Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò gia đình đối với sự phát triển xã hội

Muốn xã hội phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta thì cần quan tâm xây dựng gia đình Việt Nam trở thành tổ ấm yêu thương của mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số gia đình Việt Nam đã không thực hiện tốt chức năng, chưa phát huy hết vai trò của mình đối với xã hội; nhận thức của nhân dân, cấp ủy đảng, cơ quan chính chuyền về vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình còn chưa đúng mức. Vì vậy, việc làm rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò gia đình đối với sự phát triển xã hội là rất cần thiết để có những chỉ đạo, điều hành đúng đắn trong thực tiễn xây dựng gia đình Việt Nam thời gian tới.

Hôn nhân và gia đình đã ra đời ngay từ khi loài người xuất hiện và còn tồn tại lâu dài với sự phát triển của xã hội loài người. Quan hệ giữa hôn nhân, gia đình và xã hội là quan hệ biện chứng hai chiều. Trước hết, xã hội tác động đến quan hệ hôn nhân và gia đình, quyết định các hình thức, trình độ của hôn nhân, gia đình, sự biến đổi của nhân tố xã hội sẽ dẫn đến những thay đổi trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Nói về sự tác động của xã hội đối với gia đình, Mác, Ăng ghen đã viết “Gia đình là một yếu tố năng động, nó không bao giờ đứng nguyên một chỗ mà chuyển từ một hình thức thấp đến một hình thức cao khi xã hội phát triển từ một giai đoạn thấp đến một giai đoạn cao” (1). Việc nhận thức được điều này là rất quan trọng để chúng ta dự liệu được những tác động của xã hội đối với gia đình, tạo ra những nhân tố xã hội tốt đẹp cho sự phát triển của gia đình.

Không chỉ xã hội tác động đến gia đình mà gia đình cũng tác động trở lại xã hội, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Điều này cũng đã được C.Mác, Ph. Ăng ghen khẳng định trong tác phẩm Hôn nhân và gia đình: “Những thiết chế xã hội, trong đó con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống là do hai loại sản xuất đó quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” (2). Gia đình tác động nhiều mặt đến sự phát triển của xã hội, vì vậy gia đình được coi là tế bào của xã hội. Điều này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình” (3).

Kế thừa tư tưởng của các nhà kinh điển, Đảng ta cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của đất nước. Chỉ thị 49/CT - TƯ của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày 21-2-2005, đã khẳng định “Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững” (4). Mục tiêu lớn nhất của đất nước ta hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội toàn diện trên nhiều lĩnh vực và gia đình tác động đến nhiều mặt của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nên là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp này. Do vậy, để phát huy vai trò của gia đình cần chú ý đến công tác xây dựng gia đình. Văn bản số 26/TB -TW thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị 49 -CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày 9-5-2011, Đảng ta khẳng định “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại” (5). Theo quan điểm của Đảng, gia đình có những vai trò sau:

Vai trò của gia đình đối với việc xây dựng con người Việt Nam hiện nay

Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. Gia đình quyết định đến việc xây dựng con người Việt Nam nên trở thành nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vai trò của gia đình đối với việc xây dựng con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực của đất nước đã được Đảng ta nhất quán khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng. Tại Đại hội VI, Đảng ta khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới” (6). Tại Đại Hội VII, Đảng ta nhấn mạnh rõ hơn vai trò của gia đình đối với việc xây dựng con người Việt Nam cụ thể ở đây chính là hình thành nhân cách tốt đẹp “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ” (7). Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII có nêu: “…gia đình và các bà mẹ Việt Nam có vai trò cực kỳ to lớn, là những người truyền thụ hiểu biết và nhân cách cho thế hệ Việt Nam từ thuở lọt lòng” (8). Đại hội IX, Đảng ta lại tiếp tục làm rõ vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách, lối sống có văn hóa “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa” (9). Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (10). Đến Đại hội XI, Đảng ta nhất quán thừa nhận “Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (11).

