Vai trò kinh tế tư nhân và hợp tác công - tư trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Trong tiến trình đổi mới nền kinh tế gần 40 năm qua, việc khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực; góp phần xóa bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước. Vì vậy, việc chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân sẽ giúp cho văn hóa ngày càng phát triển và tạo ra sự cạnh tranh, mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế kiểm soát để bảo đảm sự công bằng, tính minh bạch và chất lượng dịch vụ.

"Tinh hoa Bắc Bộ" tự hào là sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam, khẳng định dấu ấn của một vở diễn văn hóa hàng đầu nhất định phải xem mỗi khi du khách đặt chân đến Hà Nội (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) - Ảnh: Tinh Hoa Bắc Bộ - The Quintessence of Tonkin

1. Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển văn hóa

Kinh tế tư nhân có thể hiểu một cách khái quát là một bộ phận kinh tế trong hệ thống cơ cấu kinh tế quốc gia. Kinh tế tư nhân là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể.

Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, kinh tế tư nhân trong thời gian qua không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Trải qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân không chỉ dần được phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là sau Đại hội X của Đảng (năm 2006), kinh tế tư nhân được xác định chính thức là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô. Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo niềm tin vững chắc cho kinh tế tư nhân phát triển ổn định, lâu dài trong nền kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới gắn với nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn 2030, 2045.

Những năm gần đây, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do khối doanh nghiệp tạo ra ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại mặt hàng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên, do đó đã giải quyết cơ bản nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ ngày càng cao của toàn xã hội, góp phần nâng cao mức sống vật chất của dân cư và tăng nhanh lượng hàng hóa xuất khẩu. Nhiều sản phẩm trước đây thường phải nhập khẩu cho tiêu dùng thì nay đã được các doanh nghiệp sản xuất thay thế và được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm như: ô tô, xe máy, phương tiện vận tải, các mặt hàng đồ điện, điện tử, may mặc, thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, sản phẩm phục vụ xây dựng... Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua là điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội công (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo...).

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31-12-2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng thời điểm năm 2020, tăng 16,7% so với bình quân giai đoạn 2017-2020 (1). Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, như các tập đoàn Vingroup, Trường Hải Thaco, Hòa Phát, FPT, Vinamilk, BRG... Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh. Hiện, cả nước có hơn 786 nghìn doanh nghiệp tư nhân (chiếm 98% trong tổng số khoảng 800 nghìn doanh nghiệp) đóng góp trung bình gần 46% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách (2).

Doanh nghiệp quy mô lớn tạo ra doanh thu thuần cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016-2020 mỗi năm doanh nghiệp quy mô lớn tạo ra 16,7 triệu tỷ đồng doanh thu, chiếm 72,4% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp, tăng 95,9% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp quy mô vừa tạo ra 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 9,9%, tăng 94,2%; doanh nghiệp quy mô nhỏ tạo ra 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 14,9%, tăng 50,0%; trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ đóng góp tỷ lệ thấp nhất trong tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp với 651 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 2,8%, tăng 51,3% (3).

Những năm qua, công nghiệp văn hóa đã phát triển ở Việt Nam trên một số lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh như: nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh. Khi có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân ở những lĩnh vực trên, chúng ta đã ghi nhận sự khởi sắc, phát triển. Một số bộ phim, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam đã tiếp cận với quốc tế, được các nhà chuyên môn, khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Tính tới 2018, trên cả nước có khoảng 46.535 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực các ngành công nghiệp văn hóa gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa (Tổng cục Thống kê GSO, 2019). Về phía khu vực nhà nước, cả nước hiện nay có 115 đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố và 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa, nghệ thuật... (4).

Công nghiệp văn hóa có vai trò mở ra cơ hội, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển những giá trị văn hóa mới, thúc đẩy sáng tạo và tài năng, đem lại sự giàu có cho cá nhân và xã hội. Ngành công nghiệp văn hóa phát triển tạo ra công ăn việc làm, phân bố lại lao động một cách đa dạng hơn, hợp lý hơn, từ những việc làm truyền thống đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc thù tới những nghề nghiệp đòi hỏi phải đào tạo kỹ thuật chuyên sâu như các lĩnh vực truyền thông hiện đại và gián tiếp tạo ra việc làm thông qua sự phát triển đồng hành với ngành công nghiệp khác trong quá trình sản xuất sản phẩm văn hóa. Ở Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo đang ngày càng tăng nhanh do quy mô phát triển nhanh và mạnh của những ngành này trong những năm qua (97.167 doanh nghiệp vào năm 2019) (5), theo đó, số người lao động hoạt động trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp này cũng như số lượng những người hoạt động văn hóa và sáng tạo tự do hoặc như một nghề thứ hai cũng đang tăng nhanh.

Theo UNESCO và Ngân hàng Thế giới thì năm 2013, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đóng góp khoảng 2,25 nghìn tỷ USD doanh thu, chiếm 3% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 (6).

