"Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay"

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với nhiều ca khúc, khí nhạc, nhạc giao hưởng, hợp xướng, nhạc phim, kịch… Sáng tác của ông phong phú về thể loại và đa dạng về đề tài và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Chàng thanh niên Hà Nội Lê Văn Ngọ sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Thùng đã gia nhập quân đội trong những ngày Toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946. Đến năm 1947, ông được phân công về đội nhạc binh Liên khu 10 và được cử đi học ở trường Quân chính Liên khu 10. Năm 1948, ông tốt nghiệp và trở thành sĩ quan quân đội khi vừa tròn 18 tuổi. Năm đó, ông sáng tác bài hát đầu tiên trong sự nghiệp - đó là bài hát về Trung đoàn 165 của mình. 

Bạn bè đồng chí cùng đơn vị khi ấy có nhà thơ Trần Dần, Quang Dũng và họ là những người đầu tiên vui mừng chào đón những bài hát của ông. Trần Dần cũng chính là họa sĩ vẽ bìa cho tập ca khúc đầu tiên của ông mang bút danh Hoàng Vân. Hát về chính cuộc đời của mình và đồng đội, về lý tưởng Cách mạng mà mình theo đuổi. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã hiện lên thật hào hùng qua các tác phẩm Hành quân xa, Qua đồi Him Lam của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và ca khúc Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đại đoàn 312 nơi ông công tác chính là đại đoàn được phân công kéo pháo. Là cán bộ của đoàn văn công, Hoàng Vân không tham gia trực tiếp kéo pháo nhưng ông vẫn sát cánh cùng anh em trong đơn vị những lần đưa phá vào mặt trận và kéo pháo ra. Hò kéo pháo đã được chính Hoàng Vân với chiếc đàn accordéon, cùng với các ca sĩ Kim Ngọc và Thanh Phúc đi hát phục vụ các đơn vị chiến đấu ngay trên chiến hào. 

Trong Sơ thảo Lịch sử âm nhạc Việt Nam, tác giả Nguyễn Thụy Loan đã viết: “Với Hò kéo pháo, ngay ở gia đoạn đầu trong sự nghiệp của mình, Hoàng Vân đã sớm bộc lộ một tài năng sáng tạo khá đặc biệt trong cách thể hiện nội dung hình tượng của tác phẩm, cách vận dụng ngôn ngữ dân ca, cách khai thác và triển khai các chất liệu âm nhạc một cách chặt chẽ cũng như sự tìm tòi sáng tạo để vượt ra ngoài những khuôn khổ quen thuộc tiếp thu của phương Tây trong cấu trúc ca khúc mới Việt Nam”.

Cùng với Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Quốc tế ca, Hò kéo pháo… âm nhạc đầy tinh thần lạc quan bắt nhịp cùng khí thế xung phong hừng hực của những người lính đã góp phần gúp Đại đoàn 312 nhanh chóng làm nên chiến thắng Him Lam ngay từ trận đánh đầu tiên. Điều kỳ lạ là Hò kéo pháo không chỉ được quân ta nhắc nhiều mà lời bài hát cũng luôn được người Pháp nhớ tới. Ngày 7/5/2014 - kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ, buổi phát thanh trên đài France Inter trong chuỗi phát sóng La Marche de l’histoire (Bước chân lịch sử) có tiêu đề Bài hát Hò kéo pháo của Hoàng Vân. Các nhà báo Pháp cùng nhiều nhân chứng trao đổi các chi tiết xung quanh trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ với chiến công kéo pháo qua núi gây bất ngờ cho quân đội Pháp đã vang lên trên nền bài hát Hò kéo pháo. Ca khúc này cũng giúp ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhận rõ năng khiếu âm nhạc của Hoàng Vân, Nhà nước đã tuyển chọn ông sang Trung Quốc học âm nhạc châu Âu cổ điển tại Học viện Âm nhạc Trung ương để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Sau 5 năm học chính quy, ông trở về nước, hòa nhập với không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc bằng những ca khúc mang đậm hơi thở cuộc sống, bám sát tình hình thời sự của đất nước. Ông là một trong số những người có công xây dựng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Công việc ở Đài đòi hỏi nhanh nhạy, đáp ứng các đề tài nóng hổi, Hoàng Vân đã viết các ca khúc Tôi là người thợ lò Người chiến sĩ ấy vừa để đáp ứng tình hình thời sự, nhưng hai ca khúc này cũng rất đặc sắc và góp phần trở thành những dấu ấn đáng nhớ trong nền âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc hào sảng tạo nên cao trào hưng phấn và mạnh mẽ hợp với giọng nam cao, khoe được vẻ đẹp của chất giọng và kỹ thuật đã khiến hai ca khúc này cho đến nay vẫn thường được các thí sinh tham dự các kỳ thi về giọng hát thính phòng ưa chuộng.

