Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động du lịch cộng đồng của người Giáy ở xã Tát Ngà (Hà Giang)

Người Giáy ở xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang bắt đầu làm du lịch cộng đồng từ năm 2016 đến nay. Trong 5 năm qua, loại hình du lịch cộng đồng đã có những tác động đến đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục của cộng đồng người Giáy nơi đây. Bài viết tập trung làm rõ các nguồn lực - những cơ sở, lợi thế của địa phương, cộng đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng; từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

1. Các nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng

Các nguồn lực tự nhiên

Xã Tát Ngà cách trung tâm huyện Mèo Vạc 17km, nằm trên đường tỉnh lộ nối liền huyện Mèo Vạc với huyện Yên Minh, huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang; huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng. Với đặc điểm vị trí địa lý thuận lợi, khách du lịch có thể dễ dàng di chuyển bằng các phương tiện như ô tô, xe máy từ trung tâm huyện Mèo Vạc nói riêng cũng như từ các hướng, địa phương khác đến xã Tát Ngà.

Mặc dù huyện Mèo Vạc nằm trong khu vực Công viên Địa chất toàn cầu - vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng Tát Ngà lại là một trong số ít xã nằm ở khu vực núi đất của huyện. Do vậy, dạng địa hình chủ yếu ở đây là núi đất, độ cao trung bình từ 700 đến 1.100m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình năm là 15,7oC, tháng cao nhất 19,7oC, thấp nhất là 12,9 oC. Một năm được chia làm hai mùa là mùa khô (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8). Tát Ngà phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Đặc điểm địa hình, khí hậu cho phép cộng đồng người Giáy phát triển các loại đặc sản của địa phương để phục vụ nhu cầu của du khách như gạo khẩu mang, mận tam hoa, hồng không hạt, các loại rau vụ đông…

Xã Tát Ngà có vùng hệ địa - sinh thái núi độc đáo và đa dạng; rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn lâm sản, có nhiều loại gỗ như: nghiến, thông đá và nhiều cây dược liệu quý như: đỗ trọng, sâm rừng, nấm linh chi… Rừng nơi đây là môi trường sống của các loại động vật hoang dã như: cầy hương, sóc, gà rừng cùng nhiều loài chim (khướu, họa mi...) tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động. Trên địa bàn của xã có sông, suối, thác nước, hang động núi đá vôi… tạo nên sự đa dạng, phong phú của sinh cảnh.

Như vậy, với đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên như khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, sông ngòi, rừng núi, xã Tát Ngà nói chung và địa bàn cư trú của người Giáy ở xã Tát Ngà hoàn toàn có khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Các nguồn lực văn hóa, xã hội

Theo số liệu thống kê năm 2020, người Giáy ở xã Tát Ngà có 209 hộ với 1.181 khẩu, chiếm 32,7% dân số cả xã (1.181/3.608). Trong đó, nữ có 565 người (47,5%), nam là 616 người (52,5%), người từ đủ 14 tuổi trở lên có 885 người (74,9%). Mặc dù, người Giáy chỉ chiếm hơn 40% dân số, là tộc người đông thứ hai của xã Tát Ngà, nhưng lại được đánh giá là điểm sáng, có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tham gia tích cực, tiên phong và có hiệu quả các phong trào như xây dựng văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… Theo kết quả điều tra của chúng tôi, tính đến cuối tháng 4-2021, toàn xã Tát Ngà có 100% trẻ em người Giáy được phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, gần 15% người từ 14 tuổi trở lên có trình độ 12/12; hơn 11% người từ 14 tuổi trở lên có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học), 100% gia đình người Giáy sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ có xe máy, 160 hộ có ti vi, 50 hộ gia đình sử dụng mạng internet, hơn 80% hộ gia đình có người sử dụng điện thoại di động.

Các hoạt động sinh kế truyền thống của người Giáy tương đối đa dạng và có nhiều biến đổi. Trong đó, canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang là hoạt động sinh kế lâu đời của người Giáy ở Tát Ngà. Cảnh quan của ruộng bậc thang và các hoạt động canh tác của người dân trở thành đối tượng nhận được sự quan tâm, thích thú của du khách, đáp ứng nhu cầu tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm của họ. Bên cạnh hoạt động canh tác lúa nước, người Giáy còn có hoạt động trồng ngô trên nương, làm vườn, trồng cây ăn quả, trồng rau màu theo vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Các hoạt động nông nghiệp góp phần đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho khách du lịch, nhất là các đặc sản của địa phương. Các nghề thủ công truyền thống như: dệt vải thổ cẩm và nấu rượu… cũng là nguồn lực quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, mua sắm, chụp ảnh, ăn uống của du khách.

