Phát triển văn hóa đọc cho người dân ngoại thành Hà Nội

Vai trò của văn hóa đọc trong đời sống xã hội

Văn hóa đọc là một trong những hoạt động văn hóa của con người, đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển nhân cách văn hóa của cá nhân. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế - xã hội mới, đọc sách được hiểu là một công nghệ trí tuệ cơ bản, là nguồn tiếp thu tri thức, nhằm khắc phục những hạn chế về kinh nghiệm xã hội của bản thân. Đọc sách được coi là cách thức lĩnh hội những giá trị của văn hóa thế giới, là phương tiện để đạt được năng lực văn hóa của một cá nhân và chuẩn bị cho cuộc sống thực trong xã hội. Đọc sách và văn hóa đọc có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Tại kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng UNESCO (Tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) tổ chức tại Paris vào tháng 11-1995, nhằm tri ân những cuốn sách và tác giả trên khắp châu lục, thúc đẩy văn hóa đọc, đồng thời khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ, khám phá niềm vui đọc sách và đổi mới, tôn trọng những đóng góp không thể thay thế của những người đã thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và văn hóa của nhân loại, UNESCO đã quyết định chọn ngày 23-4 là Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (1).

Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng và vai trò của văn hóa đọc, để phong trào đọc sách đi vào hoạt động có nền nếp và ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, khi Luật Thư viện được thông qua ngày 21-11-2019, tại Khoản 1, Điều 30 quy định ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn góp phần gắn kết các hoạt động được tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23-4.

Ngày 4-11-2021 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 về Ngày Sách Việt Nam.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21-4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, đây còn là ngày để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam (2).

Với người dân vùng nông thôn, đọc sách giúp họ tiếp nhận thông tin và mở mang tri thức về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, giúp mỗi cá nhân tự nâng cao hiểu biết, cập nhật kiến thức để phục vụ cho học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất và giải trí. Xã hội phát triển, đọc sách và văn hóa đọc sẽ giúp nâng cao trình độ dân trí, xây dựng xã hội học tập, làm giàu trí tuệ cho người dân nông thôn.

Sự cần thiết để phát triển văn hóa đọc ở các vùng ngoại thành Hà Nội

Văn hóa đọc đang thay đổi từng ngày dưới sự tác động của công nghệ thông tin. Theo nghĩa triết học, văn hóa đọc được hiểu “như một không gian xác định, một môi trường toàn vẹn được tạo ra bởi hiện tượng đọc nhân danh sự hòa hợp đạo đức và trí tuệ của cá nhân” (3).

Theo nghĩa hẹp, văn hóa đọc có thể được hình thành là khả năng nhận thức, hiểu và phân tích thông tin bằng lời được trình bày dưới dạng văn bản, báo in và điện tử.

Như vậy, văn hóa đọc là một hiện tượng văn hóa xã hội, cơ sở của nó là quá trình nhận thức dựa vào hoạt động quyết định trình độ phát triển trí tuệ và tinh thần của xã hội. Thành phần quan trọng nhất của văn hóa đọc là quá trình “cảm nhận - hiểu - giải thích” nội dung tác phẩm (4).

Phát triển văn hóa đọc nhằm mục đích phổ biến việc đọc của các thành viên trong cộng đồng. Đây là một hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi việc đọc và biến nó thành một sở thích suốt đời. Mục tiêu chính của việc xây dựng và phát huy văn hóa đọc là làm cho việc đọc sách trở thành thói quen được người dân yêu thích và đánh giá cao (5). Do đó, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách giúp con người tiếp thu kiến thức phục vụ vào mục đích cá nhân, để giải trí, đồng thời phát triển việc đọc sách như một thói quen và văn hóa.

Để phát triển văn hóa đọc cho người dân vùng ngoại thành Hà Nội, không thể không nói tới vai trò của các thư viện cơ sở, đó chính là các thư viện cấp xã thuộc loại hình thư viện công cộng của Việt Nam.

