Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ gắn với phát triển du lịch bền vững

Làng Việt cổ truyền cần được tiếp cận từ quan điểm nhận thức mới về di sản văn hóa (DSVH). Theo đó, “DSVH được coi là sản phẩm của hiện tại (mà không chỉ là sự vật của quá khứ) được tạo ra bởi cảm nhận về các giá trị của quá khứ, được dẫn dắt bởi những mối lo toan về thực tại và tương lai, sự quan tâm chủ yếu nhắm đích vào tính hữu ích của di sản (từ quá khứ) cho con người ở hiện tại và tương lai” (1). Theo quan điểm hiện nay, các nhà nghiên cứu phải quan tâm làm rõ tính lưỡng hợp và hỗn hợp ở các mặt giá trị trong lòng một làng cổ, với tư cách là di sản cư trú - di sản văn hóa làng. Trong một làng cổ, chúng ta nhìn thấy những yếu tố đặc trưng như: Môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội, với tư cách là một đơn vị địa văn hóa hay không gian văn hóa có sự độc lập (tương đối hay tách biệt); DSVH phi vật thể và DSVH vật thể; Yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại; Yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế (nội sinh và ngoại sinh); Giá trị văn hóa và giá trị kinh tế; Giá trị sử dụng và giá trị lịch sử; Cộng đồng cư dân thuộc các nhóm xã hội khác nhau, với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là chủ sở hữu DSVH, thực hiện quyền tiếp cận, hưởng thụ giá trị văn hóa, quyền thực hành văn hóa, đồng thời có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị DSVH làng.

Làng Việt cổ là mô hình cư trú hay di sản cư trú điển hình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Điển hình là các làng cổ Đường Lâm, Phước Tích và Đông Hòa Hiệp - 3 mô hình cư trú đại diện của 3 miền Bắc - Trung - Nam nước ta. Ba làng nói trên có đặc điểm chung là gắn liền với các dòng sông, mà yếu tố nước (thủy lợi) được xem là quan trọng đối với cư dân nông nghiệp. Làng cổ Đường Lâm ở miền Bắc nằm giữa một tứ giác nước, được tạo nên bởi hai con sông (sông Tích và sông Hồng). Làng cổ Phước Tích ở miền Trung nằm trên một bán đảo được bao bọc cả 3 phía xung quanh bởi dòng sông Ô Lâu uốn lượn, hình thành trong không gian sinh hoạt, văn hóa làng có tới 12 bến nước. Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở miền Nam lại nằm trải dài, dọc theo bờ sông Tiền, hình thành nên một hệ thống kênh, rạch chằng chịt dẫn nước bao quanh những khu vườn cây hoa trái rộng nhiều hecta của mỗi gia đình trong làng, tạo ra cho mỗi gia đình có một bến nước riêng biệt, kết nối trực tiếp với dòng sông bên ngoài. Có thể nói, điều kiện địa văn hóa đã tạo ra cho những làng cổ này một không gian văn hóa với cảnh sắc đa dạng độc đáo, thích ứng với điều kiện tự nhiên. Đó là tài nguyên du lịch có giá trị cần được khai thác, phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Có thể tạm phác thảo 4 yếu tố cơ bản, cấu thành không gian văn hóa làng cổ: không gian địa lý liền khoảnh; tính tương đồng về môi trường tự nhiên; sự hiện diện của một cộng đồng cư dân, tụ cư từ rất sớm và liên tục phát triển; những đặc trưng về văn hóa và di sản văn hóa.

Những phân tích và diễn giải ở trên là cơ sở cho chúng ta bàn về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Việt Nam, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ba làng cổ trên đều đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia: làng cổ Đường Lâm thuộc thành phố Hà Nội (xếp hạng năm 2005), làng cổ Phước Tích thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (xếp hạng năm 2009), làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc tỉnh Tiền Giang (xếp hạng năm 2017) còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của ngôi làng Việt cổ truyền từ cơ cấu tổ chức, kiến trúc nhà ở, các thiết chế văn hóa, đường làng, ngõ xóm, môi trường cảnh quan, nghề nghiệp và tập tục sinh hoạt... cho đến ngày hôm nay. Các làng cổ này đã được Tổ chức Hợp tác quốc tế JICA của Nhật Bản phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch Qua miền di sản. Đây là những yếu tố khá thuận lợi, tiền đề cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH của các làng Việt cổ truyền này.

