Nhà văn Hòa Vang đã rời xa cõi tạm 16 năm, nhưng mỗi năm tới ngày giỗ của ông là một lần bạn bè lại nhắc đến, như nhắc tới một người bạn ham chơi, chỉ đang trốn đi đâu đó cho thỏa ý thích rong chơi chứ tuyệt không phải là người bạn đã khuất núi. Sinh thời, Hòa Vang thích đám đông, ưa tụ bạ bạn bè vì bản tính ham vui. Có ông ở đâu là đám đông không thể tẻ nhạt. Bởi vậy mà giờ đây, khi đã rời xa cõi thế mà bạn bè - “đám đông” thưở nào vẫn không thể quên ông.
Ngày 1/4/1993, cách nay đúng 29 năm, từ Hà Nội, nhà văn Hòa Vang cùng các nhà thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Lương Ngọc và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã lên đường đi bộ xuyên Việt. Có thể nói đây là cuộc đi bộ xuyên Việt “độc nhất vô nhị” gây xôn xao văn đàn thời ấy. Cũng vào ngày 1/4 cách đây 16 năm, năm 2006, nhà văn Hòa Vang (tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng) đã qua đời sau một thời gian dài lâm bệnh, thọ 61 tuổi. Vốn quê làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây, Hòa Vang say mê văn học từ trẻ nhưng phải đến năm 1991, sau khi truyện ngắn Nhân sứ đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ tổ chức, ông mới chính thức bước vào làng văn. Tác phẩm chính của ông gồm có các tiếu thuyết: Tai quỷ (1993), Hiện tượng Hveya (1998), Năm tháng và mẹ (2006) và hai tập truyện ngắn: Sự tích ngày đẹp trời (1996), Hạt bụi người bay ngược (2005). Nhắc đến Hòa Vang, nhiều người nhớ đến những truyện ngắn gắn liền với tên tuối ông như Nhân sứ, Quyền không điên, Sự tích ngày đẹp trời...
Cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, văn học tưng bừng nở rộ những tác phẩm hăm hở “bước qua lời nguyền” cùng ngọn gió đổi mới, Hòa Vang cũng góp một tập truyện ngắn đặc sắc Sự tích ngày đẹp trời được giải thưởng của Báo Văn nghệ. Như được viết trong những phút thăng hoa xuất thần, có thể nói không ngoa Sự tích ngày đẹp trời đã làm nên tên tuổi Hòa Vang. Dù sau này, ông có thêm Nhân sứ, Quyền không điên, Hư ảnh, Linh nghiệm... với một bút pháp siêu thực uyển chuyển, mượn cái ảo để nói về cái thực một cách sâu sắc mà tỉnh táo đến mức lạnh lùng, khốc liệt nhưng vẫn không át được hồn vía của thời Sự tích ngày đẹp trời.
Ngay từ khi bắt đầu văn nghiệp cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, Hòa Vang vẫn trung thành với lối viết siêu tưởng mà ông coi như “một chiêu thức hữu hiệu để có thể - bằng tâm hồn trong vắt và thần khí chân thực của mình nhà văn có thể nói hết được mọi điều ấp ủ”. Vì sao kẻ xuất thân nhà quê nhưng lớn lên ở chốn thị thành, sẵn máu kẻ sĩ của một sĩ phu Bắc Hà với kiểu cách ngang tàng nhưng đôi khi cũng rất mềm yếu “tiểu tư sản” ấy lại chọn một con đường đi không bằng phẳng dễ dàng? Bởi ngay từ khi bước chân vào nghiệp văn chương ông đã “Sẵn trong mắt một kiểu nhìn ngắm không phẳng, đòi phải lập thể, đòi phải không gian ba bốn chiều, đòi phải nhấp nháy chút tín hiệu, phập phồng chút hơi thở, dinh dính chút nhựa nhiệm màu của biểu tượng”. (Lời Hòa Vang trong một bài phỏng vấn ).
Hòa Vang là một kẻ ham chơi, Ngoài những khi đơn độc lao động cật lực như một phu chữ, ông rất thích tụ tập bên bạn bè và thích di chuyển. Lần di chuyển nổi tiếng nhất là cú xuyên Việt cuốc bộ cùng nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Cầm và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Về sau, Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán bỏ cuộc, chỉ còn lại hai ông Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc. Nhiều người đoán già đoán non là hai ông không chỉ có cuốc bộ mà còn đi xe cơ giới nữa, nếu không họ đã có thể được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Sau 29 năm, ba người đã về cõi: nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc mất năm 2001, nhà văn Hòa Vang mất năm 2006 và nhà thơ Hoàng Cầm mất năm 2010.
