Sau hơn 120 năm tồn tại, cầu Long Biên không đơn thuần là một công trình kiến trúc mà còn là một chứng tích lịch sử của đất nước, nổi bật là sự góp mặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đồng thời, trong hơn một thế kỷ qua, nó gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân thuộc địa phận quận Long Biên và Hoàn Kiếm. Vì vậy, từ lâu người dân nơi đây đã coi cầu Long Biên là một biểu tượng lịch sử - văn hóa.
Cầu Long Biên - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Đến nay, cầu Long Biên vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia dù được báo chí, truyền thông đề cập nhiều lần. Điều này có thể do hiện vẫn đang tồn tại những góc nhìn, quan điểm khác biệt giữa cộng đồng, các học giả và những người làm chính sách trong việc đánh giá những biểu hiện di sản được thể hiện ở cây cầu. Dù chưa được công nhận di sản văn hóa bởi các đơn vị có thẩm quyền, nhưng từ sớm cầu Long Biên đã trở thành “di sản” trong lòng người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Quá trình đó vắt qua ba thế kỷ, từ khi được xây dựng (năm 1898) kéo dài qua các sự kiện mà nó gắn liền, đó là hai cuộc kháng chiến chống thực dân giải phóng dân tộc cho tới nay khi đất nước đang từng bước phát triển mạnh mẽ. Thông qua góc nhìn di sản hóa, bài viết phân tích quá trình di sản hóa đối với cầu Long Biên và chỉ ra những động năng của quá trình này.
1. Di sản hóa trong nhân học
Trong cuốn Nhân học về Di sản văn hóa (Anthropologies of Cultural Heritage), Oscar Salemink đã nêu rằng: “Nhân học không coi sự tồn tại của di sản là đương nhiên, chúng được các chuyên gia văn hóa phát hiện, ghi chép, và được các cơ quan quốc gia hoặc quốc tế công nhận” (1). Tiếp cận này là một trong những quan điểm về thực hành di sản được đánh giá cao, là nền tảng ứng xử được cho là đúng đắn đối với di sản của các quốc gia trên thế giới, kể cả tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Salemink còn cho rằng, nhân học “tập trung vào các quá trình mà qua đó các địa điểm, công trình, tập quán trở thành di sản; về lợi ích khác nhau của cộng đồng và các thể chế liên quan, bao gồm các chủ thể nhà nước, kinh tế và văn hóa, những tác động của chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của việc di sản hóa đó” (2). Tiếp cận của Salemink mở ra cách suy nghĩ sâu sắc để nhìn nhận những di sản đã và đang được hình thành như thế nào, thông qua các quá trình nào, bởi các chủ thể nào trong một bối cảnh xã hội.
“Di sản hóa” (tiếng Anh - heritagization, tiếng Pháp - patrimonalization), là một khái niệm khá phổ biến trong các nghiên cứu về di sản, di sản văn hóa. Thuật ngữ “di sản hóa” xuất hiện vào cuối TK XX, nhiều nghiên cứu của các nhà sử học, nhân học và địa lý học Âu - Mỹ (năm 1990) đã đề cập đến khái niệm này. Di sản hóa là thuật ngữ sử dụng để chỉ một quá trình biến đổi, ngẫu nhiên về mặt lịch sử, qua đó các đồ tạo tác và địa điểm lịch sử trở thành đối tượng trưng bày và triển lãm và bối cảnh đương đại (3). Trong khi đó, Howard (2003) xem xét “di sản như một quá trình” (4), hay đối với Smith (2015) lại coi di sản như một “sự kiện phi vật thể” (5) và nhấn mạnh đến vai trò, tính ứng dụng của di sản. Việc nghiên cứu, nhìn nhận quá trình về vấn đề công nhận di sản nhấn mạnh sự phân tích về cách các xã hội đương đại “sử dụng” di sản hay “di sản sống” bằng cách nào. Qua quá trình đó, các nhà khoa học đánh giá được bản chất, có hiểu biết sâu sắc về tính chính trị của di sản - quá trình công nhận di sản của người làm chính sách.
