Bảo vệ di sản văn hóa tộc người trong phát triển du lịch cộng đồng: Bài học của bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình)

Trong những năm gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đây được coi là một giải pháp nhằm thúc đẩy các dân tộc anh em bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.

1. Đặt vấn đề

Một số cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch cộng đồng đã đạt được những thành công như: thu hút số lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng đã tìm đến đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, làm thay đổi diện mạo của những vùng bản làng dân tộc thiểu số nơi đây.

Các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như ở Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Ba Bể (Bắc Kạn) đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế tìm đến mỗi năm, trở thành “kiểu mẫu” phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi phía Bắc, được nhiều địa phương đến tham quan học tập.

Không thể phủ nhận du lịch cộng đồng đã giúp nhiều hộ gia đình nâng cao mức sống, thoát khỏi đói nghèo; nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, khơi dậy niềm tự hào và mong muốn bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc mình cũng được tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công về mặt kinh tế, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng hiện nay dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ ràng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Tại không ít địa điểm du lịch cộng đồng, các di sản văn hóa của cộng đồng địa phương vẫn đang bị mai một dần. Người dân không còn duy trì thực hành di sản văn hóa như trước, mà thay vào đó, họ chỉ quan tâm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch. Có lúc, có nơi, người dân chưa nâng cao trách nhiệm trong việc giới thiệu, kinh doanh sản phẩm dịch vụ văn hóa, khiến cho khách du lịch nhận thức sai lệch về di sản văn hóa của cộng đồng. Chưa kể, một số chính sách của địa phương và dự án đầu tư của các doanh nghiệp bên ngoài cộng đồng do không có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, tiếp cận phù hợp nên gây ra những khó khăn cho cộng đồng trong việc duy trì và vận hành tập quán xã hội truyền thống.   

Trường hợp bài học phát triển du lịch cộng đồng ở bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình dưới đây là một ví dụ cho thấy tác động tiêu cực của việc mai một bản sắc văn hóa đối với phát triển du lịch cộng đồng. Từng là địa điểm đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi phía Bắc Việt Nam, bản Lác được ví như điểm đến hấp dẫn hàng đầu để du khách khám phá đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái Mai Châu. Nhờ phát triển du lịch, bản Lác đã thay đổi nhanh chóng, từ một cộng đồng đói nghèo, giờ đây trở thành một cộng đồng có đời sống kinh tế khá giả của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, do phát triển du lịch quá nhanh, lại chưa làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng xã hội cũng như chưa có giải pháp quyết liệt để bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người, cảnh quan thiên nhiên, nên bản Lác đang dần mất đi lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh phát triển du lịch chất lượng cao. Từ vị trí dẫn đầu về số lượng khách du lịch quốc tế, bản Lác hiện nay đang bị mất dần nguồn khách này, thua kém hơn các bản khác trong khu vực.

Để bù đắp nguồn thu, cộng đồng bản Lác chuyển sang hướng tập trung cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, nguồn khách du lịch nội địa cũng đang có xu hướng dịch chuyển sang những bản làng khác nằm cạnh đó. Những bản này, vốn có lợi thế về quỹ đất và cảnh quan thiên nhiên, đã tranh thủ cơ hội, đầu tư các sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang bản sắc văn hóa địa phương rõ nét hơn. Ngày càng có nhiều khách du lịch có khả năng chi tiêu cao tìm đến đây để hưởng thụ không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh, thoáng đãng, không khí trong lành bởi có nhiều cây xanh và trải nghiệm di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng địa phương. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhạy bén kinh doanh đã nhanh chóng tìm đến đầu tư để đón dòng khách này.

2. Giới thiệu về điểm đến du lịch cộng đồng bản Lác

Theo lời kể của những người cao tuổi trong bản Lác, hộ gia đình đầu tiên đón khách du lịch từ thập niên 70 của thế kỷ trước, khi các đoàn chuyên gia Liên Xô lên xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình (1). Ban đầu chỉ có 1 hộ trong bản thường xuyên nhận khách tham quan, cung cấp chỗ nghỉ và ăn uống cho khách.