Vai trò của hôn nhân và gia đình đối với xây dựng con người Việt Nam thể hiện ở chỗ vai trò của gia đình trong việc đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Gia đình có chức năng sinh đẻ, tái tạo con người nên quyết định số lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có số lượng nhiều quá hoặc ít quá đều tác động không tốt đến sự phát triển của xã hội. Nếu nguồn nhân lực quá nhiều so với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước có thể dẫn đến dư thừa nhân lực, thiếu việc làm, đời sống khó khăn và xuất hiện nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết. Nếu nguồn nhân lực quá ít sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Gia đình không chỉ quyết định đến số lượng mà còn quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực bởi trong khi tác động đến số lượng thì nó đã ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu gia đình quá đông con thì cũng rất khó để gia đình thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng và giáo dục. Chất lượng nguồn nhân lực bao gồm thể lực, trí thức và nhân cách. Với chức năng nuôi dưỡng và giáo dục, đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, gia đình tác động rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực. Tại Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định gia đình là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người. Do đó, gia đình tác động rất lớn đến thể chất của mỗi người. Những giai đoạn quan trọng nhất trong sự hình thành và phát triển sức khỏe thể chất của mỗi người chính là giai đoạn từ 0-5 tuổi và giai đoạn thanh thiếu niên, lứa tuổi dậy thì. Đây là lứa tuổi mà con người gắn bó chặt chẽ với gia đình, với cha mẹ. Những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe một cách khoa học sẽ cung cấp cho những thành viên trong gia đình, đặc biệt là những đứa con của mình những bữa ăn khoa học, hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các hoạt động thể chất, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe để các thành viên trong gia đình có thể lực tốt. Ngược lại, những gia đình kinh tế khó khăn, cha mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, cung cấp những bữa ăn nghèo nàn, thiếu chất dinh dưỡng hoặc các thành viên trong gia đình có lối sống thụ động thì khó có một nền tảng thể chất tốt. Chính vì vậy, chiến lược cải thiện thể chất, chiều cao, cân nặng của người Việt Nam phải tác động trước hết đến gia đình.

Gia đình quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực còn thể hiện ở chỗ gia đình có vai trò quan trọng trong giáo dục trí tuệ, hình thành nhân cách cho con cái và các thành viên khác trong gia đình. Nếu như trước đây, trong xã hội phong kiến, giáo dục của gia đình là toàn diện cả tri thức, kiến thức nghề nghiệp, đạo đức, lối sống, cách ứng xử thì hiện nay việc giáo dục tri thức, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đã chuyển sang các thiết chế ngoài gia đình, đặc biệt là nhà trường song vai trò của gia đình trong việc giáo dục nhân cách con người, đặc biệt là về tư tưởng, đạo đức, lối sống vẫn rất quan trọng, không thể thay thế. Câu tục ngữ “giỏ nhà ai quai nhà nấy” của ông cha ta không chỉ hàm ý sự giống nhau về hình thức mà còn là sự kế thừa nguyên bản về tính cách, thái độ, gia phong, đạo đức, lối sống của con trẻ đối với cha mẹ, ông bà.

Chức năng giáo dục đạo đức, lối sống của gia đình thể hiện qua ảnh hưởng của ông bà, cha mẹ đối với con cái. Không có gì có thể tác động lên tâm hồn non nớt của trẻ mạnh hơn quyền lực của sự làm gương, giữa muôn vàn tấm gương không có gì gây ấn tượng sâu sắc và bền chặt bằng sự mẫu mực của cha mẹ. Đối với trẻ thơ, cha mẹ luôn luôn đúng. Chúng bắt chước cha mẹ trong mọi hành động, lời nói. Do đó, từng cử chỉ, hành động, cách ứng xử của cha mẹ, ông bà đều chứa đựng những giá trị đạo đức, lối sống dù có chủ đích hay không đều hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của con cái từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Ngoài ra, ông bà, cha mẹ còn trực tiếp răn dạy, chỉ bảo con cái những điều hay lẽ phải, những giá trị trong đạo đức, lối sống, cách ứng xử qua những lời tâm sự, nhắn nhủ. Thông qua những lời phân tích, giảng giải của ông bà, cha mẹ, những giá trị tốt đẹp trong đạo đức, lối sống mà ông bà, cha mẹ mong muốn hướng tới truyền thụ đến con cháu. Đặc biệt, mỗi khi con cháu có những hành động đi ngược theo những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, cha mẹ điều chỉnh, thậm chí có thể có những hình phạt, đòn roi…

