Sự lựa chọn hình thức du lịch văn hóa tâm linh của du khách tại Côn Đảo

Bài viết tiến hành nhận diện đặc điểm cũng như thực trạng của hoạt động du lịch văn hóa tâm linh tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông qua việc sử dụng dữ liệu nghiên cứu của tác giả từ năm 2008 đến nay với nghiên cứu lịch đại và phương pháp nghiên cứu quan sát tham dự, kết hợp giữa khảo sát bảng hỏi định lượng với số lượng là 100 du khách và phỏng vấn trực tiếp 5 đối tượng có liên quan. Kết quả khảo sát cho thấy, du lịch Côn Đảo là loại hình du lịch kết hợp, trong đó loại hình du lịch văn hóa tâm linh giúp du khách kết hợp cả mục đích du lịch với mục đích tâm linh.

1. Thực trạng hoạt động du lịch văn hóa tâm linh tại Côn Đảo

Phần lớn các điểm du lịch Côn Đảo đều có ít nhiều liên quan đến các yếu tố tâm linh. Những câu chuyện huyền thoại tưởng chừng như không có thật nhưng nó vẫn hiện hữu trong đời sống tâm linh của người dân Côn Đảo từ bao đời nay, như chuyện về bà Phi Yến tại An Sơn Miếu, chị Võ Thị Sáu, hay chuyện về những người yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo vẫn hằng ngày linh thiêng, phù hộ cho người dân trên đảo và khách du lịch khi đến đây... Bà Phi Yến được xem như là một vị phúc thần che chở cho người dân Côn Đảo. Chị Võ Thị Sáu được người dân Côn Đảo tôn vinh và thờ cúng trong nhà như một nữ thần bảo hộ. Các ngày lễ lớn hay ngày giỗ của những người đã mất tại Côn Đảo không chỉ mang yếu tố tâm linh đặc biệt đối với đời sống tâm linh của người dân trên đảo, mà còn là dịp để người dân cả nước hướng về hòn đảo thiêng liêng. Côn Đảo là vọng gác tiền tiêu phía Nam, Đông Nam canh giữ bình yên cho đất nước, nơi hàng triệu người Việt Nam đang khát khao được đến với tấm lòng thành kính và tri ân.

Du khách đến với Côn Đảo có đủ lứa tuổi, tầng lớp, giới tính và ngành nghề khác nhau trong xã hội. Mục đích của họ với đến với Côn Đảo để tham quan, khám phá, học tập nghiên cứu và nghỉ dưỡng. Theo báo cáo của huyện Côn Đảo, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2015 đạt 18,41%/năm. Cụ thể, năm 2010, toàn huyện đón 40.323 lượt khách (3.793 lượt khách quốc tế), đến năm 2013 là 89.333 lượt (19.234 lượt khách quốc tế). Năm 2014, huyện Côn Đảo đón hơn 90.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (1). Từ năm 2017-2019, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng trưởng bình quân trên 20%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân 15,5%/năm. Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.294,19 tỷ đồng, tăng 6,59%; có 345.000 lượt khách du lịch đến Côn Đảo, tăng 6,72% (2). Hoạt động du lịch tâm linh ở Côn Đảo được nhiều công ty kinh doanh và khai thác như: Sài Gòn Iourist, Fidi Iourist, Du lịch Việt, Chợ Lớn Iourist… Ngoài ra, còn có những công ty chuyên tổ chức land tour cho nhiều công ty du lịch không trực tiếp thực hiện tour tại Côn Đảo như: Công ty Du lịch Biển Côn Đảo, Công ty Du lịch Phù Viên, Công ty Du lịch Cuộc sống Côn Đảo…

Du khách lựa chọn du lịch văn hóa tâm linh tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bởi các lý do sau:

Côn Đảo - một địa danh nổi tiếng: Tác giả đã khảo sát trên 100 du khách với nhiều lựa chọn, có 41% du khách đã biết đến địa danh Côn Đảo về sự nổi tiếng, 38% qua các sự kiện lịch sử, 62% quảng cáo từ công ty du lịch, 25% từ truyền miệng và 10% từ kênh khác. Trong số 100 người được hỏi với nhiều lựa chọn khi đến tham gia du lịch tại Côn Đảo, có 72% du khách trả lời do yếu tố tâm linh.

Những năm gần đây, Côn Đảo nổi tiếng là một vùng đất linh thiêng, đặc biệt là sự linh thiêng của chị Võ Thị Sáu đã khiến nhiều du khách trong nước muốn tìm đến tham quan và trải nghiệm. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là sản phẩm chính của du lịch Côn Đảo.

