Phim độc lập - Dòng chảy ngầm mạnh mẽ - Bài cuối: Những tiếng nói tâm huyết

Nhiều nhà làm phim trẻ đã chọn con đường làm phim độc lập để theo đuổi đam mê điện ảnh và nhiều người trong số họ đã đạt được những quả bước đầu, tạo nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác tiếp nối hành trình làm phim nhiều niềm vui nhưng cũng lắm chông gai. Cùng lắng nghe những tiếng nói tâm huyết của người trong cuộc, những khó khăn và thuận lợi khi làm phim độc lập ở Việt Nam. Đánh giá đúng những đóng góp của phim độc lập và cả những điểm yếu, những mặt còn hạn chế của phim độc lập sẽ giúp các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam có thể rút ra được những bài học cho riêng mình, để phim độc lập mang lại sự đa dạng, những góc nhìn đa chiều và góp phần nâng cao vị thế của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Đăng Di: "Khát khao được hòa nhập" 

Năm 2022 đối với giới làm phim độc lập, có thể được xem là một năm đặc biệt, nó đánh dấu tròn 20 năm ra đời Quyết định 38/2002/ QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL-PV) cho phép thành lập hãng phim tư nhân. Đây là một quyết định mang tính đột phá, làm thay đổi toàn bộ nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đối với các nhà làm phim độc lập, quyết định này cho họ một con đường hợp pháp để tự đứng ra tìm tài chính để sản xuất các dự án riêng (mà không nhất thiết phải lệ thuộc vào Nhà nước hoặc ngay cả các hãng phim tư nhân vốn chỉ tập trung làm phim thương mại). Nguồn tài chính của các phim độc lập Việt Nam hầu hết đến từ các Quỹ tài trợ điện ảnh nước ngoài và các khoản đầu tư tư nhân không nhằm mục đích thương mại. Những nguồn tài trợ này vì hướng đến mục đích khuyến khích sáng tạo nghệ thuật , không đặt ra các tiêu chuẩn về doanh thu hay những ràng buộc cụ thể về nội dung nên đã giúp các nhà làm phim tránh được sức ép về mặt thị trường cũng như những can thiệp không mong muốn vào công việc sáng tạo.

Tuy nhiên, công cuộc cạnh tranh để dành được tiền hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài ngày càng khó, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu (là châu lục của hầu hết các quỹ quan trọng) ngày càng cắt giảm các nguồn hỗ trợ nghệ thuật. Đặt trong cuộc cạnh tranh này, các dự án phim độc lập VN không hề nhận được ưu tiên nào hơn các nước khác, họ chỉ có thể dựa vào chất lượng dự án, vào thực lực của bản thân. Điều đáng mừng là dù thế, số lượng dự án VN nhận được hỗ trợ vẫn được duy trì đều qua các năm, bao gồm cả những quỹ rất khó như World Cinema Fund - WCF (Của LHP Berlin) hay Cinema Du Monde của chính phủ Pháp (Quỹ WCF mỗi năm chỉ rót tiền cho khoảng 8 dự án còn Quỹ Cinema Du Monde khoảng 12 dự án). Nếu so với các nước trong khu vực, phim độc lập VN không hề kém cạnh trong khả năng tìm vốn từ bên ngoài, nhưng hầu như không tiếp cận được các nguồn hỗ trợ trong nước. Nguyên nhân là vì phim độc lập thường hướng đến những tìm tòi, sáng tạo mang tính cá nhân, các hình thức biểu đạt mới lạ, thách thức thói quen xem phim để giải trí của công chúng số đông nên các hãng phim thương mại trong nước không mặn mà. Thêm vào đó, về mặt sáng tạo phim độc lập chỉ có thể được công nhận khi nó mở rộng được nội dung và hình thức biểu đạt đến chỗ thách thức cách tiếp cận thông thường, những quan điểm thông thường về đạo đức, thẩm mỹ… Chúng ta cũng phải thấy rằng, trong khoảng 20 năm lại đây, có nhiều nhà làm phim độc lập Việt Nam đưa được phim Việt Nam tới các liên hoan phim, các diễn đàn quan trọng nhất của điện ảnh thế giới. Họ làm việc đó hoàn toàn bằng nỗ lực tự thân, bằng tình yêu với điện ảnh và một khát khao được hòa nhập.

 Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ: "Cần có sự dấn thân và lòng kiên trì" 

Chúng tôi lập nên dự án Tiệc phim ngắn trực tuyến quốc tế YxineFF vào những năm 2010-2014 với mong muốn tạo một sân chơi cho các nhà làm phim trẻ và cơ hội cọ xát quốc tế. Nhiều nhà làm phim trẻ được phát hiện từ đó đều là những nhân tố quan trọng của điện ảnh Việt Nam hôm nay. Xuất phát điểm là niềm đam mê, nhưng cần có sự dấn thân và lòng kiên trì mới có thể đi đến tận cùng của con đường làm phim đầy chông gai, đặc biệt là các dự án độc lập. Ai đi đến được bộ phim dài đầu tay là những người như thế.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ và ê kíp làm phim MEMENTO MORI: ĐẤT trên thảm đỏ LHP Busan 2022

Thuận lợi cơ bản nhất của một nhà làm phim độc lập là có thể thực hiện được bộ phim theo đúng ý đồ của mình. Tuy nhiên khó khăn thì vô kể: từ kinh phí giới hạn, đến những thách thức của điều kiện thị trường. Ví dụ, một câu nói nhà làm phim độc lập thường nghe từ các nhà đầu tư, nhà sản xuất hay nhà phát hành là: dự án này kén khán giả hay thiếu tính thương mại. Tôi cho rằng, mục tiêu của mỗi nhà làm phim nên là làm phim thật hay, và tốt nhất trong điều kiện mình có. Còn câu chuyện khán giả và thương mại ngoài một số quy luật kinh tế thì có những thứ không thể tính toán trước. Không ngẫu nhiên mà ngành Điện ảnh được coi là một loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, và người tham gia cần chấp nhận sự rủi ro có thể xảy đến. Bản thân cá nhân tôi và đồng sự dự án MEMENTO MORI: ĐẤT cũng không lường trước là có tới 104 cụm rạp toàn quốc nhận chiếu phim, thuộc tất cả các hệ thống lớn trên 31 tỉnh thành. Đây là một điều đáng khích lệ cho tất cả các nhà làm phim chúng tôi, đặc biệt những người làm phim độc lập. 

Đạo diễn Trần Thanh Huy: "Chấp nhận tiếng nói mới, góc nhìn mới" 

Thuận lợi lớn nhất của người làm phim độc lập chính là tinh thần độc lập: tự chủ, tự làm và thấy tự do. Ở Việt Nam, chúng tôi thực sự thấy tự do khi làm phim độc lập, không phải đề tài hay thể loại quy định nên dòng phim độc lập mà chính là tinh thần của sự độc lập. Chính chữ độc lập làm cho mình cảm thấy rất nhẹ nhàng thoải mái, muốn làm đúng những gì mình đã nhìn, đã thấy, đã tưởng tượng, không bị một sự chi phối nào khác. Hơn nữa lại có nhiều thời gian để phô diễn năng lực, khả năng sáng tạo của mình. Theo đạo diễn Trần Anh Hùng, có ba yếu tố quyết định thành công của một dự án điện ảnh: Một là thời gian, hai là năng lực, ba là tiền. Đối với phim độc lập, cái mạnh nhất là thời gian, làm chưa tới thì làm lại, với phim thương mại thì không. Nhà làm phim độc lập có thể gửi dự án của mình tới nhiều LHP, mở mang kiến thức. Nguyên một quãng thời gian tuổi trẻ, tôi được đi khắp nơi trên thế giới cùng những dự án phim của mình trong tinh thần độc lập.

Có rất nhiều khó khăn với một nhà làm phim độc lập. Khó khăn đầu tiên là chứng minh được khả năng của mình thì mới có tiền làm phim, muốn vậy cần có thời gian. Không phải tự nhiên tôi làm được phim dài 16h30, trước đó tôi đã làm 17 phim ngắn với nhiều phong cách thể loại khác nhau. Đây cũng là tiền đề để tôi có được phim truyện điện ảnh Ròm sau 8 năm. 

