Những cặp bài trùng của điện ảnh Việt

Điện ảnh cũng như nhiều ngành sáng tạo nghệ thuật mang tính tập thể khác, luôn xuất hiện những ê - kíp ăn ý. Sự phối hợp giữa họ không chỉ mang đến một tác phẩm thành công mà còn giúp họ ghi được những dấu ấn cá nhân của mình. Điện ảnh Việt Nam có không ít những “cặp bài trùng” từng để lại nhiều tác phẩm “để đời”.

Thanh Vân và Nhuệ Giang

“Cặp đôi” ăn ý đầu tiên có thể kể đến đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ khi những tác phẩm họ cùng cộng tác không chỉ mang lại tên tuổi, sự nghiệp cho họ với nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh mà còn là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh VN. Mối duyên được cộng hưởng đúng vào thời điểm cả hai đều đang sáng tác sung sức nhất đã để lại cho hậu thế những bộ phim: Biển gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (với cái tên khởi thủy là Bão tuyến), Em bé Hà Nội, Thành phố lúc rạng đông, Mối tình đầu… Họ trở thành một trong số không nhiều những “cặp tác giả” có thành công đặc biệt của điện ảnh Việt Nam.

Kịch bản Bão tuyến hình thành trong chuyến thực tế Cửa Tùng, Vĩnh Linh của Hoàng Tích Chỉ. Từ đây, đạo diễn Hải Ninh đã chuyển thành kịch bản hai tập Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Bộ phim đồ sộ này đã được đánh giá là có “một vị trí đặc biệt trong những bộ phim về đề tài chống Mỹ”. Với bộ phim này, những người làm phim còn đặt viên gạch nền móng cho việc làm phim truyện nhiều tập. 

Bám trụ lại Hà Nội trong những ngày B52 bắn phá ác liệt, Hoàng Tích Chỉ cùng Hải Ninh và Vương Đan Hoàn bàn bạc làm một bộ phim về 12 ngày đêm khói lửa này từ một bài báo mà đạo diễn Hải Ninh vô tình đọc được về mẹ con một cô công nhân. Các tác giả hình thành rất nhanh câu truyện phim và Hoàng Tích Chỉ đã viết kịch bản trong 3 ngày, B52 ngừng ném bom Hà Nội thì kịch bản cũng hoàn thành.  

 Có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, hai đồng nghiệp thân thiết đã cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc quý giá của lịch sử và trở thành một trong những người đầu tiên đặt chân vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong chuyến đi này, bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông ra đời, tái hiện chân thực và cảm động ngày hội đoàn viên của đất nước Việt Nam trong ngập tràn cờ, hoa, nụ cười và nước mắt.

Lý giải cho sự kết hợp chặt chẽ, ăn ý trong quan hệ biên kịch - đạo diễn này, cố đạo diễn - NSND Hải Ninh cho rằng: “Sự cộng hưởng trong sáng tác của chúng tôi dựa trên sự tương hợp cả về cảm xúc lẫn tri thức. Sự nghiệp của chúng tôi “dính liền” với nhau qua nhiều tác phẩm, đều là tác phẩm mang lại danh tiếng cho cả hai người... Điều đáng nói là trong cuộc đồng hành chung, chúng tôi đã cùng truyền lửa cho nhau, cùng trải nghiệm, cùng giúp nhau nuôi giữ cảm hứng trong hành trình sáng tạo của mình. Đây là bài học lớn đối với người làm nghề. Tôi tin rằng nếu biên kịch và đạo diễn “tìm thấy nhau” trong cuộc đồng sáng tạo thì chắc chắn những tác phẩm điện ảnh tốt sẽ được hình thành”. 

Cũng may mắn “tìm thấy nhau trong cuộc đồng sáng tạo”, ê kíp gồm đạo diễn Nguyễn Thanh Vân/ Nhuệ Giang - Biên kịch Nguyễn Quang Lập - diễn viên Hồng Ánh cũng để lại những tác phẩm từng giúp họ làm nên tên tuổi như Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trái tim bé bỏng, Người đàn bà mộng du… Đạo diễn Thanh Vân từng nói: “Có lẽ bởi cái tạng của chúng tôi gần nhau nên hợp nhau trong quan điểm sáng tạo”. Còn nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập thì cho rằng “Thanh Vân trầm tĩnh và tinh tế, Nhuệ Giang vô cùng quyết liệt, có con mắt tinh đời khi chọn diễn viên. Họ bổ sung hoàn hảo cho nhau, thành công của Đời cát có công lớn của Giang khi phát hiện ra Mai Hoa. Còn Thanh Vân mạnh trong việc xác định cấu trúc và tìm ra đường dây tâm lý giữa các nhân vật trong Thung lũng hoang vắng góp phần vào thành công của phim”. Luôn tự nhận mình “là người ở giữa”, Nguyễn Quang Lập biết rõ cá tính sáng tạo của mỗi người khi cho rằng “tư duy sáng tạo của Nhuệ Giang và Thanh Vân là hoàn toàn độc lập, họ luôn muốn thể hiện mình trong mỗi bộ phim”. Bởi vậy, với mỗi người anh lại “cung cấp một kịch bản khác nhau” phù hợp với tạng của họ. Có lẽ chính vì hiểu rõ về nhau nhưng vẫn độc lập trong sáng tạo mà tuy luôn song hành cùng nhau trong mỗi lần làm phim nhưng mỗi bộ phim của họ đều mang dấu ấn rất riêng của mỗi người. 

