Là một nhà nhiếp ảnh có tài, cuộc đời đã dẫn Vũ Năng An qua những khúc quanh của định mệnh để rồi trở thành một nhân chứng của lịch sử, của cách mạng. Mỗi lần tôi đến thăm ông, nhắc lại những gì đã qua của đời mình, ông thường nói với tôi: “Đời tôi may mắn được chứng kiến và ghi lại những sự kiện trọng đại, được gần với những nhân vật lớn của thế kỷ 20... Những gì tôi ghi lại được, chính là một phần của câu chuyện lớn...”
Hồi ấy, tính đến nay cũng đã ngoài một phần tư thế kỷ.
Cứ mỗi chiều thứ bảy, rất nhiều lần như thế, theo lời hẹn, tôi lại đến thăm nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An tại nhà riêng ở khu tập thể điện ảnh 72 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Đấy là khu tập thể nghèo, gồm nhiều khu nhà hai ba tầng, đã cũ kỹ, tróc long từng mảng nhưng hội tụ nhiều tên tuổi đã làm nên nền điện ảnh dân tộc từ trong máu lửa chiến tranh. Vũ Năng An ở trong căn hộ nhỏ đơn sơ gần phía cổng chính. Đúng giờ hẹn, ông thường ngồi đợi sẵn ở phòng khách tầng một. Khi tôi đến, tiếng chuông cửa rung lên, ông chầm chậm bước ra, vẻ hân hoan, bắt tay tôi và dẫn vào trong phòng. Cử chỉ bình dị, thân ái như một người ông đón cháu.
Năm ấy, Vũ Năng An đã bước vào tuổi tám mươi. Tóc ông bạc xóa. Da mồi, nhăn nheo. Vầng trán có lúc đăm lại và đôi mắt ưu tư. Chân đã yếu, có lúc phải dùng đến gậy.
Có lần ông nhìn tôi bằng ánh mắt thân thương và cảm động, giọng ông trầm trầm điềm đạm:
“Dạo này sức khỏe của tôi không được tốt. Người có lúc như hụt hẫng, như bị nhấn chìm vào một khoảng không vô đáy, gượng mãi mới bình thường lại được. Tôi biết thời gian của tôi không còn nhiều. Tôi đã nghĩ đến một chuyến đi xa. Thật xa! Nhưng càng nghĩ tôi lại càng thấy luyến tiếc cuộc đời này. Không có gì quý giá hơn là được sống. Ở tuổi này, gặp anh, tôi hạnh phúc vì được kể lại…”
*
Theo dòng ký ức của Vũ Năng An, tôi hình dung về những chặng đường đời của một con người từng trải qua bao thăng trầm và định mệnh đã xui khiến để ông trở thành một nhân chứng sống, với chiếc máy ảnh trong tay, ông đã ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử dân tộc và hình ảnh các danh nhân cách mạng thế kỷ 20.
Dáng người gầy, nhỏ, ông ngồi lọt thỏm vào chiếc ghế salon. Gương mặt nhăn heo, đôi mắt trầm tư thỉnh thoảng lại ánh lên một tia sáng. Và giọng nói đều đều, truyền cảm như vọng về từ quá khứ xa thẳm, lời tâm sự của ông đưa tôi về với những khoảnh khắc đáng nhớ của mấy mươi năm về trước…
Vũ Năng An sinh ra ở tỉnh Nam Định năm 1916.
Ông mồ côi mẹ năm 10 tuổi. Cụ thân sinh của ông là Côi Sơn Vũ Năng Tĩnh, một người viết báo, phê phán những chuyện bất bình xảy ra hằng ngày trong tỉnh. Cụ Vũ Năng Tĩnh giao du với ông Nguyễn Thế Truyền, một trí thức Tây học có tư tưởng mới, cụ cũng là bạn thân thiết của thi sĩ Lê Đại Thanh và một số văn nghệ sĩ khác cùng thời. Cuộc sống của Vũ Năng An hồi nhỏ là một cuộc sống nghèo khó, không ổn định nơi ăn, chốn ở. Về sau, cụ Vũ Năng Tĩnh xây dựng gia đình với một người đàn bà nữa, cảnh mẹ kế con chồng không hòa thuận làm Vũ Năng An rất đau lòng và cảm thấy bơ vơ.
Tuổi thơ của Vũ Năng An đau buồn, cô đơn và đầy thúc bách. Nhiều năm liền chàng trai trẻ Vũ Năng An nuôi ý nghĩ cần phải rời khỏi gia đình, tìm một nơi khác để sống và một việc để làm, tạo dựng cuộc sống riêng. Năm 16 tuổi, Vũ Năng An trốn nhà xuống Hải Phòng xin thi vào trường kỹ nghệ. Năm đó anh thi hỏng vì môn kỹ thuật không đạt yêu cầu.
