Ph.Ăngghen bàn về sự tác động của xã hội tới gia đình và ý nghĩa với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay

Gia đình là thiết chế xã hội cơ bản, là tế bào của xã hội, do đó tác động đến sự phát triển của xã hội, như Ăngghen đã từng khẳng định “Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” (1). Xã hội muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng gia đình lành mạnh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của gia đình, cả mặt tiêu cực và tích cực. Trở lại với tư tưởng của Ăngghen về sự tác động của xã hội tới gia đình, chúng ta càng thấy rằng, để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, văn minh hiện nay, không thể không quan tâm đế những vấn đề xã hội.

1. Ph.Ăngghen bàn về sự tác động của xã hội đối với gia đình

Mối quan hệ giữa gia đình và xã hội là mối quan hệ giữa cái bộ phận và cái toàn bộ, cái toàn bộ sẽ tác động đến cái bộ phận. Ăngghen đã dẫn lời của Moóc - gan (và tán thành với nhà bác học này) về sự tác động của xã hội tới gia đình: “Gia đình là một yếu tố năng động, nó không bao giờ đứng nguyên một chỗ, mà chuyển từ một hình thức thấp lên một hình thức cao, khi xã hội phát triển từ một giai đoạn thấp lên một giai đoạn cao” (2). Như vậy, sự vận động, thay đổi của gia đình bắt nguồn từ sự thay đổi của xã hội. Xã hội thay đổi buộc gia đình cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Bằng việc khảo cứu trong lịch sử loài người về những hình thức gia đình đã từng tồn tại, Ăngghen đã chứng minh một cách thuyết phục rằng sự phát triển của xã hội quyết định đến các hình thức gia đình: “Như vậy là có ba hình thức hôn nhân chính, tương ứng về đại thể với ba giai đoạn phát triển chính của nhân loại. Ở thời đại mông muội, có chế độ quần hôn; ở thời đại dã man, có chế độ hôn nhân cặp đôi; ở thời đại văn minh, có chế độ một vợ một chồng được bổ sung bằng tệ ngoại tình và nạn mại dâm” (3). Ăngghen đã phân tích những cơ sở, lý do tại sao ở trình độ phát triển nhất định của xã hội chỉ có thể nảy sinh hình thức gia đình này mà không phải là hình thức gia đình nào khác.

Ăngghen chỉ rõ chế độ quần hôn - một hình thức hôn nhân trong đó từng nhóm đàn ông và từng nhóm đàn bà quan hệ tình dục với nhau, là hình thức gia đình đặc trưng của thời đại mông muội. Tiếp đó, ông giải thích tại sao trong thời kỳ này, người ta lại tổ chức thành những gia đình rộng lớn như vậy? Đó là vì “Trong quá trình phát triển, muốn thoát khỏi trạng thái thú vật, muốn thực hiện được bước tiến vĩ đại nhất mà người ta được biết ở trong giới tự nhiên, còn phải có một yếu tố khác nữa: tình trạng thiếu khả năng tự vệ của cá thể phải được thay thế bằng sức mạnh liên hợp và hành động tập thể của bầy” (4). Như vậy, chế độ quần hôn, một hình thức gia đình rộng lớn ra đời như là tất yếu trong điều kiện con người vừa thoát khỏi động vật, còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Sự liên kết giữa các thành viên trong một gia đình đủ lớn nhằm tạo ra sức mạnh chung của những cá thể còn “yếu ớt” để cùng tồn tại và phát triển là yêu cầu đòi hỏi sự ra đời của chế độ quần hôn chứ không phải là một hình thức gia đình nào khác. Trong gia đình này, sự ghen tuông không có chỗ đứng “Sự dung thứ lẫn nhau giữa những con đực thành niên, việc hoàn toàn không ghen tuông là những điều kiện đầu tiên cần thiết cho sự hình thành của những tập đoàn lớn và bền vững hơn, mà chỉ có trong những tập đoàn như vậy, bước chuyển từ thú vật thành người mới có thể thực hiện được” (5).

Tuy nhiên, sự đào thải tự nhiên và cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, con người phần nào đã bớt lệ thuộc hơn vào tự nhiên, vì vậy con người cũng đã thu hẹp dần phạm vi tính cộng đồng của gia đình. Bước tiến thứ nhất trong tổ chức gia đình là hủy bỏ quan hệ tình dục giữa cha mẹ và con cái đã hình thành gia đình huyết tộc. Bước tiến thứ hai là hủy bỏ quan hệ giữa anh em trai và chị em gái đã hình thành nên gia đình Pu-na-lu-an. Theo Ăngghen, chế độ quần hôn với các kiểu gia đình trên là hình thức gia đình “phù hợp với trình độ phát triển xã hội của những người mông muội du cư” (6).