Salemink lập luận rằng, di sản hóa “là một xu hướng lịch sử có tính toàn cầu”, được hiểu là “gắn cho các di tích và thực hành văn hóa danh hiệu di sản”. Nhắc đến sự tham gia của Nhà nước và cộng đồng trong quá trình di sản hóa, ông nêu lên sự can thiệp sâu sau quá trình “hậu vinh danh” có thể dẫn đến nguy cơ cộng đồng bị “ngoài lề hóa” đối với các thực hành tín ngưỡng, tôn giáo vốn có trong quá khứ của họ. Bên cạnh đó, Salemink còn đề cập đến di sản hóa không phải là “con đường một chiều. Nhiều cộng đồng và địa phương sẵn sàng tham gia vào quá trình đòi hỏi sự công nhận văn hóa để theo đuổi mục đích riêng của họ” (6).
Từ quan điểm của Salemink, bài viết này xem xét quá trình “di sản hóa” đối với trường hợp cầu Long Biên từ những tư liệu dân tộc học về tác động của quá trình đô thị hóa, cùng với sự tham gia của nhà nước và cộng đồng khoa học và người dân tại Hà Nội.
2. Cầu Long Biên, chứng tích lịch sử của Hà Nội
Cầu Long Biên là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, khởi công xây dựng từ năm 1898 và chính thức đưa vào sử dụng năm 1902 dưới thời của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Cây cầu được xây dựng như một lời thách thức với thiên nhiên, bởi trong bối cảnh Việt Nam bấy giờ, người ta luôn khiếp sợ về độ hung dữ của con sông Hồng. Đặc biệt, khi cây cầu được hoàn thiện, nó đã gây tiếng vang không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra toàn cầu vì nó là cây cầu lớn thứ hai thế giới chỉ sau cầu đi bộ mang tên Brooklyn (7) tại Mỹ. Cũng chính bởi những thành tựu này mà người Pháp hết lòng ca ngợi sự tài ba của vị Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Vào thời kỳ đầu, ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua con sông rộng 1.700m (8) và sâu hơn 20m, vào mùa mưa lũ, mực nước có thể còn tăng thêm khoảng 8-10m bị coi là một ý tưởng “điên rồ”. Ý tưởng này đã từng gây tranh cãi trong khối quan chức Pháp, và sự nghi hoặc của các quan lại phong kiến An Nam về tính khả thi của dự án. Tờ Thư tín Hải Phòng (Courrier de Haiphong) đã viết: “Khi xây một cây cầu, người ta phải biết nó có dùng được hay không, liệu nó có bắc ngang một con sông hay không? Thế nhưng ông ta (Paul Doumer) không nghĩ tới điều đó, không nghĩ tới sự thay đổi liên tục của sông Hồng. Ông ta không nghĩ tới việc con sông tính khí thất thường này luôn thay đổi dòng chảy. Hơn nữa ông ta phải biết tòa công sứ tỉnh Hưng Yên đã bị dòng sông nuốt chửng…” (9). Tuy nhiên, đứng trước những lợi ích của vùng đất thuộc địa phì nhiêu màu mỡ thì ý tưởng này cuối cùng cũng được thông qua.
Người Pháp luôn tự hào về kỹ thuật xây dựng của cây cầu, còn người An Nam hoàn toàn có quyền tự hào bởi nguồn nhân lực chính để xây dựng cây cầu là các công nhân người An Nam. Các vật liệu xây dựng đa phần cũng là nguồn cung trong nước. Trong đó, dầm thép là từ Pháp còn xi măng từ Hải Phòng, vôi từ Huế và gỗ từ Phú Thọ. Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I được giới thiệu trong triển lãm cầu Long Biên thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo thì công trình này đã “sử dụng 30.000 mét khối đá, 5.600 tấn thép cuộn, 137 tấn gang, 165 tấn sắt và 7 tấn chì”.