Vũ Năng An đành trở về nhà trong nỗi chán chường, nhưng ý chí thay đổi cuộc sống bế tắc, tù đọng thì vẫn sôi sục trong tâm hồn người trai trẻ.
Dường như bất cứ nơi nào và ở đâu anh đều nghĩ đến việc phải tìm lấy một con đường sống cho riêng mình. Đêm 30 Tết năm 1937, biết ngày mồng một tết có chuyến tàu xuyên Đông Dương chạy qua Nam Định, không đợi đến sáng hôm sau cùng vui Tết với gia đình, Vũ Năng An lặng lẽ đi mua vé lên tàu vào Tuy Hòa, từ đó bắt xe ô tô đi tiếp vào Sài Gòn.
Trong những ngày chân ướt chân ráo tại Sài Gòn, Vũ Năng An may mắn gặp được ông Géo Thơm, một chủ hiệu ảnh có tâm hồn nghệ sĩ và mến trọng tài năng. Chính Géo Thơm đã dạy cho Vũ Năng An nghề chụp ảnh và nhận anh vào làm tại hiệu ảnh của mình. Vũ Năng An nhanh chóng bộc lộ những dấu hiệu của một tài năng nhiếp ảnh lớn được các bậc đàn anh nể trọng.
Một lần Vũ Năng An chụp ảnh cho vợ chồng ông phó giám đốc tàu Aramis. Thái độ tận tụy, và đặc biệt là những bức ảnh đẹp đã khiến ông chủ tàu Aramis trầm trồ khen ngợi.
“Tuyệt quá! Anh là một tài năng. Với tay nghề của mình, anh có thể sang làm việc tại Pháp và có thể tiến xa hơn nữa.”
Vũ Năng An ngỏ lời:
“Tôi muốn sang Pháp để mở rộng hiểu biết mọi mặt và học thêm về nhiếp ảnh. Ông có thể giúp tôi chứ?”
“Ồ, tất nhiên!”
Thế là sau đó Vũ Năng An được nhận xuống tàu Aramis và bắt đầu một hành trình hàng tháng liền trên đại dương. Cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Marseille. Trong thời gian làm việc tại Pháp, chàng trai trẻ Vũ Năng An đã lăn lộn trong nhiều cảnh sống và có thêm nhiều hiểu biết. Anh thường đến nhiều hiệu ảnh nổi tiếng của Pháp, gặp gỡ và học hỏi thêm từ các nhà nhiếp ảnh có tiếng để nâng cao tay nghề của mình. Và cũng trong hoàn cảnh xa đất nước ấy, anh đã có dịp nhìn nhận lại mình. Từ tuổi thơ cay đắng đến cảnh sống thiếu quê hương nơi đất khách quê người, càng ngày tình yêu Tổ quốc và sự thông cảm sâu sắc với số phận người cùng khổ càng bùng cháy lên trong tâm hồn chàng trai trẻ Vũ Năng An.
Năm 1939, khi cả châu Âu nóng bỏng vì chiến tranh thế giới thứ hai, Vũ Năng An quyết định về nước và tự nhủ sẽ cố gắng sử dụng khả năng chuyên môn để làm một cái gì đó có ích cho đời.
*
Định mệnh đã an bài Vũ Năng An trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh cách mạng và một nhân chứng lịch sử.
Từ tuổi thiếu niên, Vũ Năng An đã có 2 người bạn là Vũ Đức OOng và Vũ Đức Toa. Hai người này bí mật hoạt động cho Đảng Cộng sản từ khi còn trong trường học và có lần họ đã rủ Vũ Năng An tham gia Hội viết báo trong lớp. Hai người này sau đã lên Hà Nội hoạt động cho Việt Minh. Vũ Năng An cũng từng chứng kiến cảnh các chiến sĩ cách mạng bí mật xuất dương trên tàu Armis. Ý thức cách mạng từ đó thấm dần vào chàng trai trẻ.
Mấy năm sau khi từ Pháp trở về Hà Nội, Vũ Năng An vẫn tiếp tục làm nghề chụp ảnh và không ngừng nâng cao tay nghề.
Và một ngày trọng đại đã đến!
Từ 17-8-1945, Việt Minh đã chính thức cử người đến mời Vũ Năng An chụp ảnh cho Cách mạng.
Ngày 19-8-1945, cùng với không khí cuồn cuộn đấu tranh của cuộc tổng khởi nghĩa, theo lệnh Việt Minh, nhân dân Hà Nội vùng lên giành chính quyền. Buổi sáng hôm đó, nhà văn Nguyên Hồng đến gặp Vũ Năng An với tâm trạng vô cùng phấn chấn:
“Đi! Anh đi với tôi, chụp ảnh nhân dân Thủ đô chiếm Phủ Khâm sai.”
Vũ Năng An cầm máy chạy về phía Phủ Khâm sai. Và may mắn sao, ông đã chụp được một trong những bức ảnh lịch sử vào loại tiêu biểu nhất, ghi lại cái thời khắc thiêng liêng của cách mạng Tháng Tám - thời khắc nhân dân ta tiến vào sào huyệt của kẻ thù, đập tan bộ máy thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến cai trị suốt 1000 năm, xây dựng chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân.
