vực thành thị, chất lượng tiện nghi cuộc sống thấp. Vùng này cung cấp các địa điểm du lịch hoang dã phục vụ nhu cầu của du khách muốn thoát khỏi căng thẳng hằng ngày.
Phân loại theo loại hình du lịch
Du lịch nông nghiệp: là du lịch với mục đích chuyến thăm có trọng tâm là nông nghiệp, cụ thể là với cây trồng, vật nuôi. Du lịch tại các trang trại cho phép nông dân đa dạng hóa các hoạt động trong khi nâng cao giá trị của sản phẩm và tài sản của họ.
Du lịch nông trại: là loại hình du lịch mà chỗ ở cho khách được cung cấp tại các trang trại. Hoạt động cốt lõi là ở khu vực nông thôn rộng lớn (đi bộ, chèo thuyền), du khách được ở trong các trang trại, hoặc trải nghiệm làm việc tại trang trại.
Du lịch di sản và văn hóa: là loại hình du lịch tham quan các di sản và văn hóa ở khu vực nông thôn. Di sản và văn hóa có nhiều dạng khác nhau, hầu hết mỗi dạng đều có tính độc đáo riêng ở từng địa phương. Di sản và du lịch văn hóa bao gồm đền, chùa, công trình nông thôn nhưng có thể được mở rộng đến các đặc điểm địa phương đáng quan tâm bao gồm: tàn dư chiến tranh, di tích của những người nổi tiếng trong văn học, nghệ thuật hoặc khoa học, di tích lịch sử, di tích khảo cổ, công viên truyền thống…
Du lịch sinh thái: là loại hình du lịch mà khách du lịch đến thăm các vùng nông thôn với mục đích xem và tìm hiểu về hệ động thực vật địa phương. Sản phẩm của loại hình du lịch này rất mong manh về các mặt sinh thái, xã hội và văn hóa. Sự phát triển của du lịch sinh thái đòi hỏi cách tiếp cận rất cụ thể có thể giúp nó duy trì bền vững trong dài hạn. Ở nhiều vùng nông thôn, du lịch được chấp nhận như một phần tự nhiên của kết cấu kinh tế, xã hội gắn liền với nông nghiệp.
Những tác động của DLNT
Về kinh tế: tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, cơ hội duy trì các hoạt động kinh doanh hiện tại, đem lại nguồn thu thuế và phí cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nó cũng gây áp lực lên việc cung cấp các dịch vụ công cộng và khiến cho giá đất tăng lên.
Về xã hội: hỗ trợ cho các dịch vụ địa phương, địa phương phát triển được các cơ sở hạ tầng phục vụ du khách như khách sạn, nhà hàng, bảo tàng; trao đổi văn hóa; làm hồi sinh truyền thống, phong tục và các ngành nghề thủ công. Mặt tiêu cực là gây ùn tắc và tập trung quá đông người.
Về môi trường: mặt tích cực là bảo vệ được cả môi trường nhân tạo và tự nhiên; mặt tiêu cực là có thể dẫn đến phát triển không phù hợp.
2. Một số mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả tại Đài Loan (Trung Quốc)
Khoảng 40 năm trước, nền nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) chỉ thiên về sản xuất, chưa có chế biến, chưa chú trọng phát triển thương hiệu nông nghiệp. Ngày nay, Đài Loan đã rất thành công trong việc gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, tức là chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang loại hình nông nghiệp kết hợp với giải trí và trải nghiệm. Các mô hình nông trại du lịch đã hình thành và chuyên môn hóa, tạo ra những mô hình trang trại theo những nhóm khác nhau: nông trại trên rừng, nông trại chăn nuôi, nông trại trái cây… Các nông trại dần trở thành nơi kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và lưu trú cho những khách hàng mong muốn có những trải nghiệm ở một môi trường trong lành, thân thiện.
Ngành Du lịch nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ở Đài Loan. Những người nông dân truyền thống đã có nhiều cách làm để thu hút khách du lịch, từ đó tạo nên một làn sóng du lịch rất lớn cho Đài Loan. Đến nay, Đài Loan đã xây dựng thành công thương hiệu du lịch nông nghiệp, trong đó phải kể đến một số nông trại tiêu biểu: Nông trại Shangrila (nông trại du lịch đầu tiên của Đài Loan): tham quan vườn trái cây, lưu giữ những trải nghiệm phong tục tập quán của người dân địa phương; Nông trại Bò Bay: là loại hình nông trại chăn nuôi gia súc, tự sản xuất sữa bò, dùng sữa bò để chế biến các loại sản phẩm từ sữa; Nông trại Long Vân: chủ đề núi rừng, đem lại cho du khách trải nghiệm được mây bao phủ xung quanh nơi ở; Nông trại Hoa Lộ: dùng hoa lá chiết xuất tinh dầu, tự phát triển một spa với trải nghiệm tự làm tinh dầu, cung cấp cho du khách các sản phẩm dưỡng da, chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên; Nông trại Trác Dã Tiểu Ốc: nông trại với chủ đề nhuộm quần áo, nhuộm vải. Phát triển các sản phẩm trải nghiệm và bán các sản phẩm nhuộm từ lam thảo.