Đến nay, trải qua hơn 120 năm, người ta vẫn gọi đây là một “chứng tích lịch sử” hay “một công trình hai thế kỷ”. Trong quá khứ, cầu Long Biên đã gắn với rất nhiều các sự kiện của đất nước trong hơn một thế kỷ qua. Đầu tiên là cuộc kháng chiến chống Pháp. Quân và dân Pháp khi rút khỏi thành phố Hà Nội, Pháp đã sử dụng tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - tuyến đường sắt chạy qua cầu Long Biên (hiện nay vẫn hoạt động). Bằng cầu Paul Doumer, chiều ngày 9-10-1954, những toán quân cuối cùng của Pháp đã rút khỏi Thủ đô. Từ sự kiện đó, cây cầu mới được đổi tên thành cầu Long Biên. Và cũng bằng chính cây cầu này, sáng ngày 10-10-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Chính vì có tính chất trọng yếu nên cầu Long Biên đã nằm trong tầm ngắm phá hủy của lực lượng không kích Mỹ vào năm 1965-1968 khi triển khai chiến dịch ném bom “Rolling Thunder” (sấm rền). Trong giai đoạn 1966-1967, cầu Long Biên phải hứng chịu khoảng hơn 10 lần quân Mỹ ném bom, dù cho quân đội ta đã cố gắng hết sức bảo vệ. Các tháp giữa cầu được bộ đội lắp đặt súng phản công và ra sức khắc phục các tổn thương tại các nhịp cầu bị đánh bom. Tuy nhiên, cuối cùng 9 nhịp cầu ở giữa bị phá hủy hoàn toàn, 4 nhịp cầu bị phá hủy nặng nề dẫn đến tuyến đường sắt huyết mạch của ta bị đứt gãy.
Cầu Long Biên hiện nay chỉ còn lại 9 nhịp cầu ở phía 2 đầu cầu còn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Tổng thể cả cây cầu đều nhuốm màu thời gian. Các thanh sắt ở tháp cầu đều đã bị han gỉ nặng nề. Tấm biển ghi tên nhà thầu và năm xây dựng cũng nhòe đi vì bị oxi hóa. Những thanh ray bằng gỗ dù được thay thế nhưng cũng có những thanh đã mục ruỗng, cũ kỹ không thể nhìn thấy các ký hiệu được ghi.
Từ lịch sử hình thành và tồn tại của cầu Long Biên, có thể nói, đây là một công trình dù không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, và chưa được công nhận là di sản bởi các cơ quan có thẩm quyền, nhưng những “vết thương”, chứng tích lịch sử vẫn được lưu lại trong suốt nhiều năm qua. Vấn đề nên ứng xử với cây cầu này sao cho đúng đã và đang nhận được rất nhiều bàn luận khác nhau.
3. Quá trình di sản hóa
Nhiều nhà thiết kế cho rằng, cầu Long Biên không đơn thuần chỉ là một công trình giao thông mà nó còn thể hiện những dụng ý về văn hóa mà người Pháp dành cho mảnh đất “rồng bay”. Với hình thái cây cầu giống như “hình tượng con rồng” được thể hiện bằng các tháp cầu lên xuống như thân rồng lượn. Thiết kế của cây cầu cũng thể hiện rằng người Pháp đã nghiên cứu kỹ càng về đặc trưng của con người và đất nước Việt. Tuy nhiên, di sản hóa cầu Long Biên là một quá trình diễn ra lâu dài và phức tạp. Cây cầu là một vật thể thụ động, tự nó không thể trở thành một di sản văn hóa. Đó là quá trình lịch sử mà nó gắn liền, là những con người, đối tượng có sự gắn bó, lưu giữ các ký ức hay những cơ quan lưu trữ thông tin, quản lý di sản hoặc các nhà khoa học, những nhà nghệ thuật nhìn thấy được giá trị của cây cầu.