Trong những năm ấy, khách chuyên gia Liên Xô rất thích đến bản Lác bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, suối trong, không gian yên tĩnh do các hộ gia đình thường ở cách xa nhau. Đặc biệt, bản có nhiều ao nhỏ xung quanh các khuôn viên nhà sàn. Do đó, khách đến bản khi muốn ăn cá, dễ dàng chọn lựa, đánh bắt cá lên để chế biến làm các món ăn tại nhà sàn. Bản Lác bấy giờ vẫn còn duy trì tập quán sản xuất nông nghiệp truyền thống với hệ thống thủy lợi “mương, phai, lái, lịn” mang đậm nét văn hóa Thái. Xung quanh bản có nhiều cọn nước to, máng nước dẫn nước từ suối về tận các gia đình phục vụ sinh hoạt. Có nhiều cối giã lúa sử dụng sức nước được người dân bố trí quanh bản. Trong bản có nhiều cây to được người dân trồng lấy bóng mát. Bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, các gia đình còn có nghề phụ là đan lát mây tre và dệt, thêu thổ cẩm. Việc làm thổ cẩm chủ yếu được thực hiện bởi những người phụ nữ trong gia đình. Khách chuyên gia Liên Xô rất thích mua sản phẩm trang phục truyền thống, chăn và túi thổ cẩm của người Thái làm quà kỷ niệm. Một số hộ dân thường bán thổ cẩm do gia đình tự sản xuất cho họ mang về. Thời điểm này, ở khu vực miền núi phía Bắc, bản Lác là một trong số rất ít những địa phương có dịch vụ đón khách du lịch tham quan và ngủ tại cộng đồng, mặc dù số lượng khách đến bản hiếm khi vượt quá chục người và thời gian đến không cố định.

Du lịch cộng đồng chỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở bản Lác từ sau năm 2000. Đây cũng là thời điểm khách du lịch phương Tây đến bản Lác ngày càng đông, trong khi khách du lịch từ Liên bang Xô Viết giảm mạnh. Khách du lịch quốc tế và nội địa đến đây có mục đích khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu tập quán sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Thái. Do nằm ở gần quốc lộ 15 nên du khách đến Bản Lác từ thành phố Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận khá thuận lợi.

Hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế đến bản Lác được khám phá, trải nghiệm các sản phẩm và nhiều dịch vụ chính như:

Mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm: các sản phẩm hàng hóa rất đa dạng, bao gồm các mặt hàng nông, lâm thổ sản như mật ong; măng; mắc khén; nấm…; trang phục quần, áo, váy, mũ, khăn, túi, vòng trang sức được người Thái bản Lác giới thiệu là của dân tộc Thái, Dao và Mông; dụng cụ săn bắn, hái lượm (như nỏ, dao, giỏ, gùi…); đồ chơi dành cho trẻ em các loại…

Lưu trú ở nhà sàn hoặc nhà trọ của các hộ gia đình: nhà sàn  của người Thái được thiết kế đặc trưng với mái lợp rạ hoặc lợp ngói, tôn và sàn lát tre. Khách ngủ ở nhà sàn sẽ được chủ nhà chuẩn bị gối, đệm, chăn, màn (nhưng yêu cầu không cho nằm ở gian giữa và quay chân về phía ban thờ). Nhiều nhà sàn hiện nay đã bố trí nhà vệ sinh và phòng tắm nóng lạnh, mạng internet không dây tốc độ cao. Một số nhà sàn còn cho phép du khách đun nấu, ăn uống ngay trên nhà sàn. Ngoài nhà sàn tập thể, một số nhà sàn thiết kế phòng riêng (nhưng vệ sinh vẫn dùng chung) cho những người muốn có không gian riêng tư. Những phòng riêng thường được chủ nhà làm kín hơn và trang bị máy điều hòa không khí.

Dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe: các dịch vụ spa, massage, tắm lá thuốc dân tộc.

Ẩm thực truyền thống của dân tộc Thái hoặc chế biến món ăn theo yêu cầu của du khách: các món ăn truyền thống phổ biến là cơm lam, cá suối nướng; măng đắng, măng chua nấu với các món thịt, cá; thịt lợn, thịt gà đồi nướng xiên; xôi nếp nương hoặc xôi ngũ sắc; thịt trâu nấu lá nồm; nậm pịa; tiết canh bò; nhộng ong xào măng; nước lá phao… kết hợp với đồ uống là rượu do người địa phương nấu.

Dịch vụ leo núi: du khách tự do đi bộ khám phá các ngọn núi quanh bản Lác.

Đi xe điện tham quan 8 bản của người Thái, giáp với bản Lác, thuộc 3 xã của huyện Mai Châu.