Sự phong phú về các giai thoại truyền miệng: Côn Đảo không những giàu tài nguyên thiên nhiên, phong phú về thắng cảnh, di tích lịch sử mà còn giàu về các câu chuyện và giai thoại được người dân truyền miệng qua bao đời. Đồng hành cùng lịch sử Côn Đảo là sự hiện diện của con người. Những chủ nhân của vùng đất này đã lưu lại nhiều địa danh văn hóa: núi Chúa, Cỏ Ống, An Hải, An Hội, đầm Tre, Ông Đụng, Ông Câu, hòn Cau, hòn Trác, hòn Tài, hòn Trứng, đầm Trầu, Đất Dốc… Những địa danh ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, niềm tự hào của người dân địa phương và được lưu truyền trong dân gian Côn Đảo cho đến ngày nay. Những cái tên nghe dân dã, mộc mạc nhưng chứa đựng tâm tư, tình cảm, khát vọng tình yêu, cùng những nỗi trắc trở, éo le trong cuộc sống, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho huyện đảo.

Sự linh thiêng của Cô Sáu: Khu mộ của chị Võ Thị Sáu được nhiều du khách đến tham quan nhất. Theo khảo sát của tác giả, có đến 97% du khách viếng mộ chị Võ Thị Sáu khi ra Côn Đảo. Đối với du khách, sự linh thiêng của chị Võ Thị Sáu là có thật và trong thâm tâm của mọi người, sự linh thiêng đó được thể hiện theo từng cách riêng biệt. Phần lớn du khách đều có niềm tin vào sự linh thiêng của chị Võ Thị Sáu, du khách nào đến Côn Đảo cũng vào thắp hương cho chị. Phần mộ của chị Võ Thị Sáu lúc nào cũng có hoa tươi, nhiều lễ vật được dâng cúng và khói hương không bao giờ ngớt. Sự linh thiêng của chị Võ Thị Sáu là tâm điểm cho du lịch tâm linh của Côn Đảo…

Sự linh thiêng của những anh hùng liệt sĩ: Sự linh thiêng của những người đã khuất ở Côn Đảo được truyền miệng từ những người đã từng trải qua vô vàn điều kỳ bí. Anh Hoài Nam làm hướng dẫn viên ở Côn Đảo từ năm 2009 đến nay cho biết: “Ở đây, bọn mình không tuyên truyền về tâm linh, mình chỉ kể những câu chuyện, những người hy sinh vì đất nước bên cạnh đó có những giai thoại gắn liền với những câu chuyện tâm linh, mình không thêu dệt thêm lên để tuyên truyền quảng bá, những cái này là sự thật truyền lại từ xa xưa đến nay, mình cũng kể lại cho khách”. Sự thật về sự linh thiêng của những câu chuyện được truyền miệng ở Côn Đảo có thật hay không thì tùy thuộc vào ý niệm tâm linh ở mỗi người. Nhưng hiện nay, sự linh thiêng của Côn Đảo được nhiều du khách truyền miệng cho nhau và ngày càng được nhân rộng trong công chúng. Đối với những du khách được tác giả khảo sát, họ đều có cùng một cảm nhận và một câu trả lời khi được hỏi rằng họ có tin sự linh thiêng ở Côn Đảo không, họ đều trả lời là tin, nhưng tin ở mức độ nào còn tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân của mỗi người. Vợ chồng anh Hùng đến từ Hà Nội cho biết: “Mình đi ra đây là vì có tâm với các anh hùng liệt sĩ là chính. Với lại người ta hy sinh như thế, và mất mát như thế, mình có dịp đi nên mình đi vì lễ đạt tâm thành và dâng hương. Anh chị cũng hay đi các nghĩa trang khác như nghĩa trang Trường Sơn, Đường Chín, Thành Cổ ở Quảng Trị và có dịp thì anh chị cũng rất muốn vào những nơi như thế”...

Ảnh hưởng của sự quảng bá hình ảnh về Côn Đảo của các công ty du lịch:

Hiện nay, hình ảnh Côn Đảo được quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh của Côn Đảo ở nhiều nơi trên các kênh truyền thông này và đặc biệt, chúng ta sẽ thấy hình ảnh Côn Đảo trên nhiều trang web du lịch của các công ty lữ hành. Phần lớn các công ty lữ hành hiện nay đều có trang web riêng và trên các trang này đều dành riêng những trang để giới thiệu về Côn Đảo và những sản phẩm du lịch của Côn Đảo. Ngoài ra, việc quảng bá hình ảnh của Côn Đảo còn được thực hiện thông qua sự truyền miệng của hướng dẫn viên tại Côn Đảo. Họ là nhân tố trực tiếp để quảng bá hình ảnh của Côn Đảo đến du khách. Họ giới thiệu và cung cấp những thông tin cần thiết cho du khách, giúp du khách hiểu sâu hơn về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người và đặc biệt là về văn hóa tâm linh. Từ đây, du khách lại truyền miệng cho người thân, bạn bè về hình ảnh Côn Đảo mà mình đã được nghe qua, nhìn thấy và trải nghiệm.