Đến năm 2020, cả nước có 1.926 làng nghề (tăng 275 làng nghề so với năm 2011), trong đó có 1.291 làng nghề và 635 làng truyền thống đã được công nhận đang hoạt động. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/ năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: gốm sứ đạt 539 triệu USD; mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD. Tuy trong bối cảnh của dịch COVID-19, nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 250 triệu USD tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 90 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu (7). Trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa phải kể đến Điện ảnh: năm 2019 tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 178 triệu USD), trong đó, phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD). Du lịch văn hóa: năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19). Năm 2022, doanh thu ước đạt 495.000 tỷ đồng. Nghệ thuật biểu diễn: năm 2021, các đoàn nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 50 chương trình, 4 vở diễn, 56 tiết mục, nâng cao 3 chương trình, 382 buổi biểu diễn; các đoàn nghệ thuật địa phương tổ chức dàn dựng 250 chương trình, 191 tiết mục, 20 vở diễn mới, 1.589 buổi biểu diễn. Năm 2022, 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đã tổ chức dàn dựng 112 chương trình, 82 vở diễn, 1.682 buổi biểu diễn, 15.629.482 lượt xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng. Quảng cáo: năm 2019 doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt 45 tỷ đồng, hoạt động quảng cáo ngoài trời là 1.445 tỷ đồng, internet là 16.662 tỷ đồng, tổng doanh thu quảng cáo trên các phương tiện là 65.408 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình đạt khoảng 7.250 tỷ đồng (8).

2. Chính sách đầu tư công cho doanh nghiệp ở Việt Nam

Ngày 14-2-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9-11-2010 quy định thực hiện thí điểm theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao…).

Theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP, các hình thức hợp đồng đối tác công tư gồm:

a) Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (gọi tắt là BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (gọi tắt là BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

c) Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 14 và Khoản 3, Điều 43 Nghị định này.

d) Hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (gọi tắt là BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

đ) Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (gọi tắt là BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định này.

e) Hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (gọi tắt là BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định này; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

g) Hợp đồng kinh doanh - quản lý (gọi tắt là O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.

Mặc dù Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được xem là yếu tố then chốt để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư tư nhân, cơ bản đáp ứng nguyên tắc thị trường, nhưng việc triển khai các dự án PPP vẫn rất hạn chế. Có thể thấy, các dự án PPP thuộc các bộ, ngành phần lớn thực hiện theo loại hợp đồng BOT, tại địa phương thì phổ biến với hình thức hợp đồng BT. Còn các dự án theo hình thức hợp đồng mới BTL, BLT (Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ) hoặc O&M vẫn chưa được quan tâm triển khai. Những dự án mới được thực hiện theo Nghị định 15 chủ yếu đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án - lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc lựa chọn nhà đầu tư.

Luật Đầu tư số 64/2020/QH14 ngày 18-6-2020 theo phương thức đối tác công tư năm 2020 có đưa ra các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: a) Giao thông vận tải; b) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; c) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; d) Y tế; giáo dục - đào tạo; đ) Hạ tầng công nghệ thông tin.

Như vậy, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai… không có lĩnh vực văn hóa.

Có thể thấy rằng, việc chưa có một cơ chế rõ ràng, yêu cầu cụ thể từ phía Nhà nước trong hợp tác cung cấp lợi ích cho nhà đầu tư tư nhân, trao đổi quyền lợi thông qua khai thác sản phẩm văn hóa, tạo ra dịch vụ trong những khu vực văn hóa đang khiến cho hợp tác công tư chưa hiệu quả dẫn đến sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ của thị trường văn hóa.

3. Một số giải pháp khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa

1. Tiếp tục hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp khi đầu tư, triển khai các dự án văn hóa nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức đầu tư theo PPP: Trước hết cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiến tới, ban hành luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư để tạo khung pháp lý đủ mạnh và ổn định làm cơ sở triển khai hiệu quả mô hình hợp tác công tư.

2. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng, sáng tạo và triển khai những công trình, dự án và sản phẩm văn hóa quy mô lớn, các công viên văn hóa, các chương trình nghệ thuật, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế, nhằm tạo động lực cho phát triển văn hóa, du lịch, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam cũng như hội nhập với văn hóa thế giới.

3. Xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo PPP để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.

Nỗ lực, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thu hút nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Dành nguồn lực cho đầu tư, chủ động, triển khai các biện pháp hỗ trợ, đối ứng với các nhà đầu tư.

4. Áp dụng cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hóa và thể thao theo Luật PPP, nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

 Đề xuất tăng cường cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa - một lĩnh vực mà kinh phí đầu tư lớn nhưng lợi nhuận không thể nhìn thấy trong ngắn hay trung hạn.

 Có những cơ chế đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể phát triển và triển khai những sản phẩm gắn với việc duy trì và thúc đẩy văn hóa.

_____________________

1, 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, Nxb Thống kê, 2022, tr.20, 46.

2. Lan Hạ, Bảo vệ và hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân, nhandan.vn, 9-4-2023.

4. Nguyễn Ngọc Thiện, Phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật trong điều kiện xã hội hóa, tapchicongsan.org.vn, 5-6-2019.

5. Số liệu do Tổng cục Thống kê cung cấp cho Dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số văn hóa 2030 gắn với phát triển bền vững do Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện, năm 2021-2022.

6, 7. Nguyễn Thị Thu Phương, Định vị các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.83, 85.

8. Báo cáo Đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, tháng 12-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Hội thảo Văn hóa 2022, thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.

Ths PHẠM THỊ NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;