Đi bộ hoặc đi xe đạp tham quan các bản: các bản được du khách tham quan thường xuyên như bản Lác, Pom Coọng, Văn, Nhót, Na Phon.

Thưởng thức văn nghệ do đội nghệ thuật quần chúng của bản Lác trình diễn: buổi tối, du khách có thể thuê đội văn nghệ xã bản do những người phụ nữ Thái đến múa xòe, thổi khèn, nhảy sạp và uống rượu cần tại nhà sàn. Chương trình văn nghệ múa, hát phục vụ khách du lịch của đội văn nghệ xã bản thường có tiết mục: múa dân tộc Thái, múa dân tộc Mông, múa dân tộc Dao, được giới thiệu là đại diện cho các điệu múa dân gian của các dân tộc anh em sinh sống ở huyện Mai Châu.

Sinh hoạt đốt lửa trại, ẩm thực dân giã và thưởng thức âm nhạc ngoài trời: du khách có thể mua củi, ngô khoai, thịt và thuê thiết bị âm thanh, loa đài tại nhà dân để sử dụng. Vị trí đốt lửa là ngoài sân bãi công cộng ở ngoài khuôn viên cư trú của các hộ gia đình trong bản.

Tham quan cơ sở sản xuất mặt hàng thổ cẩm: xã Chiềng Châu có 2 hợp tác xã sản xuất dệt thổ cẩm. Trong đó, 1 hợp tác xã đặt tại bản Lác. Một số hộ gia đình xã viên, hợp tác xã có đặt khung cửi và xã viên dệt thủ công thổ cẩm để phục vụ khách du lịch tham quan và mua sản phẩm. Các mặt hàng trang phục dân tộc và thổ cẩm có hai nguồn cung cấp: từ các hợp tác xã và từ bên ngoài địa phương. Nguồn thổ cẩm do các cơ sở hợp tác xã sản xuất chủ yếu dành để xuất khẩu sang các nước châu Âu, còn nguồn sản phẩm từ các địa phương bên ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp lấy từ Hà Nội gửi lên bán tại các gia đình ở bản Lác.

Trải nghiệm không gian và dịch vụ chụp ảnh trong khu vực trồng hoa, nghệ thuật sắp đặt: Như khu vườn hoa tam giác mạch, cầu chong chóng, ghế đu; cọn nước…

Điểm vui chơi dành cho trẻ em: có khu trò chơi thiếu nhi.

Nguồn nhân lực làm du lịch ở bản Lác tăng nhanh trong những năm gần đây cùng với sự gia tăng số lượng khách du lịch nội địa mạnh mẽ. Ngoài nhân lực lao động xuất thân từ các gia đình thuộc cộng đồng, bản còn sử dụng lực lượng lao động là những người thuộc các xã, bản khác và người không phải dân tộc Thái tham gia phục vụ khách. Lực lượng lao động du lịch của bản Lác được chính quyền và cơ quan chuyên môn thuộc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mai Châu, UBND xã Chiềng Châu hỗ trợ tập huấn kiến thức và kỹ năng làm du lịch cộng đồng.

Theo số liệu thống kê khảo sát khách du lịch do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện năm 2018, phần lớn khách du lịch tham quan bản Lác trong thời gian 2 ngày 1 đêm. Đây cũng là thời gian trải nghiệm phổ biến của khách du lịch đến các điểm du lịch cộng đồng khác ở huyện Mai Châu. Khách du lịch đi theo đơn vị lữ hành hoặc tự đi phương tiện cá nhân đến bản Lác. Phần lớn số khách đi theo đơn vị lữ hành đến bản Lác là do các công ty từ Hà Nội cung cấp. Họ phối hợp với chủ hộ gia đình trong bản cung cấp dịch vụ chỗ ở và ăn uống trong thời gian khách lưu trú tại đây.

3. Những mặt hạn chế trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở bản Lác 

Du lịch cộng đồng ở bản Lác phát triển sớm hơn các điểm du lịch cộng đồng khác của tỉnh Mai Châu nên được nhiều người biết đến. Người dân nơi đây tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm du lịch. Bản Lác có địa hình bằng phẳng lại nằm ở vị trí trung tâm xã, gần tuyến đường giao thông, nên có lợi thế trong việc đón tiếp khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng lần đầu.