Trong thời gian qua, nhiều gia đình đã chú ý quan tâm đến việc thực hiện tốt chức năng giáo dục và nuôi dưỡng, đã có những “con ngoan, trò giỏi”, góp phần xây dựng con người Việt Nam mới vừa kế thừa những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa có những phẩm chất cần thiết của xã hội hiện đại. Những gia đình này đã thực hiện tốt vai trò “góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính” (12). Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, “nhiều gia đình do quá tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi” (13). Hiện nay, khi có nhiều thiết chế ngoài gia đình tham gia vào việc giáo dục thế hệ trẻ thì một số gia đình lại khoán trắng chức năng này cho các thiết chế đó, đặc biệt là nhà trường. Những nhận thức lệch lạc đó đã tác động tiêu cực đến việc phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng con người Việt Nam mới. Những hạn chế của con người Việt Nam hiện nay có một phần từ những hạn chế trong thực hiện chức năng nuôi dưỡng và giáo dục của gia đình Việt Nam thời gian qua.

Vai trò của gia đình đối với phát triển văn hóa

Văn hóa gắn chặt với con người, hôn nhân và gia đình, không chỉ có vai trò đối việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam hiện nay. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa ấy vừa kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, lọc bỏ những yếu tố phản giá trị, phản văn hóa của xã hội hiện đại. Vai trò của gia đình trong xây dựng nền văn hóa mới trước hết là ở giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc như Đảng ta đã khẳng định trong Chỉ thị 49/CT-TƯ của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày 21-2- 2005: “Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước” (14). Chính vì lẽ đó, Đảng ta khẳng định “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” (15). Văn hóa thể hiện qua hoạt động của con người, thông qua những lễ nghi, phong tục tập quán, các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tôn giáo. Những giá trị văn hóa tồn tại thông qua các di sản văn hóa, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, những di sản văn hóa phi vật thể tồn tại thông qua ký ức, bộ nhớ của cộng đồng, những con người cụ thể, thông qua hoạt động của từng con người cụ thể. Do đó, gia đình là một thiết chế góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể. Bằng con đường giáo dục và thông qua ảnh hưởng của ông bà, cha mẹ đối với con cháu mà những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc được trao truyền cho thế hệ sau, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đó. Như vậy, gia đình vừa là nơi bảo lưu, vừa lưu truyền, chuyển giao các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trong bối cảnh mới của đất nước, văn hóa Việt Nam không chỉ giữ gìn, kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phải tiếp thu những giá trị mới, hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, mà gia đình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa. Đảng và Nhà nước ta đề ra định hướng “kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn liền với việc xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển” (16). Vì giá trị văn hóa tồn tại thông qua hoạt động của con người nên nhiều giá trị văn hóa mới, hiện đại được được tiếp thu, bồi đắp thông qua hành động của từng thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình có tinh thần dân chủ, bình đẳng, tôn trọng quyền phát triển, sự tự do chính đáng, tự chủ, tự lập của các thành viên khác trong gia đình thông qua từng hành động cụ thể… từ đó dần hình thành các giá trị văn hóa mới trong gia đình và xã hội. Vai trò của gia đình đối với sự phát triển văn hóa còn thể hiện ở việc gia đình chống lại các tệ nạn xã hội, những phản giá trị của xã hội. Các tệ nạn xã hội chính là những phản giá trị, phản văn hóa của xã hội từ trong văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại. Gia đình chống lại các tệ nạn xã hội tức là chống lại những phản giá trị trong xã hội truyền thống và hiện đại, từ đó góp phần phát triển văn hóa. Trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp phải loại bỏ những tàn dư của nền văn hóa cũ, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của nền văn hóa mới cũng chống lại những phản văn hóa của xã hội mới. Xây gắn liền với chống, việc chống lại những phản giá trị cũ và mới cũng chính là xây dựng nền văn hóa “tiên tiến” với nghĩa tích hợp được những mặt tiến bộ của cả văn hóa truyền thống và hiện đại. Vai trò của gia đình trong việc chống các tệ nạn xã hội được thể hiện ở chỗ khi gia đình giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tự nó tạo ra sức đề kháng chống lại những tiêu cực của xã hội. Khi các thành viên trong gia đình yêu thương lẫn nhau thì sẽ chống được lối sống thực dụng, tranh giành tiền bạc, đề cao vật chất thái quá trong đời sống gia đình. Khi không khí gia đình đầm ấm, hòa thuận, các thành viên trong gia đình sẽ không rơi vào trạng thái chán nản, bi quan là mảnh đất thuận lợi sa vào tệ nạn xã hội.

