Phạm Văn Kiêm - Trăm năm dâng văn hầu Thánh

Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn do Nhà sách Tri Thức Trẻ và NXB Hội Nhà Văn ấn bản, là công trình nghiên cứu của TS. Lê Y Linh về nghệ thuật hát văn - một thành tố không thể thiếu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ. Nét đặc sắc của cuốn sách là hướng người đọc đến góc nhìn từ chân dung và những đóng góp lớn lao cho loại hình nghệ thuật này của cây đại thụ Phạm Văn Kiêm.

Cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm cùng bản chầu văn kinh điển.- Ảnh: Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long

Tiếng hát văn nức tiếng đất Hà thành

Đối với giới nghiên cứu hay giới thực hành, Phạm Văn Kiêm hẳn chẳng là cái tên xa lạ. Ông sinh năm 1921 tại Mỹ Hào, Hải Hưng, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Lên Hà Nội theo học hát văn cụ Cả Mã từ năm 13 tuổi, ông đã có dịp theo thầy đi hát ở nhiều đền to, phủ lớn. Năm 17 tuổi, ông đã đảm đương vai trò là người hát chầu văn chính ở phủ Tây Hồ (Hà Nội) cho đến năm 1954. Nhờ tài năng và danh tiếng của mình, ông còn được mời đi hát ở các đền nổi tiếng ở miền Bắc: phủ Dầy (Nam Định), đền Đông Cuông (Yên Bái), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Cửa Ông (Quảng Ninh),…

“90% văn cung văn hát hiện nay là của ông Kiêm”, có thể xem đây là việc tỏ bày sự kính trọng mà các học trò dành cho người thầy của mình. Được mọi người ngưỡng mộ, kính nể là do ông rất tận tình trong việc truyền dạy không chỉ cho học trò, mà cả những đồng nghiệp trong làng hát chầu văn. Ai muốn trau dồi học hỏi, nghệ nhân Phạm Văn Kiêm sẵn sàng cho bản văn, bày cách hát. 

TS Lê Y Linh

Với vốn am hiểu tường tận về chữ Hán, chữ Nôm, ông sưu tập các văn cổ và đi sâu vào tìm tòi, nghiên cứu. Tập hợp các bản văn tản mạn khắp nơi để xuất bản có lẽ không còn là việc quá khó ngày nay, nhưng cái khó nhất là làm sao xác định thông tin chính xác về nguồn gốc các bản văn. Bởi điều này có tầm quan trọng lớn đối với người thực hành và người nghiên cứu trên nhiều phương diện. Sinh thời, ông Kiêm từng phê bình việc xuất bản các bản văn, có vài chục bản mà góp nhặt lung tung, không đâu vào với đâu. Và cũng luôn băn khoăn, không hiểu tại sao “có những nhà nghiên cứu in sách ra, phân tích nhạc văn mà không có giải thích, không có trình bày, thì làm sao người ngoại đạo có thể hiểu được nghệ thuật hát văn”.

Ý thức được sự tản mạn trong hệ thống các bản văn, ngay từ khi còn trẻ, ông đã đã sưu tầm văn cổ từ các cụ nghệ nhân thế hệ trước, dịch lại từ bản Hán - Nôm. Từ đó, ông lấy cảm hứng, tích, ý từ chầu văn cổ để cải biên và sáng tác. Như vậy, có thể thấy, thông thuộc lề lối cổ chưa đủ để mô tả về cái tài của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm. Vì hơn thế nữa, ông còn phát triển nghệ thuật hát văn đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo trên nền tảng những hiểu biết mà thế hệ tiền bối truyền lại. Trong số những sáng tác của cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm, ngoài những bản chầu văn phục vụ cho nghi lễ hầu đồng, ông còn để lại những bài hát khác như: Xin nghỉ việc, Hút thuốc trong màn nhớ bạn… Nhưng đáng tiếc, do một số lý do, những cuốn văn của ông vô tình bị thất lạc ngay từ khi ông vẫn còn sống. 

Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn (tác giả Lê Y Linh) do Nhà sách Tri Thức Trẻ và Nxb Hội Nhà văn phát hành

Song, nhìn chung, đây là quá trình hoàn thiện nhất, minh chứng vai trò quan trọng của ông Kiêm là người từ sưu tập nâng lên tầm giữ gìn, bảo tồn, lan tỏa và phát triển nghệ thuật hát văn. Và theo như một nhận định của TS Lê Y Linh thì “Thầy luôn miệt mài trau dồi trong suốt cả cuộc đời để trở thành người thầy lớn nhất trong làng cung ăn ở miền Bắc”.

Hoàn thiện tính chuyên nghiệp cho nghệ thuật dân gian

Vừa là ông giáo dẫn dắt nhiều thế hệ cung văn nổi danh, nghệ nhân Phạm Văn Kiêm cũng là người thầy dìu dắt TS Lê Y Linh trên con đường học thuật. Thậm chí, chị còn có vinh hạnh được ông giới thiệu là con gái nuôi với các đệ tử của ông. Nhờ sự chỉ bảo của thầy, chị dần hoàn thiện hơn luận điểm của mình về sự chuyên nghiệp trong tổ chức cung văn. 

