Đạo diễn, NSƯT Mai Hồng Phong - Sở trường phim chính luận

Đạo diễn, NSƯT Mai Hồng Phong là cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình qua nhiều bộ phim mang màu sắc chính luận, phản ánh hiện thực xã hội như: Những ngọn nến trong đêm, Đèn vàng, Phía cuối cầu vồng, Blog nàng dâu, Lời thì thầm từ quá khứ, Quỳnh búp bê, Lựa chọn số phận… Nổi tiếng là đạo diễn kỹ tính, khắt khe khi chọn kịch bản, điểm nổi bật trong các sáng tác của đạo diễn Mai Hồng Phong là cách kể chuyện sáng tạo và đầy cá tính. Dù là phim chính luận, phim của anh cũng luôn được làm theo hướng mềm mại, tạo nên sức hút rất riêng.

Bộ phim Quỳnh búp bê của anh từng thu hút được sự chú ý của khán giả với những luồng dư luận trái chiều. Thành công của bộ phim chắc hẳn sẽ tạo thêm động lực cho anh, nhưng anh có gặp phải áp lực nào không? 

Tôi luôn cố gắng tìm hiểu vì sao khán giả lại đón nhận và yêu thích một bộ phim. Tôi từng tự hỏi, tại sao người ta thích Quỳnh búp bê và tôi cảm nhận, một bộ phim có những nhân vật được nhiều người đồng cảm, yêu thích, xót thương hay phẫn nộ thì sẽ gây được sự chú ý. Quỳnh búp bê được đón nhận còn bởi đề tài lạ, bản thân nhân vật có số phận nghiệt ngã tạo nên sự đồng cảm của khán giả. Tôi rất mừng và cảm thấy hạnh phúc khi Quỳnh búp bê đã thu hút lượng khán giả theo dõi phim nhiều đến vậy, thậm chí bộ phim còn chia làm hai luồng dư luận, phía đồng tình ủng hộ và phe phản biện. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã tạo nên một tác phẩm có những đóng góp cho xã hội. Tôi tin thông qua bộ phim sẽ có những khán giả rút ra những chiêm nghiệm của riêng mình, cũng như sẽ có cái nhìn vị tha hơn, bao dung hơn để cùng hướng tới những điều nhân ái, chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp. Sau Quỳnh búp bê, đúng là tôi cũng có áp lực khi làm những bộ phim sau. Nhưng tôi nghĩ nhiều hơn về mặt tích cực, đó là động lực cho tôi cố gắng sáng tạo. 

Anh là một trong số các đạo diễn không ngại khai phá những kịch bản chính luận vốn vẫn được coi là khô khan và ít hấp dẫn khán giả hơn những đề tài khác. Vậy theo anh, làm thế nào để tìm sự hấp dẫn ở những kịch bản chính luận?

Ngay cả với một bộ phim chính luận tưởng khô khan như Lựa chọn số phận, tôi cũng thấy không phải cứ phim về ngành tòa án với nhân vật là các thẩm phán thì sẽ khô cứng. Các nhân vật trong kịch bản có nhiều bi kịch, số phận thậm chí nghiệt ngã hơn cả Quỳnh búp bê. Câu chuyện gần gũi, thu hút, nhân vật tạo được cảm xúc cho khán giả sẽ khiến bộ phim trở nên hấp dẫn. Khai thác từng nhân vật ta sẽ thấy những góc khuất xã hội, những mối quan hệ tình bạn, tình yêu, gia đình, đồng nghiệp... Tôi đã trải nghiệm nhiều đề tài và cảm thấy hạnh phúc với nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng dù có đề tài gì thì thông qua tất cả các tác phẩm, tôi đều muốn gửi gắm đến người xem những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. 

Các nhận vật trong phim của tôi đều đi ra từ cuộc sống và mang một thông điệp nào đó gửi đến người xem. Tôi thích những kịch bản xây dựng nhân vật trải qua nhiều thử thách của số phận, đường đời chông gai để rồi vượt qua nghịch cảnh mới chạm đến thành công, hạnh phúc. Khi ấy, số phận của họ sẽ mang lại nhiều bài học và cái kết có hậu sẽ đem đến cảm xúc cho khán giả. Cuộc sống luôn đầy những áp lực, thành công không bao giờ đến dễ dàng. Để tồn tại và gặt hái trái ngọt, mỗi người đều phải cố gắng vượt qua nhiều thử thách. 

Bộ phim Lời thì thầm từ quá khứ của anh là phim truyền hình đầu tiên của VFC sử dụng kỹ xảo hình ảnh để đáp ứng ý tưởng sáng tạo của đạo diễn. Theo anh, kỹ xảo góp phần như thế nào vào thành công của một bộ phim?