2. Những suy nghĩ về du lịch văn hóa tâm linh tại Côn Đảo

Về tính văn hóa và tâm linh của du lịch tâm linh tại huyện Côn Đảo

Khách du lịch đến Côn Đảo với nhiều mục đích khác nhau, nhưng du khách tham gia vào hoạt động tâm linh chiếm đến 72%, trong đó du khách có viếng mộ chị Võ Thị Sáu chiếm đến 97% trên 100 mẫu khảo sát. Mỗi du khách đều có những tâm nguyện riêng, nhưng tâm nguyện chung của họ khi tham gia chương trình du lịch văn hóa tâm linh là sự ngưỡng mộ, tạ ơn và đền đáp công ơn của những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Qua sự quan sát, tham dự và tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi thấy du khách rất vui vẻ và phấn chấn khi được viếng mộ chị Võ Thị Sáu và nghĩa trang Hàng Dương.

Đối với những du khách mới đến lần đầu, họ rất ngạc nhiên khi nghĩa trang Hàng Dương đông và nhộn nhịp vào lúc nửa đêm. Đến đây, không khí linh thiêng bao trùm cả một khu vực, khói nhang nghi ngút, không gian mờ ảo và từng đoàn người lui tới đông đúc như ban ngày. Họ bắt đầu đến viếng tượng đài rồi sang phần mộ chị Võ Thị Sáu, kế đến là một sự gửi gắm tâm nguyện và mong ước của mình với những người đã khuất. Đối với những du khách đến đây từ hai lần trở lên, họ rất thông thạo việc cúng kiến, họ trình bày vật lễ và khấn vái cũng có bài bản hơn. Phần lớn họ đến đây để trả lễ sau khi đã đạt được tâm nguyện ở lần cầu xin trước… Du khách đến đây lần đầu hay nhiều lần đều có một mong ước chung đó là sẽ quay trở lại Côn Đảo.

Sự tiếp nối văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Du lịch văn hóa tâm linh ở Côn Đảo đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của phần lớn người dân địa phương và du khách. Du lịch tâm linh Côn Đảo không chỉ giúp du khách thỏa mãn các nhu cầu về tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng... mà còn thể hiện niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng. Du lịch tâm linh ở Côn Đảo dựa vào nét văn hóa truyền thống của dân tộc và mang đậm tính nhân văn. Du khách tham gia vào hoạt động tâm linh với tinh thần tự nguyện và luôn hướng đến sự tri ân đối với những bậc tiền nhân và những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Du lịch tâm linh ở Côn Đảo không chỉ thỏa mãn được các nhu cầu về tinh thần của du khách mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục văn hóa, ý thức của người dân địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch. Lễ hội giúp cho người tham gia hiểu rõ hơn về truyền thống của dân tộc, về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và ý chí quật cường của thế hệ cha ông. Những lễ hội từ tôn giáo, dân gian cho đến hiện đại đều có tác dụng nhắc nhở, khôi phục các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và giúp thế hệ tương lai cảm thấy tự hào hơn về quê hương, đất nước.

Những điểm tham quan tâm linh của Côn Đảo gắn liền với niềm tin tín ngưỡng của người dân địa phương và của khách du lịch. Việc hướng đến những hoạt động tín ngưỡng, tin tưởng vào “sự hiển linh” ở mức độ phù hợp cũng là cách để con người có thêm niềm tin, nghị lực để tồn tại và phát triển. Đồng thời, nếu loại bỏ các yếu tố như mê tín, dị đoan để nhìn nhận đúng về vấn đề, thì du lịch tâm linh sẽ giúp con người cảm thấy yêu hơn các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc (chẳng hạn như nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hát bội trong cúng đình và những nghi thức rước kiệu hay nghệ thuật múa lân trong các lễ hội).

Như vậy, nếu được khai thác theo hướng tích cực, phù hợp thì du lịch văn hóa tâm linh ở Côn Đảo sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc giáo dục các giá trị văn hóa nói chung và những giá trị văn hóa tinh thần nói riêng cho tất cả mọi người, góp phần giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của dân tộc.

 3. Kết luận

Nghiên cứu về du lịch văn hóa tâm linh ở huyện Côn Đảo thông qua hoạt động du lịch của du khách để lý giải tại sao du khách tham gia vào hoạt động du lịch tâm linh ở Côn Đảo, tác giả rút ra các kết luận:

Thứ nhất, về đặc trưng của du lịch văn hóa tâm linh ở Côn Đảo là một vùng đảo xa bờ, các hoạt động của con người chưa làm biến đổi lớn về mặt tài nguyên tự nhiên cũng như nhân văn. Chính vì thế, Côn Đảo vẫn còn khá hoang sơ và giữ được nét đặc trưng riêng. Với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú cùng hệ thống di tích lịch sử vô giá cho phép phát triển loại hình du lịch biển đảo và du lịch văn hóa - lịch sử, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh.