Tại Điều 4, Luật Thư viện 2019 có quy định chức năng, nhiệm vụ chung cho các thư viện. Ở khoản 4, Điều 11 về Thư viện công cộng có quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho Thư viện cấp xã như sau: Tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện từ thư viện cấp tỉnh, thư viện cấp huyện và các nguồn hợp pháp khác; Luân chuyển tài nguyên thông tin đến thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên địa bàn; Tham gia xây dựng văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc cho nhân dân trên địa bàn; Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Ngoài ra, Điều 45 về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện quy định: Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí, nhân sự cho thư viện hoạt động và phát triển theo quy định của pháp luật; Quản lý tổ chức và nhân sự thư viện; Ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của thư viện theo quy định của pháp luật.

Điều 46 về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện: Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động thư viện, phát triển tài nguyên thông tin và phát triển văn hóa đọc.

Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan thành lập và cơ quan trực tiếp quản lý thư viện được quy định rõ ràng trong Luật nhưng trên thực tế, các thư viện cấp xã thuộc các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân ở đây là hoạt động của thư viện cơ sở chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Cơ sở vật chất của thư viện xã tương đối sơ sài, chỉ với vài giá sách, hoặc tủ sách, bàn ghế ngồi đọc sử dụng chung với nhà văn hóa xã.

Lượng tài liệu, thông tin đang gia tăng theo cấp số nhân mỗi ngày, kéo theo nhu cầu thông tin của người dân ngoại thành lớn, nhưng thư viện cơ sở không được cấp kinh phí để mua tài liệu, chỉ phục vụ những tài liệu đã có và những tài liệu được luân chuyển từ thư viện thành phố, nên vốn tài liệu tương đối sơ sài, thông tin không cập nhật. Trung bình mỗi thư viện cơ sở có khoảng từ 200-300 tài liệu, trong đó bao gồm cả tài liệu luân chuyển. Theo đánh giá của trên 60% người dân được khảo sát, nguồn tài liệu này chỉ đáp ứng từ 35-50% nhu cầu của họ, trong khi nhu cầu đọc và sử dụng thư viện của người dân ở cả 3 huyện là trên 85% (Số liệu được lấy từ Đề tài KHCN cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số 16.51).

Cán bộ phụ trách thư viện xã là những người không có kiến thức chuyên môn về thông tin - thư viện, vì thế họ không thể hướng dẫn người dân đọc sách, tìm tài liệu theo nhu cầu, không giúp hình thành thói quen đọc cho người dân, không biết tổ chức các hình thức tuyên truyền, giới thiệu tài liệu để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, họ không có phương pháp bảo quản, gìn giữ tài liệu, nhiều tài liệu bị ẩm mốc, rách nát, mất mát… Việc mượn - trả tài liệu không có quy định cụ thể, người dân muốn mượn bao nhiêu, mượn bao lâu cũng được, hoặc nếu có chỉ mang tính hình thức.

Cán bộ phụ trách thư viện xã phần lớn là những người làm việc kiêm nhiệm, công việc chính của họ làm công tác phụ nữ, phát thanh, kế toán…, một số người làm việc không lương, không nhận được bất kể một khoản phụ cấp nào khác từ chính quyền địa phương.

Nhằm khắc phục những tồn tại trên và để đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc cho người dân ở các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn của Hà Nội, các cấp chính quyền địa phương và thư viện công cộng cấp trên cần phối hợp thực hiện một số giải pháp sau:

Lãnh đạo địa phương, lãnh đạo trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cấp huyện, xã cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của thư viện cơ sở trong đời sống của người dân ngoại thành. Thư viện cơ sở không chỉ cung cấp tài liệu, thông tin giúp họ tiếp thu kiến thức vận dụng vào thực tiễn học tập, lao động, sản xuất… mà còn giúp người dân được nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong việc xây dựng nông thôn mới. Vì theo khảo sát ở cả 3 huyện ngoại thành Hà Nội, trung bình có 87% người dân có nhu cầu sử dụng thư viện cấp xã, tủ sách cơ sở.

Ngoài nguồn tài liệu được luân chuyển từ Thư viện Thành phố Hà Nội, thư viện cấp huyện xuống thư viện cơ sở, hằng năm, chính quyền cấp xã cần đầu tư một khoản kinh phí phù hợp để dành cho việc bổ sung sách, báo, tạp chí mới vào thư viện (ưu tiên sách, báo in), đặc biệt là nguồn tài liệu về nông nghiệp, công nghiệp, kỹ thuật, y học và sức khỏe… phục vụ cho cho hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, y tế… của người dân.

Lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền tài liệu, sách báo có trong thư viện tới người dân trên đài phát thanh thôn, xã để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Ngoài ra, cán bộ phụ trách thư viện có thể lựa chọn những cuốn sách hay để tổ chức điểm sách trên đài phát thanh vào sáng thứ 7, chủ nhật hằng tuần.

Biểu dương kịp thời những người có đóng góp vào hoạt động đọc và phát triển văn hóa đọc ở địa phương bằng hình thức thông báo họ tên, địa chỉ người đọc trên bản tin hoặc trên đài phát thanh của thôn, xã.

Vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng và duy trì thói quen đọc tài liệu, sách, báo kể cả bản in, bản điện tử, đặc biệt phát huy vai trò của nhà trường, gia đình trong việc định hướng đọc đối với học sinh, với các nhóm bạn đọc trẻ tuổi.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên và ngoài địa bàn huyện, xã tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng thư viện cơ sở.

Thư viện thành phố cần phối hợp với thư viện cấp huyện để tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thư viện cơ sở, giúp họ có thêm kiến thức chuyên môn về thông tin - thư viện, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho thư viện. Cụ thể, giúp thư viện cơ sở tổ chức hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp cho từng nhóm đối tượng, thông qua hoạt động tổ chức ngày hội đọc sách vào Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm. Phối hợp tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu tài liệu nhân dịp Tết Nguyên đán, nhân các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương.

Thư viện cấp trên cần tăng lượt luân chuyển tài liệu xuống thư viện cơ sở, đặc biệt chú trọng việc luân chuyển tài liệu xuống trường học, xuống thư viện xã, thôn ở các huyện ngoại thành Hà Nội, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc, nhu cầu tin của người dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho thư viện cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ sách, báo tài liệu, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc cho người dân vùng ngoại thành Hà Nội.

Kết luận

Văn hóa đọc là một quá trình phát triển năng động, phản ánh nhu cầu và đòi hỏi về trí tuệ, thông tin của xã hội. Từ quan điểm của cách tiếp cận hiện sinh, đọc sách được xem như một cách để trở thành một con người, như một phương tiện để phát triển bản thân, tự xây dựng, thiết kế trí tuệ và tình cảm - tinh thần của thế giới cá nhân.

Để các thư viện cơ sở vùng nông thôn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, trung tâm mở mang tri thức cho người dân, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và xu thế phát triển, các thư viện cơ sở vùng nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội rất cần sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo ở địa phương, cần sự phối hợp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho thư viện (6).

__________________

1. UNESCO, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, en.unesco.org.

2. Chí Kiên, Tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, baochinhphu.vn, 4-11-2021.

3. Галактионова Т. Г. Чтение школьников как социально-педагогический феномен открытого образования (теоретико-методические основы исследования): моногр, СПб, 2007, 164 с. (Việc đọc sách của học sinh như một hiện tượng xã hội của giáo dục mở (cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu), Sách chuyên khảo, Xanh-pê-téc-pua, 2007, 164tr.

4. Перцовская. Р.Ф. Развитие культуры чтения - основа формирования нновационного мышления, Научно-исследовательский центр Информкультура, РГБ, viperson.ru, 30 мая 2012. (Pertsovskaya. R.F. Phát triển văn hóa đọc - cơ sở để hình thành tư duy đổi mới, Trung tâm nghiên cứu khoa học văn hóa thông tin, Thư viện Quốc gia Nga. viperson.ru, 30-5-2021).

5. Fredrick Wawire Otike. Reading culture, cultivation and its promotion among pupils: a Kenyan perspective, Kimathi University College of Technology, International Research Journal of Library, Information and Archival Studies, Vol. 1(1), August 2011, pp. 001-005. (Văn hóa đọc, rèn luyện và quảng bá văn hóa đọc trong học sinh: góc nhìn của người Kenya, Đại học Công nghệ Kimachi, Tạp chí nghiên cứu quốc tế thông tin, thư viện và lưu trữ, số 1, tháng 8-2021, tr.1-5).

6. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội trong đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Quốc gia, mã số QG.16.51.

TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;