Làng của người Giáy tương đối tập trung, gồm các xóm khác nhau. Mỗi xóm gồm vài chục nóc nhà sàn của các hộ gia đình có mối quan hệ thân tộc và láng giềng. Các thành viên trong làng, trong xóm có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, là điều kiện thuận lợi tạo nên sự đồng thuận xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển làng du lịch văn hóa cộng đồng. Hiện nay, các làng của người Giáy đều có nhà văn hóa - cộng đồng, thuận lợi để triển khai các sinh hoạt, học tập cộng đồng.

Từ TK XIX, khi đến định cư tại Tát Ngà, cộng đồng người Giáy Tát Ngà đã tạo nên được một sắc thái văn hóa riêng. Đến nay, cộng đồng người Giáy đã bảo lưu được hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tương đối đồ sộ. Hàng trăm ngôi nhà sàn truyền thống vẫn được giữ gìn trong không gian làng bản yên bình, xanh mát; các di tích lịch sử - văn hóa tín ngưỡng như miếu Ông, miếu Bà được trùng tu, tôn tạo; các lễ hội truyền thống như lễ Lồng tồng (xuống đồng), lễ Cơm mới, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu… được duy trì thường xuyên; các làn điệu dân ca - hát vươn, được các thế hệ bảo lưu và truyền dạy thông qua các câu lạc bộ văn nghệ dân gian… Tất cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên đều trở thành những điều kiện, tiền đề quan trọng, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở xã Tát Ngà.

2. Hoạt động du lịch cộng đồng của bản người Giáy xã Tát Ngà

Năm 2016, nhóm du khách đi phượt bị lạc đường đến thôn Tát Ngà, có nguyện vọng được ngủ lại để trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Lúc đầu các gia đình trong thôn không dám vì trước nay chưa có tiền lệ. Do vậy, họ đã báo cho ông Trần Văn Pảo là trưởng thôn Tát Ngà lúc bấy giờ. Ông Pảo cân nhắc và đồng ý cho nhóm khách tá túc trong nhà mình qua đêm (kết quả phỏng vấn tháng 4-2021). Từ sự tình cờ đó, gia đình ông Pảo như “có duyên”, nhiều nhóm du khách tự tìm đến trải nghiệm cuộc sống bản địa tại gia đình ông. Họ không chỉ thăm thú cảnh quan làng bản, lưu trú mà còn ăn uống, làm ruộng, cấy lúa, gặt lúa, làm nương… cùng gia đình, xem biểu diễn văn nghệ truyền thống của dân tộc Giáy như hát phươn, múa quạt, múa nón, múa trống.

 Vào mùa du lịch, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, đặc biệt là các ngày cuối tuần, khách du lịch về đông, ông Pảo giới thiệu và đưa khách sang lưu trú ở các gia đình trong xóm. Dần dần, hoạt động du lịch cộng đồng phát triển ở bản Tát Ngà với 12 hộ gia đình tham gia, khoảng 100 lao động. Đặc điểm của 12 hộ gia đình người Giáy làm du lịch cộng đồng: 7/12 hộ là các gia đình trẻ tuổi, chủ hộ dưới 40 tuổi; 9/12 gia đình có người là/ đã từng là cán bộ xã, thôn; 12/12 hộ gia đình chủ hộ có trình độ học vấn từ 12/12 trở lên. Tất cả 12 hộ gia đình đều có mối quan hệ thân tộc với nhau xung quanh 2 dòng họ là họ Vi và họ Trần nên có sự chia sẻ, hợp tác với nhau về lợi ích, mối quan hệ của họ càng chặt chẽ hơn. Đến năm 2018, sau một thời gian phát triển, các hộ gia đình đã đề xuất với thôn và xã về việc thành lập Làng du lịch cộng đồng. Sau khi được công nhận Làng du lịch văn hóa cộng đồng, từ năm 2018 đến nay, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Tát Ngà trở thành điểm mới, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nơi đây.

Mức thu nhập từ du lịch cộng đồng của các hộ gia đình và lao động tăng dần theo từng năm, góp phần vào thu nhập của gia đình, địa phương. Trung bình mỗi năm các hộ làm du lịch cộng đồng có mức thu nhập từ 70 đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, lượng khách và thu nhập từ du lịch cộng đồng bị sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các gia đình làm du lịch cộng đồng có thu nhập tương đối ổn định, góp phần nâng cao thu nhập (chiếm 1/3 tổng thu nhập) gia đình, cải thiện đời sống vật chất, xây dựng, trang hoàng lại nhà cửa, xây thêm các công trình hiện đại như bếp, nhà tắm nóng lạnh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, có điều kiện để quan tâm hơn đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, biến những di sản văn hóa truyền thống này trở thành nguồn lực quan trọng phát triển du lịch cộng đồng nói riêng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung; phụ nữ có thu nhập và thu nhập được tăng lên từ hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ Giáy trong gia đình và xã hội; một số thanh niên sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã được gia đình định hướng và chủ động học nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch, làm việc tại các cơ sở lưu trú, các khu du lịch một thời gian sau đó quay trở về làm nghề tại gia đình.

