Đưa văn hóa quốc tế đến với độc giả Việt

Trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, văn hóa trong đó có văn học, hội họa, âm nhạc, phim ảnh… nước ngoài là một kênh không thể thiếu với khán giả, độc giả Việt. Trong dòng chảy đó, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là một địa chỉ - nơi độc giả có thể tìm kiếm những thông tin về phim ảnh, hội họa, âm nhạc của thế giới cũng như các gương mặt nghệ sĩ nước ngoài tiêu biểu.

Độc giả xem ấn phẩm của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tại gian trưng bày báo chí tại Hội báo toàn quốc năm 2023- ảnh: Tuấn Minh

 

 

Với tầm bao quát rộng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong suốt chiều dài phát triển 50 năm, nửa thế kỷ - luôn là diễn đàn để các tác giả, dịch giả có thể viết, dịch, bàn luận, đàm đạo về văn hóa nói chung, về các ngành, các xu hướng nghệ thuật nói riêng cũng như đi sâu phân tích, bình luận về một tác phẩm, vở diễn, bộ phim hay cuộc đời, sự nghiệp, các tác phẩm nổi bật của một tác giả hay cụm tác giả có chung khuynh hướng, phong cách sáng tác.

Do xác định là một tạp chí chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật, nên lượng bài vở, hướng khai thác cũng tập trung sâu vào việc phát hiện, nghiên cứu chứ không chỉ dừng lại ở việc phản ánh, phân tích. Với độ sâu của nhiều bài viết, Tạp chí đã, đang và chắc chắn vẫn là một kênh tham khảo, tra cứu của nhiều độc giả, sinh viên, các nhà nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về một tác giả, tác phẩm hay một khuynh hướng, phong cách sáng tác nghệ thuật của một hay nhiều tác giả, các nền văn hóa cả trong và ngoài nước.

Đối với độc giả của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, họ có thể tìm đọc nhiều lĩnh vực qua các bài viết chuyên sâu. Nó có thể là một bức họa qua đó khái quát cuộc đời, sự nghiệp, quan điểm, phong cách sáng tác của một họa sĩ lừng danh. Một tác phẩm văn học gói trọn lịch sử của cả một đất nước, dân tộc trong suốt một thời kỳ với những sự kiện, biến động gắn với các giai tầng, từng cá nhân cụ thể. Ngoài các bài phân tích, một số bài phỏng vấn chuyên sâu về một vấn đề, một trào lưu với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cũng đem tới sự hiểu biết sâu rộng và bao quát hơn cho độc giả.

Đến với các ấn phẩm của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, độc giả có thể tìm thấy sự chuyên sâu của một số bài viết, bài dịch khi cùng viết về một vấn đề, sự kiện, hay một tác phẩm, tác giả, xu hướng sáng tác nào đó. Không dừng lại ở sự phản ánh, mô tả, nhiều bài viết, bài dịch đi sâu phân tích, bình luận, tìm ra nét hay, nét đẹp của tác phẩm. Ở đây, có sự khác biệt rất dễ nhận ra của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nếu so sánh với một số báo, tạp chí viết hay báo điện tử khác. Đó là sự chắt lọc hay đi sâu về một tác giả, tác phẩm hay một khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật nào đó. Cá biệt, có những vệt bài dài nhằm nêu bật vấn đề, khuynh hướng mà người viết, người dịch muốn đi sâu phân tích, tìm hiểu.

