Phan Cẩm Thượng - Viết và vẽ chỉ có một đường

Đối với những người xuất phát điểm từ nghiên cứu, việc thực hành nghệ thuật của họ rất khác biệt. Có thể nói họ đi theo chiều ngược lại với nghệ sĩ. Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng là một người như thế. Triển lãm tranh của họa sĩ Phan Cẩm Thượng diễn ra vừa qua tại Trung tâm Nghệ thuật The Muse Art Space trưng bày 20 bức tranh giấy dó. Những tác phẩm lạ lẫm với hội họa đương đại của Việt Nam cả về nội dung lẫn hình thức.

Một cuộc đời nhất quán

Cho tới thời điểm hiện tại, người nghiên cứu về mỹ thuật cổ Việt Nam còn lại không nhiều. Có lẽ bởi mỹ thuật cổ là chuyên ngành khó. Để nghiên cứu về nó, các thế hệ trẻ ngày nay không chỉ cần nhiều năm học tập mà còn cần nền tảng văn hóa Phương Đông sâu rộng cùng với những “tố chất riêng biệt”. Nhà nghiên cứu/họa sĩ Phan Cẩm Thượng là một người hội tụ đầy đủ những điều kiện đó. Sinh năm 1957, ông là con út trong một gia đình có 9 anh em, nhà ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Phan Cẩm Thượng lớn lên trong môi trường ảnh hưởng nhiều tư tưởng Nho giáo. Ông giỏi tiếng Hán và ham học triết học phương Đông. Nền tảng văn hóa và ngôn ngữ, niềm yêu thích vẽ cùng một số cơ duyên đã dẫn lối cho ông thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.

Suốt cuộc đời Phan Cẩm Thượng gắn bó với đình, chùa: học ở chùa, nghiên cứu đình, chùa, rồi ở chùa! Khi còn nhỏ, Phan Cẩm Thượng đi sơ tán ở mạn Hà Tây cũ, vì chiến tranh không có trường lớp nên học luôn trong các đình, chùa. Ông kể: “Đi học vậy nhưng thú thực là tôi chẳng học được môn gì, mà cứ thích tượng Phật…”. Trong suốt quá trình học tập và giảng dạy ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông thường xuyên đi điền dã các đình, chùa để nghiên cứu. Sau đó, ông rời biên chế và dong duổi khắp các làng quê Kinh Bắc: “Trước đây tôi hoàn toàn đi bộ, không phải đi ô tô hay xe máy. Mãi đến năm 1994, tôi mới có xe máy. Tôi đi từ làng này qua làng khác mất cả năm trời, thường đi trong một vệt nghiên cứu như vậy. Chỉ riêng việc đi và vẽ đã mất 18 năm.” - họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Ở luôn trong chùa Bút Tháp nhiều năm, Phan Cẩm Thượng kể sở dĩ chọn chùa Bút Tháp vì 2 lý do chính. Thứ nhất đây là ngôi chùa cổ từ thế kỷ XVII còn giữ được nguyên các công trình kiến trúc điêu khắc Phật giáo đặc sắc. Thứ hai, chùa Bút Tháp nằm ở vị trí trung tâm của làng quê Kinh Bắc, để từ đó ông có thể đi bộ được khắp các vùng xung quanh.

Tinh thần Phật giáo thấm trong con người, nếp nghĩ và được thể hiện ngay trong lối tiếp cận nghiên cứu của tác giả Phan Cẩm Thượng. Như ông chia sẻ: “Đúng là tôi học từ Phật giáo, trong Phật giáo thường hay nói: Xưa nay phải trái nhất thiết không bàn. Phật giáo chỉ hướng thiện còn các việc phê phán thù ghét là không bàn đến. Điều này tôi thấy cũng phù hợp với quan điểm nghiên cứu của mình: nghiên cứu bước đi của loài người trong hòa bình… là người nghiên cứu, đã đi thì chỉ đi một đường, và mình cũng chỉ có khả năng như thế…”

Tính cách lặng lẽ chậm rãi, phong thái giản dị điềm tĩnh, hướng tiếp cận ấy là phù hợp với thể tạng của Phan Cẩm Thượng, đã đem lại cho ông nhiều thành quả. Những tài liệu về mỹ thuật cổ quan trọng cho sinh viên Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam ngày nay, rất nhiều trong đó là các công trình nghiên cứu từ quãng thời gian kể trên. Các công trình như: Mỹ thuật của người Việt, Mỹ thuật ở Làng (viết chung với Nguyễn Quân), Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu - Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp, Văn minh vật chất của Người Việt, Nghệ thuật ngày thường, Họa sĩ trẻ Việt Nam.