Địa phương đã biết tận dụng khai thác di sản văn hóa dân tộc Thái như: nhà sàn truyền thống, nghề làm thổ cẩm, nghệ thuật dân gian, ẩm thực dân gian… để thu hút khách du lịch. Trong thời gian qua, số lượng khách du lịch tìm đến bản Lác vượt xa so với các bản khác trong khu vực… Tình trạng này khiến bản Lác phải gia tăng số lượng cơ sở lưu trú để đảm bảo sức chứa. Tuy nhiên, điều này đã khiến cho bản Lác thay đổi diện mạo nhanh chóng. Sức ép về số lượng khách du lịch đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản Lác. Một trong những hệ quả ấy là sự biến dạng không gian cư trú truyền thống, ảnh hưởng đến các di sản văn hóa vật thể của bản.

Để đón được nhiều khách du lịch, từ đó tăng thêm nguồn thu cho gia đình, các hộ gia đình đã tự ý cơi nới, mở rộng ngôi nhà sàn truyền thống. Họ nối sàn các ngôi nhà truyền thống với nhau và với các ngôi nhà xây. Các mái nhà sàn được kéo dài và phủ bằng mái tôn khiến cho du khách khó nhận ra ngôi nhà truyền thống từ phía bên ngoài khuôn viên. Theo ông Hà Văn Tiệp, Chủ tịch xã Chiềng Châu cho biết, khu cư trú của bản đang bị các hộ gia đình tận dụng quá mức khiến cho cả bản bị nén lại, cảm giác chật chội như ngõ phố. Nếu như trước kia các gia đình ở cách xa nhau bởi hàng rào khuôn viên, ao, suối nhỏ khiến bản thông thoáng và yên tĩnh thì nay trở nên chật chội. Giữa các nhà sàn của hộ gia đình hầu như không còn tìm thấy chỗ hở giữa các mái. Trước kia, chỉ có 1 hộ gia đình ở trong 1 ngôi nhà sàn, nhưng hiện nay, mỗi hộ gia đình nếu còn diện tích sẽ xây thêm 2, 3 ngôi nhà nữa cạnh nhau và cùng nối sàn với nhau. Chỗ nào không xây được nhà sàn, gia đình sẽ làm nhà cấp 4 lợp mái tôn để làm cửa hàng hoặc tận dụng cho thuê phòng trọ. Việc xây dựng các khu vệ sinh, khu vui chơi, nhà hàng kinh doanh ăn uống, bán hàng bên trong khuôn viên cư trú cũng góp phần làm tăng mật độ xây dựng ở bản Lác.

Để xảy ra vấn đề bất cập này, theo Chủ tịch xã Hà Văn Tiệp, nguyên nhân chính là do chính quyền thiếu sự đầu tư quy hoạch bài bản và chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ việc thi công công trình xây dựng ở bản Lác từ giai đoạn trước, khi mà bản chưa có nhiều sức ép về khách du lịch như hiện nay.

Đến bản Lác hiện nay, du khách có thể thấy những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Thái không còn nguyên vẹn như trước. Không chỉ ở hình dáng bên ngoài mà bên trong ngôi nhà sàn cũng thay đổi không gian, không còn phân chia theo các chức năng truyền thống. Gia đình bỏ đi các nguyên tắc bố trí gian nhà như chỗ ở của từng thành viên trong gia đình, chỗ dành riêng cho khách, cho nơi thờ cúng… thay vào đó tận dụng mọi vị trí làm chỗ ngủ cho du khách. Ngoài một số gia đình còn giữ phong tục kiêng kỵ, không cho du khách nằm ở gian có ban thờ và quay chân về phía ban thờ, đa số các hộ còn lại đều không còn tuân thủ nguyên tắc kiêng kỵ như trước.

Bên cạnh sự thay đổi về không gian cư trú truyền thống, các gia đình ở bản Lác cũng không còn duy trì sản xuất nghề thủ công truyền thống như trước. Do nhu cầu mua sắm của khách đến bản vượt quá khả năng cung cấp hàng hóa của người dân địa phương nên họ có giải pháp là mua thêm các mặt hàng thủ công ở nơi khác về bán cho du khách. Các mặt hàng thủ công được mua về không phải do người địa phương làm hoặc đặt hàng nên chúng có nhiều đặc điểm xa lạ về cách chế tác và hoa văn trang trí. Các mặt hàng váy, áo, khăn bày bán ở bản Lác, theo thông tin người dân cho chúng tôi biết, có nguồn gốc từ Hà Nội và một số tỉnh biên giới phía Bắc cung cấp. Tình trạng bày bán các sản phẩm thổ cẩm, trang phục, đồ thủ công do các dân tộc khác, không phải người dân bản Lác hoặc người Thái địa phương Mai Châu làm đang trở nên hết sức phổ biến, hầu như gian hàng nào cũng có.