Từ thực trạng quản lý, khai thác sử dụng và những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của mỗi làng cổ ở 3 miền khác nhau, đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải nghiên cứu, bảo tồn, tu bổ, đồng thời xây dựng mô hình quản lý phù hợp, nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả ở các ngôi làng Việt cổ đã được Nhà nước xếp hạng di tích. Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập như hiện nay, sẽ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những địa phương có DSVH đặc thù này.

Theo kết quả khảo sát về công tác quản lý, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị tại các làng cổ Đường Lâm, Phước Tích và Đông Hòa Hiệp, từ khi được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa đến nay, các địa phương này đều có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hoạt động quản lý, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các DSVH làng cổ của địa phương, như việc thành lập các phòng, ban chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trực tiếp quản lý; Phối hợp với các cơ quan trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các DSVH làng cổ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và quản lý tại làng cổ đã nảy sinh những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, cần đặt ra những vấn đề về xu hướng, định hướng cùng các giải pháp đặt ra cho cả hai phía, trên phương diện quản lý nhà nước và các hoạt động của cộng đồng cư dân tại các làng cổ, góp phần bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị DSVH, phát triển kinh tế du lịch, mang lại những lợi ích lâu dài cho cộng đồng cư dân sinh sống tại các làng cổ ở nước ta.

Điều quan trọng là phải xác định rõ mục tiêu, chiến lược, đồng thời phải tạo ra hành lang pháp lý thiết thực và những giải pháp mang tính tổng hợp, liên ngành, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH ở các làng cổ. Theo PGS,TS Đặng Văn Bài, chúng ta phải tạo cho DSVH một chức năng trong đời sống xã hội đương đại, để DSVH phục vụ tích cực cho nhu cầu phát triển bền vững của cộng đồng làng xã.

Đóng góp vào việc giáo dục bồi dưỡng nhân cách, điều chỉnh hành vi nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về mặt thể chất và trí tuệ, đồng thời có ý thức trách nhiệm cao đối với cộng đồng xã hội.

Tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, làm cơ sở cho việc thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, thịnh vượng trong tương lai gần.

Vận dụng linh hoạt quan điểm tiếp cận “kinh tế học di sản” để biến DSVH từ tài nguyên văn hóa (vốn văn hóa) hay tài sản văn hóa thành loại hàng hóa văn hóa đặc thù, dưới hình thức các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch hấp dẫn. Có khả năng khai thác lâu dài, liên tục (bán được nhiều lần) cho nhiều loại du khách (2).

Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH làng cổ gắn với phát triển du lịch bền vững phải đặt trong bối cảnh Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng khắp trên cả nước và phải góp phần đạt được những mục tiêu lớn: giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo; giữ vững an ninh, chính trị trật tự xã hội, bảo vệ môi trường và DSVH làng. Ngoài 19 tiêu chí nông thôn mới, đã xây dựng bộ tiêu chí (mỗi làng một sản phẩm). Do đó, việc bảo tồn DSVH làng gắn với du lịch bền vững phải hướng tới việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo ở 3 làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp, có khả năng đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Phương thức chung là biến hoạt động bảo tồn DSVH làng gắn với phát triển du lịch bền vững thành hợp phần hữu cơ trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngược lại, tận dụng thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới để quản lý và triển khai các mục tiêu bảo tồn DSVH làng gắn với phát triển du lịch, bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho các chủ thể - chủ sở hữu DSVH làng. Cụ thể:

Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị DSVH làng cổ. Bảo vệ, phát huy giá trị DSVH dân tộc là hoạt động có tính khoa học và thực tiễn cao, phải được bắt đầu từ việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ, phát huy giá trị DSVH tại từng làng cổ, sau đó hiện thực hóa thông qua các kế hoạch, dự án cụ thể. Dựa trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, chúng ta có cái nhìn tổng quát về hiện trạng và giá trị của từng di tích đơn lẻ, trong phức hệ các di tích làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp. Từ đó có những định hướng cơ bản, kế hoạch, giải pháp tổng thể về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trong mối quan hệ với các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại từng làng cổ. Một giải pháp để xử lý tổng hợp, toàn diện những vấn đề liên quan tới hoạt động bảo tồn DSVH làng cổ là việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và lồng ghép các dự án đầu tư khác nhau. Khi lập quy hoạch, kế hoạch, cần xem xét từng di tích làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp với tư cách là đối tượng vừa bảo tồn, vừa khai thác để tránh phải điều chỉnh các quy hoạch, tránh gây tốn kém, lãng phí nguồn tài chính được huy động từ các bên liên quan. Muốn vậy, phải xác định rõ phạm vi không gian từng di tích làng cổ cần được bảo tồn, các công trình kiến trúc, công trình hạ tầng dự kiến tu bổ, tôn tạo hay xây dựng, không được làm ảnh hưởng tới cảnh quan, không gian, bố cục tổng thể của từng làng cổ. Trên thực tế, việc quy hoạch, kế hoạch và các dự án đầu tư cũng là một công cụ giúp các cấp quản lý mà trực tiếp là các Ban quản lý tại từng di tích làng cổ có thể bảo vệ, phát huy giá trị DSVH theo hướng phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội tại từng làng cổ.

Quy hoạch là vấn đề hàng đầu để xây dựng điểm đến du lịch. Trong những năm qua, Lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang đã phê duyệt các quy hoạch bảo tồn làng cổ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có định hướng về hoạt động tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp. Nhưng vấn đề quy hoạch cần chú trọng đặc trưng của điểm đến du lịch. Đó là xây dựng một không gian du lịch vừa có hạt nhân của điểm đến là các công trình di tích trong làng cổ, vừa kết hợp với chuỗi dịch vụ đón khách, phục vụ du khách trong không gian làng cổ. Quy hoạch của các di tích làng cổ phải gắn liền với quy hoạch du lịch của các tỉnh/ thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang. Khách tham quan đến với từng làng cổ không chỉ xem mỗi điểm đến riêng lẻ, mà còn muốn khám phá văn hóa phi vật thể của cộng đồng cư dân bản địa, muốn trải nghiệm các hoạt động tại từng làng cổ, thưởng thức ẩm thực đặc trưng tại từng làng cổ… Đơn vị quản lý từng làng cổ cần khảo sát, nghiên cứu để kiến nghị về việc tiếp tục tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa hoạt động bảo vệ và hoạt động phát huy giá trị DSVH với yêu cầu phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ tại từng làng cổ hiện nay. Bên cạnh đó, đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trở thành những di sản, các công trình kiến trúc nhà ở dân gian có chất lượng cao về khoa học bảo tồn, có cảnh quan và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch tại các làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp trong thời gian tới.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả phát triển du lịch bền vững tại các DSVH làng cổ truyền thống. Những giá trị của di tích làng cổ chỉ thực sự hấp dẫn và trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, sản phẩm du lịch bền vững, nếu biết phát huy giá trị đích thực, những thế mạnh mà không bị lôi cuốn vào xu thế thương mại hóa đơn thuần.

Từ góc nhìn kinh tế học, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (ngành công nghiệp văn hóa) có khả năng tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển cho các ngành hữu quan khác và góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của đất nước. Du lịch luôn đóng góp nguồn tài chính lớn vào tổng thu ngân sách quốc gia và đã tạo tiền đề, để tái đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo tồn DSVH, trong đó có cả DSVH làng cổ truyền thống. Là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng du lịch lại ‘‘Chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH và bản sắc văn hóa dân tộc’’ (3).

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã định nghĩa rất rõ về du lịch bền vững: Việc phát triển hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và người dân bản địa, trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn, khai thác các nguồn tài nguyên cho việc phát triển du lịch trong tương lai, chính là du lịch bền vững. Du lịch bền vững phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, quản lý phát huy hiệu quả các tài nguyên, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng cư dân cư trú bên trong và xung quanh di sản. Bên cạnh đó vẫn phải duy trì được sự toàn vẹn và những giá trị của di sản, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ sự phát triển của con người, trong một đơn vị địa văn hóa/ không gian văn hóa của các làng cổ. Việc bảo tồn 3 làng cổ Đường Lâm, Phước Tích và Đông Hòa Hiệp gắn với phát triển du lịch, cũng phải tuân thủ theo những định hướng và nguyên tắc nói trên.

