Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

     ​​​​​​​Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã nhấn mạnh ”Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển công nghệ văn hóa Việt Nam”. Kể từ khi Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành văn hóa đã triển khai một số hoạt động để thực hiện Chiến lược. Bài viết đánh giá một số quan điểm, thành tựu và hạn chế trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

 

     Năm 2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa (sau đây gọi là Công ước 2005). Công ước 2005 khuyến khích các quốc gia xây dựng các chính sách, hệ thống luật pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của mình, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một công cụ để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Tinh thần Công ước 2005 đã được các quốc gia thành viên hưởng ứng, tạo nên một phong trào xây dựng chính sách, luật pháp về văn hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa.

     Ở Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX (Ban chấp hành Trung ương khóa XI) đã xác định nhiệm vụ thứ 5 là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng này, và coi đây là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Triển khai Nghị quyết Đại hội, ngày 8-9-2016, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

     Chiến lược đã xác định 12 ngành ngành công nghiệp văn hóa gồm: 1. Quảng cáo; 2. kiến trúc; 3. phần mềm và các trò chơi giải trí; 4. thủ công mỹ nghệ; 5. thiết kế; 6. điện ảnh; 7. xuất bản; 8. thời trang; 9. nghệ thuật biểu diễn; 10. mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; 11. truyền hình và phát thanh; 12 du lịch văn hóa; từ đó Chiến lược đưa ra 4 quan điểm phát triển gồm: 1. Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; 2. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; 3. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng;4. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

     1. Một số kết quả trong việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

     Những mặt đã làm được

     Thứ nhất, nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa đã có nhiều chuyển biến. Sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược, đến nay đã có 7/7 bộ ngành, 49/63 địa phương ban hành kế hoạch hành động. Đây là những hoạt động đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Dù việc triển khai các kế hoạch này còn có những vấn đề phải bàn, tuy nhiên, việc ban hành kế hoạch hành động đã buộc các địa phương phải chú ý nhiều hơn, có những hành động cụ thể hơn đối với lĩnh vực quan trọng này.

     Bên cạnh đó, một số hoạt động cụ thể để phổ biến kiến thức về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã được tổ chức tương đối hệ thống. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có 1 chuyên đề giảng dạy các lớp lý luận chính trị cao cấp về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bộ VHTTDL đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ của ngành về công nghiệp văn hóa. Các địa phương đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến Nghị quyết có liên quan đến chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa. Một số các hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó gần đây nhất là hội thảo về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam được phối hợp tổ chức cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

     Thứ hai, một số các dự án đã có tác dụng thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp bách trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Những dự án như “Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam” do Hội đồng Anh tài trợ cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hay Dự án “Chương trình trao đổi giữa các không gian sáng tạo tại Vương quốc Anh và Đông Nam Á” do Hội đồng Anh tài trợ cho các không gian sáng tạo, hay đề án xây dựng bộ chỉ số thống kê ngành điện ảnh. Việc quảng bá thương hiệu quốc gia cũng được thực hiện tương đối tốt qua các Tuần lễ thời trang quốc gia (Vietnam Fashion Week), Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam (Vietnam Junior Fashion Week), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Hanoi International Film Festival - Haniff), tổ chức triển lãm VietAd, hay việc Việt Nam tích cực tham gia vào một số sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế như Liên hoan phim Cannes, Venice, Busan… Những chương trình, dự án và các sự kiện này có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam như địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo, số liệu thống kê làm nền tảng đánh giá và lập kế hoạch phát triển từng lĩnh vực cụ thể, xây dựng thương hiệu.