Bạn bè bảo, Hòa Vang có bản năng “trước tác lập ngôn”, mà nhiều khi “nói” như một nhu cầu tìm ý tìm chữ cho “viết”. Bởi vậy mà “đám đông cần anh, như chảo mỡ sôi cần viên tỏi nhao lên lộn xuống để dậy mùi, và anh cũng chả từ chối, lắm khi phả vào đó cả vị mắm tôm chanh. Thiếu nó thì không hình dung ra Hòa Vang một cách đầy đủ. Ngay những ngày bệnh hiểm nghèo, dù rất mệt, anh vẫn thích có người xung quanh, vắng là rất buồn”.
Nếu trong văn chương ông là một Hòa Vang ngang tàng, dũng khí - một kẻ phong trần thì khi ham chơi lạc lối sang điện ảnh, ông lại hiền lành không ngờ. Với ông, có lẽ chuyện đóng phim cũng như trăm ngàn cuộc rong chơi dưới thế mà ông từng trải, bởi vậy mà ông chẳng bao giờ nói về chuyện này. Ít người biết ông từng là cán bộ xưởng phim đèn chiếu và cũng không mấy ai để ý rằng ông đã từng đóng phim.
Vốn có chút duyên phận với điện ảnh từ khi là cán bộ xưởng phim đèn chiếu, Hòa Vang đóng phim trước tiên vì bản tính ham vui của mình. Và cũng giống như một số bậc tiền bối như Nguyễn Tuân, Kim Lân, Hòa Vang đóng phim còn vì... quen thân với đạo diễn. Ông và đạo diễn Trần Phương gặp nhau trong một cuộc chuyện trò như bao cuộc chuyện trò lúc trà dư tửu hậu mà ông thường có mặt. Mê thích cái khẩu khí của Hòa Vang, đạo diễn Trần Phương coi ông như người bạn quý và cao hứng mời đóng phim Tiếng sáo ly hương. Tất nhiên là Hòa Vang hồ hởi nhận lời. Một kẻ sĩ từng khoác ba lô đi bộ xuyên Việt chỉ để nhìn ngắm quê hương mình không thể từ chối cơ hội để rong chơi. Ông nhập hội làm phim, kéo nhau ra tận bãi biển Trà Cổ, Quảng Ninh - nơi được chọn làm bối cảnh một làng chài Trung Quốc. Hòa Vang vào một vai rất nhỏ không tên: ông già Trung Quốc có cậu con trai câm, một lần tình cờ cứu sống hai cô gái Việt Nam, ông tìm cách cưới một trong hai cô về làm vợ cho con trai mình.
Vai diễn không khó lại chỉ xuất hiện vài phút trên phim nhưng oái oăm là nhân vật phải nói tiếng quan thoại. Khi ra trường quay, đạo diễn Trần Phương vừa ngạc nhiên vừa vui mừng với phát hiện “ không ngờ ông ấy cũng nói được tiếng Tàu. Tôi hầu như không cần thị phạm, ông ấy tự biết phải diễn như thế nào”. Sẵn mối tình cảm, kể từ đó họ càng quí nhau hơn. Mỗi lần đạo diễn Trần Phương đi làm phim đều nhớ đến ông bạn nhưng phải đến Khi người ta yêu - bộ phim “dối già” của mình ông mới dành cho bạn mình một vai diễn nữa - cũng là một vai diễn không tên, được gọi là nhà thơ.
Từ trái sang Nhà văn Hòa Vang, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đinh Toán, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà thơ Hoàng Cầm trong chuyến đi xuyên Việt
Giống như bao nhà thơ khác trên đời, nhà thơ Hòa Vang trong phim cũng mơ mộng và lãng mạn, đem lòng tương tư một cô gái xinh đẹp nhưng luôn bị bà vợ đáo để lôi tuột về cõi đời trần tục. Bộ dạng kiểu đạo sĩ giúp Hòa Vang vào vai mà chẳng cần hoá trang, cũng chẳng cần biến hoá gì nhiều, vẫn tóc ấy, râu ấy, khuôn mặt nhầu nhĩ, cái lưng gù gù. Có một điều trái khoáy là nếu như trong đời, Hòa Vang ít chịu làm vai thứ, dù trên chiếu văn chương, nơi bàn nhậu hay khi “cao đàm khoát luận” giữa bạn bè thân hữu. Thế nhưng lúc bước vào làng điện ảnh, ông vui vẻ chấp nhận những vai thứ không tên, chỉ xuất hiện vài phút trên màn ảnh, thậm chí chưa kịp tạo chút ấn tượng gì cho khán giả.
Sinh thời, đạo diễn - NSND Trần Phương từng ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm với Hòa Vang: “ Ông ấy là người dễ gần, dễ thương lắm, nói chuyện nhỏ nhẹ như con gái. Hai chúng tôi quí nhau và đều thích ở cạnh những người bạn như thế. Chúng tôi đã coi những lần đi làm phim như một cuộc trò chuyện, một chuyến đi chơi với những người bạn”.
Có lẽ ở trong đời, cái quí nhất là được sống trong lòng những người bạn tốt ngay cả khi hồn đã lìa khỏi xác. Và nếu như thế thì Hòa Vang hẳn là một người sung sướng.
HOÀNG MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022