“Kỳ tích xanh” của Đài Loan (Trung Quốc) là bài học để nền nông nghiệp và du lịch Việt Nam có thể học hỏi. Việt Nam có nhiều lợi thế, có thể khai thác được thế mạnh của du lịch nông nghiệp do có điều kiện về thiên nhiên, tập quán canh tác, cuộc sống của người nông dân đa dạng, ẩm thực phong phú... cộng với nhiều loại hình du lịch hiện đang phát triển, hoàn toàn có thể kết hợp được trong nông nghiệp du lịch.
3. Một số vấn đề cơ bản về du lịch nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên trải dài từ Bắc xuống Nam là lợi thế lớn để phát triển du lịch, tuy nhiên những lợi thế này vẫn chưa được ngành Du lịch khai thác xứng tầm.
Một số mô hình DLNT tiêu biểu tại Việt Nam
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, một vài tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào đầu tư, khai thác du lịch nông nghiệp Việt Nam. Một số tour điển hình đã trở thành thương hiệu du lịch thu hút du khách như:
Du lịch mùa lúa chín: được tổ chức tại làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Du khách tới đây được chứng kiến nhiều hình ảnh lạ mắt, trong đó ấn tượng nhất là các hình nộm bằng rơm. Tour du lịch này mang tính cộng đồng, dựa trên những thứ sẵn có, thân thiện với môi trường, không sử dụng nhiều công nghệ cao, đòi hỏi kỹ thuật. Du khách đến Đường Lâm được tham gia nhiều hoạt động thú vị, nổi bật trong số đó là sự xuất hiện của “Công viên rơm” với 3 không gian hoạt động gồm: khu trình diễn thời trang rơm, khu dạy du khách làm đồ lưu niệm rơm và khu ẩm thực.
Du lịch nông trường Mộc Châu: Nông trường Mộc Châu được thành lập năm 1958, sở hữu nhà máy sản xuất chè lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây còn là nơi chăn nuôi hàng ngàn con bò sữa giống, là nơi cung cấp sữa bò lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Du khách đến đây được chiêm ngưỡng những cánh đồng chè hình trái tim rộng bát ngát và được tìm hiểu quy trình chăm sóc bò sữa.
Du lịch làng rau Trà Quế Hội An: làng rau truyền thống Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam. Rau xanh Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng. Trà Quế không chỉ là thương hiệu nổi tiếng về làm rau sạch chất lượng cao, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Du khách tới đây được chiêm ngưỡng các loại rau Trà Quế tại các điểm trưng bày, giới thiệu tại nhà đón khách. Sau đó khách du lịch được người làng rau hướng dẫn cho cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón rau. Sau khi nghỉ ngơi, du khách được thưởng thức các món ăn chế biến từ các loại rau xanh đặc hữu Trà Quế và các đặc sản của Quảng Nam (bánh vạc, bánh đập, mì Quảng, hến trộn, tôm hữu, cao lầu...).
Đà Lạt (Lâm Đồng): là một trong những thành phố có thương hiệu du lịch nổi tiếng tại Việt Nam. Tại Đà Lạt, hai ngành Du lịch và Nông nghiệp đã cùng phối hợp tạo nên đặc sản du lịch gây ấn tượng với du khách khi tới tham quan. Một trong những đặc trưng của Đà Lạt là các nông trại mà du khách đã một lần đến sẽ cảm thấy ấn tượng vì vẻ đẹp rất khác biệt so với các nông trại ở các thành phố khác. Có thể kể đến một số thương hiệu nông trại du lịch tại thành phố ngàn hoa như:
Đà Lạt Milk Farm: nông trại có phong cảnh đẹp như một miền quê châu Âu với những ngôi nhà đậm phong cách cổ điển, hương cỏ ngan ngát vây quanh, khung cảnh yên bình và mang gam màu trong trẻo, nhẹ nhàng của Đà Lạt. Sau khi tham quan xong, du khách có thể ngồi trên thảm cỏ xanh mượt, thưởng thức các sản phẩm được làm từ sữa bò thơm ngon nguyên chất của trang trại.
Vinamilk Organic Milk Farm: là trang trại bò sữa tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu đầu tiên tại Việt Nam. Trang trại có những đồng cỏ trải dài dọc 2 bên lối đi, những chiếc cối xay gió hay đàn bò sữa được thả tự do trên cánh đồng như một Hà Lan thu nhỏ.