Thứ hai, nguồn gốc của hoạt động du lịch tâm linh của Côn Đảo gắn liền với đặc điểm vănhóa tâm linh nói chung của người dân Việt Nam. Văn hóa tâm linh là tất cả những gì sâu thẳm trong tâm thức của mỗi con người, nó sâu lắng, cao quý, linh thiêng và siêu việt. Văn hóa tâm linh giúp con người thỏa mãn đời sống tinh thần, cảm thấy an tâm, hưng phấn và cái thiện cũng từ đó mà nảy nở. Hay nói cách khác, văn hóa tâm linh là cơ sở hình thành đức tin, mà con người sống phải có đức tin. Do đó, nó hiển nhiên trở thành một phần quan trọng trong đời sống con người.

Thứ ba, nhìn từ góc độ văn hóa tâm linh của các hoạt động tín ngưỡng đã và đang diễn ra tại Côn Đảo, du lịch đã góp phần làm phong phú, đa dạng các hình thức tín ngưỡng dân gian nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cá nhân và cộng đồng. Nhìn từ góc độ khách du lịch, họ đến vùng đất Côn Đảo với nhiều mục đích khác nhau, trong đó tín ngưỡng cầu sự may mắn cho chính bản thân, bình yên trong gia đạo, vững chắc về kinh tế… (yếu tố văn hóa tâm linh), thực hiện các nghi lễ cầu siêu cho các chiến sĩ, vong hồn xưa kia đã nằm lại trên mảnh đất này (yếu tố xã hội) là những mục đích thiêng liêng. Như vậy, tín ngưỡng dân gian là những niềm tin, tập tục được truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều phương thức: cúng bái, nghi lễ.           

Tâm linh ở Côn Đảo ngày nay không chỉ có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tâm linh của cư dân bản địa, mà còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động của du khách khi đến tham quan Côn Đảo. Du khách tham gia vào du lịch văn hóa tâm linh ở Côn Đảo để thể hiện niềm tin của mình đối với nhân vật mà họ tôn kính như bà Phi Yến, chị Võ Thị Sáu và hàng ngàn vong linh của anh hùng liệt sĩ. Du khách tìm đến loại hình này cũng có những đặc điểm riêng về độ tuổi, giới tính, trình độ... Động cơ đi du lịch của du khách cũng xuất phát từ những lý do khác nhau, nhưng đều có chung mục đích là mong muốn được thực hiện các lễ nghi tại những điểm văn hóa tâm linh ở Côn Đảo. Du khách tham gia vào hoạt động tâm linh với tinh thần tự nguyện, luôn hướng đến sự tri ân đối với những bậc tiền nhân và những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Đây là cử chỉ cao cả và tốt đẹp của một nền văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của Việt Nam. Hoạt động du lịch văn hóa tâm linh của du khách tại Côn Đảo phù hợp với tư tưởng, đạo đức tiến bộ của người Việt Nam từ xa xưa. Những hoạt động ấy đã và đang mang lại cho thế hệ sau một lối sống tích cực trong bộn bề cuộc sống hôm nay. Đó là một ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn hướng con người hiện đại trở về với cội nguồn dân tộc, hướng đến chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

___________________

1. vietnamtourism.gov.vn, truy cập ngày 20-8-2021.

2. Ánh Huyền TH, Phát triển du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững, vovworld.vn, 19-12-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa, Nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001.

2. Ban quản lý di tích Côn Đảo, Sơ lược về khu di tích lịch sử và những truyền thuyết về Côn Đảo - Tài liệu hỏi đáp về biển đảo Việt Nam, Phòng Tuyên truyền, Ban tuyên truyền Thành ủy TP.HCM xuất bản, 2013.

3. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa Tâm linh, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 1996.

4. Nguyễn Duy Hinh, Tâm linh Việt Nam, Nxb Viện Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2007.

5. Nguyễn Duy Hùng, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Côn Đảo 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.

6. Lê Thị Lợi, Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch Huyện Côn Đảo, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, TP.HCM, 2009.

7. Nguyễn Hồng Mai, Côn Đảo - di tích và danh tháng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1999.

8. Nhiều tác giả, Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo, Nxb Phụ Nữ, TP.HCM, 2011.

9. Lê Hữu Phước, Nhà tù Côn Đảo (1862-1930), Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.HCM, 2006.

10. Vũ Văn Thoại, Hồn thiêng Côn Đảo, Nxb Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, TP.HCM, 2012.

11. Nguyễn Đình Thống, Côn Đảo từ góc nhìn lịch sử, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 2012.

12. Nguyễn Đình Thống, Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 2012.

NGUYỄN LÊ PHƯƠNG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;