Qua đây, có thể nhận định rằng quá trình di sản hóa đang diễn ra đối với cầu Long Biên. Nó được thể hiện từ quá trình tạo nên các giá trị lịch sử và từ sự đồng hành của nó với người dân Hà Nội, ngấm dần vào nhận thức, văn hóa người dân và cảnh quan của địa phương. Biểu hiện của quá trình di sản hóa là các cơ quan, ban ngành, các nhà khoa học, nhà văn hóa đặt nó lên bàn cân cùng với các di sản khác như tháp Eiffel, Nhà hát Lớn Hà Nội... Tuy nhiên, quá trình di sản hóa của cây cầu là quá trình đang tiếp diễn, chưa hoàn tất một cơ chế bảo tồn hay phát huy đúng giá trị di sản của nó.
Vì cầu Long Biên đã được cơ quan chính quyền địa phương, thành phố, các cơ quan văn hóa, các nhà khoa học và người dân quan tâm, nên chính họ cũng là những chủ thể tham gia vào quá trình di sản hóa của cây cầu này.
Hiện nay, nhiều kiến trúc sư (KTS), các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khoa học xã hội đều cho rằng cầu Long Biên là công trình cần bảo tồn, nó xứng đáng trở thành di sản và được đối xử như một di sản. Các KTS cho rằng, đây là công trình kiến trúc độc đáo và đồ sộ, trong hình thái kiến trúc có những biểu tượng của văn hóa Việt Nam bên cạnh giá trị văn hóa, lịch sử được hình thành cùng với quá trình cây cầu tồn tại. Trong đó, thay đổi chức năng của cây cầu là một trong những công tác cần thực hiện trước tiên. KTS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ: “Kiến trúc và kỹ thuật xây dựng bằng gang thép vào giai đoạn cuối TK XIX là chưa phổ biến, nó đại diện cho giá trị thẩm mỹ, lịch sử văn hóa và giá trị sử dụng và nó nằm sâu trong ký ức người dân. Vì thế, xét theo Luật Di sản văn hóa, cây cầu này cũng đã có đầy đủ các yếu tố để được công nhận”. Cùng với đó, GS Hoàng Đạo Kính cũng nêu quan điểm: “Đừng vắt kiệt một cây cầu đã cũ kỹ mà dành cách làm tử tế cho một di sản đã gắn bó gần như bậc nhất với lịch sử Hà Nội cận đại” (10).
Cố GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Cầu Long Biên hoàn toàn đủ điều kiện trở thành di tích quốc gia cần được bảo vệ” (11). Theo ông, cầu Long Biên là một sản phẩm thể hiện sự hội nhập và giao lưu văn hóa. Nó đủ điều kiện để trở thành di sản về cả mặt giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật. Vả lại, các công trình cùng thời như Nhà hát Lớn Hà Nội, Phủ Chủ tịch, và hàng trăm các biệt thự cổ... trong đó, có nhiều công trình kiến trúc đã được công nhận là di sản, cầu Long Biên vì thế cũng xứng đáng có được vinh dự đó. Hơn nữa, cây cầu cũng có sự đóng góp xây dựng của người Việt Nam chứ không phải hoàn toàn do người Pháp. Vì thế, nó còn là minh chứng cho sự kiên cường, bất khuất và gan dạ của người Việt Nam. Để có thể bảo tồn cầu Long Biên, trước hết cần coi đó là di sản, giữ nguyên hiện trạng của cây cầu.
Cách đối xử đó đã được nhiều nhà khoa học trình bày như GS Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Cần thay thiết chế giao thông bằng thiết chế văn hóa lịch sử đối với cách tiếp cận bảo tồn của cây cầu này” (12). Cùng quan điểm KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ: “Việc chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích, kinh tế, xã hội cao hơn trong phát triển Thủ đô. Khi đó cây cầu Long Biên lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại của thủ đô” (13). Để cầu Long Biên trở thành di sản, cần thay đổi chức năng của nó từ một công trình giao thông tới một công trình văn hóa.