Do chạy theo lợi nhuận, nhiều người bán hàng không thông tin công khai nguồn gốc sản phẩm, thậm chí họ còn giới thiệu mặt hàng là do người dân địa phương làm ra. Điều này có thể khiến du khách hiểu chưa đúng về di sản văn hóa trang phục và nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Một vấn đề bất cập khác ở bản Lác là việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn (diễn xướng dân gian). Trước đây, hoạt động sinh hoạt dân ca, dân vũ, dân nhạc rất phổ biến ở bản Lác và các địa phương trong huyện Mai Châu. Người Thái ở bản Lác có nhiều bài hát giao duyên, điệu xòe truyền thống… Tuy nhiên, các hình thức nghệ thuật này đang bị mai một. Các tiết mục văn nghệ dân gian được trình diễn cho khách du lịch ở bản Lác thực tế là do một số tác giả sáng tác gần đây, trên cơ sở chất liệu các điệu múa truyền thống. Việc người Thái bản Lác tổ chức các điệu múa của dân tộc Mông, Dao, Mường bên cạnh các điệu múa của dân tộc Thái có thể khiến cho du khách, nhất là khách quốc tế khó phân biệt được đặc trưng nghệ thuật trình diễn của dân tộc Thái. Cách trình diễn nghệ thuật như vậy được một thành viên đội nghệ thuật quần chúng bản Lác giải thích là để cho du khách xem đỡ nhàm chán và giới thiệu được nhiều nét văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hình thức sân khấu hóa được đạo diễn bởi ý tưởng trên thực sự khó thuyết phục được du khách có nhu cầu trải nghiệm về văn hóa dân tộc Thái ở cộng đồng bản Lác.

Một điều đáng lưu ý là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ở bản Lác đang trở nên báo động. Theo nhận xét của nhiều du khách đến tham quan bản Lác, họ cảm thấy rất khó chịu khi phải nghe đủ thứ âm thanh phát ra từ loa đài công suất lớn ở trong phạm vi chật hẹp của bản. Việc lạm dụng dịch vụ karaoke, loa đài để quảng bá sản phẩm và điểm biểu diễn nghệ thuật đặt gần điểm lưu trú là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tiếng ồn ở đây. Điều này khiến cho du khách cảm thấy không hài lòng khi muốn đến bản Lác để hưởng chuyến du lịch nghỉ dưỡng cùng gia đình.

Bản Lác có thế mạnh về nông nghiệp nhưng hoạt động dịch vụ trải nghiệm sinh thái nông nghiệp, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp của du khách với người dân địa phương không được chú ý. Các tri thức dân gian của người dân địa phương về sản xuất nông nghiệp và ứng xử với tự nhiên dường như chưa được giới thiệu đến du khách và phát huy trong hoạt động du lịch. Theo ông Hà Đình Hùng - trưởng bản Lác cho biết, các hộ gia đình trong bản hầu hết làm du lịch. Họ tuy vẫn nhận ruộng nhưng không làm ruộng mà giao cho các hộ không làm du lịch hoặc ở bản khác làm. Cuối vụ thu hoạch, bên nhận ruộng sẽ giao một phần lợi tức hoa màu cho chủ ruộng, để chủ ruộng, tức các hộ gia đình làm du lịch nộp cho các ban đoàn thể chịu trách nhiệm an ninh, vệ sinh trong thôn xóm sử dụng chi phí cho các hoạt động của bản. Đây có thể là một lý do khiến cho việc đưa các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới như trải nghiệm lối canh tác của người Thái địa phương không được các hộ gia đình làm du lịch chú ý.

Nếu đến bản Lác hôm nay, du khách khó có thể tìm thấy người dân địa phương mặc trang phục truyền thống hằng ngày. Mặc dù đây là bản tiên phong làm du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu và của tỉnh Hòa Bình. Việc không mặc trang phục truyền thống khiến cho du khách khó phân biệt được người dân tộc Thái của bản Lác. Lý do chính khiến người phụ nữ Thái ở bản Lác không mặc trang phục truyền thống được ông Hà Đình Hùng giải thích là do kiểu trang phục này không phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Chất liệu vải và kiểu dáng mặc bó sát người khiến cho người phụ nữ cảm thấy nóng bức và khó chịu, họ không thể làm việc thuận tiện như mặc trang phục giống người Kinh. Mặc dù biết là mặc trang phục truyền thống sẽ giúp khách du lịch nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc Thái rõ hơn và thu hút khách hơn nhưng vì sự bất tiện trên nên hầu hết phụ nữ trong bản không còn duy trì mặc trang phục váy áo truyền thống hằng ngày. Họ chỉ còn mặc trong dịp lễ tết hoặc đám cưới.