Cuối những năm 1960, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quyết liệt cũng là lúc các ca khúc mang âm hưởng hào hùng, cổ vũ động viên nhân dân hai miền liên tục vang lên. Đó là những ca khúc như Biết ơn chị Võ Thị Sáu của Nguyễn Đức Toàn, Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp, Vui mở đường của Huy Thục, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng của Doãn Nho (thơ Hữu Thỉnh), Chiếc gậy Trường Sơn của Phạm Tuyên… Trong giai đoạn này, Hoàng Vân đóng góp những ca khúc Quảng Bình quê ta ơi, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Nổi trống lên rừng núi ơi, Bài ca pháo kích… và cả những ca khúc ca ngợi con người mới như Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca người chiến sĩ áo trắng… Ca khúc Hoàng Vân đã trở thành những tượng đài âm nhạc về người anh hùng giữ nước và người dân thường bình dị mà dũng cảm kiên cường của một thời đạn bom.

Bên cạnh ca khúc, ông có những hợp xướng lớn nói về dân tộc, đất nước mang tầm thời đại mà giai điệu hào sảng ấy là sự tự hào và hùng tráng của cả một quốc gia. Có thể kể đến tổ khúc hợp xướng Hồi tưởng, Vượt núi, Việt Nam - Tổ quốc ta anh hùng… 

Nhạc sĩ Hoàng Vân rất đa tài, trong lĩnh vực khí nhạc ông để lại một gia tài ấn tượng về nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc phim, nhạc múa ballet, nhạc sân khấu, trong đó nổi bật nhất là mảng nhạc phim. 

Bộ phim Con chim vành khuyên là phim đầu tiên ông làm nhạc và cho đến nay, bộ phim này vẫn là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam, góp vào niềm tự hào ấy có âm nhạc Hoàng Vân. Ngay cả trong điện ảnh, âm nhạc Hoàng Vân cũng mang một tính cách riêng không thể trộn lẫn được.

Cùng với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh và các nghệ sĩ diễn viên nổi tiếng như Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới… nhạc sĩ Hoàng Vân đã đồng hành cùng điện ảnh Việt Nam trong suốt cuộc đời sáng tác. Liên tiếp những bản nhạc phim ra đời: từ Khói trắng, Nổi gió, Em bé Hà Nội của thời chiến tranh tới Mối tình đầu, Đất mẹ, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Đời mưa gió, Đườn lên Cổng Trời, Giải phóng Sài Gòn của thời hòa bình. Trong đó, nhạc phim Em bé Hà Nội để lại nhiều ấn tượng nhất cho khán giả và cũng là những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của ông. Nhân vật cô bé Ngọc Hà đã lay động tâm hồn, khiến ông liên tưởng đến các con của mình và cả một thế hệ thiếu nhi đang phải trải qua những ngày đạn bom tàn phá. Nhạc phim Em bé Hà Nội được ông viết đầy xúc động khi từ nơi đưa các con đi sơ tán ở Tuyên Quang trở về Hà Nội, đi trên con phố Khâm Thiên sau trận bom B52 rải thảm, những ca từ vang lên như ươm những mầm hy vọng trên đống đổ nát: “Em đi trên phố phường, chan chứa tình yêu thương, em yêu những con đường, của thành phố quê hương, nơi đây em đã sống, những tháng ngày vinh quang, của Hà Nội anh hùng, của Tổ quốc yêu thương…”.

Không chỉ sáng tác nhạc cho phim truyện, ông còn sáng tác nhạc cho phim tài liêu, phim hoạt hình. Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng hồi tưởng lại: “Hồi đầu những năm 1980 tôi đi làm hàng chục phim tài liệu trong Thành phố Hồ Chí Minh và Hoàng Vân làm nhạc cho những phim đó. Không thể tưởng tượng nổi một nhạc sĩ tài ba như vậy, ông tới phòng dựng phim, ngồi trên piano và ứng tác nhạc ngay tại chỗ”.

Con gái ông - Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh vừa cho ra mắt cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau… - một tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân do chính bà viết với nguồn tư liệu tin cậy và kiến thức âm nhạc sâu rộng. Cuốn sách đã cho công chúng hiểu hơn về một nhạc sĩ Hoàng Vân trong đời sống và trong nghệ thuật.

Để khép lại bài viết với những nét phác họa về nhạc sĩ Hoàng Vân, không thể không dẫn những nhận xét của tác giả Nguyễn Trương Quý: “Có thể gói lại những gì Hoàng Vân viết ở mấy chữ “Ngày mai chúng ta lại lên đường” (Bài ca xây dựng). Các bài ca của ông luôn ở thì hiện tại tiếp diễn: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay” (Hát về cây lúa hôm nay), “Tương lai đang đón chờ tay em đi xây dựng nước nhà” (Hồi tưởng)… Nhưng thì hiện tại tiếp diễn ấy có đứng được như viễn kiến không là nhờ chất trữ tình hào hoa trong âm nhạc Hoàng Vân… Nhiều lúc, chất trữ tình dẫn dắt Hoàng Vân băng qua rào cản khô cứng của tuyên truyền cổ động, tạo ra những biểu tượng duyên dáng” (Nguyễn Trương Quý - Hoàng Vân, Người để lại những gửi trao nồng hậu).

PHẠM MINH TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

;