Trong một nghiên cứu, cố giáo sư Tô Ngọc Thanh từng nhận định:“Một nền âm nhạc chuyên nghiệp là một nền âm nhạc có tác giả và tác phẩm, một nhạc công chuyên nghiệp là một nhạc công sống bằng nghề âm nhạc”. TS Lê Y Linh nhấn mạnh, cung văn thật sự là những nhạc công chuyên nghiệp, đồng thời cũng là chuyên gia về việc thánh. Những công trình nghiên cứu sau thập niên 90 của thế kỷ trước cho biết, cung văn thời gian gần đã chuyên nghiệp hóa hơn về phần âm nhạc. 

Đàn nguyệt - nhạc cụ với các cung văn trong mỗi cuộc hát - Ảnh chụp cố nghệ nhân Hoàng Trọng Kha do Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long lưu trữ

Tuy nhiên, cũng trong cuốn sách, TS Lê Y Linh đặt vấn đề, lề lối hát văn hiện nay mới chỉ được đặt ra từ đầu thế kỷ XX. Vậy làm thế nào để trong khoảng 100 năm, loại hình nghệ thuật này được hoàn thiện theo hướng bài bản như vậy. Bàn về sự bài bản, trước tiên phải kể tới các làn điệu cơ bản trong hát chầu văn. Cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm từng chỉ ra có 4 điệu cơ bản là phú, dọc, cờn, xá. Theo Lê Y Linh, từ “xá” có khả năng xuất phát từ tên gọi dân tộc Xá, còn “phú” xuất phát từ khái niệm thơ phú, gắn với hình ảnh phong lưu, trang nhã của các vị quan. Vậy còn “dọc” và “cờn”? Dòng hoài nghi miên man nảy lên trong suy nghĩ của Lê Y Linh, có phải chăng, “dọc” là làn điệu đi dọc khắp các buổi lễ vấn nào cũng có, còn điệu còn có liên quan đến bản văn Tứ vị Thánh Cờn (bốn vị thánh có nguồn gốc là hoàng thân triều Tống ở Trung Hoa, xuất hiện trong tín ngưỡng bản địa của Việt Nam). Sự hoài nghi ấy thôi thúc chị phải sớm tìm ra câu trả lời thỏa đáng. 

Trong việc nâng lên thành loại hình nghệ thuật có bài bản cao, công lao trước tiên là nhờ cụ Cả Mã. Tuy nhiên, lề lối hát văn hiện nay không phải do một mình cụ Cả Mã đặt ra. Mà theo cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm, cùng thời còn có rất nhiều cung văn nổi danh khác. Mỗi người sinh ra ở một địa phương khác nhau. Khi lên Hà Nội hành nghề, họ nhìn và học theo các cung văn Hà Nội. Sau đó, mỗi người với một cá tính nghệ thuật riêng, họ đã phối kết hợp tinh hoa mà họ tiếp thu ở nơi đất khách với bản sắc địa phương đã ngấm vào trong mình, để sáng tạo thêm các cách hát độc đáo. Có lẽ, sự bài bản cũng dần dà được cấu thành từ sự đa dạng trong các phong cách diễn xướng đó. 

Để có thể theo được một buổi hầu, mỗi người phải mất ít nhất 5-7 năm học tập. Vừa phải học hát sao cho hay, mà còn phải thuộc trình tự, thể lệ lễ bái, tích của các vị thánh… Ban đầu, các học trò bắt đầu học bằng cách tập các điệu chính của văn hầu (phú, dọc, cờn, xá) và cách xử lý lời văn vào từng điệu để hát văn hầu. Trước tiên là hát mộc, sau mới học đàn nguyệt. Cung văn phải giữ nhịp và đệm cho hát 4-5 tiếng đồng hồ không nghỉ. Điều này đòi hỏi ngón đàn phải thật là điêu luyện và sắc xảo, để có thể theo được suốt buổi lễ. Ngoài việc phải thuộc văn và có tài ứng tác, cung văn nào cũng phải biết chơi một đến hai loại nhạc cụ cơ bản là đàn nguyệt, mõ, phách,..

Nghi thức hầu đồng luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm linh của người Việt - Ảnh: Hoàng Vũ Lâm

Trải qua một quá trình khổ luyện như vậy, quả thực xứng đáng với việc cung văn hầu bóng có địa vị cao so với những người làm nghề đàn hát trong xã hội cũ. Thậm chí, Lê Y Linh còn xem, dâng văn Tứ phủ còn là một vinh dự. Nhưng đó chẳng phải là lý do tiên quyết cho việc họ được “trọng vọng” hơn. Mà hình như, tiền họ kiếm được là lộc mà các vị thánh ban phát cho, nên giá trị của họ lại càng được nâng lên. 

Tóm lại, Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn với hướng tiếp cận độc đáo - xuất phát từ nhân vật là cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm góp phần giúp người đọc hiểu hơn về lịch sử phát triển, kho tàng các bài hát của loại hình nghệ thuật này trong vòng hơn một thế kỷ qua, nhất là khi chưa có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật hát văn được công chúng biết đến rộng rãi như hiện nay.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân, từng có thời gian công tác tại Ban Nghiên cứu, Viện Âm nhạc và Múa (nay là Viện Âm nhạc). Chị có duyên theo học cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm vào nửa cuối những năm 1980, trước khi sang Pháp tu nghiệp và làm nghiên cứu sinh vào đầu những năm 1990. Hiện, chị đang là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lịch sử Cận đại và Hiện đại - Trường Cao đẳng Sư phạm Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp.

NAM SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;