Một bộ phim muốn để lại dấu ấn cho người xem phải cần rất nhiều yếu tố. Theo tôi càng ngày người xem càng khó tính hơn, ngoài yếu tố về đề tài, thông điệp bộ phim mang lại thì điều rất quan trọng, để bộ phim gây ấn tượng là nhờ vào hình thức trình bày, những hiệu ứng đặc biệt trong phim. Bộ phim muốn để người ta nhớ, phải mang lại những trạng thái cảm xúc khác nhau. Những bộ phim có hiệu ứng đặc biệt thường mang lại những cảm xúc khó tả, những bất ngờ với sức hấp dẫn rất riêng. 

 Lâu nay thế mạnh của VFC là những bộ phim chính luận đi sâu vào những vấn đề “nóng”, những đề tài được cho là gai góc trong xã hội hay dòng phim tâm lý xã hội hướng đến đối tượng khán giả trẻ. Với bộ phim Lời thì thầm từ quá khứ, VFC còn chính thức đánh một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên, kỹ thuật dựng phim và những kỹ xảo hiện đại nhằm mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả. Thông qua bộ phim này, tôi muốn khẳng định với kinh phí hạn hẹp chúng ta hoàn toàn có thể làm được những kỹ xảo đặc biệt. 

Vậy theo anh cần phải làm gì để kỹ xảo đạt hiệu quả hơn nữa trong những phim sau?

 Từ xưa đến nay các phim của VFC luôn bám sát đời sống hiện thực nên cũng ít có đất để đưa những hiệu ứng đặc biệt vào, bởi vậy chúng tôi vẫn đang tìm tòi. Nhưng tôi rất hy vọng, một ngày nào đó chúng ta sẽ chuyên nghiệp hơn trong việc phân chia các dòng phim với khung giờ phát sóng dành cho những đối tượng khán giả riêng biệt. Dòng phim kinh dị lúc ấy sẽ được đầu tư để có kinh phí sử dụng kỹ xảo, hiệu ứng đặc biệt với khung giờ phát sóng và giá quảng cáo riêng, Như thế chúng tôi sẽ dễ làm hơn và việc làm kỹ xảo sẽ chuyên nghiêp dần. Truyền thông cùng các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, quảng cáo cũng rất nhạy bén, nếu có khung giờ đặc biệt, dành riêng cho một thể loại phim, chắc họ cũng sẽ quan tâm dù giá cao. 

Theo anh, để nâng cao chất lượng phim truyền hình cần những yếu tố gì?

Với tôi có hai yếu tố hấp dẫn khán giả quan trọng hàng đầu, đó là phải có nhân vật để khán giả hào hứng dõi theo, vừa tìm thấy mình ở trong đó, vừa muốn gửi gắm điều gì đó, nói hộ với ai đó, vừa háo hức với nhân vật. Những tình huống mà nhân vật trải qua chính là những kinh nghiệm, lời khuyên, phương án lựa chọn cho người xem. Tất cả điều đó phải diễn ra một cách cực kỳ logic, hợp lý. Đặc biệt là phải ấn tượng, để khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 

Cảnh trong phim Lựa chọn số phận

Muốn như vậy, đầu tiên kịch bản phải đủ tầm để mang đến cho người xem những hình mẫu nhân vật thực sự mới lạ, đại diện cho những luồng suy nghĩ mới, cách nhìn mới về cuộc sống, mang một thông điệp mà mọi người có thể tham khảo, lựa chọn ngoài một công việc, một diện mạo, cá tính. Bản thân kịch bản là một bài toán khó với các nhà biên kịch, sao cho vừa thấm đẫm hơi thở cuộc sống, lại phải gánh vác trên vai một thông điệp. Vấn đề thứ hai là các nhà biên kịch và đạo diễn phải phát huy trí tưởng tượng, phải quan tâm khán giả thích gì, chán gì. Tôi cho rằng có khi khán giả chán không phải vì bội thực, cứ nói mãi một giọng người ta sẽ chán. Cách truyền đạt, cách kể chuyện mới, phải sáng tạo là áp lực của đạo diễn, đạo diễn cũng phải truyền lửa cho diễn viên. Diễn viên, đặc biệt là diễn viên chính, không chỉ cần trẻ và đẹp là phim ăn khách, họ còn phải đủ nội lực để gánh vác trên vai sứ mạng quan trọng, đó là truyền cảm xúc cho khán giả. 

Cảm ơn anh và chúc anh thành công! 

HOÀNG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

 

;