Khó khăn thứ hai chính là tiền, nhưng nếu chứng minh được năng lực của mình thì tiền không còn là khó khăn nữa. Khi tiền đã trở thành thứ yếu thì công việc sáng tạo trở thành niềm đam mê. Vậy làm sao mình chứng minh được phim có thể thắng? Với phim Ròm, đầu tiên tôi không thể chứng minh cho các nhà đầu tư, họ chỉ thấy tôi là một người trẻ có tiềm năng. Họ phải đầu tư vào chỗ có thể sinh lời, nếu đầu tư cho Ròm 1 tỷ, không biết thu lại được bao nhiêu. Tôi không chứng minh được phim của mình có thu được tiền không, tôi chỉ tin vào một điều: Mình có thể tạo nên một làn gió mới cho điện ảnh Việt Nam và kiên quyết đi đến cùng. Tôi đã vượt qua mọi khó khăn từ đó, để chuyện tiền trở thành thứ yếu. 

Một khó khăn nữa nằm ở chỗ cần những chính sách mở hơn, chấp nhận tiếng nói mới, góc nhìn mới. Với phim độc lập cũng như điện ảnh nói chung cần thay đổi trong cách nhận định: đây là ngành nghệ thuật, không chỉ để tuyên truyền. Từ đó sẽ mở ra con đường đầu tư cho điện ảnh với sự gợi mở từ chính sách. Theo số liệu của Box Office, phim Việt Nam hiện chỉ thu được 1.800 đến 2.300 tỷ mỗi năm - con số quá nhỏ, chỉ chiếm 20% tổng thời lượng chiếu tại rạp, 80% còn lại là của phim nước ngoài. Tiếng nói của các nhà làm phim Việt Nam ít hơn có nghĩa là nguồn vốn đầu tư vào điện ảnh còn quá khiêm tốn. 

Những sân chơi như Làm phim 48h đã góp phần chắp cánh cho nhiều nhà làm phim trẻ

Quỹ phát triển điện ảnh cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia. Phải làm thế nào để những nhà làm phim trẻ cũng có cơ hội bình đẳng khi tiếp cận với quỹ đầu tư điện ảnh. Ước gì số kinh phí làm phim được chia nhỏ để đầu tư cho nhiều phim. Có thể xã hội hóa Quỹ phát triển điện ảnh, Nhà nước chỉ cần đầu tư 5 hoặc 10%. Bởi khi có một phần vốn của Nhà nước, nhiều nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn và tiếp tục đầu tư làm phim, tạo cơ hội cho nhiều người và nhiều dự án phim hơn. 

Tôi nghĩ ranh giới giữa phim độc lập và phim thương mại sẽ dần bị xóa mờ, khi một bộ phim muốn thành công phải luôn mang dấu ấn của nhà làm phim nhưng vẫn hướng đến khán giả. Ví dụ Ký sinh trùng (Parasite) là phim độc lập hay phim thương mại? Hoàn toàn không có một ranh giới rõ ràng, nhưng nó vẫn thắng giải LHP và thắng ở ngoài rạp. Tôi chọn con đường ra rạp, hướng tới khán giả nhưng vẫn mang tiếng nói cá nhân. Muốn làm được cần chọn ê kíp để cùng làm với mình. Để có được ngày hôm nay, tôi đã trải qua rất nhiều thất bại mới hiểu được những điều đó. 

Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương, Ủy viên Hội đồng duyệt phim ngắn quốc gia: "Rất cần quỹ hỗ trợ điện ảnh hoạt động thật hiệu quả" 