Khách du lịch sau khi tham gia, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người Giáy có thể đặt mua các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp như gà đen, gạo đặc sản khẩu mang, hoa quả theo mùa, rau sạch, rượu ngô, mận đỏ, mận vàng, hồng không hạt về làm quà, làm thực phẩm… Đây là một kênh/ hình thức bán hàng hiệu quả, vừa mang lại thu nhập kinh tế cao, vừa quảng bá được các sản phẩm, đặc sản của địa phương, hình thành các mạng lưới xã hội rộng hơn.

Bên cạnh những tác động tích cực, du lịch cộng đồng cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển bền vững của cộng đồng: tình trạng các hộ gia đình phá nhà sàn truyền thống, xây dựng nhà bê tông cốt thép để làm cơ sở lưu trú, phục vụ du khách, nhưng khách du lịch không có nhu cầu trải nghiệm ở cơ sở lưu trú hiện đại này. Do vậy, vừa ảnh hưởng đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa lãng phí, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du lịch; nguy cơ mai một tiếng Giáy - ngôn ngữ mẹ đẻ của cộng đồng trước sự xuất hiện của các ngôn ngữ khác; quá trình thương mại hóa các nghi lễ, làm mất đi tính thiêng…

Dựa trên các nguồn lực tự nhiên và xã hội, hoạt động du lịch cộng đồng ở Tát Ngà trong 5 năm qua đã đáp ứng được một số yêu cầu của du khách như: được nghỉ ngơi, hòa mình với thiên nhiên - rừng nguyên sinh với hệ sinh vật phong phú, sông suối uốn lượn xung quanh bản làng, khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, các hang động núi đá vôi hấp dẫn… Du khách được thưởng thức các đặc sản của địa phương do chính người dân bản địa chế biến trong chính không gian làng bản, nhà sàn truyền thống của các gia đình người Giáy.

Đồng thời, khách được tham quan, trải nghiệm các hoạt động mưu sinh của người Giáy như đi cày, đi cấy, đi làm cỏ, đi gặt trên ruộng bậc thang; đi bắt cá ở sông suối, nấu rượu, dệt vải…; được thưởng thức, thực hành các di sản văn hóa - văn nghệ dân gian như múa khăn, múa nón, múa quạt, múa kiếm, hát dân ca.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của du lịch cộng đồng ở bản người Giáy

Mặc dù phát triển ở cộng đồng người Giáy trong 5 năm trở lại đây, nhưng du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát, manh mún và mùa vụ. Hệ lụy của đặc điểm này là tính rủi ro rất cao, do nhiều nguyên nhân: bắt chước, mô phỏng người khác làm mà không lường trước được các yếu tố đầu vào - đầu ra, sự phức tạp của thị trường du khách, yếu tố dịch bệnh, tội phạm qua mạng internet… Khi gặp những rủi ro, người Giáy làm du lịch cộng đồng bị tổn thương nặng, khả năng hồi phục chậm hơn, niềm tin vào chính quyền, vào người khác bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã bộc lộ những nhược điểm của hoạt động du lịch cộng đồng tại Tát Ngà như tính thời vụ, tự phát, manh mún và thụ động trong hoạt động quản lý, bị động trong ứng phó với dịch bệnh…

Việc làm cấp thiết đối với các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn hiện nay là đưa ra quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng người Giáy xã Tát Ngà để giải quyết hài hòa bài toán giữa phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, kinh tế và chính trị, xã hội, văn hóa.

Thứ nhất, lồng ghép và gắn chặt các chỉ tiêu phát triển du lịch cộng đồng với phong trào xây dựng văn hóa cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới để có sự bổ trợ cần thiết về cơ sở hạ tầng, các chính sách về vốn, tín dụng, giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, quy hoạch không gian làng du lịch cộng đồng, trong đó, chú trọng việc bố trí, sắp xếp vị trí các bãi đỗ xe, thùng chứa rác thải sao cho khoa học, phù hợp với bối cảnh văn hóa. Vấn đề xử lý rác thải cần có phương án chi tiết. Môi trường đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rác thải được phân loại trong quá trình thu gom, xử lý là một trong những tiêu chí quan trọng để du khách đánh giá mức độ thu hút của điểm du lịch.