Đời cát - bộ phim thành công nhất trong sự cộng tác của ê - kíp này là một minh chứng khi nó bắt đầu từ một ý tưởng của Thanh Vân sau khi đọc truyện ngắn Hai người trên sân ga. Nguyễn Quang Lập cộng hưởng sáng tạo với một kịch bản xuất sắc trên nền bối cảnh là vùng đất miền Trung nơi anh từng sinh ra và lớn lên. Thông điệp chứa đầy tính nhân bản của Đời cát đã giúp nó vượt qua biên giới của một đất nước để đến với thế giới. 

Nhắc đến thành công của ê - kíp này, không thể không có sự hiện diện của Hồng Ánh khi cô hầu hết đảm đương vai nữ chính trong các bộ phim. Đạo diễn Thanh Vân nhận xét: “Trong Đời cátThung lũng hoang vắng, nếu chỉ đọc kịch bản thì nhân vật rất nhạt, không có gì để diễn. Vậy mà Hồng Ánh biết cách làm nhân vật có đất sống. Cô ấy lao động nghiêm túc, nhạy cảm trong diễn xuất và có khả năng tự làm mới mình”.

Ê kíp làm phim Phan Đăng Di - Phạm Quang Minh và Nguyễn Hoàng Điệp

Một nhóm “tam tấu” khác cũng thành công khi hết hợp với nhau là đạo diễn Lê Hoàng - nhà quay phim Phạm Hoàng Nam và diễn viên Mỹ Duyên. Một đạo diễn “giỏi bịa chuyện”, một “tay máy duy mỹ” và một “em bé Sài Gòn” trong sáng ngây thơ đã phối hợp với nhau ăn ý trong Lưỡi dao, Chiếc chìa khóa vàng, Gái nhảy… mang lại thành công cả về nghệ thuật và doanh thu.

Rất thành công trong vai trò đạo diễn các video clip, event nhưng phải đến khi kết hợp với Lê Hoàng, Phạm Hoàng Nam mới đứng vào hàng ngũ những tay máy tiếng tăm của điện ảnh Việt Nam. Vào lúc cả nước chỉ sản xuất có vài phim nhựa/năm, may mắn lắm mới được giao phim, đạo diễn Lê Hoàng đã gây bất ngờ khi giao trọng trách quay phim Lưỡi dao cho Phạm Hoàng Nam - khi ấy mới chỉ được biết đến như là một đạo diễn video clip ca nhạc trong khi đạo diễn khó tính này luôn có thói quen chỉ làm việc với những tay quay vững vàng và có tên tuổi (như Đinh Anh Dũng). Có thể nói Phạm Hoàng Nam đã đóng góp rất lớn vào thành công của bộ phim Lưỡi dao, đặc biệt là cảnh quay xuất thần, khi bóng của chiếc thánh giá hằn lên gương mặt với đôi mắt ngước nhìn của Mỹ Duyên luôn được nhớ tới như là một hình ảnh mang tính biểu tượng và ngôn ngữ điện ảnh đầy sức nặng...

Nếu sau vài bộ phim họ cùng cộng tác, Phạm Hoàng Nam gần như chiếm vị trí số một trong làng quay phim của điện ảnh phía Nam thì có thể nói, chính đạo diễn Lê Hoàng đã tạo ra diễn viên Mỹ Duyên khi anh “tìm thấy” cô diễn viên ba lê này cho những bộ phim của mình “Bao giờ phim của tôi cũng cần một nhân vật trong sáng lương thiện, cho dù nhân vật đó có xuất thân từ nghề cặn bã của xã hội đi chăng nữa. Mà những nhân vật như vậy tôi thấy không ai thể hiện thành công hơn Mỹ Duyên”.

Nhắc đến các “cặp bài trùng” của điện ảnh VN không thể không nhắc tới bộ ba Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp và quay phim Phạm Quang Minh khi họ từng cộng tác ở tất cả các dự án phim của nhau, từ phim ngắn tới phim truyền hình và phim điện ảnh. Cùng chọn con đường làm phim độc lập, họ may mắn tìm được sự cộng hưởng sáng tạo và bởi theo Phan Đăng Di thì “tất cả các nhà làm phim độc lập đều phải dựa trên nền tảng là ê kíp của mình”. Bởi vậy mà ở mỗi dự án phim, nếu Phạm Quang Minh luôn đảm nhiệm vai trò đạo diễn hình ảnh và quay phim thì Di và Điệp lại hoán đổi vị trí cho nhau trong vai trò đạo diễn hoặc nhà sản xuất. 

Nguyễn Hoàng Điệp bộc bạch rằng sở dĩ họ thành ê - kíp vì người nọ bổ sung cho người kia, nếu Di “thuộc dạng “từ điển bách khoa nhưng sắp xếp hơi lộn xộn” thì Điệp “biết cách sắp xếp và tra cứu”. Còn Phan Đăng Di thì khẳng định: “Không chỉ có niềm tin, có một ê kíp bên mình còn là niềm vui lớn khi được chia sẻ tình yêu điện ảnh với nhau. Sự hợp tác giữa những người cùng chí hướng gần như là một quan hệ rất thân thiết, có thể đi cùng nhau đường dài và chia sẻ đam mê”.

 Sau hai dự án Cha và con và những người khác (biên kịch và đạo diễn Phan Đăng Di/nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp) và Đập cánh giữa không trung (Biên kịch và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp/ nhà sản xuất Phan Đăng Di, Đỗ Thị HảiYến), ê kíp này vẫn đang ấp ủ rất nhiều dự định.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;