NSƯT Trịnh Quang Tùng

Hơn 60 tỷ đồng doanh thu của phim độc lập Ròm đạt được đến nay, dường như trở thành giấc mơ cho rất nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội khẳng định mình với điện ảnh. Cho rằng phim độc lập đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam là đương nhiên, vì mỗi bộ phim là tâm huyết của những người làm phim đam mê nghề nghiệp. Với phim truyện, hiện đang là thời điểm phát triển mạnh mẽ của các nhà làm phim độc lập. Họ cũng tự bỏ tiền và tìm những nguồn tài trợ, đưa phim của mình tham dự các LHP lớn giới thiệu với bạn bè quốc tế. Có nhiều phim đã đạt đươc thành tích và giải thưởng lớn. Nếu biết khai thác, sử dụng, trân trọng những giá trị ấy thì đây chính là nguồn nhân lực trong tương lai cho điện ảnh Việt Nam. Tất nhiên cần sự vào cuộc đầu tư của không chỉ Nhà nước mà cả những tập đoàn và nhà tài trợ lớn để có thể ủng hộ giúp đỡ để họ có được những tác phẩm lớn hơn nữa. Dòng phim độc lập nói lên chính xác nhất những khao khát muốn cất lên tiếng nói của các nhà làm phim, ít bị ràng buộc bởi điều gì. Họ được thỏa sức thể hiện, thử nghiệm, chính vì thế nên giới làm phim độc lập đang có rất nhiều nhà làm phim trẻ khát khao muốn thể hiện mình. Đây là nguồn nhân lực giá trị để điện ảnh Việt Nam có được một dòng phim độc lập mà có thể qua đó khán giả quốc tế hiểu biết hơn về đất nước và con người Việt Nam, thấy được những người làm điện ảnh đam mê, khao khát thể hiện ý tưởng của mình. Phim độc lập góp phần rất lớn trong sân chơi điện ảnh nhưng quan trọng hơn nữa, nhìn vào đó, các nhà làm phim nhiều thế hệ đều thấy rằng mình cần sự thay đổi, gợi mở cho họ làm những tác phẩm hay hơn, mới hơn.

Dòng phim độc lập phát triển và có chỗ đứng hiện nay một phần nhờ đóng góp của những bộ phim tài liệu. Là một trong những thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia, tôi rất khâm phục các bạn trẻ. Trước mỗi chủ đề, câu chuyện đã thấy sự dấn thân, đi đến tận cùng sự việc của họ. Nhiều nhà làm phim ấp ủ, bỏ công sức, đam mê, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng để làm phim. Trên thực tế, các nhà làm phim độc lập trong nước đã phải vật lộn, xoay xở để theo đuổi đam mê khi chưa có quỹ tài trợ kinh phí nào cho phim độc lập. Trong khi những bộ phim tài liệu được chiếu ở ngoài cho công chúng, thu được tiền hầu hết là của nhà làm phim độc lập. Muốn dòng phim này phát triển, xuôi chảy như một thể loại chính thống của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thì phải có những chính sách phù hợp, cổ vũ các nhà làm phim, tạo nhiều sân chơi hơn. 

Đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân đã tự tìm nguồn kinh phí để thực hiện bộ phim ngắn Một khu đất tốt

Các nhà làm phim độc lập hiện đa phần phải tự bỏ tiền và tự tìm nguồn tiền làm phim, điều này khiến họ khó tìm được nhà tài trợ hoặc khó với đến những dự án hoặc những quỹ có thể hỗ trợ họ. Hiện đang rất cần một Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hoạt động thật hiệu quả. Quỹ có thể do Nhà nước điều hành nhưng có sự liên kết với các quỹ tư nhân hoặc các nhà tài trợ yêu nghệ thuật. Điều quan trọng nhất để một tác phẩm điện ảnh được thế giới công nhận chính là phản ánh được con người, văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Đạo diễn nào làm được điều đó thì sẽ được đón nhận trên thế giới.

Trong Hội đồi đồng duyệt, tôi vẫn thường được xem các tác phẩm của dòng phim độc lập. Nếu nói về điểm yếu của một vài tác phẩm gây dư luận thì có thể nói là đa phần do cách làm phim và cách nghĩ của một số đạo diễn nhìn cuộc sống tương đối tiêu cực, nhìn xã hội không thấy được sự phát triển của đất nước. Họ gửi gắm một vài ý đồ có thể gọi là nhạy cảm, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc đầy ẩn ý. Kể cả những cái đẹp, tích cực vẫn nhiều khi nhìn theo chiều hướng hơi tiêu cực, thiếu lối thoát và thiên về nhìn mặt trái của xã hội. Nhưng đa phần những bộ phim nêu lên được những giá trị riêng biệt của người Việt, tôn vinh những giá trị văn hóa và đạo đức đều gặt hái thành công. Ví dụ phim tài liệu gần đây có những phim rất tốt như: Đường Bưởi, Những đứa trẻ trong sương… Những phim theo hướng này đang phát triển mạnh mẽ và được khán giả đón nhận rất tích cực.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;