Nhà thơ Trần Nhuận Minh, đánh cược cuộc đời mình vào chữ

Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944, quê quán tại Nam Sách - Hải Dương, sống và làm việc tại Quảng Ninh. Dạy học, làm báo, viết văn xuôi, viết nghiên cứu, phê bình, nhưng niềm say mê mãnh liệt nhất ông luôn dành cho thơ. Trong số gần 50 đầu sách được xuất bản của ông có tới hơn hai mươi tập thơ. Nhà thơ Trần Nhuận Minh là một gương mặt văn chương tiêu biểu, được bạn đọc đánh giá cao, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lần thứ hai (2007) cho hai tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ và Bản xonat hoang dã.

Xin chào nhà thơ Trần Nhuận Minh. Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện với Dặn con - một sáng tác của ông được nhiều người biết đến, bởi sự giản dị, chắt lọc và những suy tưởng sâu sắc nhân văn. Bài thơ được gợi ý từ một tình huống như thế nào, thưa ông?

Vâng, đó là khoảng năm 90 của thế kỷ trước. Một lần, có một người hành khất đến trước cửa nhà tôi xin tiền. Bấy giờ, mọi người thường chỉ tặng 500 đồng cho người hành khất thôi. Tôi đưa ông ấy 2000 đồng. Sau đó, người hành khất nói với tôi rằng ông mới đến đây, xin hỏi có chỗ nào đông người và người ta có thể sẵn sàng cấp tiền cho. Tôi trả lời rằng ở đây ai cũng sẵn sàng cấp cho ông, và tôi chỉ cho ông đường đi. Ông hỏi xin tôi một tờ giấy, và điều tôi rất ngạc nhiên là ông ghi lại lời tôi nói bằng chữ nho, nét chữ rất đẹp, vuông vắn. Tôi chợt nhận ra rằng trước một người như thế này thì tôi chỉ đáng là học trò thôi. Hẳn ông ấy phải có một trí tuệ như thế nào, một trình độ như thế nào, và một cuộc đời như thế nào, cuối cùng phải đi ăn mày. Nếu đúng như tôi cảm nhận, thì số phận như thế quả là một thử thách khủng khiếp. Biết đâu đến một lúc nào đó tôi cũng có thể như vậy, sa cơ lỡ bước, phải sống nhờ vào lòng tốt của người khác. Cho nên mới có câu thơ “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ biết đâu nuôi bố sau này”. Tôi dặn con nhưng cũng là dặn chính lòng mình. Đức Phật đã dạy: anh hãy cứ làm những điều tốt đẹp đi rồi cái tốt đẹp sẽ đến với anh, người mà anh giúp có thể không giúp lại anh nhưng sẽ có người khác giúp lại. Phúc tạo Phúc. Đây là vấn đề lớn trong triết lý của đạo Phật.

Câu thơ như gan ruột

Phơi ra giữa trời mây

Mỗi người một số phận

Ngang qua thế gian này…

Qua các tác phẩm của ông, trong cảm nhận của tôi, dường như số phận của con người trong nhân gian là một chủ đề lớn nhất mà thơ ông theo đuổi?

Viết về số phận của nhân dân và nỗi bất hạnh của con người là một chủ đề thường trực trong thơ tôi từ 1986 đến nay. Nhân loại đã đi qua cuộc chiến tranh thế giới thứ hai với rất nhiều biến động. Những biến động ấy tác động vào tất cả mọi người trên thế gian. Vì thế, tôi nghĩ là một người làm thơ quan tâm đến nhân dân thì không thể bỏ qua. Đến bây giờ, tôi cũng có được một số thành tựu. Những tập thơ của tôi được tái bản nhiều lần. Ví dụ như tập Nhà thơ và hoa cỏ tái bản hơn hai mươi lần, Bản sonat hoang dã tái bản đến 13 lần, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danhMiền dân gian mây trắng cũng tái bản năm lần. Điều đó phần nào cho thấy tác phẩm của tôi đã có được một sự chấp nhận nhất định, thơ tôi có bạn đọc và có thể những vui buồn của tôi, những tâm cảm của tôi đã gần với nhân dân, nói như Xuân Diệu thì tôi có thể cùng xương thịt với nhân dân. Đây là một điều an ủi lớn cho chặng đường cầm bút 60 năm của tôi. 

Thơ Trần Nhuận Minh luôn có sự ám ảnh, day dứt và kiếm tìm cách thể hiện. Đề tài có phải là điều quan trọng đối với người viết không, thưa ông?