Nếu như các nhà khoa học đã nhìn nhận các giá trị khoa học kỹ thuật, lịch sử, văn hóa của cây cầu, thì những người dân Hà Nội cũng có những ký ức, hoài niệm gắn với sự tồn tại của cầu Long Biên trong đời sống hằng ngày. Từ ngày 21 đến 28-11-2023, Hà Nội tổ chức chuỗi Lễ hội Thiết kế sáng tạo, bên cạnh các triển lãm thì một trong số các hoạt động được người dân Hà Nội và người dân từ nhiều nơi tới trải nghiệm đó là “chuyến tàu di sản” chạy từ ga Hà Nội qua cầu Long Biên tới ga Long Biên và ga Gia Lâm. Hoạt động mới lạ này đã thu hút được hàng nghìn lượt khách tham quan, chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng tới loại hình du lịch di sản này rất tiềm năng.
Về phía cơ quan Nhà nước, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng và nhiệm vụ phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là một trong những văn bản thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang tích cực đưa ra các phương án quy hoạch đô thị, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng theo hướng gắn các địa điểm phía 2 bờ sông với cảnh quan đô thị. Trong đó, cầu Long Biên trở thành một điểm nối trong khung cảnh này dựa trên hàng loạt các văn bản của Thủ tướng Chính phủ trên nhiều phương diện. Song, đây mới chỉ là các chính sách thiên về quy hoạch đô thị, nên các cơ quan quản lý đang nhìn với góc nhìn quy hoạch đô thị chứ chưa có sự chú trọng về di sản.
Về địa phương, HĐND thành phố Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1945 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được xây dựng theo quy định tại Luật Thủ đô. Trong phụ lục 05 (danh mục các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1945) gồm có cầu Long Biên cùng với 40 công trình khác. Việc HĐND thành phố đưa ra nghị quyết này giống như một lời khẳng định về tương lai cầu Long Biên không chỉ là “di sản” trong cộng đồng người dân phía hai bờ sông Hồng, trong lòng người dân Việt Nam mà sẽ có cơ hội trở thành một di sản đúng nghĩa về mặt pháp lý.
Bên cạnh các cơ quan quản lý, các sở ban ngành, thì nhiều đơn vị hành chính cũng quan tâm và có các hoạt động phương pháp phù hợp với đặc trưng ngành để thúc đẩy quá trình di sản hóa của cầu Long Biên như Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội. Đặc biệt, từ 2007 đến nay, KTS Nguyễn Nga liên tục theo đuổi dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên để hướng tới xây dựng một bảo tàng ký ức TK XX. Bà cho rằng: “với giá trị vốn là một cây cầu nổi tiếng thế giới, nó chứa đựng đầy ắp những ký ức hào hùng của dân tộc”. Những nỗ lực của bà đã nhận được sự chia sẻ ủng hộ của nhiều lãnh đạo trong nước và quốc tế, nhưng cũng có sự phản biện của một số kiến trúc sư và chuyên gia phát triển đô thị.
Có thể nói, cầu Long Biên là một đối tượng của khoa học về di sản. Mặc dù còn nhiều tranh luận trong vấn đề công nhận và ứng xử như thế nào là tốt nhất với cây cầu, nhưng việc bảo vệ cầu Long Biên có được sự đồng thuận từ các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng cư dân. Khi nhắc tới cầu Long Biên, người ta xem xét, đề cập tới quá trình tồn tại của nó gắn liền với lịch sử, văn hóa địa phương chứ không đơn thuần nhắc tới như một công trình giao thông thông thường.