Hiện nay, một số gia đình Việt Nam vẫn thực hiện tốt vai trò bảo lưu, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, nhiều giá trị mới hiện đại đã được các thành viên của gia đình tiếp thu, thể hiện trong các mối quan hệ gia đình, góp phần vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều gia đình do tác động tiêu cực của bối cảnh mới khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang bị mai một trong chính gia đình “Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp” (17). Chính vì gia đình không thực hiện tốt vai trò giữ gìn, chuyển giao các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc nên không đủ sức chống đỡ lại các tác động tiêu cực của xã hội, tệ nạn xã hội đến các thành viên của gia đình mình, đặc biệt là con trẻ “các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại” (18).

Vai trò của gia đình đối với phát triển kinh tế

Đảng ta khẳng định: “Gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” (19). Vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế đất nước trước hết ở chỗ gia đình cung cấp nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Có nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế trong đó nguồn nhân lực được coi là nguồn lực của mọi nguồn lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Nhất là hiện nay khi Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao thì gia đình với việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội quyết định đến sự phát triển, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế còn thể hiện ở thành phần kinh tế hộ gia đình, cá thể, tiểu chủ.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, kinh tế cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình cũng rất năng động thích ứng, linh hoạt chuyển đổi ngành nghề và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước không chỉ ở mức độ đóng góp vào GDP mà còn ở việc tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên trong gia đình cũng như các lao động khác ngoài gia đình. Năm 2017, khu vực kinh tế hộ gia đình chiếm tới gần 30% GDP, giải quyết việc làm cho gần 8,6 triệu lao động, chiếm khoảng từ 59%-75% so với số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn 2010-2017 (20). Mặc dù vậy, kinh tế hộ gia đình vẫn còn những hạn chế về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế do quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả sản xuất chưa cao… cần tiếp tục khắc phục.

Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, trước những biến đổi của xã hội và tác động của nền kinh tế thị trường, việc xây dựng gia đình Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng có nhiều thách thức. Vì vậy, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp ngành, đoàn thể và bản thân mỗi thành viên gia đình. Công tác xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, dành nhiều công sức, nguồn lực tổ chức, chỉ đạo để thực hiện các chương trình đề án quốc gia. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ để không chỉ hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn quan tâm hơn nữa đến cơ quan quản lý nhà nước về gia đình các cấp, đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của gia đình, góp phần quan trọng vào thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

_______________

1. Mác, Ăng ghen toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.129.

2. Mác, Ăng ghen, Lê nin, Hôn nhân và gia đình, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr 26.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, 2011, tr.300.

4, 5, 13, 14, 17, 19. Bộ VHTTDL, Vụ Gia đình, Văn bản quản lý nhà nước về gia đình và công tác gia đình ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lao động, Hà Nội, 2013.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.95

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.15.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.89.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.116.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.104.

11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77, 76-77, 223.

16. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam 2005 -2010.

15, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị quốc gia, 2013, tr.223, 790.

20. Kinh tế hộ gia đình nông thôn chưa bền vững, ngày 16-8-2013, tapchitaichinh.vn.

Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;