     Thứ ba, một số mô hình phát triển công nghiệp văn hóa mới đã được thử nghiệm, phát triển. Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, từ năm 2014 - 2018, số lượng không gian sáng tạo ở Việt Nam tăng từ 60 đến 140 trung tâm. Nhiều trung tâm, không gian sáng tạo đã có những bước phát triển mới, mang tính đột phá. Một số ví dụ cho thấy sự phát triển của các không gian sáng tạo này như Không gian sáng tạo Dreamplex (số 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1) là mô hình làm việc chia sẻ cộng đồng (co-working) dành cho các nhà sáng tạo, công ty khởi nghiệp, nhà tư vấn, đầu tư và người làm việc tự do (freelancer)… Đây là một không gian không chỉ là nơi làm việc mà kết nối những con người nhiệt huyết với giấc mơ khởi nghiệp - đang trở thành điểm đến của giới trẻ Sài Gòn, là nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với giới doanh nhân trong chuyến thăm TP.HCM ngày 24-5-2016 với thông điệp khuyến khích mô hình khởi nghiệp ở Việt Nam. Không gian sáng tạo Saigon Outcast (118/1 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) là không gian sáng tạo đầy cảm hứng, giúp kết nối giữa nghệ thuật, giải trí, con người và cả những nét văn hóa đa quốc gia ngay tại Sài Gòn. Không gian được thành lập từ năm 2013, và đến 2017 đã tạo nhiều dấu ấn và sức hút đối với giới trẻ TP.HCM… Bên cạnh đó, rất nhiều những hoạt động hay, thú vị được các phương tiện truyền thông truyền cảm hứng qua các chương trình của mình, trong đó có chương trình Cà phê Khởi nghiệp, Quốc gia Khởi nghiệp của VTV, Cổng thông tin điện tử Khởi nghiệp (khoinghiep.org.vn), Không gian khởi nghiệp trên Báo Đầu tư…

     Những mặt chưa làm được

     Thứ nhất, việc triển khai Chiến lược vẫn chủ yếu đang dừng lại ở giai đoạn truyền thông, nâng cao nhận thức. Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa ý thức rõ được vị trí, vai trò của công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của đất nước, Bộ dẫn đến việc triển khai còn mang tính chất đối phó, chưa có biện pháp cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

     Thứ hai, công tác thể chế hóa Chiến lược thành các biện pháp chính sách, pháp luật cụ thể còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như việc xác định địa vị pháp lý cho các không gian sáng tạo, việc dành quỹ đất, chính sách hỗ trợ thuế, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, và đặc biệt là chưa xây dựng luật về hiến tặng và bảo trợ khiến cho hoạt động hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp nhiều khó khăn.

     Thứ ba, các ngành công nghiệp văn hóa cần phải được lập bản đồ, xác định chỉ tiêu thống kê để có thể có kế hoạch phát triển dựa trên những chỉ số chính xác, bảo đảm độ tin cậy. Hiện nay, việc xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, dù đã có những chuyển biến ban đầu, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. Chừng nào, chúng ta chưa xác định được những đóng góp chính xác của từng ngành công nghiệp văn hóa đối với GDP của đất nước, chừng đó chúng ta còn khó khăn trong việc xác định hướng phát triển cũng như thu hút đầu tư đối với các ngành đặc biệt quan trọng này.

     Thứ tư, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai Chiến lược còn gặp nhiều khó khăn. Điều này vì nhiều lý do như từ nhận thức, thiếu một cơ quan đủ thẩm quyền để kết nối lẫn việc thiếu các nguồn lực, chính sách.

     Thứ năm, sự chuyển đổi của các tổ chức văn hóa nghệ thuật để phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa gặp nhiều khó khăn do quán tính của cơ chế quản lý cũ chưa thực sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thị trường mới. Tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại trong nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa ở các địa phương khiến cho xã hội nhìn nhận vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, tiềm năng kinh tế của ngành văn hóa chưa xứng đáng với thực chất của ngành.

     Thứ sáu, yếu tố giáo dục sáng tạo rất then chốt trong công nghiệp văn hóa chưa được chuyển tải vào nền giáo dục quốc dân, làm ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo trong tất cả các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, các môn học về kỹ năng kinh doanh lại chưa được đưa vào nhiều trường văn hóa nghệ thuật khiến cho các yếu tố sáng tạo và kinh doanh chưa có sự liên kết, bổ trợ cho nhau để hình thành nên các sáng tạo văn hóa nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu của thị trường văn hóa.

     2. Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa trong những năm sắp tới

     Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình chuyển đổi này, sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa chưa đạt được tính bền vững. Có nhiều biến động, ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Cơ chế quan liêu bao cấp vẫn còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý văn hóa; nguồn nhân lực cho văn hóa còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Kinh tế Việt Nam phát triển nhưng vẫn còn một khoảng cách nhất định với các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vì vậy còn chậm chạp và vẫn đang chịu áp lực bởi nhiều khó khăn, thách thức như: sự kém linh động trong phương cách tiếp cận, thiếu liên kết giữa các bộ, ngành; nhận thức về tiềm năng làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo không cao, nhu cầu kém từ thị trường nơi giá trị của các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo không được đề cao, sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn ra phổ biến (làm hạn chế tiềm năng phát triển của một số doanh nghiệp sáng tạo), quản lý nhà nước và kỹ năng kinh doanh chưa thích ứng với cơ chế thị trường, còn tình trạng quan liêu, thiếu minh bạch. Nhìn chung, các lĩnh vực văn hóa chưa kịp chuyển đổi cơ chế chính sách và mô hình tổ chức để vận hành cho phù hợp với quy luật cạnh tranh của cơ chế thị trường.