4. Kết luận
Cầu Long Biên được các cơ quan Nhà nước, nhà khoa học và người dân quan tâm, yêu mến không chỉ về ký ức lịch sử, mà còn mong mỏi một chính sách bảo tồn để gìn giữ cây cầu di sản này cho nhiều thế hệ tiếp theo. Những hoạt động đó chính là quá trình di sản hóa cầu Long Biên, qua đó, làm bộc lộ rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kỹ thuật của một giai đoạn lịch sử, gắn với cuộc sống đương đại. Di sản hóa là một quá trình lâu dài và cần sự tham gia, góp sức của nhiều chủ thể chứ không phải con đường một chiều của một cơ quan - tổ chức duy nhất nào. Cầu Long Biên là công trình nằm trong một quốc gia với nhiều nét văn hóa riêng biệt, một biểu tượng trong bản đồ lịch sử thế giới. Trước sự xuống cấp trầm trọng những năm gần đây và những rào cản trong việc tu sửa, rất cần sự quan tâm sâu sắc của cả xã hội để quá trình di sản hóa được tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và đạt kết quả xứng đáng trong tương lai.
_____________
1, 2. Oscar Salemink, Anthropologies of Cultural Heritage (Nhân học về di sản văn hóa), The Sage HandBook of Cultural Anthropology (Cẩm năng về nhân học văn hóa), 2021, tr.423-436.
3. Harvey, David C., A History of Heritage (Một lịch sử di sản), in trong cuốn Ashgate Research Companion to Heritage and Identity (Tuyển tập nghiên cứu Ashgate về Di sản và Bản sắc), do B. J. Graham and P. Howard đồng chủ biên, London: Ashgate, 2008, 28-56.
4. Howard, Peter, Heritage, Management, Interpretation, Identity (Di sản, Quản lý, Diễn giải, Bản sắc), Nxb Đại học Leicester, 2003.
5. Smith, Laurajane, Intangible Heritage:A challenge to the authorised heritage discourse? (Di sản phi vật thể: một thách thức đối với diễn ngôn di sản được trao quyền), Revista d’etnologia de Catalunya, (40), 2015, tr.133-142.
6. Salemink, Oscar, 2016, Heritagisation as a Global Process: Heritagisation as (Dis)connection (Di sản hóa như một quá trình toàn cầu: Di sản hóa như (ngắt) kết nối), trong cuốn sách do P. Taylor chủ biên, Canberra: Australian National University Press Nxb Đại học Quốc gia Australian, Camberra. 2016, tr.315-320.
7. Cầu Brooklyn là cây cầu treo bắc qua sông Đông từ Brooklyn đến Manhattan ở thành phố New York (Hoa Kỳ), cây cầu đầu tiên sử dụng thép làm dây cáp và trong quá trình xây dựng sử dụng kỹ thuật phức tạp của TK XIX.
8. Paul Doumer, Xứ Đông Dương (hồi ký), Nxb Thế giới, 2015, tr.237.
9. Tờ Thư tín Hải Phòng (Courrier de Haiphong), trích trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 2022.
10. Quỳnh Trang, Cầu Long Biên chưa thể công nhận di sản quốc gia, vnexpress.net, 26-02-2014.
11. Hà Phương, Vì sao cầu Long Biên chưa là di tích quốc gia, vov.vn, 25-2-2014.
12. Hương Thu, PGS Nguyễn Hồng Thục: “Thay đổi cầu Long Biên là cách làm thô bạo”, vnexpress.net, 23-2-2014.
13. Tâm Anh, Đổi mới sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên, baoxaydung.com.vn, 25-10-2023.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Hằng, Long Biên - Cây cầu thép vĩ đại tròn 120 tuổi, baotanglichsu.vn, 10-2-2022.
2. West, Susie, Jacqueline Ansell, A history of heritage (Lịch sử về di sản), in trong Understanding Heritage in Practice (Hiểu di sản trong thực hành), Nxb Đại học Manchester, 2010, tr.7-46.
3. Harrison, Rodney, Heritage: Critical Approaches (Di sản: Những tiếp cận phê phán), Routledge, 2012.
4. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 5-5-2022.
5. Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hà Nội về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1945 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, 4-12-2013.
6. Luật Thủ đô, 2012.
TS NGUYỄN VŨ HOÀNG - HOÀNG THỊ VÂN - NGUYỄN THỊ TƯƠI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024