Di tích làng cổ là một bộ phận quan trọng cấu thành tài sản văn hóa của vùng, địa phương, lãnh thổ. Nếu được khai thác và phát huy đúng cách có thể tăng cường phát triển kinh tế địa phương, mang lại nguồn lợi bền vững cho chính cộng đồng sở hữu di sản đó. Do đó, song song với việc bảo vệ di tích làng cổ, khai thác di tích làng cổ gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội bền vững, đặc biệt là du lịch văn hóa phải được chú trọng và triển khai đồng bộ. Ngày nay, du lịch được coi là trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di tích làng cổ và đã thành một phức hợp đóng vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ... đó là sự tương tác giữa du lịch và di tích làng cổ đã nêu tại Công ước quốc tế về du lịch văn hóa được Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế ICOMOS thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 12 ở Mexico năm 1999. Công ước đã đưa ra 6 nguyên tắc về du lịch văn hóa, hoàn toàn có thể và cần được áp dụng trong điều kiện tại các làng cổ ở nước ta như: Tạo ra những cơ hội quản lý tốt và có trách nhiệm cho các thành viên của cộng đồng chủ nhà và khách quan tham gia để họ thấy và hiểu được trực tiếp DSVH của cộng đồng đó; Mối quan hệ giữa các địa điểm di sản và du lịch là có tính động và có thể có giá trị xung đột nhau; Phải quản lý mối quan hệ đó một cách bền vững cho hôm nay vì các thế hệ mai sau; Lên kế hoạch bảo vệ và du lịch cho các địa điểm di sản phải bảo đảm cho du khách cảm nhận được; Các cộng đồng chủ sở hữu di sản và dân bản địa phải được tham gia vào việc lập kế hoạch bảo vệ và du lịch; Hoạt động du lịch và bảo vệ phải có lợi cho cộng đồng chủ nhà; Các chương trình xúc tiến du lịch phải bảo vệ, phát huy các đặc trưng của di sản thiên nhiên và văn hóa.

Để tồn tại và phát triển với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phải tạo lập cho được cái gọi là văn hóa du lịch. Theo ông Nguyễn Phạm Hùng, văn hóa du lịch là “một bộ phận của văn hóa, bao gồm: toàn bộ các thực thể văn hóa do con người tạo ra, được bảo vệ gìn giữ, khai thác và sử dụng trong du lịch, cũng như toàn bộ các thực thể văn hóa đặc thù, được tạo ra trong các hoạt động du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch” (4).

Các nhà nghiên cứu hiện nay tương đối đồng thuận trong việc xác định sự cần thiết phải tạo lập và duy trì, thái độ ứng xử có văn hóa (thân thiện, hòa điệu và bền vững) giữa các chủ thể tham gia hoạt động du lịch: doanh nghiệp du lịch và du khách với môi trường thiên nhiên và sắc thái văn hóa địa phương; quan hệ tốt đẹp (cùng có lợi, chia sẻ lợi ích) giữa doanh nghiệp với du khách và với cư dân tại điểm đến và ngược lại; tạo lập sự cân bằng giữa bảo vệ DSVH và gia tăng lợi nhuận du lịch (5).

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tu tạo và phát huy giá trị DSVH làng Việt cổ truyền gắn với phát triển du lịch bền vững, trên phương diện quản lý nhà nước, đơn vị quản lý trực tiếp, tại các làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ:

Một là, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục trong di tích làng cổ phải nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của chính địa phương có di sản đó và phải mang tính thống nhất, đồng bộ.

Hai là, khi xây dựng các quy hoạch để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương phải hợp lý, phù hợp với mục tiêu bảo tồn DSVH làng trong phát triển du lịch văn hóa, trong đó xác định cụ thể nội dung quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị của từng làng cổ trong xã hội đương đại. Nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng quy hoạch xác định phạm vi cần quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị của từng di tích làng cổ. Các công trình dự kiến xây mới không được ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan của làng cổ, lấy di tích làng cổ làm đối tượng để khai thác, phát triển kinh tế, xã hội của từng huyện/ thị xã nói riêng và tỉnh/ thành phố nói chung, hạn chế tối đa điều chỉnh lại quy hoạch vì lý do có ảnh hưởng đến bản thân di tích làng cổ, gây lãng phí, tốn kém. Kinh nghiệm ở các nước phát triển, giải pháp này được đặt lên hàng đầu, là cơ sở để xem xét khi tiến hành phê duyệt các quy hoạch.