Thứ ba, phải đảm bảo tính nguyên bản của văn hóa địa phương như: cảnh quan, đường sá, nhà sàn gỗ, ngói âm dương, kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang, trồng cây ăn quả và rau màu, các nghề thủ công truyền thống… Mục đích lớn nhất là để du khách thực sự cảm nhận được sự nguyên sơ, được hòa mình vào thiên nhiên và tham dự một phần vào chính đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Để giải quyết được vấn đề này, cộng đồng phải chủ động với vị thế là chủ thể. Bên cạnh đó, cần sự tư vấn của các chuyên gia du lịch, văn hóa đối với chiến lược, chương trình phát triển, tránh tình trạng phát triển tự phát, phát triển nóng, phá hủy, làm biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường. Mô hình tối ưu sẽ là sự kết hợp của các nhóm đối tượng: người dân, cộng đồng Giáy - chủ thể; chính quyền, cơ quan quản lý - hỗ trợ; chuyên gia - tư vấn; xã hội - đồng thuận, ủng hộ.

Thứ tư, để người Giáy thực sự phát huy được vị thế của chủ thể, cần chú trọng đến công tác đào tạo người lao động, giáo dục, tuyên truyền về sức mạnh của văn hóa truyền thống, hoạt động du lịch cộng đồng… Hơn 100 người tham gia phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng chưa được đào tạo một cách chính quy, chuyên nghiệp nên chất lượng của đội ngũ lao động này còn nhiều hạn chế, nhất là về nghiệp vụ du lịch. Do vậy, chính quyền các cấp, các ban ngành như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung tâm xúc tiến việc làm… cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo về du lịch cộng đồng cho người dân để họ có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng hiệu quả; tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình du lịch cộng đồng; đào tạo phải đi kèm với kiểm tra, đánh giá, cung cấp chứng chỉ, bồi dưỡng thường xuyên.

Thứ năm, phải xây dựng, bổ sung hương ước thôn bản, trong đó gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới. Bước đầu có những quy ước về sự tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ, cá nhân làm du lịch; sự đóng góp của các hộ làm du lịch với cộng đồng; thành lập và sử dụng quỹ du lịch cộng đồng; quy định hoạt động về thời gian, không gian; cơ chế xử lý khi các hộ, cá nhân vi phạm quy định, quy ước… để xây dựng một cộng đồng làm du lịch thực sự văn minh, tiến bộ, nhân văn.

Thứ sáu, người dân chưa có sự hỗ trợ, tư vấn cần thiết, kịp thời về mặt pháp lý, nguồn vốn, mô hình tổ chức… Mặc dù quỹ tín dụng, ngân hàng có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể vay vốn, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nhưng số vốn được vay còn ít, chưa đủ để đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng thương hiệu, phát triển mảng truyền thông, quảng bá… Tất cả những khó khăn này cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và sự chung tay xã hội hóa từ những tổ chức, cá nhân có nhiều kinh nghiệm.

Thứ bảy, hiện nay các hộ làm du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch ở Hà Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Chỉ khi nào kết nối được với các doanh nghiệp, công ty du lịch thì khi đó người làm du lịch cộng đồng ở Tát Ngà mới đứng chân trong thị trường du lịch năng động ở Việt Nam theo đúng phương châm “buôn có bạn, bán có phường”, tránh khỏi những rủi ro do mô hình nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.

Thứ tám, nhà văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2009 nhưng hiệu suất sử dụng rất thấp. Do đó, trong thời gian tới, phải có kế hoạch cụ thể đưa nhà văn hóa vào khai thác trong không gian phát triển du lịch cộng đồng như trình chiếu phim, trưng bày, triển lãm ảnh về sự phát triển của xã Tát Ngà, về văn hóa người Giáy; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề thêu dệt; trình diễn dân ca dân vũ; đốt lửa trại… Cộng đồng làm du lịch phải xây dựng được thương hiệu cho những đặc sản, sản vật đặc trưng của người Giáy thành các mặt hàng kỷ niệm, làm quà biếu, tặng sang trọng cho du khách.

Tóm lại, trong thời gian tới, để du lịch cộng đồng khắc phục được những nhược điểm, phát huy được lợi thế và phát triển hiệu quả, bền vững, trở thành sinh kế của người Giáy ở xã Tát Ngà, rất cần sự đồng thuận, chủ động, tích cực, dám nghĩ dám làm của chính người dân xã Tát Ngà, sự chung tay góp sức, hỗ trợ của các chuyên gia du lịch, văn hóa, kinh tế, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, khoa học, hiệu quả bằng các chương trình, đề án của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của xã hội.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tát Ngà, Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tát Ngà (1963-2015), 2019.

2. Công an xã Tát Ngà, Bảng thống kê nhân hộ khẩu thường trú theo dân tộc và phân loại nhân khẩu xã Tát Ngà, 2021.

3. Lê Duy Đại, Triệu Đức Thanh, Các dân tộc ở Hà Giang, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.

4. Đảng ủy xã Tát Ngà, Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2021, phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2021, số 49-BC/ĐU, 2021.

5. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) (tái bản, bổ sung), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.

Ths LÊ THỊ THANH NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;