 Trong một mức độ nào đó thì đề tài cũng quan trọng, vì bản thân đề tài nói lên sự quan tâm của người viết, rằng tại sao anh chọn đề tài ấy để tiếp cận, bộc lộ những vấn đề về nhân sinh, thậm chí là cả về triết học. Nhưng nói cho cùng đề tài là của tất cả mọi người, còn viết như thế nào thì đó là sở hữu của cá nhân. Cho nên không phải chỉ các nhà thơ đổi mới, kể cả các nhà thơ cổ điển, những nhà thơ khai sinh ra nền văn chương của chúng ta và cả nền văn chương thế giới bao giờ cũng chọn cách viết như thế nào mới là vấn đề quyết định. Cách viết như thế nào mới là bí ẩn của sáng tạo. Theo tôi được biết thì tất cả những kiệt tác của văn học nhân loại đều có một phần bí ẩn mà chính tác giả cũng không tự giải thích được. Nghĩa là nó đến một cách tự nhiên, nhưng ở đấy nó để lại dấu ấn mà chúng ta không thể dùng một phương thức đơn giản hoặc là những hiểu biết có tính chất thông thường để giải thích được. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Cho nên tôi nghĩ điều đầu tiên, trước hết là đề tài - chọn đề tài là xác định một thái độ sống. Thứ hai, đề tài ấy được xử lý như thế nào - điều ấy phụ thuộc tài năng, còn xử lý đến mức độ nào khi mà nó vừa là hiện thực, vừa là hư ảo, vừa là đời sống con người, vừa là tâm tư vui buồn của con người nhưng nó lại phản ảnh cái cốt lõi của hiện thực mang màu sắc tâm linh. Đó là mức độ thứ ba. Những sáng tác thành công bao giờ cũng có một yếu tố không thể giải thích được, điều ấy lại thuộc về đẳng cấp của tài năng mà không phải ai cũng có được đẳng cấp này.

Ông không có ý định phân thứ bậc cao thấp trong văn chương chứ, thưa ông?

Sáng tạo văn chương nghệ thuật là một loại hình sáng tạo đặc biệt, trong đó lao động là rất quan trọng, nhưng như tôi đã trình bày trong cuốn Đối thoại văn chương, thì trong tâm hồn và tài năng của nhà thơ phải rơi ở đâu đó một giọt nước của thượng đế. Nếu không có giọt nước của thượng đế ấy thì anh chỉ có cái thứ hai, nghĩa là anh có một cách biểu đạt thế nào đấy để tác phẩm của anh khác với người khác, để xác định được vị thế chỗ đứng và đóng góp của anh cho nghệ thuật. Nhưng để đạt đến cõi hư ảo, cái cõi mà hôm nay có giá trị, ngày mai vẫn có giá trị, lúc buồn người ta đọc thấy thấm thía, lúc vui người ta ngộ ra bao giá trị, lúc già cũng đọc được, lúc yêu đương trẻ trung cũng đọc được, cái phẩm chất chúng ta thường thấy trong Truyện Kiều và những kiệt tác lớn của nhân loại thì phải có một giọt nước vô hình của thượng đế rơi vào tâm hồn và tài năng của nhà thơ. Không có giọt nước ấy tôi nghĩ không ai đạt được giá trị thứ ba và giá trị ấy thường chỉ dành cho thiên tài, vài năm, vài chục năm, vài trăm năm, thậm chí có thể đến nghìn năm một dân tộc mới có thể sinh ra được một người. Ở Việt Nam tôi nghĩ đó là Nguyễn Du.

Ở tuổi không còn trẻ, nhưng ông vẫn say đắm, mãnh liệt với thơ ca và lao động văn chương. Điều gì tạo nên một Trần Nhuận Minh sung sức đến như thế?

Ngoài thơ tôi còn viết nghiên cứu, phê bình và viết văn xuôi. Tôi vẫn có thể viết, thậm chí có thể nói là viết sung mãn hơn, thì nghĩ đơn giản thôi, tôi đánh cược cuộc đời vào chữ. Tôi vẫn thường nhủ lòng mình rằng, hãy sống trong chữ và nếu như có phải chết thì chết trong chữ. Nghĩa là toàn bộ tâm tư, mọi lo toan tôi dành cho sáng tác, sống với nó, trăn trở với nó. Vì thế tôi nghĩ rằng chừng nào tư duy còn minh mẫn thì chừng ấy cái nguồn để tạo ra những giá trị vẫn còn có cơ sở. Nó sẽ không chịu già đi nếu như anh nghĩ rằng anh vẫn còn có khả năng đạt tới một giá trị nào đấy, không hài lòng với cái đã có, không lười biếng, không ỉ lại, không giáo điều, không chạy theo thời thượng. Mà giá trị ở đâu, ở chính trong tâm hồn mình. Một nhà thơ lớn của Pháp đã nói rằng Hãy đập vào tim anh. Thiên tài là ở đó. Chỉ khi nào trái tim ngừng đập thì mới không còn tiếng vang. Nếu trái tim tôi còn đập, tôi vẫn cảm nhận được nhịp đập ấy trong lồng ngực, chừng ấy tôi vẫn còn sức sáng tạo.

Xin cảm ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh về cuộc trò chuyện thú vị này! 

 

 

Dặn con

 

Chẳng ai muốn làm hành khất

Tội trời đày ở nhân gian

Con không được cười giễu họ

Dù họ hôi hám úa tàn

 

Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao

Con không bao giờ được hỏi

Quê hương họ ở nơi nào

 

Con chó nhà mình rất hư

Cứ thấy ăn mày là cắn

Con phải răn dạy nó đi

Nếu không thì con đem bán

 

Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này

 ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;