Ba là, phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển của các ngành tại mỗi địa phương, với kế hoạch đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị DSVH tại các làng cổ ở các huyện/ thị xã Sơn Tây, Phong Điền và Cái Bè. Sự phối hợp này được xác định trong kế hoạch dài hạn, thường là kế hoạch 5 năm. Sự phối hợp này còn được thể hiện trong xây dựng kế hoạch mục tiêu và giải pháp thực hiện kế hoạch. Trường hợp như Sở Du lịch Hà Nội xây dựng kế hoạch phát triển các tuyến thăm quan du lịch, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ngoại thành ở thị xã Sơn Tây, Sở Du lịch Hà Nội cần xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác DSVH tại làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây. Có như vậy mới tạo được sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả trong đầu tư và hiệu quả trong khai thác tại di tích làng cổ Đường Lâm sẽ cao. Trên thực tế, việc phối hợp này cũng gặp nhiều khó khăn vì mục tiêu khi xây dựng kế hoạch của các ngành tại thành phố Hà Nội thường khác nhau. Tuy nhiên, các ngành lấy di tích làng cổ Đường Lâm là một nguồn lực phát triển cho thị xã Sơn Tây nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, việc phối hợp này là cần thiết trong thực tiễn.

Bốn là, lồng ghép các dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, khai thác giá trị DSVH tại các di tích làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp với các dự án đầu tư khác, đặc biệt là dự án đầu tư phát triển du lịch, phát triển giao thông và các dự án khác phục vụ cho khách tham quan. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự phối hợp đầu tư các dự án để tạo hiệu quả đầu tư cao là vấn đề cần thiết đối với các di tích làng cổ hiện nay. Trung ương và các tỉnh/ thành phố đầu tư cho bảo tồn di tích, đầu tư cho phát triển du lịch, giao thông... nếu các dự án đầu tư cho các lĩnh vực này được thực hiện đồng bộ hoặc không chồng chéo, mẫu thuẫn với nhau thì việc phối hợp đầu tư các dự án trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc bảo tồn DSVH tại các làng cổ, đồng thời là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội cho chính các làng cổ này.

Làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hòa Hiệp mang trong mình giá trị văn hóa đặc trưng của nền văn hóa phương Đông với cội nguồn là văn hóa nông nghiệp và có sự kết hợp với yếu tố văn hóa phương Tây. Các DSVH tại 3 làng cổ này cũng có những nét tương đồng về chủ thể sáng tạo, nguồn gốc ra đời, mục đích… Tuy nhiên, những DSVH này có những nét khác biệt rõ rệt, được quy định bởi các yếu tố địa văn hóa, địa kinh tế và đôi khi còn chịu ảnh hưởng của yếu tố chính trị qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Trải qua thời gian dài sử dụng và khai thác trong nền kinh tế thị trường nhiều biến động, nhưng những làng cổ này chưa được chú trọng đến bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy được giá trị văn hóa vốn có, nên đã có những ảnh hưởng, xuống cấp nhất định. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị DSVH làng Việt cổ truyền gắn với phát triển du lịch bền vững ở từng làng cổ đang là một trong những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ nhất là trong điều kiện kinh tế, văn hóa hội nhập như hiện nay.

________________

1. Đặng Văn Bài, Nguyễn Thị Thu Mai, Thành phố Đà Lạt từ góc nhìn đô thị di sản, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1, 2021, tr.29.

2. Đặng Văn Bài, Phát triển bền vững hay phát triển cân đối/hài hòa, từ góc nhìn di sản văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững, do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức, 2017, tr.11.

3. Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2030, Quyết định số 47/QĐ-TTg ngày 22-1-2020.

4. Nguyễn Phạm Hùng, Văn hóa du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.86.

5. Đặng Văn Bài, Nguyễn Thị Thu Mai, Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ góc nhìn kinh tế học, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học VHTTDL Thanh Hóa, số 3, 2021, tr.6.

Ths NGUYỄN HỮU ĐÁN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;