     Dù chậm và gặp nhiều khó khăn hơn một số nước trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhưng chúng ta cũng có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các ngành công nghiệp này. Nền văn hóa phong phú, độc đáo của 54 dân tộc được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử với sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, cộng với những ưu đãi về vẻ đẹp thiên nhiên, đặc biệt có thể trở thành những chất liệu quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, với quy mô dân số trẻ, nhanh nhạy trong hội nhập quốc tế, kinh tế đang trên đà phát triển sẽ là những động lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian sắp tới.

     Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đi đôi với việc xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, theo chúng tôi, cần phải thực hiện những nhóm công việc sau:

     Thứ nhất, cải cách thể chế văn hóa là khâu then chốt để hình thành lĩnh vực công nghiệp văn hóa mang tinh thần cởi mở, đổi mới, có năng lực kinh doanh, tạo ra việc làm và các giá trị kinh tế đa dạng, đồng thời kết nối hơn với nhu cầu và mong muốn của người dân. Trong đó chú trọng vào 11 hoạt động sau: 1. Đánh giá mô hình quản trị và đầu tư tổng thể cho văn hóa ở Việt Nam để giảm sự chồng chéo và quan liêu trong cơ cấu ban ngành, khuyến khích một loạt các mô hình đầu tư và kinh doanh đối với các tổ chức văn hóa, ứng dụng một tinh thần mới về sáng tạo và cải tổ cho các thiết chế văn hóa hiện đang vận hành trì trệ; 2. Định vị ngành công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo mang tính tổng thể như một chương trình nghị sự trọng điểm trong phát triển của tất cả bộ ngành với tầm nhìn đến 2030. Điều này nhằm đảm bảo một cách tiếp cận phối hợp ở mọi lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như với các chương trình nghị sự quan trọng khác về phát triển; 3. Mở ra những mô hình đầu tư mới cho công nghiệp văn hóa, bao gồm các cơ hội cho các tổ chức văn hóa có thể đa dạng hóa nguồn thu, kinh doanh và tiếp cận những loại hình tài chính khác nhau (bao gồm các khoản cho vay), và tham gia vào các hợp tác công - tư, vào các công việc kinh doanh hay các dự án chung (gồm các dự án với các tổ chức văn hóa và các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới); 4. Có những hình thức trao thưởng cho tinh thần doanh nghiệp và sự đổi mới trong các tổ chức văn hóa thông qua tăng lương, thưởng và các điều kiện cải thiện khác cho các chuyên gia văn hóa, những người tạo ra các hiệu quả phát triển đo lường được (ví dụ như tăng doanh thu, tăng lượng công chúng, thực hiện tốt các chương trình giáo dục và các chương trình xã hội); 5. Đánh giá các quy định về quyền sở hữu trí tuệ - để hướng đến một cấu trúc luật định tổng thể về tài sản trí tuệ một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam - liên quan đến việc từng ngành công nghiệp văn hóa để nhận diện được các cơ hội cải tổ về quản lý và điều phối các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ cho các những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Điều này cần được thiết lập để tăng nguồn thu phí bản quyền thông qua doanh thu số hóa hay hiệu quả kinh doanh, và bao gồm cả việc xây dựng năng lực và đầu tư lớn hơn của nhà nước đối với các đơn vị thu phí bản quyền; 6. Xây dựng một hệ thống phân loại rõ ràng và dễ hiểu về thẩm định tác phẩm để giúp những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và đầu tư văn hóa có thể tự tin trong hoạt động của mình; 7. Ứng dụng các sáng kiến hoạch định cho các hoạt động của các tổ hợp sáng tạo của công nghiệp văn hóa, ví dụ như, về không gian làm việc và biểu diễn, về không gian kết nối mạng lưới và không gian trưng bày/triển lãm, để các tổ hợp sáng tạo đang hình thành không bị tổn hại vì sự phát triển nhanh chóng của kinh doanh bất động sản; 8. Tìm các cơ hội về ưu đãi thuế đối với đầu tư cho công nghiệp văn hóa; 9. Thực hiện các sáng kiến về xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa, mở rộng hoạt động trao đổi văn hóa với quốc tế và xây dựng các thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam; 10. Đánh giá lại các hiệp định thương mại quốc tế và các luật định để cải tiến các điều kiện về kinh doanh văn hóa và giảm chi phí đối với thiết bị nhập khẩu có tầm quan trọng lớn cho sản xuất trong công nghiệp văn hóa; 11. Lựa chọn về mô hình phù hợp cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ví dụ như, các mô hình ủy ban điện ảnh, các đơn vị/tổ chức/hiệp hội phát triển thủ công nghiệp và các phương thức đầu tư, đóng góp chuyên biệt, ví dụ như việc hiến tặng, bảo trợ, tài trợ cho văn hóa.

