Là một cán bộ ngành VHTTDL có thời gian công tác trong ngành gần 40 năm, nay tôi đã nghỉ hưu, nhưng vẫn đang giữ vị trí là Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam. Theo dõi hoạt động của ngành VHTTDL những năm gần đây, nhất là năm 2023, tôi đã rất vui mừng trước những bước tiến của ngành.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, cùng với sự những nỗ lực vượt qua gian khó, toàn ngành VHTTDL thời gian qua - nhất là năm 2023 đã có nhiều đổi mới, năng động và sáng tạo trong tư duy, trong cách nghĩ, cách làm trong mỗi công việc để tham mưu ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho Chính phủ và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực: Văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, đem lại những hiệu quả thiết thực; nhiều thành tựu nổi bật góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã chuyển tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sự chuyển hướng và đổi mới tư duy quản lý ấy đã thực sự “định hướng” và chỉ đạo hoạt động của ngành VHTTDL phù hợp với quy luật vận động của lịch sử, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta.
Trước hết về xây dựng thể chế năm 2023, Bộ VHTTDL đã luôn ưu tiên và chủ động xây dựng cơ chế, chính sách để tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi luật về lĩnh vực VHTTDL nhằm kiến tạo chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và theo thông lệ quốc tế.
Về tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện lớn của ngành VHTTDL: Năm 2023, Bộ có nhiều đổi mới, chủ động xây dựng kế hoạch “từ sớm, từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, để tổ chức các sự kiện lớn của ngành theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và sức lan tỏa trong nhân dân. Chính hoạt động này diễn ra rất sôi động trong cả nước, đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Về kết quả, hiệu quả hoạt động VHTTDL trong năm 2023 đã có sự đổi mới, sáng tạo trong việc triển khai nhiệm vụ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, tạo nên sự khởi sắc với nhiều kết quả tốt đẹp trong các lĩnh vực của ngành (trong đó có nhiều sự kiện tạo nên dấu ấn và sức lan tỏa trong nhân dân như: chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; một số lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu ở các vùng, miền và số hoạt động văn hóa đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới v.v...).
Điều đặc biệt vui mừng và phấn khởi là lĩnh vực thư viện trong năm 2023 đã có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL nên công tác quản lý nhà nước, xây dựng thể chế về thư viện tiếp tục được triển khai hiệu quả, nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước thực thi Luật Thư viện, tổ chức triển khai các Đề án, chương trình của Chính phủ về công tác thư viện. Cụ thể: Năm 2023, Bộ VHTTD đã trình Chính phủ phê duyệt 1 Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045”. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng 7 thông tư hướng dẫn triển khai cung cấp các dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thư viện và một số quyết định quan trọng khác…
Về hoạt động chỉ đạo sự nghiệp thư viện toàn quốc: được sự tham mưu của Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4-2023); phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thành công Liên hoan Tuyên truyền giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Đất nước bên bờ sóng” và tổ chức một số hội nghị, hội thảo toàn quốc để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện; Triển khai Dự án về thư viện (Trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số); xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng 120 tủ sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc.
Những chuyển biến tích cực và mạnh mẽ của ngành Thư viện Việt Nam trong năm 2023 giúp lan tỏa và chấn hưng văn hóa đọc ở nước ta trong kỷ nguyên số; góp phần vào thành công chung của ngành VHTTDL nước nhà.
Để công tác của ngành VHTTDL đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, tôi mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục đổi mới một cách toàn diện từ tư duy đến hành động; đoàn kết một lòng, khắc phục các “điểm nghẽn” trong các khâu công tác của ngành, tạo ra những năng lượng mới, tích cực và đột phá mới, để “cỗ xe tam mã” của ngành VHTTDL của chúng ta đi nhanh về đích, phục vụ tốt cho công cuộc CNH - HĐH đất nước, đáp ứng đời sống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ths. NGUYỄN HỮU GIỚI
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023