Tuy nhiên, cùng với việc cấm hôn nhân giữa những anh chị em cùng mẹ thậm chí cùng họ hàng càng trở nên chặt chẽ thì những nhóm “anh em trai” và “chị em gái” không còn có thể lấy nhau được nữa ngày càng nhiều. Thêm vào đó, “những cộng đồng cộng sản đã phải có những điểm cư trú tương đối ổn định” (7) khiến cho kiểu kết hôn từng cặp càng trở nên phổ biến. “Trong tình trạng cấm kết hôn ngày càng phức tạp ấy, chế độ quần hôn ngày càng không thể thực hiện được; chế độ ấy bị gia đình cặp đôi thay thế” (8). Gia đình cặp đôi là hình thức kết hôn từng cặp, trong đó, trong số vợ rất đông của mình, người đàn ông có một vợ chính, và trong số nhiều người chồng khác, anh ta cũng là chồng chính của người đàn bà ấy.

Mối quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình cặp đôi còn khá lỏng lẻo và mối liên hệ ấy có thể bị bên này hay bên kia cắt đứt một cách dễ dàng nên muốn cho gia đình cặp đôi tiếp tục phát triển thành gia đình một vợ một chồng vững chắc thì xã hội cần đạt đến một trình độ phát triển cao hơn nữa. Bởi theo Ăngghen “nếu như những động lực xã hội mới chưa bắt đầu tác động thì không có một cơ sở nào để cho một hình thức gia đình mới nảy sinh ra từ hình thức gia đình cặp đôi” (9). Và Ăngghen đã chỉ ra động lực xã hội làm nảy sinh hình thức gia đình mới một vợ một chồng chính là sự phát triển của sản xuất và việc xuất hiện sở hữu tư nhân. Nếu như trước kia, nguồn thức ăn chính để nuôi sống gia đình là từ săn bắt, hái lượm, trồng trọt thì cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, nguồn thức ăn cung cấp chính lại từ việc thuần dưỡng súc vật và chăn nuôi các bầy gia súc. Đàn gia súc này lúc đầu thuộc thị tộc nhưng dần được tách riêng ra thành của các chủ gia đình, đó là người chồng. Theo sự phân công lao động tự nhiên tồn tại trong gia đình bấy giờ, người chồng có nhiệm vụ đi kiếm thức ăn và những công cụ lao động cần thiết cho việc kiếm thức ăn. Do đó, người chồng là người sở hữu đàn gia súc và công cụ lao động mới là nô lệ. Thế nhưng, chế độ mẫu quyền lúc đó khiến cho “khi ông chủ của một đàn gia súc chết đi thì số gia súc này trước hết sẽ phải trao cho anh, chị, em ông ta và con gái của những chị em gái ông ta, hoặc cho con cháu của chị em gái người mẹ ông ta. Còn chính con cái của ông ta lại không được thừa kế” (10). Vì vậy, khi của cải ngày càng tăng thêm, thì người chồng cần biết đích xác con cái của mình là ai và có nhu cầu chuyển toàn bộ tài sản của họ cho con đẻ anh ta. Điều đó làm xuất hiện hình thức gia đình gia trưởng như là bước chuyển từ chế độ hôn nhân cặp đôi sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Từ đó, Ăngghen đi đến khẳng định “Chế độ một vợ một chồng là hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa trên những điều kiện kinh tế - tức là trên thắng lợi của sở hữu tư nhân đối với sở hữu công cộng nguyên thủy và tự phát. Sự thống trị của người chồng trong gia đình, sự sinh đẻ ra những đứa con chỉ có thể là con của người chồng và phải được quyền thừa hưởng tài sản của người ấy - đấy là những mục đích đặc biệt của chế độ một vợ một chồng” (11). Như vậy, khi sự phát triển của xã hội ở trình độ cao hơn, lực lượng sản xuất phát triển và sở hữu tư nhân xuất hiện thì hình thức gia đình một vợ một chồng ra đời như một tất yếu. Sự ra đời của chế độ hôn nhân ấy chính là do yêu cầu của xã hội “Chế độ một vợ một chồng sinh ra từ sự tập trung nhiều của cải vào tay một người, vào tay người đàn ông và từ nguyện vọng chuyển của cải ấy lại cho con cái của người đàn ông ấy, chứ không phải của người nào khác”(12). Tuy nhiên, đây là chế độ một vợ một chồng chỉ về phía người phụ nữ, còn với người đàn ông thì thực chất đó vẫn là chế độ nhiều vợ.