Là một người có bài dịch trên nhiều số của tạp chí, tôi cần chọn những gương mặt, tác phẩm có bề dày cống hiến hay nét đặc sắc trong phong cách, cá tính nghệ thuật. Những bài dịch có thể đã mang đến nhiều nét khác biệt, sự phong phú về con đường, cách lựa chọn hay phong cách, cá tính nghệ thuật mà nhiều nghệ sĩ nước ngoài chọn lựa. Nó có thể là một tham chiếu, một so sánh để không chỉ độc giả mà các sinh viên, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ… có thêm những dữ liệu để so sánh, tìm hiểu. Ngoài việc đi sâu vào một tác giả, tác phẩm, những bài dịch về các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật đã và đang chi phối đến đời sống, quan điểm, phong cách sáng tác của các nghệ sĩ cũng đưa đến những góc nhìn bao quát và toàn diện hơn cho độc giả. Bên cạnh đó, xu thế số hóa hay hướng đi của những hãng, công ty lớn giữ vị trí đầu tầu, dẫn dắt với trào lưu sát nhập, xây dựng các vũ trụ điện ảnh riêng với sự liên kết những anh hùng đơn lẻ cũng chỉ ra xu hướng, trào lưu nào đang định hướng, chi phối đến môi trường sáng tạo cũng như các tác động đến thị trường chung. Việc đi sâu, mổ xẻ, phân tích sự trỗi dậy hay hướng tiếp cận của những nền điện ảnh mới như Hàn Quốc, Thái Lan… cũng góp thêm cho độc giả, nhà nghiên cứu những góc nhìn, sự hiểu biết cũng như nắm bắt được phần nào đời sống nghệ thuật đương đại. Ngoài các bài viết thì nhiều bài dịch đã đảm nhiệm khá tốt công việc này, mang đến những hiểu biết, so sánh về cùng một môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, văn học hay điện ảnh ở những nước trong khu vực, có cùng nét văn hóa hay rộng ra là cả thế giới. Với sự đan xen của các bài viết, bài dịch khi tìm đến tạp chí, độc giả có sự so sánh, đối chiếu với các nền văn hóa bạn để hiểu mình đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài những ưu điểm nổi bật là sự chuyên sâu đã và đang được Tạp chí duy trì, theo tôi, tính giải trí cũng như đa dạng thêm hình thức tiếp cận bạn đọc cũng nên được đặt ra trong những chặng đường phát triển sắp tới của Tạp chí. Qua tìm hiểu, hiện tại Tạp chí đang có 3 ấn bản in với 3 màu sắc khác nhau và một trang tin điện tử. Việc khu biệt đặc điểm của mỗi tờ cũng tạo ra những lớp độc giả riêng bên cạnh lớp độc giả chung cho cả Tạp chí. Ví dụ, những người làm công tác nghiên cứu, làm luận án có thể tìm kiếm những bài viết chuyên sâu theo từng lĩnh vực ở Kỳ 1 nơi nhiều nghiên cứu sinh thể hiện luận án, đề tài của mình ở những chủ đề chuyên biệt với sự nghiên cứu sâu rộng về một chủ đề, khuynh hướng nhất định. Những cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở lại có cơ hội tìm hiểu về nét riêng biệt cũng như môi trường văn hóa ở 63 tỉnh, thành qua các bài viết mang đậm dấu ấn vùng miền, địa phương ở Kỳ 2. Với lớp công chúng rộng rãi hơn, nhiều độc giả tìm thấy những vấn đề, dòng chảy đương đại của các bộ môn nghệ thuật qua các bài viết ở Kỳ 3. Cùng với sự đi xuống của báo in, Tạp chí in cũng không tránh khỏi sụt giảm về lớp độc giả khi nhiều người có thể tìm đến với những kênh thông tin thuận tiện hơn là các trang báo, trang thông tin điện tử. Việc đưa các bài viết lên trang thông tin điện tử của Tạp chí cũng đáp ứng phần nào nhu cầu tìm kiếm của độc giả. Tuy nhiên, với màu sắc khá riêng biệt của ba tờ, thiết nghĩ trang thông tin điện tử của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng nên thiết kế sao cho độc giả dễ dàng hơn khi tìm kiếm các bài viết theo từng tờ, từng mảng riêng biệt. Ví dụ các cán bộ làm công tác địa phương khi không có Kỳ 2 (Xây dựng đời sống văn hóa) trên tay khi vào trang Tạp chí Điện tử Văn hóa Nghệ thuật có thể dễ dàng tra cứu thông tin, các hoạt động văn hóa tại địa phương ở cùng một chuyên mục. Các phần khác ví như văn học, hội họa, âm nhạc hay điện ảnh nước ngoài cũng nên có những sắp xếp chung vào trong một chuyên mục, giao diện để thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu của độc giả, các nhà nghiên cứu.

Một ý kiến nữa là nhằm chủ động trong việc đưa thông tin đến bạn đọc ở tất cả các chuyên mục, kể cả các bài viết hay bài dịch ngoài dòng chảy, sự kiện… hằng năm, Tạp chí nên có những chuyên trang, chuyên đề đi sâu vào một lĩnh vực, bộ môn nghệ thuật hay phân tích sâu về một khuynh hướng, trường phái nghệ thuật đặc sắc nào đó. Sự chủ động tìm kiếm và đưa ra các chuyên đề, chuyên mục sẽ giúp các phóng viên, biên tập viên có định hướng của năm trong việc viết, dịch, đặt viết, đặt dịch các cộng tác viên theo một hoặc nhiều chuyên đề đã được định sẵn. Nó cũng cho thấy sự chủ động, tích cực của tạp chí trong việc tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá các dòng nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung một cách chủ động, có hệ thống. Nếu việc này được thực hiện thường xuyên sẽ tạo ra một danh sách công việc chủ động, có sự thống kê, tiếp nối, kế thừa qua các năm. Ví dụ, năm nay ngoài các bài phản ánh, phân tích, bình luận bám sát dòng sự kiện, các công trình nghiên cứu tạp chí có một chuyên đề nghiên cứu sâu về văn hóa Pháp, trong đó chú trọng tới hội họa, âm nhạc, văn học, điện ảnh… qua đó mang lại cho độc giả cái nhìn khái quát về văn hóa Pháp nói chung và các ngành, các bộ môn nghệ thuật Pháp nói riêng. Danh sách đó có thể tiếp nối qua nhiều năm đến các nền văn hóa khác qua các chuyên đề chuyên sâu của từng năm.

Với văn hóa và các ngành nghệ thuật trong nước cũng có thể có những vệt bài nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó ví dụ như thực trạng đào tạo các nguồn nhân lực văn hóa tại Việt Nam hiện nay hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống xoay sở ra sao trong môi trường số?… Khi có sự chủ động từ phía Tạp chí trong định hướng kế họạch hằng năm, hằng quý thì sẽ có sự chủ động, có mảng bài đinh bên cạnh những bài khai thác, phân tích các tác phẩm, tác giả với dòng chảy nghệ thuật đương đại. Việc kết hợp dạng bài cố định, bài chuyên sâu theo các vệt chủ đề với các bài cập nhập tình hình họat động, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật sẽ tạo ra cả chiều sâu (nghiên cứu, bình luận) và bề rộng (phản ánh, phân tích) cho mỗi số Tạp chí. Với định hướng dài hơi, có lẽ tạp chí cũng nên tính tới việc xuất bản định kỳ các ấn phẩm tiếng nước ngoài như một cách quảng bá cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra với độc giả khu vực và quốc tế…

Cuối cùng, xin chúc mừng Tạp chí trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, chúc Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ phát triển rực rỡ và thành công hơn nữa trong chặng đường tiếp theo!

 

PHẠM TUYẾT NHUNG

Cộng tác viên tại Hà Nội

 

-------------------------------------------------

Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

 

 

 

 

 

;