Cầu Đất Farm: với diện tích lên tới 220ha, đồi chè Cầu Đất được đánh giá là một trong những địa điểm du lịch đẹp nhất tại Đà Lạt. Du khách có thể đến đồi chè này vào bất cứ mùa nào trong năm và có thể thưởng thức tại chỗ thức uống từ trà, cà phê được chế biến từ chính nguyên liệu tươi ngon sản xuất tại đây. Du khách có thể mua các sản phẩm từ trà, cà phê để mang về làm quà.
Du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long: Miền Tây Nam Bộ từ lâu đã nổi tiếng là xứ sở xanh tươi, trù phú. Thiên nhiên nhiệt đới ưu đãi tạo nên những đặc điểm văn hóa miệt vườn hấp dẫn. Du khách tham quan nghỉ chân ở những vườn cây trĩu quả mát rượi, dù mệt mỏi sau cuộc hành trình nhưng ai cũng muốn trở thành những người nông dân tự tay hái quả, làm vườn hoặc tham quan những làng nghề truyền thống, khu vui chơi dã ngoại, khu trò chơi dưới nước. Tại các nhà vườn lớn ở Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, du khách có thể thưởng thức đủ loại hoa thơm quả ngọt phong phú, đa dạng. Ngoài hương vị thơm ngon của trái cây, du khách còn được nghe hát vọng cổ, cải lương do các nghệ sĩ dân gian thể hiện. Vừa thưởng thức cây trái, vừa đắm mình trong lời ca mộc mạc, trữ tình, ngọt ngào nồng ấm của người dân miệt vườn, du khách như được thả hồn chìm đắm vào cảnh vật thiên nhiên, con người miền sông nước.
Cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển DLNT tại Việt Nam
DLNT đem lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội, môi trường, người dân địa phương và khách du lịch nói chung, DLNT được coi là cơ hội để các nước đang phát triển tái tạo nền kinh tế. DLNT đóng góp giá trị cho các nền kinh tế và xã hội nông thôn, như duy trì việc làm, tạo việc làm, cơ hội kinh doanh mới, cơ hội cho thanh niên, duy trì dịch vụ, đa dạng hóa cộng đồng, niềm tự hào cộng đồng, bảo tồn văn hóa và di sản nông thôn, làm tăng các hoạt động nghệ thuật và bán hàng thủ công, bảo tồn cảnh quan và cải thiện môi trường… DLNT là nguồn lực việc làm tốt cho người dân địa phương trong các lĩnh vực này.
Mặc dù đã xây dựng thành công một số thương hiệu du lịch nông nghiệp, nhưng sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ vẫn là hai vấn đề trọng yếu cần cải thiện trong việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại Việt Nam. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp tại Việt Nam vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp; sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và chưa được chú trọng nhiều về thương hiệu do người nông dân chỉ quen làm nông thuần túy, không có kỹ năng làm du lịch. Phần lớn sản phẩm của du lịch nông nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức cơ bản, mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi trả của khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh.
Một số đề xuất
Sức phát triển của nền kinh tế đã đem đến sự năng động cho các đô thị lớn tại Việt Nam. Người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... hiện nay dành nhiều khoản chi trả cho các hoạt động giải trí và du lịch nhằm giảm bớt áp lực của nhịp sống hối hả, tránh xa khói bụi… vì vậy loại hình du lịch nông nghiệp được nhiều du khách quan tâm.
Để du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển, yếu tố then chốt nhất là cần có những tác động tích cực để người nông dân vốn theo tư duy truyền thống có thể thay đổi trong cách làm du lịch.
Ngành Du lịch Việt Nam cần tạo động lực để nông dân thay đổi tư duy chính là nguồn thu nhập tăng lên so với sản xuất nông nghiệp truyền thống trong cùng một thời gian và cùng một không gian nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng cho người nông dân, cho người làm du lịch phải thuận lợi.
Du lịch nông nghiệp là sự kết hợp khoa học giữa: nông nghiệp và du lịch, trong đó yếu tố xuyên suốt là giá trị văn hóa dân tộc. Bởi vậy, phát triển du lịch nông nghiệp tại mỗi địa phương phải gắn liền với yếu tố văn hóa, truyền thống, tập tục của người địa phương.
_____________________
Tài liệu tham khảo
1. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR), Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam, itdr.org.vn, 27-2-2019.
2. Diệu Nhi, Du lịch nông thôn (Rural tourism) là gì? Lợi ích của du lịch nông thôn, vietnambiz.vn, 20-10-2019.
Ths PHAN NHẬT ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022