Không chỉ lý giải sự xuất hiện của các hình thức gia đình trong lịch sử trên cơ sở sự phát triển của xã hội mà Ăngghen còn dự báo khi xã hội phát triển tới mức xóa bỏ hết những cơ sở kinh tế của chế độ một vợ một chồng hiện nay thì hình thức gia đình nào sẽ xuất hiện. Theo ông khi “các tư liệu sản xuất mà được chuyển thành tài sản xã hội thì chế độ lao động làm thuê, giai cấp vô sản cũng sẽ biến mất, và đồng thời cũng sẽ không còn tình trạng một số phụ nữ - con số này có thể thống kê được - cần thiết phải bán mình vì đồng tiền nữa. Tệ mại dâm sẽ mất đi, và chế độ một vợ một chồng không những không suy tàn, mà cuối cùng còn trở thành hiện thực, - ngay cả với đàn ông nữa” (13). Như vậy, chế độ một vợ một chồng sẽ được thực hiện một cách trọn vẹn, đúng nghĩa từ cả hai phía khi xã hội phát triển đến mức tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về xã hội. Bởi khi đó người phụ nữ sẽ không còn lý do kinh tế hay đạo đức, xã hội nào để phải chịu đựng cảnh nhiều vợ như hiện nay. Khi tư liệu sản xuất thuộc về xã hội, khi sự thống trị về kinh tế của người đàn ông đối với đàn bà, sự lệ thuộc của người đàn bà với người đàn ông bị xóa bỏ thì cũng có nghĩa là “những lý do kinh tế khiến cho người đàn bà phải chịu đựng thói quen ngoại tình đó của người đàn ông - mối lo lắng về đời sống của mình, và hơn nữa, về tương lai của con cái mình” (14) không còn nữa. Do đó, chế độ một vợ một chồng sẽ thực sự dựa trên tình yêu thương của cả hai bên và theo đúng nghĩa của từ này.

Như vậy, thông qua việc khảo cứu lịch sử cũng như những dự báo thiên tài của mình, Ăngghen đều khẳng định trình độ phát triển của xã hội đã làm xuất hiện những hình thức gia đình khác nhau. Điều này được ông nhấn mạnh trong lời mở đầu “chế độ gia đình hoàn toàn bị quan hệ sở hữu chi phối” (15). Chế độ sở hữu của xã hội chính là biểu hiện trình độ phát triển của xã hội nói chung, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng.

Vì trình độ phát triển của xã hội quyết định những hình thức gia đình khác nhau nên nó là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Thông qua việc tìm hiểu hình thức gia đình nhất định mà người ta có thể hiểu được xã hội lúc đó như thế nào. Theo Ăngghen, chế độ quần hôn được xây dựng trên cơ sở chế độ sở hữu cộng sản nguyên thủy, hôn nhân cá thể ra đời do sự phát triển của xã hội dẫn tới xuất hiện sở hữu tư nhân. Từ sở hữu tư nhân xuất hiện giai cấp và sự nô dịch giai cấp. Nhưng chủ sở hữu tư nhân thuộc về người đàn ông. Do đó “sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong hôn nhân cá thể, và sự áp bức giai cấp đầu tiên là trùng với sự nô dịch của đàn ông đối với đàn bà” (16). Vì hôn nhân cá thể ra đời trên cơ sở kinh tế, xã hội là sở hữu tư nhân và nô dịch giai cấp nên “Hôn nhân cá thể là hình thức tế bào của xã hội văn minh, hình thức mà chúng ta có thể dựa vào để nghiên cứu bản chất của những đối kháng và những mâu thuẫn hiện đang phát triển đầy đủ trong xã hội văn minh” (17). Từ đó, khi nghiên cứu gia đình gia trưởng, Ăngghen đồng ý với Mác rằng gia đình này “chứa đựng không những chế độ nô lệ (servitus) ở trạng thái manh nha, mà còn chứa đựng cả chế độ nông nô ở trạng thái manh nha nữa, vì nó có quan hệ ngay từ đầu với những lao dịch nông nghiệp. Nó chứa đựng, dưới hình thức thu nhỏ, tất cả những mâu thuẫn sau này sẽ phát triển rộng lớn trong xã hội và trong nhà nước của xã hội đó” (18). Còn nghiên cứu gia đình một vợ một chồng trong xã hội tư sản, Ăngghen thấy “Trong gia đình, người chồng là nhà tư sản, người vợ đại biểu cho giai cấp vô sản” (19).