Bên cạnh việc viết nghiên cứu văn hóa/mỹ thuật cổ, vẽ là một việc song hành. Phan Cẩm Thượng vẽ trên giấy dó, lụa, sơn mài, làm tranh đồ họa đen trắng, viết thư pháp (chữ Hán) và vẽ tranh thủy mặc…

Năm 2008, triển lãm “Họa sĩ Phan Cẩm Thượng và các học trò của ông” tổ chức tại New York (Mỹ) bao gồm 6 họa sĩ: Lê Quốc Việt, Nguyễn Bạch Đàn, Trịnh Quốc Chiến, Đinh Thị Thăm Poong. Cho đến nay, triển lãm Phan Cẩm Thượng 2022 là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông. 20 tác phẩm trong triển lãm này là một phần rất nhỏ trong các sáng tác từ trước tới nay của ông. Mặc dù vậy, các tác phẩm trong triển lãm cũng mang đầy đủ những đặc trưng, đại diện cho nhà nghiên cứu/ họa sĩ Phan Cẩm Thượng, đến với công chúng. 

Trong cái lạ có cái quen

Triển lãm “Tranh của Phan Cẩm Thượng” lạ. Lạ vì nó nhắc đến một chủ đề cùng những câu chuyện mà không mấy khán giả biết đến: Phụ nữ quý tộc Việt thế kỷ XVII thời Lê - Trịnh, mang cảm hứng phục trang và tập tục cung đình. Hơn nữa, đây là một chủ đề khó. Nếu có thì cũng chỉ xuất hiện ở dạng tranh minh họa/ nghiên cứu. Còn ở đây, cái tài là họa sĩ vừa sáng tác bay bổng, vừa mượn chuyện xưa làm cảm hứng nhưng cũng đồng thời khai thác các yếu tố thuộc về di sản và đảm bảo một phần tính chân thực của nó, dẫn dụ người xem về với quá khứ.

Nói về cảm hứng sáng tác hội họa của mình (và đó cũng là thôi thúc cho chính việc viết nghiên cứu của ông) tác giả chia sẻ: “Việt Nam có ít nhất 1000 năm (từ thời Lý đến thời Nguyễn) người ta tạc tượng, đắp tượng, sơn tượng, tô tượng, trở thành một nghề chuyên nghiệp. Đó là người thầy dạy mình vẽ. Không sử dụng thì phí quá. Tôi có tham khảo đối chiếu phương Tây nhưng vẫn nghiêng về nghệ thuật Phật giáo, vì đã gắn bó với nó, và hiểu về nó trong cả quá trình rất dài.” Như vậy, nếu như một người nghệ sĩ vừa sáng tác vừa phải luôn đi tìm về chất liệu của văn hóa, đời sống, nghệ thuật để xây dựng cho mình những huyễn tưởng cá nhân thì một điều thuận lợi là ngược lại, Phan Cẩm Thượng đã có trong mình một vốn văn hóa dồi dào - những huyễn tưởng chung của cộng đồng cùng nhiều trăn trở, nay họa sĩ dùng hội họa một cách giản dị như thể giãi bày chia sẻ và tìm kiếm một góc nhìn khác cho thực hành văn hóa của mình. Tuy vậy, với thế mạnh của bản thân, Phan Cẩm Thượng đã đem đến một sự độc đáo ngay trong ngôn ngữ hội họa của ông.

Cái lạ nữa là họa sĩ kiên trì nghiên cứu và sử dụng màu tự nhiên để vẽ trên giấy dó truyền thống. Màu tự nhiên là hệ màu chế biến từ thực vật, khoáng sản. Mặc dù nó bền, sắc độ đẹp một vẻ tinh khôi và được các bậc thầy hội họa sử dụng từ xưa, nhưng cho tới ngày nay, hiếm có họa sĩ nào kỳ công nghiên cứu và sử dụng hoàn toàn nữa. Nó cầu kỳ, hạn chế và bởi đã có sẵn rất nhiều các loại màu nhập chế biến sẵn tiện dụng và đa dạng. Thế nên, sự kỳ công và cố gắng của họa sĩ phải được nể phục vì “chất chơi” của ông cùng thứ màu này.

