Mỗi dịp Tháng Thanh niên, ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ cả nước lại bùng cháy, thôi thúc hàng triệu trái tim cùng chung tay thực hiện hàng chục nghìn công trình lớn nhỏ. Tinh thần xung kích, tình nguyện và sáng tạo của thanh niên Việt Nam đã biến mỗi tháng 3 thành một “trang vàng” rực rỡ trong lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trong bài viết Tương lai cho thế hệ vươn mình nhân dịp 26-3-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Trong giai đoạn mới hiện nay, vai trò của lực lượng thanh niên càng trở nên quan trọng. Thanh niên là trụ cột để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, là nguồn lực chủ yếu để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, đồng thời là đội ngũ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới. Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là nhân tố quan trọng trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”.
Cảnh trong trích đoạn tuồng "Trần Quốc Toản ra quân" - Ảnh: Liên Hương
Hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho sân khấu truyền thống, đặc biệt là trong việc thu hút khán giả trẻ. Nhưng trong một thế giới mà người trẻ có vô vàn lựa chọn giải trí hiện đại, cũng không có nghĩa là thế hệ thanh niên trẻ quay lưng lại với di sản văn hóa quý báu này. Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thanh niên là một nhiệm vụ quan trọng, có thể được thực hiện ngay trong chuyên môn, nghiệp vụ của các công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên Bộ VHTTDL.
Sân khấu truyền thống là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc. Nếu không được thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy, nó sẽ dần mai một và biến mất. Ngược lại, khi thanh niên tìm hiểu và yêu mến nghệ thuật truyền thống, họ sẽ được bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, từ đó nỗ lực học tập, lao động và cống hiến cho đất nước.
Việc đưa thanh niên đến gần với sân khấu truyền thống, cũng như mang sân khấu truyền thống đến với thanh niên, là một quá trình tương tác hai chiều, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía.
Đưa thanh niên đến với sân khấu truyền thống
Tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chương trình, sự kiện để đưa đoàn viên thanh niên đến với sân khấu truyền thống, các loại hình truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối,... có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi gợi sự hứng thú, yêu thích của thế hệ trẻ đối với các loại hình sân khấu truyền thống. Năm 2024, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ VHTTDL đã chủ trì phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn Thanh niên các Bộ liên quan tổ chức biểu diễn vở tuồng Tình mẹ, là một trong những hoạt động mở màn cho chương trình “Đưa đoàn viên đến nhà hát nghệ thuật truyền thống”. Đây là một sáng kiến thiết thực, có ý nghĩa, góp phần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống. Thông qua chương trình, những trải nghiệm phong phú, đặc sắc đã khơi gợi tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, nghệ thuật dân tộc trong lòng mỗi người trẻ.
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng được khán giả quốc tế đón nhận nhiệt tình. Sự tò mò muốn tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa con người Việt Nam đã khiến họ tìm đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc. Những buổi diễn tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam vẫn thu hút được đông đảo khách du lịch nước ngoài. Nhà hát Múa rối Việt Nam đã mở rộng thêm sân khấu biểu diễn tại Phú Quốc và Đà Nẵng để mang nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhiều vở diễn mới dựa trên các tích xưa, sử dụng hình thức rối nước, kết hợp với rối cạn độc đáo, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả trẻ - Ảnh: Kim Anh
Nâng cao chất lượng sân khấu truyền thống để thu hút khán giả trẻ
Nhà nước đã có những chính sách đặc biệt để thu hút thế hệ trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, bởi chỉ có thế hệ trẻ mới có thể bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đất nước. Thế hệ trẻ có những cách tiếp cận riêng với sân khấu truyền thống, và có cách để truyền đạt riêng, phù hợp với chính những bạn trẻ hiện nay, tạo nên cái nhìn mới mẻ cho loại hình truyền thống và nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của khán giả. Qua đó cũng khơi gợi sự sáng tạo của các bạn trẻ trong việc kết hợp các loại hình truyền thống với các loại hình giải trí hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa của dân tộc. Nhà hát Múa rối Việt Nam đã xây dựng nhiều vở diễn mới dựa trên các tích xưa, sử dụng hình thức rối nước, kết hợp với rối cạn độc đáo, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả trẻ như vở: Hoàng Thành Thăng Long, Trung thu cổ tích, Thế giới thần tiên... Việc duy trì các buổi biểu diễn thường kỳ, tạo ra không gian nghệ thuật truyền thống gần gũi và hấp dẫn, cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút khán giả trẻ.
Mới đây nhất, vào ngày 22-3-2025, Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật Lời tuồng - Tiếng trẻ, nhằm kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật tuồng cổ và hơi thở của tuổi trẻ hôm nay. Chương trình giới thiệu các trích đoạn đặc sắc như: Trần Quốc Toản ra quân, Sự tích Đầm Mực, Tình mẹ, mang đến những góc nhìn mới mẻ về tuồng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Chương trình không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn, mà còn là cầu nối giúp người trẻ hiểu và yêu nghệ thuật tuồng hơn, đồng thời khuyến khích họ chung tay bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng, thế hệ nghệ sĩ trẻ đang dần khẳng định vị thế của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đoàn kết và quyết tâm mang tinh hoa nghệ thuật dân tộc đến với khán giả trong nước và quốc tế. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với tinh thần thanh niên và khát vọng cống hiến, những đoàn viên thanh niên sẽ dùng cả đam mê và nhiệt huyết để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
KIM ANH - LIÊN HƯƠNG