2. Ý nghĩa với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay

Xã hội Việt Nam đang chuyển sang một bối cảnh mới đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin. Tất cả những nhân tố này của xã hội đều tác động mạnh mẽ đến gia đình Việt Nam. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập gia đình và góp phần xây dựng gia đình no ấm. Quá trình này tạo ra sự chuyển biến từ lao động chủ yếu bằng sức cơ bắp sang lao động sử dụng kỹ năng, kỹ xảo và chất xám, trí tuệ. Trong lao động sử dụng sức mạnh cơ bắp của xã hội nông nghiệp truyền thống, người đàn ông có ưu thế, do đó tạo cơ sở cho những tư tưởng trọng nam, khinh nữ nhưng khi lao động chủ yếu sử dụng kỹ năng, kỹ xảo và trí tuệ, nam và nữ đều ngang nhau, điều này tạo cơ sở cho gia đình bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái phát triển. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự xuất hiện rất nhiều các phương tiện hiện đại trong sinh hoạt gia đình giúp giải phóng sức lao động và thời gian trong các công việc gia đình, từ đó tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian dành cho nhau. Kinh tế thị trường là cơ hội cho nhiều gia đình năng động tích cực vươn lên làm giàu để xây dựng gia đình no ấm, nhưng mặt trái của nó tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng gia đình Việt Nam, nhiều người đặt lợi ích vật chất lên trên hết và điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tình nghĩa vốn là cơ sở cho quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thì nhiều lúc bị chi phối bởi đồng tiền, lợi ích vật chất. Chúng ta thấy không ít những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình Việt Nam thậm chí lôi nhau ra tòa để kiện tụng, chém giết lẫn nhau đều xuất phát từ những lí do, những tranh chấp về mặt kinh tế. Nhiều vụ án mạng đã xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Nhiều cuộc hôn nhân tạo ra và duy trì vì lý do kinh tế, nhiều người lựa chọn bạn đời vì những lợi ích kinh tế mà họ có thể được hưởng biến hôn nhân trở thành cuộc trao đổi, mua bán. Xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ nảy sinh trong xã hội hiện đại len lỏi vào gia đình làm xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực trong gia đình như sống thử, hôn nhân tập thể, ngoại tình… Hội nhập quốc tế là cơ hội cho các gia đình Việt Nam tiếp thu những giá trị tích cực, tiến bộ của gia đình ở nhiều quốc gia như bình đẳng, tôn trọng sự tự do, dân chủ trong các quan hệ gia đình… song đang làm nảy sinh nhiều vấn đề như buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, kết hôn có yếu tố nước ngoài vì mong ước đổi đời, làm giàu dẫn tới nhiều hệ lụy, tình trạng hôn nhân đồng giới phát triển. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội vừa giúp các thành viên trong gia đình sống cách xa nhau vẫn có thể giữ liên lạc và nồng ấm hơn các mối quan hệ này, bất chấp khoảng cách địa lý, song nó cũng lại có thể đẩy xa các thành viên trong gia đình, dù họ sống gần nhau. Nhiều thành viên trong gia đình mải mê với mạng xã hội mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình, không có thời gian để quan tâm, hiểu biết và chia sẻ với thành viên trong gia đình mình. Nhiều tệ nạn xã hội đã theo mạng xã hội mà xâm nhập vào gia đình. Việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, văn minh trong bối cảnh mới của xã hội hiện nay vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức.

Xã hội tác động mạnh mẽ đến gia đình, điều này không chỉ được Ăngghen chứng minh bằng thực tiễn phát triển các hình thức gia đình trong lịch sử mà còn được khẳng định bằng thực tiễn gia đình Việt Nam hiện nay. Nhận thức được điều này, chúng ta cần xác định rõ những tác động tiêu cực và tích cực để có những giải pháp phù hợp hạn chế tác động tiêu cực và phát huy những tác động tích cực. Những giải pháp này phải đồng bộ, toàn diện từ giáo dục đến hệ thống pháp luật, các chế tài cụ thể, nghiêm minh.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, Mác, Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tập 21, tr.44, 57, 117, 63, 63-64, 78-79, 79, 79, 79, 88, 91, 103-104, 118, 118, 127, 44, 104, 105, 94,115.

Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;