Trang phục truyền thống của người Thái vô cùng đặc sắc và tinh tế - Ảnh minh họa

Ngoài các hoạt động giới thiệu về di sản văn hóa trên đây, khách du lịch đến bản Lác hầu như không được tham gia trải nghiệm các hoạt động di sản văn hóa phi vật thể nào khác. Các doanh nghiệp đầu tư vào bản Lác thời gian qua hầu như không có giải pháp nào hiệu quả nhằm hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Các hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí. Bản Lác chưa để xảy ra xung đột đáng kể về lợi ích giữa những hộ làm du lịch cộng đồng, các doanh nghiệp bên ngoài đến đầu tư du lịch tại đây với những hộ gia đình không tham gia làm du lịch như một số điểm du lịch cộng đồng khác. Tuy nhiên, các hộ gia đình và doanh nghiệp du lịch đều đang khai thác di sản văn hóa do tất cả các thành viên cộng đồng người Thái ở bản Lác sở hữu. Chính vì vậy, việc phân chia lợi ích từ du lịch cho những người tham gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cộng đồng người Thái ở đây cần được chú ý giải quyết một cách hài hòa. Có như vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng và phát triển văn hóa cộng đồng mới thực sự nâng cao được trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc bảo vệ di sản hóa dân tộc Thái.

Những gì đang diễn ra đối với hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở bản Lác trên đây không phải là vấn đề mang tính cá biệt. Qua nghiên cứu khảo sát tại các điểm du lịch cộng đồng của dân tộc Giáy, Mông, Dao, Thái ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và Mộc Châu (tỉnh Sơn La) chúng tôi cũng tìm thấy những vấn đề tương tự. Điều đó cho thấy, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập cần sớm có chính sách điều chỉnh để tránh tình trạng di sản văn hóa suy giảm nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến thành quả phát triển du lịch mà người dân đã đạt được..

Một dấu hiệu cảnh báo về sự phát triển du lịch ở bản Lác chính là số lượng khách du lịch quốc tế ngày càng sụt giảm. Các doanh nghiệp cũng muốn lựa chọn những bản chưa bị phá vỡ quy hoạch để đầu tư xây dựng những khu du lịch chất lượng cao. Do đó, họ muốn tìm đến các bản nằm gần bản Lác chứ ít doanh nghiệp muốn đầu tư trực tiếp vào bản Lác. Như vậy, có thể thấy rằng, du lịch cộng đồng ở bản Lác trả giá cho quá trình tăng trưởng và thay đổi quá mức, trong khi các bên chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp chưa có giải pháp quyết liệt bảo vệ di sản văn hóa và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.

4. Những giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở bản Lác để phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Du lịch cộng đồng có mối quan hệ mật thiết với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của tộc người. Bởi vì, phát triển du lịch cộng đồng khai thác những yếu tố văn hóa truyền thống của cộng đồng, tộc người để đem lại lợi ích kinh tế. Loại hình hoạt động du lịch này mang lại cho du khách những trải nghiệm về đời sống văn hóa địa phương, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch để thu được lợi ích từ các hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa của mình. Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng, các địa phương bắt buộc phải bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, chia sẻ lợi ích và nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia duy trì thực hành di sản văn hóa.

Các nghiên cứu nhân học du lịch đã chỉ rõ sự ảnh hưởng của văn hóa tộc người đối với du lịch chính là sự nâng cao nhận thức bảo vệ di sản văn hóa để tạo ra du lịch có chất lượng. Hình ảnh của một điểm đến được dựa trên không chỉ tài sản vật chất mà còn dựa trên tài sản vô hình, đó là những kinh nghiệm được xây dựng xung quanh những tài sản đó, nói rộng ra là lối sống, văn hóa sống của người dân. Bằng cách sử dụng các yếu tố của di sản địa phương và bản sắc trong chiến lược du lịch văn hóa, cộng đồng có thể phân biệt các sản phẩm du lịch của mình với đối thủ cạnh tranh và thúc đẩy điểm đến như một nơi mong muốn để sống, làm việc, tham quan và đầu tư, từ đó tạo nên sức thu hút đối với khách du lịch.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, khi nghiên cứu về mối quan hệ tác động qua lại giữa việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người với phát triển du lịch cộng đồng, cảnh báo rằng bên cạnh những mặt tác động tích cực, hoạt động du lịch cũng đem đến những biến đổi, mai một các di sản văn hóa nếu không có biện pháp bảo vệ hiệu quả. Chính vì vậy, việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Từ bài học, kinh nghiệm thực tiễn ở bản Lác của huyện Mai Châu, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp để bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng sau đây:

Thứ nhất, huyện Mai Châu cần thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng điểm du lịch cộng đồng; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý giữa các bên tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục duy trì nguyên tắc đảm bảo sự đồng thuận xã hội; chia sẻ lợi ích; tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương; phát huy quyền làm chủ, sự tham gia của người dân vào hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người cũng như tham gia vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ hai, thành lập tổ chức bộ máy quản lý khu du lịch cộng đồng tại xã Chiềng Châu, trong đó có chức năng thực hiện công tác bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, đảm bảo sự tham gia vai trò của cộng đồng người dân địa phương trong bộ máy tổ chức. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa - du lịch, đặc biệt là lĩnh vực quản lý di sản văn hóa ở các cấp huyện, xã, bản có dự án du lịch cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý di sản văn hóa cho các đối tượng tham gia hoạt động văn hóa và kinh doanh du lịch cộng đồng ở bản Lác.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn triển khai dự án du lịch cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu của người dân đối với di sản văn hóa tộc người Thái bản Lác, từ đó thúc đẩy tính tự giác, nhiệt tình tham gia hoạt động thực hành và bảo vệ di sản văn hóa. Xây dựng và phổ biến các bộ tài liệu công cụ hướng dẫn cho người dân, khách du lịch, doanh nghiệp, cán bộ thực hiện bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tộc người trong phát triển du lịch cộng đồng. Chọn lựa, làm rõ những đặc điểm khác biệt trong văn hóa của cộng đồng địa phương, sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng của bản với du lịch cộng đồng các địa phương khác để tuyên truyền, giới thiệu nhằm tạo ra hiệu quả thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá

Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ tu bổ tôn tạo di tích, danh thắng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở bản Lác và khu vực phụ cận. Lồng ghép chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn với hoạt động bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa tộc người ở đây.  

Thứ năm, tỉnh Hòa Bình và huyện Mai Châu cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặc biệt là yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh khai thác giá trị di sản ngữ văn dân gian, nội dung truyền thuyết ở các danh lam thắng cảnh trên địa bàn cộng đồng tộc người sinh sống đưa vào khai thác du lịch. Xây dựng và triển khai đề án đưa vào khai thác giá trị tập quán xã hội, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian, âm nhạc dân gian, tri thức dân gian… phục vụ du lịch. Thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh với việc khai thác phát triển du lịch bản Lác. Xây dựng và triển khai đề án phát triển các loại hình trò chơi dân gian gắn với phát triển du lịch tại cộng đồng.

Trên đây là một số nguyên tắc và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch cộng đồng ở bản Lác hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chính quyền và người dân không chỉ thực hiện mỗi giải pháp về văn hóa mà còn cần phải tiến hành đồng thời làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Bởi khi phát triển kinh tế - xã hội tốt thì mức sống của đồng bào mới được nâng cao toàn diện và mới có cơ hội để tham gia thực hành, sáng tạo và phổ biến các giá trị văn hóa của mình.

Việc lựa chọn du lịch cộng đồng làm hướng phát triển cho thấy bản Lác đã tìm thấy được thế mạnh của mình, đó là dựa vào tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để phát triển theo hướng bền vững. Đây là một hướng đi đúng đắn và có triển vọng. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cộng đồng bắt buộc phải làm tốt công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tộc người. Điều này không chỉ giúp tạo ra sự phát triển cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương mà còn đem đến ý nghĩa lớn trong việc ổn định đời sống người dân, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và bảo vệ môi trường trong khu vực.

PHẠM NAM THANH

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

________________

1. Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và hướng dẫn vận hành. Công trình khởi công xây dựng ngày 6-11-1979, khánh thành ngày 20-12-1994. Đây từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 cho đến năm 2012.

;