     Thứ hai, các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều công việc mới và đem lại cho nhiều tài năng sáng tạo cơ hội phát triển và biến khả năng đó thành lợi ích kinh tế. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải xây dựng thị trường nội địa và quốc tế rộng lớn cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam. Việt Nam phải tập trung vào xây dựng các thị trường năng động và vững mạnh cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tăng trưởng và gắn kết hiệu quả hơn giữa các tổ chức sáng tạo, sản xuất văn hóa với công chúng. Xây dựng thị trường văn hóa cần tập trung vào 8 nhóm hoạt động sau: 1. Tăng cường nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực có tầm quan trọng sống còn cho phát triển quốc gia, cho sự độc đáo và năng lực cạnh tranh quốc tế, tạo ra các thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa địa phương và truyền cảm hứng cho các thế hệ theo đuổi nghề nghiệp về công nghiệp văn hóa; 2. Nâng cao nhận thức về quyền của nghệ sĩ, giảm vi phạm bản quyền và cam kết sử dụng các tác phẩm có bản quyền; 3. Nâng cấp cơ sở hạ tầng về văn hóa và các mô hình tổ chức để lĩnh vực văn hóa hướng đến công chúng hơn, mang tính tương tác hơn. Thực hiện hoạt động này đòi hỏi cải thiện kỹ thuật số, cải thiện các chương trình và đào tạo các nhà quản lý văn hóa học hỏi các mô hình tốt của thế giới về phát triển công chúng. Điều này cũng bao hàm phát triển những cơ sở dữ liệu chuyên dụng về công chúng - nhằm hiểu đặc điểm của công chúng, thu thập số liệu và xác định hành vi của công chúng, giúp công tác quảng bá hướng đến các mục tiêu cụ thể, cũng như các chương trình được định hướng đúng vào các phân đoạn thị trường khác nhau; 4. Tạo ra thương hiệu quốc gia về công nghiệp văn hóa hay xây dựng một loạt các thương hiệu để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên toàn quốc và trên thế giới. Hoạt động này cũng có thể kết hợp với du lịch và các hoạt động thu hút đầu tư trong nước; 5. Nối kết các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau - để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa, ví dụ như các dịch vụ thiết kế cho lĩnh vực du lịch và sản xuất; 6. Xây dựng thị trường cho sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa ở khu vực nông thôn - thông qua các chương trình đào tạo cho người sản xuất, marketing hướng đến những mục tiêu cụ thể, và các triển lãm hay trưng bày tại các hội chợ thương mại quốc gia và quốc tế; 7. Hướng tới các triển lãm hay trưng bày có uy tín, chất lượng và cơ hội marketing tại các hội chợ thương mại quốc tế, thông qua đó để thiết lập các sự kiện trưng bày mới, giới thiệu về công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhằm tôn vinh công nghiệp văn hóa với chất lượng cao và độc đáo với phương thức tiếp cận hướng đến kinh doanh; và 8. Thiết lập danh mục các địa điểm bán lẻ của ngành công nghiệp văn hóa tại các khu vực du lịch, ví dụ như các trung tâm thiết kế và sản xuất hàng thủ công, thời trang, và kỹ thuật số.

     Tóm lại, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa - dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

_____________

     1. Hội đồng Anh, Báo cáo về các không gian sáng tạo ở Việt Nam, 2018.

     2. Bộ VHTTDL, Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2019.

 

Tác giả: Bùi Hoài Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;