Phan Cẩm Thượng, Ngọc nữ Bút Tháp - Ảnh: The Muse Artspace

Qua tạo hình tác phẩm, kể cả khi chưa hiểu chính xác về motif thì người xem vẫn cảm nhận được phần nào hình ảnh của những người phụ nữ Việt trong những bối cảnh đặc biệt. Tranh Đông Hồ miêu tả người phụ nữ ở làng quê với vẻ đẹp phốp pháp lanh lợi qua những câu chuyện vui. Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa về những người phụ nữ thôn quê mộc mạc đằm thắm. Rồi đến những người phụ nữ Hà Thành trong phấn son, đài các đầu thế kỷ XX qua tranh của rất nhiều danh họa mỹ thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Dương Bích Liên … và nay công chúng lại được quay ngược về hình ảnh người phụ nữ Việt tầng lớp quý tộc ở thế kỷ XVII hay hình tượng những người phụ nữ hóa Thánh mẫu trong dân gian Việt qua tranh của Phan Cẩm Thượng. Sẽ là thiếu sót nếu không có một Phan Cẩm Thượng bổ sung vào hình tượng người phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử hội họa Việt Nam.

Về tạo hình, có thể nói, Phan Cẩm Thượng đứng ngoài ranh giới của hội họa truyền thống và hiện đại Việt Nam. Tranh của ông không tuân theo lối tạo hình hàn lâm phương Tây ở tỷ lệ/bố cục/luật phối cảnh… Ông sử dụng lối diễn hình ước lệ, gần với nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt. Sự táo bạo của hình tượng người phụ nữ trong tranh Phan Cẩm Thượng vừa như xuất phát điểm từ sự táo bạo hóm hỉnh của người phụ nữ trong tranh dân gian Đông Hồ hay chạm khắc đình làng Việt, vừa mang âm hưởng của hội họa nguyên sơ phương Tây, cụ thể là trường phái dã thú trong các tác phẩm của Matisse (danh họa người Pháp 1869-1954). 

Thế nhưng, những hình thể phụ nữ được kéo giãn, ở trần trong loạt tranh này của Phan Cẩm Thượng không hóm hỉnh. Nó mang màu sắc của những nỗi niềm, trải dài bên cạnh những thân phận lịch sử khác. Đó là những cung nữ, nhà sư, vua chúa trong một giai đoạn lịch sử phức tạp của triều đình thế kỷ XVII. Trong các tác phẩm có những nhân vật có thật như quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên, Trịnh Thị Ngọc Cơ, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc thuộc hoàng tộc Lê - Trịnh được thờ ở chùa Bút Tháp. Có Phật Mẫu Man Nương trong đạo thờ Tứ pháp. Những câu chuyện về họ trong tranh của Phan Cẩm Thượng như hé lộ những mảng khuất rất “đời”, như chính sự trải lòng của các nhân vật. Và khi vẽ họ, tức là ông đã mang theo câu chuyện cuộc đời họ với nhiều nỗi niềm, uẩn khúc hay được hình tượng hóa ngợi ca… vào tác phẩm. Trong một bài báo, tác giả chia sẻ: “Ở Bút Tháp thường có những nhà sư trẻ tuổi tham gia phục dịch cho hoàng tộc Lê - Trịnh khi tới chùa hành lễ. Họ cũng có khao khát dục vọng như người thường. Bức họa vẽ cô cung phi tự cởi bỏ xiêm y, xung quanh là những nhà sư”.

Bên cạnh đó, những xiêm y phục trang, motif rồng phượng của cung đình thế kỷ XVII trong tác phẩm đến từ những công trình nghiên cứu dày công của ông về mỹ thuật cung đình và dân gian Việt Nam.

Phan Cẩm Thượng, cùng với nhiều thế hệ nhà nghiên cứu độc lập khác của mỹ thuật hiện đại, đã kịp thời ghi lại những hình ảnh quý của các di sản mỹ thuật/ văn hóa Việt trước khi nó bị biến đổi. Và điều đặc biệt, riêng ông đã ghi lại bằng cả ngôn ngữ viết và ngôn ngữ tạo hình trong một sự nhất quán. Để làm được điều này, phải cần đến sự cống hiến và dám hy sinh. Và một việc giá trị nữa là chính cuộc đời và sự nghiệp của ông đã truyền cảm hứng cho những thế hệ trẻ tiếp theo về vẻ đẹp của cội nguồn văn hóa/ mỹ thuật Việt.

HUYỀN T. TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

;