Sau sự kiện Cách mạng Tháng Tám, Vũ Năng An lại được bố trí chụp ảnh Bác Hồ và Chính phủ lâm thời trong ngày ra mắt đọc Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945. Những bức ảnh tư liệu quý đó đã đi vào sách giáo khoa và được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Năng An được điều động lên Việt Bắc. Từ đó cho đến khoảng gần 20 năm sau, Vũ Năng An là nhà nhiếp ảnh trụ cột và có nhiều cơ hội được chụp ảnh Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều nhà trí thức văn nghệ sĩ khác.
Chiến dịch Biên giới nổ ra năm 1950. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng của chiến dịch này, Bác Hồ thân chinh đi chiến dịch. Lần hành quân này bên Bác là một ân huệ nữa mà lịch sử dành cho Vũ Năng An. Ông đã chụp được nhiều ảnh, trong đó có một bức vô cùng quý giá - bức ảnh Bác Hồ ngồi trên điểm cao của chiến dịch Biên giới (mặt trận Đông Khê), với bộ quần áo bộ đội, mắt hướng về phía xa quan sát trận địa, gương mặt Bác đầy suy nghĩ và tự tin... Bức ảnh ấy đã đi vào lịch sử và làm xúc động biết bao nhiêu người Việt Nam qua các thế hệ.
Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê - Ảnh: Vũ Năng An
Vũ Năng An có tất cả 3 lần được theo Bác Hồ đi chụp ảnh dài ngày. Đó là lần ở Chiến dịch Biên giới, và lần Bác thăm Liên Xô năm 1955 và 1959. Trong những lần đó, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại những bức ảnh rất có giá trị. Đáng chú ý, theo chúng tôi là bức ảnh chụp Bác Hồ thăm Hồ Y Xức Kun trên dãy A La Tao cao ngất trời nằm trong triền núi Thiên Sơn và ảnh Bác Hồ thăm Bảo tàng khi làm việc và sống của Lê Nin tại Điện Kremly.
Vũ Năng An cũng được theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn cán bộ ngoại giao của Chính phủ Việt Nam đến bàn đàm phán tại Hội nghị Genève. Chuyến đi này ông cũng đã chụp được nhiều ảnh tư liệu rất có giá trị.
Vì những đóng góp xuất sắc của mình, đặc biệt là bức ảnh Bác Hồ đi chiến dịch biên giới, Vũ Năng An đã được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về nhiếp ảnh, đợt I năm 1996.
Bên cạnh sự nghiệp nhiếp ảnh, Vũ Năng An còn được đồng nghiệp nhớ đến là một nhà quản lý điện ảnh mẫu mực. Năm 1964-1969, ông làm phó giám đốc Xí nghiệp phim truyện Việt Nam. Từ 1969-1972, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Xưởng kỹ thuật sản xuất phim và từ 1972-1979, là giám đốc xưởng phim truyện Việt Nam. Trong 15 năm tham gia các vị trí quản lý chủ chốt nhất của xưởng phim, ông đã hết lòng với công việc, để lại một tấm gương trong sáng, cần cù, thấu hiểu đồng chí, đồng nghiệp, tin tưởng vào họ tạo điều kiện cho những tư tưởng sáng tạo chân chính được thực hiện trong thực tế. Nhiều bộ phim của xí nghiệp phim truyện thời kỳ này ra đời đã được nhân dân đón nhận và được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đưa điện ảnh cách mạng vào một giai đoạn phát triển rực rỡ.
***
Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An rời xa thế giới này ở tuổi 88, vào tháng 7 năm 2004. Thời gian đã đi qua nhanh chóng. Là một người làm báo, tôi đã gặp gỡ nhiều người, đã tham gia vào nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng ấn tượng về Vũ Năng An, những tình cảm sâu sắc với ông vẫn còn sâu đậm mãi. Hình ảnh ông với mái tóc bạc xóa, đôi mắt lấp lánh sau làn kính lão, phong thái điềm đạm và những cử chỉ nghĩa tình vẫn còn hằn in trong ký ức tôi. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn giữ một kỷ vật của ông, cuốn hồi ký Những năm tháng không thể nào quên có bút tích do đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng ông.
Trong một lần gặp gỡ, ông nói:
“Đối với tôi, đây là một kỷ vật quý giá! Tôi tặng lại anh để nhớ mãi những năm tháng này, khi chúng ta bên nhau.”
Tôi đỡ lấy quyển sách từ tay ông, lòng rưng rưng xúc động.
Và, từ ngày đó, tôi đã đọc cuốn sách nhiều lần. Đến nay tôi vẫn sử dụng nó như một nguồn tài liệu quý phục vụ cho những trang viết của mình.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022